xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hai đấng sinh thành

Bài và ảnh: TRỊNH THỊ HƯỜNG

Trước mắt tôi luôn hiển hiện hình dáng hao gầy của mợ tôi, đầu đắp khăn ướt, người mặc chiếc áo nhúng đẫm nước ngồi bên bếp lửa, cặm cụi tráng miến giữa trưa hè

Anh - chàng trai Hà thành 26 tuổi, thư sinh, lịch lãm; ở phố Thụy Khê - hăng hái tham gia Hội Thanh niên cứu quốc. Ngày Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 2-9-1945, tình cờ đến nhà anh bạn ở phố Khâm Thiên và được nhà bạn mời cơm.

Chọn xứ Thanh làm quê hương

Trong bữa cơm ấy, anh đã mê mẩn trước vẻ đẹp dịu dàng và tài nữ công gia chánh của cô thợ may vừa tròn 18 tuổi - em gái bạn. Rồi ngày qua tháng lại, mối duyên tình giữa anh và nàng càng thêm mặn nồng. Năm 1946, khi nàng vừa tròn 19 tuổi, anh đã rước nàng "về dinh". Chàng trai - cô gái ấy chính là cậu mợ - hai đấng sinh thành của tôi.

Hạnh phúc ấm êm chưa được bao lâu thì tháng 12-1946, toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi của Cụ Hồ. Cậu tôi tham gia Vệ quốc đoàn, lên đường đi kháng chiến. Lúc đó, mợ mang thai anh trai tôi được 1 tháng tuổi vội thu xếp hành lý cùng bà nội tản cư vào làng Vạn Thành, xã Thăng Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Lần đầu tiên trong đời, cô thợ may 19 tuổi ấy học làm nông dân: từ việc trồng rau, nuôi gà đến nhổ mạ, cấy lúa... Ban ngày lam lũ với việc đồng áng nhưng đêm đêm, bên ánh đèn dầu, mợ tôi vẫn lụi cụi cắt may, khâu vá, thêu thùa, đan áo giúp bà con nơi tản cư đến quá nửa đêm.

Hai đấng sinh thành - Ảnh 1.

Hai đấng sinh thành của tác giả khi đã bước qua tuổi 80

Rồi niềm vui của mợ như được nhân lên gấp bội khi anh trai tôi cất tiếng khóc chào đời vào năm 1947. Cuộc sống xa chồng nơi tản cư lại phải chăm sóc mẹ già và đứa con thơ là quá sức với một cô gái xuất thân thị thành có vóc dáng mảnh mai, nhỏ nhắn như mợ tôi. Nhưng nhờ đức tính siêng năng, tần tảo sớm hôm và sự đùm bọc của người dân xứ Thanh, mợ tôi đã vượt qua được những năm tháng gian khó ấy.

Năm 1950, sau chiến dịch Biên giới, cậu tôi được về thăm nhà khi anh trai tôi vừa tròn 3 tuổi. Sau lần về phép ấy, mợ mang thai chị tôi. Rồi cậu tôi trở về đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nên khi mợ "vượt cạn" lần thứ 2 vào năm 1951 cũng không có chồng bên cạnh. Năm 1954, hòa bình lập lại, cậu tôi xuất ngũ với tấm Huân chương Kháng chiến hạng ba. Do di chứng của sốt rét ác tính, cậu bị viêm đa khớp, đau dây thần kinh tọa nên mỗi khi trở trời thường đau nhức toàn thân, sức khỏe giảm sút.

Năm 1955, trong lúc họ hàng hai bên nội ngoại đều trở về Hà Nội để sinh sống thì cậu tôi lại chọn nơi này làm quê hương thứ hai của mình. Cậu cùng mọi người phát rẫy, tăng gia sản xuất và trở thành "ông nông dân" từ ngày ấy. Trên xứ Thanh, lần lượt 7 anh em tôi ra đời, lớn khôn nhờ sự dạy bảo ân cần, nghiêm khắc của cậu và bàn tay dịu dàng của mợ.

Hy sinh vì đàn con

Những năm kháng chiến chống Mỹ, cậu mợ tôi động viên anh trai và chị gái tôi lên đường ra tuyến lửa (anh trai tôi "đi B" 11 năm ròng). Trong khi ấy, nhiều gia đình sợ con mình gặp nguy hiểm nơi lửa đạn chiến trường nên đã tìm mọi cách trốn tránh; có người hèn nhát đào ngũ phải nhắc đi nhắc lại câu: "Thanh niên như tôi thì mất nước" trước dân làng mà không cảm thấy hổ thẹn.

Từ khi anh và chị tôi nhập ngũ, sức khỏe của cậu ngày một yếu đi nên mợ trở thành trụ cột chính của gia đình. Ngoài việc đồng áng, mợ tôi làm thêm miến dong, giá đỗ, khâu vá, cắt may... Mợ "lặn lội thân cò" lo lắng chu toàn cho gia đình nhưng không một lời kêu ca, phàn nàn.

Giờ đây, khi mợ đã yên nghỉ giấc ngàn thu nhưng mỗi mùa hè nóng nực được hưởng luồng gió mát lạnh từ chiếc máy điều hòa trên tường nhà, lòng tôi se thắt, thương mợ nhiều hơn. Trước mắt tôi luôn hiển hiện hình dáng hao gầy của mợ, đầu đắp khăn ướt, người mặc chiếc áo nhúng đẫm nước ngồi bên bếp lửa, cặm cụi tráng miến giữa trưa hè. Hình ảnh mợ một tay nhấn chiếc bông vào mũi cho khỏi chảy máu cam, một tay thoa đều bột lên khuôn bánh bên bếp lửa làm tôi nghẹn lòng, rưng rưng nước mắt. Có lần đang tráng bánh, mợ tôi vừa đứng lên định đem bánh đi phơi thì ngã sóng soài ra đất. Chị tôi vội vã mời cô y tá đến khám cho mợ. Cô ấy nói mợ bị kiệt sức do làm việc quá sức và huyết áp cao.

Do mợ phải ngược xuôi gánh vác gia đình nên tuổi thơ tôi lớn lên trong những câu hát và kho truyện kể của cậu. Những giai điệu hào hùng của người lính luôn vang vọng trong ký ức tôi. Các câu chuyện cổ dân gian qua lời kể trầm ấm của cậu đêm đêm đã đưa tôi vào giấc ngủ êm đềm, nuôi dưỡng trong tôi niềm yêu thích văn chương ngay từ thuở bé.

Tuy kinh tế của gia đình tôi ngày ấy rất khó khăn nhưng cậu mợ vẫn cho 7 anh em học theo khả năng của mình. Nhiều người trong làng cứ cười cậu mợ tôi: "Con gái sớm muộn cũng đi lấy chồng, học nhiều mà làm gì, tốn tiền tốn của thêm". Nghe vậy, cậu mợ chỉ cười xòa rồi cả hai dặn dò 5 chị em gái cố gắng học hành: "Cậu mợ không có tiền vàng để làm của hồi môn, chỉ để lại cái chữ cho các con lo liệu cuộc sống sau này thôi". Nhiều lúc nhà bận, tôi bỏ học bài ra phụ giúp, những tưởng cậu mợ sẽ vui, nào ngờ cả hai nhắc nhở: "Việc thì cậu mợ làm được nhưng chữ thì không học hộ cho con được đâu, vào học bài đi".

Chiếc xe đạp từ tiền chữa bệnh

Năm 1979, tôi đậu vào trường chuyên của huyện cách nhà hơn 7 km. Sáng nào tôi cũng đi bộ từ lúc 4 giờ 30 phút cho kịp giờ học. Ngày ấy, con đường vào làng tôi um tùm những bụi tre và cây cối. Trời mưa, đường đất đỏ trơn như đổ mỡ, tối om. Tôi vốn sợ "ma" nên cậu tuy lưng đã còng, chân đau đi phải chống gậy nhưng vẫn xách chiếc đèn bão đưa tôi ra khỏi đường làng hơn 1 km, đến trục đường chính thì tôi chạy theo người đi chợ, cậu mới chống gậy quay về.

Năm 1981, tôi đậu vào Trường cấp III Nông Cống I nên cậu mợ mua cho chiếc xe đạp để đi học cho đỡ vất vả. Tôi vui sướng khi nhận món quà của cậu mợ nhưng đâu biết rằng đó là số tiền dành dụm để chữa bệnh cho mợ. Mãi sau này, khi mợ ngã bệnh nằm liệt giường thì tôi mới hiểu được điều ấy... May mà, nhờ con trai của bác anh ruột mợ tôi làm thuốc bắc nổi tiếng ở phố Hàng Buồm (Hà Nội) chữa trị, mợ mới đi lại được. Thương cậu mợ cả đời lam lũ, hy sinh vì con, tôi đã cố gắng học và dành thời gian để phụ giúp việc nhà.

Nhiều năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn không quên nụ cười rạng rỡ của cậu và đôi mắt rưng rưng ngấn lệ của mợ khi tôi nhận được tờ giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, Khoa Ngữ văn. Đêm trước ngày tôi nhập trường, nằm bên tôi, mợ trằn trọc, thao thức. Mợ ôm tôi vào lòng, dặn dò từng li từng tí. Tôi biết mợ vừa vui vừa lo vì tôi là con út trong gia đình, chưa bao giờ xa khỏi vòng tay che chở và yêu thương của cậu mợ.

Thời gian thấm thoát trôi qua. Anh em tôi đã trưởng thành nhưng cậu mợ đã ra đi mãi mãi. Hình bóng của hai đấng sinh thành vẫn luôn hiển hiện trong giấc mơ tôi. 

Những đêm đông trong chăn ấm đệm êm của thời hiện đại khiến tôi chạnh lòng nhớ thương mợ ngày xưa tay xách đèn, còng lưng kéo chiếc xe ba gác đi chợ cách nhà 5 km để bán hàng, mua củ dong về nghiền lấy bột làm miến (ngày ấy làm miến thủ công). Vất vả là thế nhưng mỗi lần ở chợ về, mợ đều không quên mua quà cho chị em tôi: những con tò he đủ màu sắc, những chiếc kẹo bột... gói trong lá chuối khô luôn đem đến niềm vui cho tuổi thơ tôi. Rồi những đêm mưa nhà dột, mợ thở dài vừa nhẹ nhàng với chiếc thau đồng cũ hứng nước mưa, vừa lấy tấm ni-lông che lên đỉnh màn cho chị em tôi ngủ ngon giấc...

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ, ĐỒNG HÀNH

Hai đấng sinh thành - Ảnh 3.
Hai đấng sinh thành - Ảnh 4.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo