xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gỡ vướng cổ phần hóa, quản chặt cho vay qua app

VĂN DUẨN - MINH CHIẾN

Bộ Tài chính sẽ đưa trí tuệ nhân tạo vào theo dõi quá trình lên xuống đột ngột đối với các cổ phiếu, còn Ngân hàng Nhà nước sẽ có khung pháp lý để xử lý vi phạm về cho vay qua app

Ngày 8-6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về tài chính và ngân hàng.

Nút thắt khiến cổ phần hóa chậm tiến độ

Là ĐB đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, ĐB Nguyễn Thị Lệ (TP HCM) nêu thực trạng rà soát sắp xếp xử lý nhà đất, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn chậm, kéo dài do pháp lý đất đai phức tạp, đặc biệt là xác định lợi thế giá trị, quyền sử dụng đất với đất thuê hằng năm khi xác định giá trị khởi điểm của doanh nghiệp (DN) theo Nghị định 32 của Chính phủ.

"Bộ trưởng nhận diện và tham mưu cho Chính phủ như thế nào để đẩy nhanh thoái vốn nhà nước?" - ĐB Nguyễn Thị Lệ đặt câu hỏi. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thừa nhận sắp xếp nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất là nút thắt trong CPH, khiến chậm tiến độ đề ra. Khi trình phương án sắp xếp tài sản công, nhà đất của DN nhà nước, UBND tỉnh phê duyệt phương án nhưng thực hiện chậm. "Giải pháp trong thời gian tới là chuyển mục đích sử dụng đất của DN sau CPH phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất. Kiên quyết thu hồi đất với các trường hợp vi phạm" - ông Hồ Đức Phớc nói.

Gỡ vướng cổ phần hóa, quản chặt cho vay qua app - Ảnh 1.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP HCM) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ảnh: TTXVN

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng cần hoàn thiện khung pháp lý để đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn. Theo đó, DN nhà nước sử dụng đất với mục đích sản xuất - kinh doanh nên sau khi CPH, đất đó cũng được sử dụng để sản xuất - kinh doanh theo đúng phương án được phê duyệt.

"Nếu không có nhu cầu sử dụng thì trả lại cho nhà nước. Nhà nước sẽ thanh toán tiền tài sản trên đất cho DN và tổ chức đấu giá để thu về cho ngân sách. Điều đó có nghĩa chênh lệch địa tô không rơi vào túi của DN mà do nhà nước điều tiết. Việc này có lợi là sẽ thúc đẩy được năng lực của nền kinh tế, tức là DN sau CPH để nâng cao năng lực sản xuất, không phải CPH để bán đất, lấy chênh lệch địa tô" - ông Hồ Đức Phớc nêu giải pháp.

Ngăn chặn "bong bóng" chứng khoán

ĐB Trần Văn Lâm, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về công cụ, bộ chỉ báo nào để nhận diện "bong bóng" chứng khoán và giải pháp ổn định thị trường.

Trả lời, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Bộ Tài chính đang tăng cường kiểm tra và đưa trí tuệ nhân tạo vào theo dõi quá trình lên xuống đột ngột đối với các cổ phiếu, còn trái phiếu riêng lẻ sẽ thiết lập kênh riêng theo dõi. Cùng với đó là giải pháp sửa đổi, hoàn thiện Nghị định 153 và tới đây là sửa đổi Luật Chứng khoán, trong đó quy định rõ điều kiện phát hành trái phiếu. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện giao dịch, dòng tiền bất thường để xử lý. Thông qua kiểm tra, Bộ Tài chính đã phát hiện nhiều vi phạm, trong đó có cả lợi dụng thị trường chứng khoán (TTCK) để rửa tiền nên đã chuyển cơ quan điều tra một số vụ.

Cũng liên quan TTCK, trái phiếu DN, ĐB Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) chất vấn trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng trong quản lý, điều hành với một số diễn biến không lành mạnh của TTCK vừa qua. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định toàn ngành đã nỗ lực hết mình, nhờ đó đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý một số sai phạm để TTCK minh bạch hơn. Tuy nhiên, cán bộ của Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc này. Hiện Bộ Tài chính đã cách chức chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, còn giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán bị cảnh cáo... - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.

Gỡ vướng cổ phần hóa, quản chặt cho vay qua app - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP HCM) chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: TTXVN

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nói so với năm 2018, quy mô thị trường trái phiếu DN năm 2021 đạt 18% GDP, tương đương gần 51 tỉ USD, tăng gấp 3 lần, liệu thời gian qua có sự buông lỏng quản lý hay không. ĐB Nghĩa cũng nhắc đến tình trạng DN thua lỗ nhưng vẫn phát hành trái phiếu DN riêng lẻ với giá trị gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu, đặt ra không ít lo ngại cho tính an toàn của thị trường.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Bộ Tài chính phải thực hiện đúng Luật Chứng khoán và Nghị định 153. Trái phiếu phát hành riêng lẻ thì cơ quan nhà nước gần như không cấp phép, DN có quyền tự do kinh doanh nên trái phiếu sẽ do DN phát hành, vay trả, các cơ quan không can thiệp. Luật Chứng khoán cũng không đưa ra điều kiện phát hành, cần DN có lãi hay cần tài sản bảo đảm.

Tạo điều kiện cho tổ chức tài chính vi mô

Chiều cùng ngày, chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, ĐB Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) cho biết hiện người dân dễ dàng tiếp cận loại hình vay tiền qua trang web hoặc app, còn gọi là cho vay ngang hàng (P2P Lending).

Trả lời câu hỏi "Thống đốc cho biết hành lang pháp lý và quản lý việc cho vay này thời gian tới ra sao?", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, trong đó có ứng dụng cho hoạt động vay ngang hàng. Tuy nhiên, việc thiếu hành lang pháp lý tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội. NHNN đang xây dựng dự thảo nghị định để kiểm soát và ban hành khung pháp lý bao gồm cả các biện pháp chế tài để xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.

ĐB Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang), ĐB Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) và một số ĐB khác cùng chất vấn Thống đốc về giải pháp ngăn chặn tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân, thông tin tài khoản dẫn đến bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN đã ban hành chỉ thị riêng về tăng cường công tác bảo vệ an ninh mạng trong tình hình hiện nay. Thời gian tới, NHNN tiếp tục kiện toàn phương án bảo vệ an ninh mạng cho các hệ thống thông tin quan trọng; xây dựng nguồn nhân lực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu quản lý. Bên cạnh đó, phối hợp Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra các tình huống để có biện pháp kịp thời ngăn chặn. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng đã đầu tư nâng cấp trang thiết bị, phần mềm phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh, an toàn bảo mật thông tin cho khách hàng.

Tại phiên chất vấn, ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TP HCM) cho biết để góp phần giải quyết nạn tín dụng đen, các đoàn thể đã thành lập các tổ chức tài chính vi mô hỗ trợ vốn cho người lao động. Tuy nhiên, các tổ chức này gặp khó khăn trong việc áp dụng Thông tư 03 năm 2018 của NHNN do khác biệt với Luật Các tổ chức tín dụng và Quyết định 20 năm 2017 của Thủ tướng; đồng thời, nhu cầu vay vốn hiện nay rất lớn nhưng các tổ chức tài chính vi mô lại thiếu vốn trầm trọng. Từ thực trạng trên, ĐB này chất vấn Thống đốc về các giải pháp để xử lý.

Thừa nhận có thực trạng này, Thống đốc nói các tổ chức tài chính vi mô hiện khó huy động được nguồn lực để có thể cho vay, điều này NHNN đã nhận diện, tổng hợp nhằm đánh giá, rà soát trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung. "Đối với khó khăn, vướng mắc về Thông tư 03, chúng tôi tiếp thu, nghiên cứu khi xây dựng các văn bản sửa đổi" - Thống đốc nhấn mạnh.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh thêm về các tổ chức tài chính vi mô như ĐB Trần Thị Diệu Thúy nêu. Theo Chủ tịch QH, việc phát triển tổ chức tài chính vi mô là một trong những nội dung rất quan trọng của chiến lược tài chính toàn diện. Đó cũng là một trong nhiều giải pháp để phòng chống tín dụng đen rất hiệu quả. Vậy nên, chúng ta phải khuyến khích, tạo điều kiện cho mô hình này phát triển, không phải gây khó khăn hoặc phân biệt đối xử. 

Không thất thu thuế khi nhập xe sang dạng biếu tặng

Trả lời chất vấn của ĐB Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) về tình trạng nhập ôtô hạng sang dưới hình thức biếu tặng có nguy cơ thất thoát thuế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết loại xe nhập này không được giảm hay miễn bất cứ loại thuế nào. Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, rà soát, qua đó phát hiện DN kê khai giá xe nhập khẩu thấp nhưng hải quan căn cứ vào bảng thuế các loại xe để xác định lại giá xe biếu tặng, truy thu thuế. Ông Hồ Đức Phớc cho biết theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, không phát hiện việc thất thu thuế.

Tranh luận với Bộ trưởng, ĐB Tô Thị Bích Châu nêu việc DN tặng xe cứu thương cho bệnh viện ở TP HCM trong giai đoạn chống dịch Covid-19 trị giá gần 5 tỉ đồng, phải đóng thuế hơn 600 triệu đồng. TP HCM đã kiến nghị miễn, giảm các loại thuế với loại xe này nhưng không được đồng ý. Tiếp thu ý kiến ĐB, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết với những quy định của pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là trong quá trình phòng chống dịch thì cần phải sửa đổi.

Siết cho vay bất động sản, người nghèo khó mua nhà

Nhấn mạnh việc siết chặt tín dụng đối với bất động sản (BĐS) có thể dẫn đến hệ lụy như thị trường đình trệ, người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị, khó có thể mua được nhà giá rẻ như mong muốn, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) chất vấn Thống đốc NHNN các giải pháp về chính sách tiền tệ để bảo đảm cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh.

Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết rủi ro lớn của BĐS là về thanh khoản, bởi tín dụng BĐS thường có giá trị lớn và kỳ hạn dài. Chính vì vậy, xuyên suốt những năm qua, NHNN có những quy định pháp luật để kiểm soát rủi ro. Còn việc thực hiện cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS thì do tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng và quyết định nhưng trên cơ sở phải bảo đảm được an toàn hoạt động của chính tổ chức tín dụng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo