img


Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Trọng Nghĩa (đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn), cần trả lương cho cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, theo cá nhân và theo kết quả hoàn thành công việc.

- Phóng viên: Một trong những câu hỏi thường xuyên được đặt ra là "Bao giờ chúng ta sống được bằng lương?" và đến nay vẫn chưa có câu trả lời cho việc này. Đại biểu đánh giá thế nào về mức lương hiện nay của đội ngũ cán bộ, công chức?

[eMagazine] Bao giờ sống được bằng lương? - Ảnh 1.

+ ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban xã hội của Quốc hội: Hiện nay, mức lương cơ sở để tính tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức được áp dụng là 1.490.000 đồng/tháng. Mức lương cơ sở này được áp dụng kể từ ngày 1-7-2019 theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP.

Với mức lương cơ sở như vậy thì tiền lương của 1 công chức tốt nghiệp đại học được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên bậc 1 thì có hệ số lương là 2,34 nhân với 1.490.000 đồng thì chỉ bằng 3.486.600 đồng/tháng, còn chưa tính đến các khoản phải đóng góp. Nếu giữ hệ thống thang bậc lương như hiện nay, thì lương của Chuyên viên cao cấp bậc 1 cũng chỉ 9.238.000 đồng một tháng. Tôi cho rằng, mức lương hiện nay của đội ngũ cán bộ, công chức là rất thấp.

- Nhìn vào thang bảng lương của công chức, viên chức nhà nước hiện nay có thể thấy chính sách tiền lương chưa tạo được động lực làm việc, cống hiến của công chức, viên chức. Ông có cùng quan điểm?

+ Đúng vậy, tiền lương là nguồn chính trong thu nhập, cho nên với mức lương thấp như hiện nay, đời sống của phần lớn công chức, viên chức rất khó khăn. Tiền lương thấp đã làm giảm động lực làm việc của công chức, viên chức.

Theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp thì phấn đấu đến năm 2020, lương tối thiểu sẽ đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và đến năm 2030 công chức sẽ sống được bằng lương. Tuy nhiên, đến nay, chúng ta vẫn chưa bảo đảm tiến độ thực hiện như đã đề ra.

[eMagazine] Bao giờ sống được bằng lương? - Ảnh 2.

- Thay vì "cào bằng", cần trả lương cho cán bộ, công chức như thế nào để phù hợp với bối cảnh hiện nay, thưa ông?

+Để tránh cào bằng, tôi có một số kiến nghị như sau: 

Thứ nhất, trả lương theo vị trí, thông qua việc xây dựng hệ thống chức danh công việc hợp lý và so sánh với mức tiền công trên thị trường; 

Thứ hai, trả lương theo cá nhân, theo đó cần xác định các yêu cầu về trình độ và khả năng của người lao động đối với từng vị trí công việc để trả lương tương ứng; xác định và áp dụng các mức lương cao đối với các kỹ năng và tay nghề có nhu cầu cao trên thị trường; 

Thứ ba, trả lương cho kết quả hoàn thành công việc. Để cải thiện tiền lương, đảm bảo mức sống cho cán bộ, công chức cũng như nâng tạo động lực trong công việc, nâng cao hiệu quả, cần nghiên cứu hệ thống bảng lương trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện công việc.

[eMagazine] Bao giờ sống được bằng lương? - Ảnh 3.

- Một số ý kiến cho rằng thu nhập chính từ lương thấp đang bào mòn liêm sỉ, nhân phẩm, tự trọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Theo đại biểu, việc tăng tăng lương, cải thiện thu nhập, để cán bộ, công chức "đảm bảo cuộc sống" bằng lương sẽ góp phần như thế nào vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay?

+ Tôi cho rằng nếu chúng ta bảo đảm cuộc sống cho công chức, họ sẽ toàn tâm, toàn ý cho công việc, không có nhu cầu phải tham nhũng, tiêu cực. Mà ngược lại, với cơ chế tiền lương phù hợp, chúng ta sẽ thu hút được người có năng lực vào bộ máy Nhà nước. Từ đó, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Khi kinh tế - xã hội phát triển thì Nhà nước lại có điều kiện để tăng lương cho công chức.

Hiện nay, với mức thu nhập thấp, khu vực công đã kém hấp dẫn hơn khu vực tư. Trên thực tế đã có nhiều công chức bỏ việc Nhà nước ra làm cho khu vực tư, với mong muốn cải thiện thu nhập. Theo tôi, đây là vấn đề cần hết sức lưu tâm.

[eMagazine] Bao giờ sống được bằng lương? - Ảnh 4.

- Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp được ban hành năm 2018, xác định các mục tiêu, lộ trình về cải cách tiền lương. Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố bất lợi, đặc biệt là dịch Covid-19 nên Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII đã chỉ đạo lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm phù hợp. Dù vậy, trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, cử tri đề nghị Chính phủ sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương cho phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và sự gia tăng giá cả. Theo ông, các cơ quan có thẩm quyền cần hành động như thế nào để cải cách tiền lương trước mong mỏi đó của cử tri?

+Đối với người lao động, sau 2 năm không tăng lương tối thiểu thì Chính phủ đã điều chỉnh lương tối thiểu vùng tăng thêm 6% từ 1-7-2022.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương theo tiền lương cơ sở thì từ 1-7-2019 trở về trước, năm nào lương cơ sở cũng tăng. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ năm 2020 đến nay, lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức cũng không tăng từ thời điểm 1-7-2019. Quốc hội cũng đã quyết định lùi cải cách tiền lương với công chức, viên chức thay vì thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2022 theo nội dung tại Nghị quyết 34/2021/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022.

Như vậy, kể từ ngày 1-7-2019 đến nay, lương cơ sở của công chức không tăng. Với mức trượt giá từ năm 2019 đến nay, thực tế thu nhập của những đối tượng này lại giảm đi. Do đó, tôi đề nghị Chính phủ sớm nâng lương cơ sở từ 1-1-2023. Chúng ta đã sử dụng nhiều vốn ODA để đầu tư phát triển hạ tầng thì cũng cần tính đến phương án dùng nguồn vốn này để đầu tư cho nguồn nhân lực bằng việc tăng lương cho công chức.

MINH CHIẾN - NGUYÊN LÂM

Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên