xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hà Nội sau 10 năm mở rộng

Huy Thanh - Bảo Trân

Sau 10 năm mở rộng, đi đến đâu trên địa phận Hà Nội bây giờ, người dân cũng đều ngợi ca, nói lên những mặt tích cực của việc sáp nhập

Cuối tháng 5-2008, Quốc hội thông qua Nghị quyết 15 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô. Ngày 1-8-2008, Hà Nội chính thức mở rộng, trở thành thủ đô có diện tích lớn thứ 17 thế giới với hơn 3.300 km2 (gấp 3,6 lần trước đó), số dân tăng 80% từ 3,4 lên 6,2 triệu người.

Đời sống nâng lên rõ rệt

Hàng loạt dự án giao thông lớn được thực hiện kết nối trung tâm với các vùng ngoại thành như: Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, dự án đường sắt trên cao Hà Nội metro… Riêng 8 tuyến đường bộ lớn, tổng mức đầu tư đã lên tới hơn 2 tỉ USD, một con số tương đương 70% thu ngân sách trong năm 2007 của Hà Nội.

Những công trình, dự án lớn đã làm cho nhiều vùng ven trung tâm TP theo đà đó phát triển như vũ bão. Ở nhiều làng xã, nhà cao tầng mọc lên chi chít, giá đất đai cao ngất ngưởng.

Tiến Xuân là xã miền núi của huyện Thạch Thất, cách trung tâm Hà Nội hơn 60 km với gần 70% dân số là người Mường, được tách ra từ tỉnh Hòa Bình sau khi quyết định sáp nhập Hà Tây về Hà Nội.

Mười năm sau ngày sáp nhập, Tiến Xuân trở thành một trong những địa phương tiêu biểu cho công cuộc mở rộng. Mảnh đất bán sơn địa nằm ở cực Tây Hà Nội này từng nổi tiếng vì đói nghèo và lạc hậu. Nơi này trước khi về Hà Nội, người dân không bao giờ dám mơ về những con đường liên thôn, liên tỉnh chứ chưa nói đến việc sử dụng điện một cách thoải mái hay có internet.

Hà Nội sau 10 năm mở rộng - Ảnh 1.

Đoạn đường tại thôn Liên Minh, xã Thụy An, huyện Ba Vì được đổ nhựa sau khi sáp nhập về Hà Nội

Công cuộc mở rộng thủ đô đã mang đến cho mảnh đất này một hệ thống điện - đường - trường - trạm không hề thua kém những địa phương khác. Tỉ lệ hộ nghèo theo đó cũng giảm từ trên 40% chỉ còn hơn 2%.

Ông Đinh Công Long, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân, cho biết trước khi sáp nhập về Hà Nội, Tiến Xuân là xã đồng bằng của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Khi tách về Thạch Thất thì lại là xã miền núi của Hà Nội nên được TP quan tâm, đặc biệt về đầu tư cơ sở vật chất, cuộc sống người dân nâng lên rõ rệt. "Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng so với thời điểm chưa nhập về Hà Nội thì khác hoàn toàn. Hiện tại trên toàn xã, đời sống người dân đã tốt lên nhiều, hệ thống điện - đường - trường - trạm được quy hoạch và xây dựng khang trang, hiện đại" - ông Long nói.

Theo ông Long, từ khi sáp nhập về Hà Nội, TP đã chi cho xã Tiến Xuân hơn 200 tỉ đồng để xây dựng cơ bản, đầu tư cho tất cả lĩnh vực nhằm thu hẹp khoảng cách xã miền núi so với các địa phương của thủ đô.

Cũng như Tiến Xuân, Vạn Yên là xã cuối cùng của huyện Mê Linh, cách trung tâm Hà Nội 45 km, giáp ranh với 4 xã của huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc và được tách ra từ tỉnh này. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vạn Yên, cho biết cùng với xu thế phát triển chung của cả nước, từ khi về Hà Nội có công ty môi trường cung cấp dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt, điện chiếu sáng, cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh, giao thông từ ngõ xóm đến nội đồng thông suốt…

Ông Nguyễn Đắc Nguyên - Chủ tịch UBND xã Thụy An, huyện Ba Vì - tự hào vì bộ mặt xã thay đổi rõ rệt sau 10 năm sáp nhập với Hà Nội, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng. Ông Nguyễn Văn Hòa, người dân xã Thụy An, nhớ lại: "Từ ngày nhập về Hà Nội, giao thông đi lại trở nên dễ dàng hơn, nhiều tuyến đường được đầu tư mới hoàn toàn".

Hà Nội sau 10 năm mở rộng - Ảnh 2.

Sau khi sáp nhập về Hà Nội, trường học ở xã Vạn Yên, huyện Mê Linh được đầu tư xây mới. Ảnh: HUY THANH

Kinh tế phát triển chung theo xu thế đất nước

Xã Vạn Yên có diện tích 3 km2, nằm trên đê tả sông Hồng, phía bên kia là huyện Đan Phượng. Với dân số chỉ 5.600 người chia đều cho 6 thôn. Trước khi sáp nhập Hà Nội, thu nhập bình quân trên địa bàn chỉ hơn 10 triệu đồng/người/năm. Nhưng 10 năm sau khi sáp nhập, con số này đã lên 38 triệu đồng/người/năm.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vạn Yên, cho biết mặc dù kinh tế tập thể xã vẫn thuộc dạng nghèo do thu đất công ích ít (5%); không có doanh nghiệp, chợ, bến bãi…; kinh tế hộ gia đình là do bà con nỗ lực nhưng nhìn chung tình hình địa phương đã có những bước cải thiện rõ nét, đời sống người dân cũng theo đó ổn định, thiết chế văn hóa có trường cấp 1-2 đạt chuẩn quốc gia, trường mầm non năm 2018 mới kiên cố hóa tại trung tâm xã.

Theo ông Trần Văn Trung - Chủ tịch UBND xã Tiền Phong (huyện Mê Linh), địa phương thuộc tỉnh Vĩnh Phúc trước khi sáp nhập Hà Nội - nhân dân rất phấn khởi và địa phương cũng có nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế cũng như văn hóa.

Đóng góp gần 20% tổng thu ngân sách cả nước

Ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, cho biết những kết quả đạt được sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính đã tiếp tục khẳng định Hà Nội có vị trí đầu tàu, là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng với kinh tế cả nước. "10 năm mở rộng địa giới hành chính thủ đô, không gian sản xuất - kinh doanh của Hà Nội được mở rộng. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đạt trung bình 7,41%/năm, nhiều chỉ tiêu tăng gấp 2 đến 3 lần" - ông Tuấn nói.

Cụ thể, Hà Nội có diện tích chiếm 21,2% so với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nhưng đóng góp GRDP tới 51,1%, đóng góp thu ngân sách tới 54,1%. So với cả nước, Hà Nội có diện tích chỉ chiếm 1%, dân số chiếm 8,1% nhưng đóng góp GRDP tới 16,46%, đóng góp về thu ngân sách tới 19,05%.

Kỳ tới: Còn đó những nỗi lo

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo