xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gỡ khó cho du lịch đường sông

Bài và ảnh: GIA MINH

Việc mở cửa bến Bạch Đằng sẽ tái hiện hình ảnh "trên bến dưới thuyền", thúc đẩy du lịch cũng như giao thông đường thủy tại TP HCM

UBND TP HCM vừa chấp thuận chủ trương sau đề xuất của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP về việc tổ chức khai thác du lịch đường sông nội đô kết hợp phục vụ ẩm thực về đêm tại bến Bạch Đằng (quận 1). Trong đó, UBND TP yêu cầu thời gian khai thác tạm thời du lịch đường sông nội đô tại khu vực trên là 1 năm và khi TP thực hiện quy hoạch lại bến Bạch Đằng thì doanh nghiệp (DN) phải tự thực hiện di dời.

Khó khăn khi bến Bạch Đằng đóng cửa

Khu vực bến Bạch Đằng gồm bến cảng và Công viên Bạch Đằng chạy dọc sông Sài Gòn, là nơi diễn ra nhiều hoạt động vui chơi, giải trí. Tại đây, hiện có 4 bến thủy nội địa, dài 600 m, kéo dài từ ngã ba rạch Bến Nghé về phía thượng lưu, tiếp giáp Nhà máy Đóng tàu Ba Son - đường Tôn Đức Thắng. Trước đây, các hoạt động giải trí, ẩm thực ở khu vực này diễn ra nhộn nhịp với nhiều tàu du lịch, nhà hàng liên tục ra vào và neo đậu.

Năm 2015, UBND TP quyết định chấm dứt hoạt động của các tàu cánh ngầm, ca-nô du lịch, tàu nhà hàng... tại bến Bạch Đằng để phục vụ cho việc cải tạo bến. Những tàu này sau đó phải chuyển qua khu vực bến cảng Sài Gòn ở quận 4 để hoạt động. Điều đáng nói, sau hơn 3 năm, việc cải tạo bến Bạch Đằng gần như không có tiến triển gì, trong khi việc kinh doanh của nhiều DN đã bị ảnh hưởng rất lớn sau khi di dời do vị trí mới thiếu sự kết nối với giao thông bên ngoài.

"Việc tạm ngưng hoạt động tại bến Bạch Đằng đã làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch đường thủy. Từ năm 2015, lượng khách tham gia các chương trình du lịch đường thủy, khách sử dụng dịch vụ ăn tối, thưởng ngoạn trên sông giảm đáng kể" - Sở Du lịch đánh giá.

Trong khi đó, từ cuối năm 2017, TP đưa vào khai thác tuyến buýt đường sông số 1, với điểm đầu tại bến Bạch Đằng và điểm cuối ở Linh Đông (quận Thủ Đức). Một trong những mục tiêu chính là phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là vào giờ cao điểm nhằm giảm kẹt xe, ô nhiễm khí thải. Buýt đường sông cũng được kỳ vọng tạo ra sự đột phá trong phát triển du lịch, đa dạng các phương thức vận chuyển hành khách bằng đường thủy trên địa bàn TP.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm đưa vào khai thác, nhiều ý kiến cho rằng buýt đường sông chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch chứ chưa thể hiện đúng chức năng là một tuyến vận tải hành khách công cộng như kỳ vọng ban đầu.

Qua ghi nhận thực tế, lượng khách sử dụng buýt đường sông dù khá đông nhưng chủ yếu là những người muốn trải nghiệm, tham quan. Còn với người đi học, đi làm - đối tượng chính của vận tải hành khách công cộng - lại rất hiếm. Lý do là họ gặp quá nhiều bất tiện, từ việc mua vé cho đến thời gian chờ đợi cũng như sự hạn chế trong việc kết nối giữa buýt đường sông với các phương tiện khác. Với những người đi làm, đi học, yêu cầu thời gian nhanh, thuận tiện mua vé thì buýt đường sông chưa thể đáp ứng.

Gỡ khó cho du lịch đường sông - Ảnh 1.

Việc mở cửa bến Bạch Đằng sẽ tái hiện hình ảnh “trên bến dưới thuyền”, thúc đẩy du lịch cũng như giao thông đường thủy tại TP HCM

Mở cửa cho du lịch và ẩm thực

Trước thông tin UBND TP cho phép các tàu du lịch, tàu nhà hàng được quay trở lại cập bến Bạch Đằng, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch đường thủy tỏ ra vui mừng bởi sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc kinh doanh. Theo phương án được Sở GTVT xây dựng, những tàu cao tốc, tàu du lịch, nhà hàng… khi hoạt động trở lại tại bến Bạch Đằng sẽ chủ yếu hoạt động vào ban đêm. Việc này sẽ thuận tiện để phục vụ du khách nhưng không ảnh hưởng đến tình hình giao thông tại đây bởi thời điểm đó, các tuyến tàu cao tốc từ TP đi Vũng Tàu và tuyến buýt đường sông số 1 đã ngưng đón khách trong ngày.

Riêng tàu nhà hàng Eliza, Sở GTVT đề xuất được neo đậu tại bến vào những ngày cuối tuần và dịp lễ, Tết trong thời gian từ 16 giờ ngày thứ sáu đến 5 giờ sáng thứ hai. Về vấn đề này, UBND TP chấp thuận nhưng yêu cầu vào những dịp lễ, Tết, phương tiện này khi muốn neo đậu tại bến phải báo cáo và xin ý kiến từ UBND TP.

Theo Sở GTVT, khi những tàu này hoạt động trở lại tại bến Bạch Đằng, áp lực giao thông đường bộ mà cụ thể là đường Tôn Đức Thắng sẽ tăng lên do xe ra vào đón, trả khách. Trong phương án tổ chức giao thông, Sở GTVT cho biết sẽ sử dụng các đường ra vào từ bến kết nối với đường Tôn Đức Thắng vào ga tàu thủy Bạch Đằng (bến đang khai thác buýt đường sông) và ga tàu cao tốc Bạch Đằng để các loại xe dừng đón, trả khách. Khu vực này sẽ không mở thêm vị trí kết nối giao thông nhằm bảo đảm không gây kẹt xe. Trong quá trình khai thác, các DN cũng phải phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm mỹ quan và trật tự an toàn giao thông tại khu vực này.

Cần định hình buýt đường sông

Theo một số chuyên gia giao thông, việc có thêm một phương thức vận chuyển mới như buýt đường sông là cần thiết và hoàn toàn phù hợp. TP tận dụng được mạng lưới giao thông thủy với hơn 110 tuyến sông, kênh rạch, 1.000 km đường sông bao quanh, chắc chắn giao thông thủy chở khách trong các khung thời gian cố định sẽ chia lửa, giảm tải áp lực cho giao thông đường bộ. Tuy nhiên, buýt đường sông hình thành trên mục tiêu là tuyến vận tải hành khách công cộng và yếu tố đầu tiên là phải bảo đảm được sự thuận tiện, tần suất hoạt động nhiều để người dân đi lại. Còn với tuyến buýt đường sông hiện nay cần phải nhìn nhận lại và định hình đúng bản chất để có các phương án khai thác hiệu quả.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo