xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hành trình vắc-xin Việt Nam

KỲ NAM

Để có tên trên bản đồ y học thế giới là nước sản xuất vắc-xin cúm phòng chống đại dịch, cán bộ Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế (IVAC - Bộ Y tế) đã nỗ lực gần 15 năm

Vào năm 2003, đại dịch cúm bùng phát trên thế giới, cướp đi sinh mạng hàng trăm người trong thời gian ngắn. Khi đó, Bộ Y tế cùng các đơn vị nghiên cứu như IVAC đã quyết tâm có vắc-xin phòng dịch cho Việt Nam.

Tràn đầy nhiệt huyết

Theo TS Lê Văn Bé, nguyên Viện trưởng IVAC, khi đại dịch cúm bùng phát, các cơ sở trong nước hợp tác với nhau chọn từng hướng nghiên cứu vắc-xin, riêng IVAC chọn công nghệ sản xuất vắc-xin bằng công nghệ trứng gà có phôi.

Đến năm 2005, IVAC chính thức nhận được đề tài nghiên cứu vắc-xin trong bối cảnh chưa có đơn vị nào sản xuất được vắc-xin, tất cả chỉ là phòng thí nghiệm. Năm 2006, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) triển khai chương trình phòng cúm toàn cầu, trong đó chọn IVAC để hỗ trợ công nghệ, chuyên gia và đầu tư một nhà máy sản xuất lớn, công suất ban đầu khoảng 500.000 liều/năm, sau đó mở rộng quy mô lên 3 triệu liều/năm. Từ năm 2007-2010, một nhà máy sản xuất vắc-xin cúm theo công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi được thành lập ở Suối Dầu (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa).

Hành trình vắc-xin Việt Nam - Ảnh 1.

TS-BS Dương Hữu Thái. Ảnh: KỲ NAM

TS-BS Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, nhớ lại vào đầu năm 2010, ông được giao nhiệm vụ Trưởng Phòng Cúm, phải rời trụ sở chính từ TP Nha Trang lên Suối Dầu tiếp quản nhà máy. "Thời đó, duy nhất tôi có thâm niên, 7 cán bộ khác còn rất trẻ và độc thân. Người trẻ như tờ giấy trắng, thiếu kinh nghiệm nhưng tràn đầy nhiệt huyết làm việc. Có thâm niên trong sản xuất vắc-xin nhưng với tôi, tất cả đều mới mẻ từ công nghệ, máy móc, đến quy trình…" - ông Thái kể lại.

Sau 6 tháng, nhóm nghiên cứu thiết lập được quy trình kỹ thuật, chạy thử các máy móc. Thời gian đầu, nguyên liệu chưa có, các cán bộ phải chạy khắp nơi mua trứng để chạy thử. Yêu cầu quả trứng phải có kích thước đủ lớn và đồng đều, kiểm soát tác nhân vi sinh vật và phải là trứng có phôi đều nên rất khó khăn. Giữa năm 2010, tại hội nghị của WHO, Tổ chức PATH (một tổ chức quốc tế về y tế toàn cầu) và Cơ quan Nghiên cứu phát triển tiên tiến về y sinh học (BARDA - thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi con người Mỹ) dựa trên nền nghiên cứu của IVAC đã cùng với WHO đầu tư mạnh về công nghệ, kinh phí để xây dựng vắc-xin phòng đại dịch đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tổ chức PATH đã đầu tư trại gà nhập từ Pháp, cử các chuyên gia, hỗ trợ kỹ thuật, máy móc, thiết lập công nghệ.

Hành trình vắc-xin Việt Nam - Ảnh 2.

Quy trình sản xuất vắc-xin rất nghiêm ngặt. (Ảnh do IVAC cung cấp)

Bạc tóc vì vắc-xin

Từ khi nhận nhiệm vụ đến nay, mái tóc đen của TS Thái đã chuyển sang bạc trắng tự lúc nào. Khi được hỗ trợ một trại gà nhập từ Pháp vào cuối năm 2010, các cán bộ IVAC "đánh vật" với việc nuôi gà. Nuôi quả trứng không đạt, quả quá mỏng vỏ, rạn nứt, kích thước không đồng đều và tạp nhiễm vi sinh. Nuôi gà cũng phải cử đi học "lỏm" từ các trại chăn nuôi, phải cân đong đo đếm lượng thức ăn, chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng thì trứng mới có thể lấy để nghiên cứu.

Việc phát triển kỹ thuật có những lúc tưởng như thất bại. Chẳng hạn loại bỏ các tác nhân ngoại lai, độc tố từ trong vi khuẩn buộc phải loại hết hoặc đạt mức cho phép nhưng các cán bộ làm hàng chục lần không được. "Có những đêm không thể ngủ được để suy nghĩ tìm cách khắc phục. Tôi 6 giờ phải lên nhà máy nhưng mãi nghĩ đến 4 giờ sáng mới dứt việc" - ông Thái kể. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đã tìm được nguyên nhân và đưa ra giải pháp; nhờ vậy giảm được lượng nội độc tố tạp nhiễm cả trăm lần, thậm chí dưới ngưỡng cho phép.

Giữa năm 2010, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành bước có tính chất quyết định là chạy được máy siêu ly tâm. Đây là máy tách hạt virus ra khỏi dịch. Thiết bị này được ví von là trái tim của nhà máy vắc-xin. Mỗi lần chạy cần khoảng 10.000 quả trứng, cho ra 100 lít dung dịch. Sau khi tách chiết, chỉ còn 300 ml virus cô đặc. "Chạy mẻ đầu tiên thành công, ai cũng rất vui. Viện trưởng đã thưởng nóng cho cả phòng 2 triệu đồng. Chạy được máy không đơn giản, phải đi học ở Hà Lan, Mỹ, Anh. Trước đây chỉ học lý thuyết, anh em chưa dám chạy vì chạy là phải có sản phẩm, nếu chạy không đúng, nguy cơ hỏng hóc mất hàng tỉ đồng" - ông Thái nói.

Cuối năm 2011, mẻ vắc-xin đầu tiên phòng cúm A/H1N1 "ra lò". TS Lê Văn Bé cho biết đó là thành công bước đầu sau gần 2 năm chính thức nghiên cứu. Năm 2012, qua kiểm tra lâm sàng trên chuột, gà, thỏ đều cho kết quả an toàn, hiệu quả. Việc thử nghiệm trên người thực hiện ở tỉnh Long An và được Bộ Y tế, các tổ chức quốc tế như WHO, PATH, BARDA đánh giá chất lượng tốt, an toàn. Năm 2017, khi cúm A/H7N9 độc lực cao xuất hiện tại Trung Quốc, WHO yêu cầu IVAC sản xuất kháng nguyên chuẩn để cung cấp cho Viện Nghiên cứu NIBSC (Anh) nghiên cứu sản xuất vắc-xin. Cuối năm 2018, IVAC hoàn thành sản xuất lâm sàng vắc-xin cúm mùa IVACFLU-S phòng 3 chủng là: A/H1N1, A/H3N2 và B; vắc-xin cúm tiền đại dịch A/H5N1. Đến tháng 1-2019, chính thức đưa vắc-xin cúm mùa IVACFLU-S vào lưu hành, dự kiến tháng 9-2019 sẽ chính thức lưu hành vắc-xin cúm A/H5N1.

Ông Guido Torelli, đại diện WHO, đánh giá việc sản xuất một loại vắc-xin mới rất phức tạp, nhiều thách thức nhưng IVAC đã tận dụng được những điều kiện tốt nhất để thành công. Điều này tạo thêm sự tự tin để tiếp tục các dự án khác và cho thấy sự phát triển của ngành chế tạo vắc-xin ở Việt Nam.

Hiện nay, IVAC đang có khoảng 50.000 liều sẵn sàng đưa ra thị trường để tiêu thụ với giá khoảng 80.000-120.000 đồng/liều, giá giảm gần một nửa so với vắc-xin nhập từ nước ngoài. Nhà máy sản xuất vắc-xin công suất có thể đạt được 1-1,5 triệu liều/năm.

Sẵn sàng ứng phó với đại dịch cúm

Ông Huỳnh Chương, đại diện Cơ quan BARDA của Mỹ, cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là phải duy trì chất lượng nguồn vắc-xin mà IVAC đã sản xuất. Việt Nam đã sẵn sàng ứng phó với đại dịch cúm. Bộ Y tế cần có những chính sách khuyến khích, động viên người dân sử dụng như: bắt buộc tiêm phòng bệnh cúm, Chính phủ đặt mua, cơ quan bảo hiểm chi trả cho việc tiêm phòng...

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-2
Kỳ tới: Nối lại nhịp đập con tim

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo