xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tan nát dòng Chà Và, Đồng Nai và Phú Hội

XUÂN HOÀNG - NGỌC GIANG - THÀNH ĐỒNG

Trong suốt những ngày đi thực tế, nhóm phóng viên ghi nhận cảnh oằn mình gánh chịu ô nhiễm của sông Chà Và, Đồng Nai và Phú Hội dù đã không ít lần kêu cứu

Ở thượng nguồn sông Đồng Nai, ghi nhận tại các xã Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Tà Lài (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) và xã Đạ Kho (huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) cho thấy cả một đoạn dài sông bị "lở loét" vì sạt lở. Con sông theo đó "rên xiết", còn nông dân mất đất khóc ròng trong tiếng máy xúc, máy hút cát.

Tan nát dòng Chà Và, Đồng Nai và Phú Hội - Ảnh 1.

Những họng cống khiến sông Phú Hội “chết” từ vài năm trước. Ảnh: THÀNH ĐỒNG

Oằn mình hứng nước thải

Chuyện ở thượng nguồn đã rõ bởi báo chí, trong đó có Báo Người Lao Động, không ít lần phản ánh. Riêng ở hạ nguồn, những ngày này, sông Đồng Nai đang ngày đêm phải gánh không biết bao nhiêu họng xả, nước thải chưa qua xử lý cứ thế hòa vào nước sông. Điển hình, ở đoạn chảy qua TP HCM, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, hiện hai bên bờ hệ thống cống xả nơi len lỏi, nơi ồ ạt chảy ra. Cụ thể, ở đoạn chảy qua TP Biên Hòa, con sông đang oằn mình gánh nước thải của đô thị hơn triệu dân, cùng với các khu công nghiệp. Chưa hết, ở những nhánh sông đổ về sông Đồng Nai như La Ngà (huyện Định Quán), sông Cái (TP Biên Hòa) cũng đang ngày đêm gánh nước thải hòa nước sông. Phía quận 9 (TP HCM), các thị xã Dĩ An, Tân Uyên (Bình Dương) với các nhà máy, cơ sở sản xuất mọc lên ngày càng nhiều, việc tiêu tán nước thải từ sinh hoạt đến công nghiệp (đã xử lý hay chưa qua xử lý) cũng dồn về một mối - sông Đồng Nai.

Rời Đồng Nai, chúng tôi có mặt ở sông Phú Hội (thuộc phường Bình Hòa, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) vào sáng 14-4. Hình ảnh đầu tiên khiến chúng tôi không khỏi choáng là dòng nước đặc quánh, nhiều khu vực nước một màu đen ngòm. Đi dọc con sông này, dễ dàng bắt gặp những miệng cống đua nhau xả thải. Ở những nơi có họng cống, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Theo người dân, con sông này đã "chết" từ vài năm trước dù họ không ít lần "thay mặt" con sông lên tiếng cầu cứu.

Quay trở lại Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi mà hơn một tháng qua, dư luận liên tục bức xúc trước tình trạng nước trong đầm chứa khu vực cống số 6 (thuộc xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ) đổi thành màu tím, bốc mùi hôi thối. Suốt hơn một ngày khảo sát tại khu vực cống số 6 - một hồ chứa nước mưa, nước thải qua xử lý, hồ cũng làm thêm nhiệm vụ điều tiết khi có mưa lũ, do vậy nước trong hồ sẽ thông qua cống và đổ ra sông Chà Và, chúng tôi ghi nhận cả một đầm nước chuyển thành màu tím, nhìn từ trên cao, hồ nước như một tấm vải được nhuộm, khác biệt hoàn toàn với các dòng nước xung quanh. Tình trạng ô nhiễm đến mức người dân không dám mở cửa, bởi chỉ cần đứng bên ngoài một lúc sẽ choáng váng. Vì lẽ đó, ở khu vực này những tấm bảng với dòng chữ "bán nhà" xuất hiện ngày càng nhiều. "Miệng cống số 6 vẫn đóng, song có hiện tượng nước màu hồng rò rỉ ra sông Chà Và" - chị Hải, một cư dân trong khu vực, bức xúc nói. Chị cho hay trước đây chính nước trong hồ đã gây ô nhiễm ra khu vực sông Chà Và, khiến cá chết hàng loạt nên bây giờ khó mà không ngoại lệ.

Tan nát dòng Chà Và, Đồng Nai và Phú Hội - Ảnh 2.

Một vụ cá nuôi lồng bè chết hàng loạt trên sông La Ngà - một nhánh của sông Đồng Nai. Ảnh: XUÂN HOÀNG

Tài sản, sức khỏe "chìm" theo con nước bẩn

Theo chị Hải, nhắc đến sông Chà Và không thể không nhắc lại vụ việc hàng chục hộ dân xã Long Sơn khởi kiện cách đây mấy năm. Số là năm 2015, người dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và chịu thiệt hại nặng nề vì cá chết. Cơ quan chức năng sau đó vào cuộc và xác định được 14 doanh nghiệp (DN) xả thải ra môi trường chính là nguyên nhân, từ đó cũng đã có báo cáo xác định thiệt hại hơn 18 tỉ đồng. Qua nhiều lần đối thoại không thành, người dân đã làm đơn khởi kiện ra tòa, yêu cầu được đền bù thiệt hại. Sau 3 lần hòa giải, có 2 DN đã chấp nhận bồi thường, riêng 12 DN không chịu thỏa thuận nên tòa án quyết định đưa ra xét xử. "Vụ án khi đó đã huy động hàng chục luật sư, trải qua nhiều lần hoãn, trả hồ sơ, HĐXX đã chấp nhận đơn khởi kiện của 33 hộ dân, buộc các DN có trách nhiệm bồi thường theo số tiền đã thống kê có xác nhận của cơ quan chức năng với tổng số tiền gần 14 tỉ đồng" - chị Hải kể. Tuy nhiên, chị Hải cho hay dù thắng kiện nhưng những người nuôi cá trên sông Chà Và như chị cũng chẳng vui vẻ gì, bởi thực tế thiệt hại còn cao gấp nhiều lần so với số tiền đền bù nhận được. "Nay tình trạng ô nhiễm ở cống số 6 tiếp tục khiến chúng tôi đứng ngồi không yên" - chị Hải nói và mong muốn sớm xử lý dứt điểm nguồn gây ô nhiễm.

Trong khi đó, bà Trần Thị Hai, sinh sống gần sông Phú Hội (Bình Dương), nói dù nhà bà và các hộ dân khác đã gắn máy lạnh kín mít nhưng mùi hôi từ dòng sông ô nhiễm vẫn xộc thẳng vào. "Ở đây, 10 trẻ nhỏ thì có đến hơn nửa mắc bệnh về đường hô hấp, trong đó không ít trẻ được bác sĩ chẩn đoán mắc hen suyễn. Khổ không sao kể hết chú ơi!" - bà Hai than thở.

Trở lại chuyện ô nhiễm ở sông Đồng Nai, đi đến đâu cũng nghe tiếng thở than về tình trạng cá lồng bè cứ đến dịp mưa là đua nhau phơi bụng. Mới đây nhất, hàng loạt lồng bè trên sông Cái (một nhánh sông Đồng Nai, thuộc khu vực phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa), cá cứ lờ đờ, bỏ ăn và nổi đầu lên mặt nước rồi chết hàng loạt, chủ lồng bè không kịp trở tay. "Các cơ quan chức năng vào cuộc tìm nguyên nhân cá chết, thực hiện khảo sát, đo lường tính toán thông số các kiểu nhưng sau cùng cũng như nhiều lần trước chỉ có kết luận là cá bị… ngộp thở" - ông Thành, một chủ lồng bè, ngao ngán nói. Ông cho hay hiện đang rất lo sợ cảnh đó lại tái diễn ngay trong tháng 6 hoặc tháng 7 này. "Đây là thời điểm mưa nhiều, rất có khả năng nhiều họng xả lợi dụng trời mưa xả thải chưa qua xử lý ra sông" - ông Thành hồ nghi kèm lo lắng. Nỗi lo của ông Thành cũng là nỗi lo chung của các chủ lồng bè trên sông La Ngà (một nhánh đổ ra sông Đồng Nai). Ở đây, người dân đổ lỗi cho DN xả thải, còn nguyên nhân cá chết thì được nhiều lần xác định: lượng mưa lớn và kéo dài đã cuốn tất cả vật chất hữu cơ từ thượng nguồn vào thủy vực làm môi trường thay đổi đột ngột; ô nhiễm hữu cơ cao, hàm lượng ôxy hòa tan trong nước giảm! 

"Dòng sông là vật vô tri nên chịu được ô nhiễm, chứ con người sống trong cảnh này hết năm này qua năm khác làm sao mà chịu được".

TRẦN THỊ HAI, cư dân gánh chịu ô nhiễm trên sông Phú Hội

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-6

Kỳ tới: Chỉ mặt thủ phạm

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo