xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hàng ngàn dự án có thất thoát, lãng phí

MINH CHIẾN

Báo cáo giám sát cho biết hàng ngàn dự án chậm tiến độ và xu hướng tăng lên qua các năm. Trong đó, hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ

Ngày 31-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội (QH) khóa XV thảo luận, cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Theo báo cáo giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Phú Cường trình bày, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 đã đạt những kết quả rất quan trọng, tích cực. Tuy nhiên, có hàng ngàn dự án (DA) chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm: Năm 2019 có 1.878 DA, năm 2020 có 1.867 DA, năm 2021 là 1.962 DA. Trong đó, hầu hết DA quan trọng quốc gia, DA trọng điểm đều chậm tiến độ.

Báo cáo nêu rõ hàng ngàn DA phải điều chỉnh quyết định đầu tư - có DA điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu. Hàng ngàn DA có thất thoát, lãng phí, nhiều trường hợp phải xử lý hình sự, đã xét xử...

Thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đánh giá nguồn lực về nhà cửa, đất đai đang lãng phí rất lớn, không chỉ ảnh hưởng nguồn lực phát triển mà còn gây nhiều hệ lụy liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm dụng chính sách.

Dẫn phụ lục báo cáo giám sát, ông Tạo cho biết có 28.000 ha của 900 DA, công trình chậm, không đưa đất vào sử dụng, nhiều DA để đất hoang hóa. Trong khi đó, chính sách pháp luật đất đai còn nhiều bất cập, có tình trạng phân lô bán nền, đầu cơ đất đai, không đưa đất đai vào sử dụng đúng mục đích.

Dẫn chứng tại Lâm Đồng, ông Tạo nói có 2 sân bay và một khách sạn thuộc đất quốc phòng, nằm giữa trung tâm 2 TP Đà Lạt và Bảo Lộc nhưng bị lấn chiếm sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí. Sân bay Cam Ly (Đà Lạt) 53 ha nhưng bị lấn chiếm khoảng 40 ha; sân bay phường Lộc Phát (Bảo Lộc) 35 ha thì gần như bị lấn chiếm toàn bộ.

Nhắc đến việc sắp xếp cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, ĐB Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) phản ánh việc sáp nhập đơn vị cấp huyện và xã khiến đất đai, trụ sở cơ quan bị bỏ hoang gây lãng phí tài sản nhà nước. Bên cạnh đó, việc mua sắm phương tiện, tài sản cho cơ quan khu vực công còn xảy ra nhiều sai phạm, như sai phạm liên quan đến mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch và những vụ việc liên quan Công ty Việt Á, Công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC...

ĐB Phạm Thị Kiều đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân về cơ chế, chính sách pháp luật để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Chậm phê duyệt quy hoạch

Cho rằng trong báo cáo giám sát mới đề cập đến lãng phí hữu hình, có thể đo đếm được, ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) nhấn mạnh đó chỉ là "bề nổi của tảng băng".

Theo ông Hậu, đằng sau sự lãng phí hữu hình đó là những lãng phí vô hình với sức tàn phá lớn hơn nhiều, không chỉ làm mất cơ hội phát triển mà còn làm nghèo đất nước, lãng phí nguồn lực quốc gia, suy yếu bộ máy công quyền. ĐB Trần Hữu Hậu đề cập việc lãng phí trách nhiệm. Dẫn chứng, ông Hậu nói về tình trạng lãng phí trách nhiệm khi nhiều bệnh viện công xin thôi tự chủ, ách tắc đấu thầu thuốc, thiết bị; không ít cán bộ, công chức, viên chức không làm hoặc không dám làm những việc cần phải làm, đang khiến bộ máy trì trệ, gây nhiều lãng phí.

"Phần đông họ là những người có lương tâm và trách nhiệm, tuy nhiên tinh thần trách nhiệm không được phát huy, gây lãng phí không thể đo đếm" - ĐB Hậu nhấn mạnh.

ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) chỉ ra vấn đề lãng phí cơ hội. Theo đó, việc nắm bắt cơ hội thuận lợi trong tranh thủ thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển đất nước chính là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, để thực hiện thì việc lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu đầu tiên. Việc chậm trễ trong phê duyệt các quy hoạch thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn, có nhiều DA được đầu tư nhưng nguồn lực còn để lãng phí. Ông Gia đề nghị Chính phủ khẩn trương tiến hành lập, phê duyệt các quy hoạch theo luật định.

Hàng ngàn dự án có thất thoát, lãng phí - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng phải chăng 63 “chiếc áo đồng phục thể chế” đã làm cho các địa phương đặc thù phải xin cơ chế vì “chiếc áo cũ” quá chật chội Ảnh: Phạm Thắng

Lãng phí nguồn nhân lực

Nhiều ĐB quan tâm đề cập việc lãng phí nguồn nhân lực.

ĐB Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) nhìn nhận lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực là nguồn gốc của mọi lãng phí nhưng chưa được nhìn nhận đúng mức. Yếu kém về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, trình độ quản lý, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức gây thất thoát, lãng phí nguồn nhân lực toàn xã hội với giá trị rất lớn.

Từ tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, bà Thái đặt vấn đề giữ chân người tài ở khu vực công là hết sức cần thiết. Lãng phí trong công tác quản lý, sử dụng lao động trong khu vực công đang có nhiều vấn đề, do đó cần được Chính phủ nghiên cứu, tìm cách giải quyết, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực.

Việt Nam đang đối diện lãng phí khi không tận dụng được thời cơ và phát huy thế mạnh của thời kỳ dân số vàng. Đó là lo ngại của ĐB Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của QH. Theo ông Nghĩa, nếu giai đoạn dân số vàng diễn ra trùng với thời kỳ kinh tế ổn định, hệ thống giáo dục đảm đương tốt việc cung cấp tri thức, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động thì sẽ trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, ông Nghĩa đề nghị QH xem xét, bổ sung nội dung chống lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực xã hội vào báo cáo giám sát. Đồng thời, bổ sung giải pháp để phát huy tối đa lợi thế của thời kỳ dân số vàng, để chuyển từ "vàng" về số lượng sang "vàng" về chất lượng, tránh lãng phí nguồn nhân lực.

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng với đánh giá "nhiều đơn vị tùy tiện, thiếu trách nhiệm trong việc giao chỉ tiêu biên chế và tiếp nhận, sử dụng biên chế sai quy định, vượt thẩm quyền" là chưa lấy thực tế làm thước đo để đánh giá. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố có kinh tế phát triển thì việc giao biên chế mà không tính đến quy mô dân số, quy mô kinh tế phải chăng đã làm cho "cán bộ, công chức 3 năm chưa được nghỉ phép, không có ngày nghỉ", như tâm sự của một lãnh đạo phường trên địa bàn TP HCM.

Theo ông Nhân, sau 7 năm "đại phẫu" biên chế nhưng TP HCM vẫn dôi dư 5.700 người và là địa phương xếp thứ 4 sau Bình Dương, Tiền Giang và Nam Định có tỉ lệ người dân trên cán bộ cao nhất nước. Điều đáng nói, chính 5.700 trường hợp dôi dư này đã cùng với hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp thành phố đóng góp gần 30% ngân sách quốc gia, hơn 20% GDP cả nước trong nhiều năm qua.

"Liệu chúng ta đã thực sự đồng cảm với những khó khăn của TP HCM lẫn các địa phương phát triển hay chưa. Phải chăng 63 "chiếc áo đồng phục thể chế" đã làm cho các địa phương đặc thù phải xin cơ chế để thay "chiếc áo cũ" đã bung rách vì quá chật chội" - vị ĐB đoàn Bình Dương nêu thực trạng. 

Hôm nay, 1-11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Sau đó, QH thảo luận về DA Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi); thảo luận tại tổ về DA Luật Hợp tác xã (sửa đổi); DA Luật Phòng thủ dân sự.

Có xe công nhưng phải thuê xe

ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng việc mua sắm ôtô công hiện nay nhiều bất cập. Cụ thể, Nghị định 04 năm 2019 của Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức mua sắm ôtô quy định văn phòng UBND cấp huyện chỉ mua được một ôtô với mức giá không quá 720 triệu đồng. Trong khi công việc ở địa phương, ở cơ sở rất nhiều nên một xe không đáp ứng được yêu cầu. Hơn nữa, 720 triệu đồng hiện chỉ mua được xe một cầu, không thể đi công tác ở các vùng sâu, vùng xa, vùng núi. Thực tế hiện nay, các địa phương phải thuê xe để đi công tác với chi phí khá cao, như vậy là chưa tiết kiệm mà còn lãng phí.

Mong Quốc hội thấu hiểu, chia sẻ và giúp đỡ

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của ĐB. Bộ trưởng khẳng định công tác thực hành tiết kiệm trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tốt và mong QH hết sức thấu hiểu, chia sẻ và giúp đỡ, hỗ trợ Chính phủ hoàn thiện pháp luật một cách nhanh nhất, tạo ra "đường băng" để kinh tế phát triển. Bộ trưởng cũng nêu một số nguyên nhân tác động đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và khẳng định đây là lĩnh vực có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương.

Về các dự án chậm tiến độ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết có vướng mắc trong Luật Đầu tư, Luật Đất đai, khiến công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất chậm được triển khai.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo