img

Nhà ngoại giao tài ba Nguyễn Cơ Thạch (1921-1998), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, là nhà lãnh đạo có uy tín lớn, để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam

[eMagazine]  Nhà ngoại giao tài ba Nguyễn Cơ Thạch - Ảnh 1.

Sinh ra trong lúc nước nhà còn chịu cảnh nô lệ dưới chế độ thực dân, phong kiến, tận mắt chứng kiến cảnh lầm than, những bất công, tủi hờn của người dân mất nước và tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường của các chiến sĩ cộng sản tiền bối, người thanh niên Nguyễn Cơ Thạch đã sớm giác ngộ lòng yêu nước, chí căm thù giặc và tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm.

img
img
img

Từ trái qua: Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đọc diễn văn tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 35 (1980). Ảnh: TTXVN; Ngoại trưởng Úc Bill Hayden đón Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tại sân bay Canberra, ngày 14-3-1984; ông Nguyễn Cơ Thạch tiếp ông I.A.Rogatchev - Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô ngày 27-11-1988. (Ảnh tư liệu)

Năm 1937 khi mới 16 tuổi, ông đã tham gia các hoạt động hướng đạo sinh, tiếp cận nhiều sách báo của tổ chức cộng sản ở trong và ngoài nước, gia nhập Tổ chức Thanh niên dân chủ, sau này đổi thành Thanh niên phản đế ở Nam Định. Điều đó cũng cho thấy quá trình đến với lý tưởng Cộng sản của ông Nguyễn Cơ Thạch là tự nhiên và tất yếu.

[eMagazine]  Nhà ngoại giao tài ba Nguyễn Cơ Thạch - Ảnh 3.

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tại họp báo trước khi kết thúc chuyến thăm Úc, tháng 3-1984. (Ảnh tư liệu- Báo TG&VN)

Giai đoạn 1940-1945 là thời kỳ ông trải qua thử thách, khó khăn khắc nghiệt nhất, đồng thời cũng chứng tỏ bản lĩnh và rèn luyện ý chí kiên định của mình. Trong thời kỳ ở trong nhà tù Sơn La, ông đã học hỏi nhiều kinh nghiệm, không ngừng nâng cao nhận thức chính trị, biến nhà tù thành trường học cách mạng. Năm 1943, ngay trong nhà tù Sơn La, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời của người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Cơ Thạch.

[eMagazine]  Nhà ngoại giao tài ba Nguyễn Cơ Thạch - Ảnh 4.

Tiếp theo đó, trong những năm kháng chiến chống Pháp (1945-1949) khi được giao nhiều trọng trách tại Bộ Quốc phòng, cơ quan Tổng Chỉ huy quân đội, Chánh Văn phòng Quân ủy đầu tiên của Việt Nam và làm Bí thư cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Nguyễn Cơ Thạch đã có nhiều đóng góp trong công tác tham mưu chiến lược về quân sự để đối phó với quân đội thực dân Pháp.

[eMagazine]  Nhà ngoại giao tài ba Nguyễn Cơ Thạch - Ảnh 5.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru ký Thông cáo chung Việt Nam - Ấn Độ, ngày 7-2-1958. Ông Nguyễn Cơ Thạch (đứng thứ hai từ trái) khi ấy là Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Ấn Độ. (Ảnh tư liệu)

Thời kỳ này, ông được thường xuyên làm việc dưới sự chỉ đạo của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chính điều đó đã giúp ông Nguyễn Cơ Thạch học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu, là hành trang vô giá cho sự nghiệp cách mạng sau này.

[eMagazine]  Nhà ngoại giao tài ba Nguyễn Cơ Thạch - Ảnh 6.

Giai đoạn 1954-1998: Trong hơn 40 năm gắn bó với ngành ngoại giao, nhất là khi đảm nhiệm trọng trách "Tư lệnh" ngành, ông Nguyễn Cơ Thạch đã thể hiện là nhà ngoại giao kiệt xuất, có tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh sáng tạo, luôn đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên trên hết và có nhiều đóng góp to lớn trong lĩnh vực đối ngoại, cụ thể như việc đưa ra giải pháp chính trị cho vấn đề Lào (1961-1962), ký kết và thực hiện Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1968-1973) và giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia (1978-1991), bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, ASEAN và Mỹ…

[eMagazine]  Nhà ngoại giao tài ba Nguyễn Cơ Thạch - Ảnh 7.

Ông Nguyễn Cơ Thạch với vai trò Trưởng đoàn chuyên viên đàm phán về Hiệp định Paris. (Ảnh tư liệu)

Từ những nhận thức rất mới mẻ vào thời điểm những năm 1980, ông Nguyễn Cơ Thạch đề xuất những ý tưởng mang tính bước ngoặt như nhấn mạnh lợi ích dân tộc cao nhất là giữ vững hòa bình để tập trung phát triển kinh tế.

[eMagazine]  Nhà ngoại giao tài ba Nguyễn Cơ Thạch - Ảnh 8.

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch trong một cuộc họp báo năm 1984 (Ảnh: Paul Wright/Fairfax Media | Getty)

Trước cục diện chính trị thế giới phức tạp những năm 1989-1991, với sự nhạy bén, sắc sảo và tư duy đổi mới, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã đưa quan hệ quốc tế của Việt Nam vượt qua những thách thức và biến động, góp phần chỉ đạo thực hiện những điều chỉnh có ý nghĩa chiến lược về đường lối chính sách đối ngoại, đưa nước ta thoát khỏi thế bao vây, cô lập; từ đó, tiến hành bình thường hóa và mở rộng quan hệ với các nước. Ông nhiều lần nhấn mạnh phải nắm vững tình hình quốc tế, nắm bắt xu hướng phát triển của thế giới, đánh giá đúng ý đồ chiến lược và lợi ích của mỗi nước và phải biết vận dụng sách lược hết sức khôn khéo.

"Say mê tìm tòi, phát hiện cái mới tiến bộ hơn, hiệu quả hơn, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã vận dụng sáng tạo đường lối đối ngoại của Đảng và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh trong giải quyết các vấn đề đối ngoại. Điển hình là phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, là sự vận dụng đúng đắn phương châm "thêm bạn bớt thù", "đoàn kết quốc tế" của Bác Hồ, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước và xu thế của thời đại. Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch còn được biết đến là vị Bộ trưởng "phá vây", có đóng góp lớn vào việc giải quyết vấn đề Campuchia, bình thường hóa quan hệ với các nước lớn và trong khu vực, từ đó kiến tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc Đổi mới và phát triển đất nước"- theo lời Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

[eMagazine]  Nhà ngoại giao tài ba Nguyễn Cơ Thạch - Ảnh 9.

Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch gặp Ngoại trưởng Mỹ James Baker tại New York, ngày 29-9-1990. (Ảnh tư liệu)

Bên cạnh đó, là một nhà ngoại giao xuất sắc với tầm nhìn chiến lược, từ rất sớm, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã chủ trương vận dụng quan hệ ngoại giao để phát triển kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có những chuyển biến lớn về kinh tế và khoa học kỹ thuật.

Trong thập niên 1970-1980, khi ngoại giao kinh tế là một vấn đề còn rất mới mẻ ở Việt Nam, sớm phát hiện xu thế quốc tế hóa kinh tế thế giới và các quốc gia, dân tộc đều tập trung nỗ lực cho phát triển kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã khởi xướng tư duy ngoại giao cũng phải phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Những năm đầu thời kỳ Đổi mới, ông Nguyễn Cơ Thạch rất tích cực thúc đẩy tư duy mới về phát triển kinh tế, chỉ đạo Bộ Ngoại giao dịch và phát hành lần đầu tiên cuốn sách "Kinh tế học" của nhà kinh tế học Paul Samuelson nhằm phổ biến kiến thức kinh tế thị trường để góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, hoạch định và triển khai các chủ trương của Đảng ta về đổi mới kinh tế. Ông cũng cho mời một số trí thức Việt kiều, các giáo sư kinh tế nổi tiếng nước ngoài về nước nói chuyện về lý thuyết kinh tế tư bản, về kinh tế thị trường, những điều đôi khi được đề cập khá "e dè" vào thời đó.

[eMagazine]  Nhà ngoại giao tài ba Nguyễn Cơ Thạch - Ảnh 10.

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tại họp báo ngay sau hội đàm tại thủ đô Canberra, Úc. (Ảnh tư liệu)

Nhà ngoại giao tài ba Nguyễn Cơ Thạch được xem là người đặt nền móng cho ngành ngoại giao Việt Nam thời kỳ Đổi mới. Theo GS-TS Phạm Quang Minh: "Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là một trong số các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận ra cơ hội chấm dứt với mô hình chính sách đối ngoại cũ, được định hình bởi yếu tố ý thức hệ và đưa ra một chính sách mới tập trung vào lợi ích quốc gia. Ông cũng là kiến trúc sư của một chiến lược an ninh mới và một chính sách đối ngoại cởi mở có giá trị và tính thời sự cho đến tận hôm nay.

Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị năm 1988 nằm trong số các văn kiện mà Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch là một trong những tác giả chính và có thể coi là bước ngoặt trong việc hình thành chính sách đối ngoại đổi mới của Việt Nam. Theo đó, Ðảng nêu rõ trạng thái "đấu tranh và hợp tác cùng tồn tại hòa bình" và nhận định "với một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh cùng với sự mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, chúng ta sẽ càng có nhiều khả năng giữ vững độc lập và xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa hơn".

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã đặt nền móng cho tư duy đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam bằng cách bình thường hóa với Mỹ và trở thành thành viên của tất cả các tổ chức quốc tế, bao gồm ASEAN vào năm 1995 và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007.

Ngày nay, trong chính sách đối ngoại, Việt Nam đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, bao gồm giữ vững môi trường hòa bình thông qua độc lập, tự cường, đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ đối ngoại."

[eMagazine]  Nhà ngoại giao tài ba Nguyễn Cơ Thạch - Ảnh 11.

Về công tác nội bộ, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng là người khởi xướng việc đổi mới công tác xây dựng ngành Ngoại giao, coi công tác này có tầm quan trọng ngang với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ của Bộ Ngoại giao đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo dựng nên Bộ Ngoại giao lớn mạnh như hôm nay.

Nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao như Đại sứ Nguyễn Dy Niên (nguyên Bộ trưởng Ngoại giao), Đại sứ Nguyễn Đình Bin (nguyên Thứ trưởng Thường trực), Đại sứ Nguyễn Phú Bình (nguyên Thứ trưởng), Đại sứ Trần Trọng Toàn (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) và Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga (Cố vấn cao cấp, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương) đã chia sẻ về những sáng kiến đổi mới mang tính đột phá của ông Nguyễn Cơ Thạch trong công tác xây dựng nội bộ tại Bộ Ngoại giao. Trong đó, cơ chế Tập sự cấp Vụ và Tập sự cấp Bộ được coi là cơ chế hoàn toàn mới mẻ lúc bấy giờ, khi triển khai đã rất thành công, tạo cơ hội cho những cho cán bộ ngoại giao trẻ có năng lực được đề bạt vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của Bộ. Phát huy nhiều sáng kiến của ông Nguyễn Cơ Thạch, Bộ Ngoại giao không ngừng hoàn thiện và đến nay đã có cơ chế tương đối hoàn chỉnh về công tác cán bộ; trong đó cơ chế đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý đã được một số cơ quan khác nghiên cứu tham khảo, áp dụng.

[eMagazine]  Nhà ngoại giao tài ba Nguyễn Cơ Thạch - Ảnh 12.

Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch bắt tay Đại sứ Mỹ Bill Sulivan trước phiên họp ngày 22-5-1973. (Ảnh: Getty/Bettmann)

Trong xây dựng ngành, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng rất coi trọng công tác nghiên cứu và đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu. Theo chia sẻ của Đại sứ Vũ Dương Huân (nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao), Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã cho triển khai hàng loạt sáng kiến giúp xây dựng, đào tạo lực lượng cán bộ nghiên cứu, như thành lập các viện nghiên cứu, ban nghiên cứu; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu; sử dụng đội ngũ cán bộ trình độ cao để biên soạn giáo trình đào tạo cán bộ.

[eMagazine]  Nhà ngoại giao tài ba Nguyễn Cơ Thạch - Ảnh 13.

Ông Nguyễn Cơ Thạch trả lời câu hỏi của đông đảo báo chí trong và ngoài nước về việc Mỹ tuyên bố bãi bỏ cấm vận đối với Việt Nam, ngày 4-2-1994. (Ảnh tư liệu)

Một điều rất đặc biệt là đến tận hôm nay, trong trao đổi của chúng tôi với nhiều cán bộ ngoại giao về nhiều chủ đề khác nhau, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đều được nhắc đến trong câu chuyện với nhiều bài học và chiêm nghiệm sâu sắc về công việc và cuộc sống. Nữ Đại sứ Nguyễn Thị Hồi, nguyên Vụ trưởng, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO, Đại sứ tại Áo và Canada... được biết đến với biệt danh "Nữ Đại sứ đập bàn", từng chia sẻ nhiều khi gặp những tình huống khó khăn trong công tác, khi vượt qua rồi, bà mới ngẫm nghĩ việc giải quyết tình huống này mình học ở đâu, thì chính là học ở ông Nguyễn Cơ Thạch. Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga (Cố vấn cao cấp, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương) cũng cho biết người ảnh hưởng nhiều nhất đến con đường sự nghiệp của bà chính là ông Nguyễn Cơ Thạch. Có lần, bà hỏi ông, trong ngoại giao, khi gặp một câu hỏi rất khó trả lời, ừ cũng không được mà lắc cũng không xong thì biết làm sao? Ông nói đơn giản: "Thì lúc đó cứ nói thật thôi". Sau này, khi gặp rất nhiều tình huống "cam go", bà đều nhớ đến những lời ông nói để vượt qua.

[eMagazine]  Nhà ngoại giao tài ba Nguyễn Cơ Thạch - Ảnh 14.

Bà Phan Thị Phúc, phu nhân ông Nguyễn Cơ Thạch, tại triển lãm một số hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của ông Nguyễn Cơ Thạch trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 100 năm sinh ông Nguyễn Cơ Thạch, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ngày 10-12-2021, tại Nhà làm việc Bộ Ngoại giao, số 2 Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Khái lược tiểu sử và quá trình hoạt động của ông Nguyễn Cơ Thạch

Ông Nguyễn Cơ Thạch tên khai sinh là Phạm Văn Cương, sinh ngày 15-5-1921 tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Tham gia Tổ chức Thanh niên Dân chủ rồi Thanh niên Phản đế tại Nam Định (1937–1939) và bị thực dân Pháp bỏ tù tại Nam Định, Hòa Bình, Sơn La (1940-1945).

Năm 1943, trong nhà tù Sơn La, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tháng 8 năm 1945, ông lãnh đạo cướp chính quyền tại phủ Nghĩa Hưng và các tổng phía Nam huyện Vụ Bản, Nam Định.

Tháng 9 năm 1945, ông về công tác tại Bộ Quốc phòng, làm Bí thư cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp; sau đó giữ chức vụ Chánh Văn phòng Quân uỷ Trung ương, Bí thư đảng uỷ các cơ quan Bộ Quốc phòng và Tổng tư lệnh (1947–1949).

Sau đó ông làm Phó Bí thư rồi Quyền Bí thư tỉnh uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Hà Đông (tháng 5 năm 1949 - tháng 5 năm 1951); Uỷ viên Đảng Đoàn và Uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến hành chính Liên khu 3, Bí thư Đảng ủy các cơ quan của Liên khu (1949–1954).

Từ năm 1954, ông công tác trong ngành ngoại giao và lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao (1954–1956), Tổng lãnh sự nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cộng hòa Ấn Độ (1956–1960); Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Uỷ viên Đảng đoàn Bộ Ngoại giao (tháng 8 năm 1960 – tháng 5 năm 1979); Quyền Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Genève về Lào (1961–1962); Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách công tác đấu tranh chống Mỹ (từ 1964).

Ông là trợ lý cho Cố vấn Lê Đức Thọ trong đàm phán với Mỹ (1972–1973) đưa đến việc ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam; Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao các nước không liên kết tại Peru (1975); Đặc phái viên của Chính phủ thăm các nước Ả Rập, Tây Âu, Bắc Âu và ASEAN (1976–1980); Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao các nước không liên kết tại Colombo (Sri Lanka), New Delhi (Ấn Độ), Luanda (Angola) (1979–1986); Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York (1979–1991).

Tháng 10-1958 đến tháng 1-1981, ông là Bí thư Ban cán sự đảng Ngoại nước. Tháng 5-1979, ông làm Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao (hàm Bộ trưởng), rồi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ tháng 1-1980; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (tháng 2-1987 đến 1991).

Ông là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng từ tháng 12-1976 đến 1991, Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị từ năm 1982, Uỷ viên chính thức Bộ Chính trị khoá VI (1986–1991), phụ trách Ban Đối ngoại Trung ương Đảng.

Ngày 29-9-1990, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch được cử đi gặp Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ James Baker tại New York, bắt đầu tiến trình đàm phán bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Sau khi thôi chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông tham gia nghiên cứu tổng kết công tác ngoại giao, nghiên cứu kinh tế thế giới và chiến lược đối ngoại (tháng 10-1991 đến 1998).

Ông là đại biểu Quốc hội khoá VII (1981-1987) và khoá VIII (1987-1992).

Ông mất ngày 10-4-1998 tại Hà Nội, hưởng thọ 77 tuổi.

thach23

Lễ dâng hương tưởng niệm ông Nguyễn Cơ Thạch tại Nghĩa trang Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội ngày 23-4-2021 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Thay mặt cho gia đình ông Nguyễn Cơ Thạch, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã phát biểu đáp từ, cảm ơn và nhấn mạnh, buổi lễ vô cùng ý nghĩa và cảm động vì đây là dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh và cũng là 23 năm ngày mất của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.

Ghi nhận những cống hiến to lớn của ông Nguyễn Cơ Thạch, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại, Đảng và Nhà nước đã trao tặng ông Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Chiến thắng hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy chương "Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam", Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Sau này, tên của ông Nguyễn Cơ Thạch được đặt cho các đường, phố ở Hà Nội, Nam Định, Đà Nẵng, Nha Trang và TP HCM.

DƯƠNG NGỌC - NGUYÊN LÂM


Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên