xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hành trang 45 năm trên vai thành phố

PGS-TS Hà Minh Hồng

Hành trang của TP HCM sau chiến tranh là những trang hào hùng về lịch sử cách mạng và hành trang 45 năm thì đầy những kinh nghiệm cùng bài học sâu sắc về đột phá, đổi mới sáng tạo để vượt lên

VÀO GIỮA THẬP NIÊN 60 CỦA THẾ KỶ TRƯỚC, cách mạng Việt Nam trong tình thế hiểm nghèo, phải đối diện cuộc chiến không cân sức có tính chất một cuộc đụng đầu lịch sử. Thành phố Sài Gòn lúc ấy là đầu não của chế độ thực dân mới trên toàn miền Nam; nhưng từ năm 1966 đã có một bài hát thúc giục "Tiến về Sài Gòn" với lời ca dồn dập bước quân hành:

"Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù;

Hướng về đồng bằng, ta tiến về thành đô.

Nước nhà còn chờ trận cuối là trận này;

Tiến về đồng bằng, giải phóng thành đô".

Trận cuối ấy chính là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975, đỉnh cao của mùa Xuân toàn thắng 1975, kết thúc vẻ vang cuộc đối đầu lịch sử, kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc chiến tranh của Mỹ kéo dài 222 tháng với 4 lần thay đổi "Chiến lược chiến tranh" qua 5 đời tổng thống.

Ngày 30-4 năm ấy, Sài Gòn - Gia Định hòa cùng "Đất nước trọn niềm vui" khi "đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay! Rộn ràng và mê say những bước chân dồn về đây. Sài Gòn ơi! Vững tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng". Giữa TP mang tên Bác, quân và dân cả nước báo tin: "Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta. Chúng con đến, xanh ngời ánh thép. Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa" và ca khúc khải hoàn "Như có Bác trong ngày đại thắng". Đi trong "Mùa Xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh" năm Bính Thìn 1976 ấy (và cả những năm sau) ai cũng vẫn muốn giữ nguyên cảm giác vừa thực vừa ảo sau bao năm chờ đợi mà "niềm vui như đến bất ngờ", "ngày đi như trong đêm mơ".

ĐI TRONG NHỮNG NGÀY THÁNG TƯ tròn 45 năm sau, năm 2020, vẫn cảm nhận như xưa "ta đang đi, đi giữa rừng hoa, hay ta đi giữa rừng cờ". Chợt nghe báo chí loan truyền tin vui: Trong 30 phút giao thừa năm Canh Tý, hai bệnh viện lớn của TP đón 7 em bé chào đời; tổng cộng trong ngày đầu tiên đó TP có thêm 320 công dân "nhí" cho thế hệ mới năm thứ 45. Thế hệ nối tiếp những thế hệ trong chặng đường từ sau giải phóng, bản "thiên anh hùng ca ngàn năm" của Sài Gòn - TP HCM 45 năm (1975-2020) viết thêm những trang "sáng chói" rất mới.

Hành trang 45 năm trên vai thành phố - Ảnh 1.

Không gian Hội trường Thống Nhất (TP HCM) xanh mát, bình yên Ảnh: Giang Sơn Đông

Đầu tiên là 10 năm sau giải phóng (1975-1985), thoát khỏi tàn dư và hậu quả của 30 năm chiến tranh, TP cùng cả nước xoay xở, chống đỡ thiên tai địch họa, lại bị lực cản của cơ chế cũ do chính mình duy trì, làm nảy sinh biết bao khó khăn hệ trọng có tính sống còn. Từ đó chuyển sang đổi mới (từ 1986), không giống như giũ bỏ cái áo cũ để khoác ngay chiếc áo mới, mà là quá trình một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội toàn diện, sâu sắc xuống dần đến tận đáy, rồi từ từ ngoi lên thoát nạn; từ nửa cuối thập niên 1990 trở đi, TP mới thực sự bước vào giai đoạn phát triển với những chuyển dịch, đột phá, tăng tốc, đi trước, dẫn đầu.

45 năm, thực hiện 3 nghị quyết quan trọng của Trung ương về TP HCM (Nghị quyết số 01-NQ/TW-1982, Nghị quyết số 20-NQ/TW-2002, Nghị quyết số 16-NQ/TW-2012), Đảng bộ TP trải qua 10 nhiệm kỳ đại hội, phát huy truyền thống kiên cường, dũng cảm, linh hoạt, năng động, sáng tạo của một Thành phố Anh hùng trong điều kiện và hoàn cảnh lịch sử hoàn toàn khác biệt với thời kỳ 30 năm chiến tranh. Chính quyền và nhân dân TP chủ động tháo gỡ khó khăn, từng bước vượt qua những lực cản của cơ chế cũ, tìm tòi hướng đi mới, phát triển sản xuất - kinh doanh gắn với giải quyết việc làm, chăm lo đời sống nhân dân, thử nghiệm và thuyết phục cách làm mới, tư duy mới, làm sáng tỏ dần con đường đi lên, góp phần xác định và hình thành đường lối đổi mới của Đảng.

Cả công nghiệp, thủ công nghiệp, nông nghiệp, phân phối lưu thông, tài chính ngân hàng, nhất là hàng loạt đơn vị sản xuất - kinh doanh chủ động "phá rào", mạnh dạn tổ chức lại sản xuất, liên kết với các tỉnh khai thác nguyên liệu, cung ứng thành phẩm, xây dựng phương án sản xuất ngoài kế hoạch được giao; làm gia tăng năng suất, hiệu quả và chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho công nhân; chuyển các "vành đai trắng" trong chiến tranh thành những "vành đai xanh" lương thực thực phẩm; vừa cải tạo mạng lưới tiểu thương vừa xây dựng tổ chức hệ thống thương nghiệp quản lý thị trường xã hội, thực hiện liên kết và mở rộng giao lưu hàng hóa với các tỉnh, cải tiến phương thức phân phối và phục vụ, đi đầu trong hoạt động xuất nhập khẩu với nhiều mô hình mới.

ĐẶC BIỆT LÀ TỪ KHI ĐỔI MỚI, TP HCM chuyển theo kinh tế thị trường với cơ chế và chính sách quản lý kinh tế - xã hội mới đã khơi dậy và giải phóng sức sản xuất; các thành phần kinh tế được phát triển, kinh tế nhà nước được sắp xếp lại, hoạt động ngày càng hiệu quả; kinh tế tập thể được củng cố và mở rộng; kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phát triển nhanh. TP đầu tư và phát triển hạ tầng khoa học và công nghệ làm nền tảng phát triển, xây dựng một TP công nghiệp có cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp hiện đại theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển và đón đầu về công nghệ thông tin, đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế tri thức; tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

TP HCM luôn tiên phong trong suy nghĩ, tìm tòi, xây dựng và phát triển các phong trào lớn về văn hóa - xã hội, khởi xướng và thực hiện hiệu quả cao các phong trào "đền ơn đáp nghĩa"; "xây dựng nhà tình nghĩa", "nhà tình thương"; chương trình "xóa đói giảm nghèo"; "bảo trợ bệnh nhân nghèo"; đem lại "nụ cười cho trẻ thơ"; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; phong trào ba giảm; đề án sau cai nghiện; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; phong trào thực hiện nếp sống văn minh đô thị; xây dựng quỹ vì người nghèo; bệnh viện cho người nghèo; chương trình Nông thôn mới; thực hiện xã hội hóa y tế, xã hội hóa giáo dục, phát triển mô hình bệnh viện, trường học… Phong trào nào, cuộc vận động nào, chương trình nào từ TP cũng mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội rộng lớn, lan tỏa mạnh mẽ và mang ý nghĩa nhân văn, vì cả nước, cùng cả nước.

Cứ nghĩ những thập niên 80 của thế kỷ trước, nếu TP và một số địa phương không đi trước mở đường với những mô hình sáng tạo, cách làm táo bạo mang tính đột phá, những thử nghiệm trong thực tiễn, huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển…, thì đâu nhìn thấy được cái mới, cái tiến bộ để từ đó các địa phương khác thấy hay cùng làm. Lại nghĩ, từ khi đổi mới đến nay, nếu TP không năng động với những chuyển biến về đa dạng hóa các hình thức sở hữu, đa thành phần kinh tế, mạnh dạn đưa ra các chế định cho các loại hình doanh nghiệp, thiết lập cơ sở pháp lý nhằm củng cố niềm tin cho khu vực tư nhân đầu tư kinh doanh, xây dựng khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung để hướng nền kinh tế vào xuất khẩu, thực hiện các chính sách kinh tế mở và mạnh dạn thí điểm những chế định vận hành thị trường…, thì làm sao hình thành và hoàn thiện thể chế kinh tế để xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Hành trang của TP sau chiến tranh là những trang hào hùng và sôi động của một đô thị trọng điểm chỉ đạo chiến tranh cách mạng, những độc đáo trong nghệ thuật quân sự, nhất là sự tài tình, khéo léo trong kết thúc chiến tranh nhân dân. Hành trang 45 năm lại đầy những kinh nghiệm và bài học sâu sắc về tìm tòi, thử nghiệm mô hình mới, đề ra những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo quy luật của nền kinh tế hàng hóa thị trường nhiều thành phần, tháo gỡ và giải quyết khó khăn, hướng tới ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần trực tiếp vào việc hình thành tư duy đổi mới quản lý kinh tế, là căn cứ cho Đảng và Nhà nước xây dựng quyết sách mới, đường lối mới. Cả những kinh nghiệm và bài học gần dân, sát thực tế, đối thoại và đồng hành với cơ sở… cũng trở thành hành trang vô cùng thiết thực thời đổi mới, phát triển và hội nhập. 

Khát vọng vươn xa

TP HCM đã và đang giữ vững vai trò vị trí của một đầu tàu động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của quốc gia và khu vực Ðông - Nam Á. Nhưng TP vẫn khát vọng trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Bản "thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói, lưu danh đến muôn đời" của TP mang tên Bác sẽ còn dày thêm, vang mãi trong những khúc hoan ca.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo