xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đường bộ quá tải, đường sông đìu hiu

Bài và ảnh: NHƯ PHÚ

Trong khi các trục đường chính của Bình Dương đang quá tải thì đường sông lại im ắng dù đã xây dựng bến cảng quy mô

Sau nhiều năm thu hút đầu tư, hiện Bình Dương có tới 26 KCN đang hoạt động. Số KCN hoạt động sẽ còn tăng. Nhà máy, công ty nhiều, nhu cầu vận tải hàng hóa tăng cao đã khiến các trục đường chính lớn của tỉnh này quá tải. Cụ thể, các tuyến đường ĐT 743, Quốc lộ 13 nối TP HCM với các KCN ở Bình Dương đang quá tải phương tiện dẫn đến hư hỏng nặng, đe dọa an toàn giao thông.

Ngạt thở với đường bộ

"Tôi đi nhiều nơi nhưng không thấy ở đâu xe container chạy nhiều như Bình Dương. Đặc biệt đường ĐT 743, container nối đuôi, rầm rập ngày đêm. Nó phá đường, gây kẹt xe, cán người. Mình đi xe máy té ra đường là xe container tới cán ngay. Bao nhiêu người ra đi tức tưởi kiểu đó rồi" - chị Nguyễn Thị Hoa, ngụ phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, nói.

Trong khi đó, tài xế xe container Lê Văn Sơ (32 tuổi, ngụ Bình Dương) than: "Người dân cứ chửi xe container là hung thần nhưng ít ai hiểu nỗi khổ của tụi này. Đường thì kẹt cứng, xe máy đông nghẹt. Dân chạy xe máy thì cúp ngang, cúp dọc trước đầu xe, hỏi sao mà không bị cán. Nhiều đoạn đường chúng tôi chỉ bò chứ đâu có chạy nhưng vẫn cán chết người vì đầu xe container cao, chúng tôi ngồi trên rất khó quan sát xe máy chạy sát bên". Tài xế này cho biết thêm mình chở hàng, nguyên liệu từ KCN VISP 2 (Bình Dương) đến cảng Cát Lái (TP HCM) nhưng liên tục gặp kẹt xe, nhiều lần hàng đến trễ khiến doanh nghiệp la ó, than vãn.

Đường bộ quá tải, đường sông đìu hiu - Ảnh 1.

Đường ĐT 743 đang hư hỏng đe dọa an toàn của người đi xe máy vì quá tải xe container

Ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương cũng cho rằng hệ thống kết nối hạ tầng giao thông của Bình Dương thực sự đang quá tải. Nguyên nhân là do tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa dẫn đến gia tăng nhanh phương tiện vận tải, phương tiện giao thông cá nhân. Trong đó, phương tiện vận tải của Bình Dương chuyên phục vụ công nghiệp (như xe container, các loại xe vận tải hàng hóa) chiếm diện tích mặt đường nhiều... Về phương tiện giao thông cá nhân, bình quân cứ 2 người dân (tính luôn trẻ sơ sinh, người già) thì có 1 chiếc xe hai bánh và hơn 100.000 ô tô (đăng ký tại Bình Dương).

Chưa kể, Bình Dương là vị trí quá cảnh của các xe chạy tuyến TP HCM - Tây Nguyên nên quá tải giao thông bộ ngày càng trầm trọng, dẫn đến đường hư hỏng ngày càng nhanh, tai nạn rình rập là khó tránh khỏi.

Đường sông chờ phá đá, tháo cầu

Theo các chuyên gia giao thông, 2 con sông lớn đều chảy qua Bình Dương là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, trong khi các KCN ở Bình Dương đều cách sông không xa. Việc vận chuyển hàng, container bằng đường thủy được xác định là cách vừa rẻ, an toàn vừa giảm tải cho đường bộ. Do đó, vận tải đường thủy ở Bình Dương rất thuận lợi để phát triển.

Nắm bắt được lợi thế trên, từ lâu Bình Dương đã hoạch định xây các cảng thủy nội địa để vận chuyển container, hàng hóa qua lại với các cảng nước sâu, cảng lớn của TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu như cảng Sài Gòn, Hiệp Phước, Cát Lái, Đồng Nai, Thị Vải, Cái Mép…

Đường bộ quá tải, đường sông đìu hiu - Ảnh 2.

Cảng An Sơn xây dựng từ năm 2012 đến nay vẫn chưa vận hành, phơi nắng phơi mưa

Cụ thể năm 2012, Bình Dương đã đưa vào vận hành cảng Thạnh Phước (tọa lạc bên sông Đồng Nai, đoạn thuộc thị xã Tân Uyên). Đây là cảng thủy nội địa cấp 3, có vốn đầu tư hàng trăm tỉ đồng, được sử dụng để bốc xếp hàng hóa tổng hợp và container. Cũng trong năm 2012, Bình Dương khởi công xây khu kho cảng An Sơn (kinh phí dự tính ban đầu là 323 tỉ đồng). Thời điểm đó, Bình Dương dự kiến sẽ đưa cảng này hoạt động sau 10 tháng thi công, cảng có khả năng tiếp nhận sà lan đến 2.200 tấn. Tuy nhiên đến nay, cảng Thạnh Phước hoạt động cầm chừng, không hiệu quả như dự tính; còn cảng An Sơn thì chưa vận hành, cứ để phơi nắng phơi mưa.

Nói về nghịch lý trên, ông Trần Bá Luận cho rằng do vướng đá ngầm nên hoạt động của cảng Thạnh Phước không hiệu quả. Năm 2016 tỉnh này đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chủ trì việc thanh thải, phá đá ngầm trên sông Đồng Nai.

Còn cảng An Sơn chưa đưa vào vận hành là vì trên sông Sài Gòn hiện còn 2 cây cầu có độ tĩnh không quá thấp khiến tàu lớn chui qua không lọt, đó là cầu sắt Bình Lợi và cầu sắt Phú Long. "Khi nào TP HCM tháo dỡ 2 cầu sắt này thì cảng An Sơn sẽ hoạt động nhưng chưa rõ thời điểm vì cầu Bình Lợi mới đang thi công chưa biết khi nào xong" - một cán bộ ở Bình Dương nói.

Sợ bị "bắt giò"!

Về lý do tại sao đường bộ quá tải nhưng một số dự án mở đường, nâng cấp đường (ĐT743, Mỹ Phước - Tân Vạn, Quốc lộ 13…) chưa thực hiện nhanh như kỳ vọng, ông Trần Bá Luận cho biết công tác đầu tư xây dựng cơ bản, nâng cấp mở rộng công trình giao thông đòi hỏi thời gian do phải tuân thủ một loạt trình tự, các quy định liên quan quy định pháp luật như luật xây dựng, luật đấu thầu, luật đất đai cũng như việc thương lượng với dân trong công tác giải tỏa đền bù.

Ông Luận nói: "Theo quy định nhà nước hiện nay, nếu suôn sẻ hết, từ khi có chủ trương cho làm dự án đến khi ra được thiết kế là 753 ngày. Chúng tôi làm thiếu một ngày là không được, bởi các cơ quan thanh tra, kiểm tra vô bắt giò ngay".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo