xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đưa Đông Nam Bộ trở thành trung tâm hàng đầu

THẾ DŨNG

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phải đổi mới mạnh mẽ, tạo chuyển biến có tính đột phá để đưa vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại... hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á

Ngày 23-10, tại trụ sở Trung ương Đảng đã diễn ra Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết 24). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đồng chủ trì có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.

Đóng góp 32% GDP của cả nước

Hội nghị lần này nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để sớm đưa Nghị quyết 24 vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng.

Vùng Đông Nam Bộ bao gồm TP HCM và 5 tỉnh trực thuộc trung ương là: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và đối ngoại của đất nước.

Bộ Chính trị cho biết để phát huy vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng, ngày 29-8-2005, Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết số 53-NQ/TW; ngày 2-8-2012, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Kết luận số 27-KL/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và thời kỳ 2011 - 2020.

Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-KL/TW, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong vùng đã phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng và tinh thần đổi mới, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, liên tục phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nổi bật là vùng Đông Nam Bộ đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước. Tỉ lệ đô thị hóa của vùng đạt 67% với diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, hiện đại. Đặc biệt, TP HCM từng bước đã trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới, sáng tạo và công nghệ thông tin của vùng và cả nước.

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của vùng còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức lớn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; một số chỉ tiêu quan trọng đề ra chưa đạt được; tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng có xu hướng chậm lại và thấp hơn tốc độ trung bình cả nước…

Theo Bộ Chính trị, thực tiễn tình hình trên đã đặt ra yêu cầu phải khẩn trương, nghiêm túc tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX; Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI và nghiên cứu xây dựng, ban hành nghị quyết mới về vấn đề đặc biệt quan trọng này, góp phần tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ trong giai đoạn phát triển mới.

Đưa Đông Nam Bộ trở thành trung tâm hàng đầu - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ngày 23-10. Ảnh: NHẬT BẮC

Tạo bước chuyển có tính đột phá

Tại hội nghị, đại diện Chính phủ, một số bộ, ngành, địa phương trình bày tham luận, nêu rõ tiềm năng, thế mạnh, lợi thế, kể cả những khó khăn, thách thức lớn của vùng Đông Nam Bộ.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Nghị quyết 24 đã quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; kế thừa, bổ sung, phát triển các quan điểm của Nghị quyết số 53-NQ/TW thành những quan điểm chỉ đạo mới, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.

Theo Tổng Bí thư, nghị quyết lần này đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tầm nhìn đến năm 2045 là Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới.

Nhấn mạnh mục tiêu, tầm nhìn là nội dung mới của Nghị quyết 24, Tổng Bí thư chỉ đạo: "Phải đổi mới mạnh mẽ, năng động, sáng tạo hơn nữa, tạo chuyển biến có tính đột phá trong việc tiếp tục xây dựng và phát triển vùng Đông Nam Bộ trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò đầu tàu trong liên kết phát triển vùng ĐBSCL, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước. Trong đó, TP HCM là thành phố kinh tế tri thức, trung tâm tài chính quốc tế, là điểm đến của tầng lớp trung lưu, trí thức, nhất là trí thức trẻ, đến sinh sống và làm việc; có trình độ phát triển ngang tầm với các thành phố lớn ở khu vực châu Á, đóng vai trò là một cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và cả nước".

Tổng Bí thư đề nghị phải nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của nghị quyết, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng.

"Trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, phải đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển vùng. Đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển của từng địa phương, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực phát triển. Huy động tối đa nguồn lực cho phát triển vùng, trong đó xác định lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; kết hợp hài hòa với ngoại lực là quan trọng, đột phá" - Tổng Bí thư quán triệt. 

Khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo ngay sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức Đảng và các cơ quan ở trung ương, cũng như các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị của các địa phương vùng Đông Nam Bộ cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 24 gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành. Ban Cán sự Đảng Chính phủ cần ráo riết chỉ đạo, khẩn trương xây dựng, ban hành chương trình hành động triển khai thực hiện nghị quyết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành ở trung ương và các địa phương trong vùng.

. Ông VÕ TẤN ĐỨC, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai:

Phát huy lợi thế từ sân bay Long Thành

Với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, tỉnh Đồng Nai đề ra một số nhiệm vụ quan trọng.

Theo đó, tỉnh đang tổ chức lập quy hoạch vùng sân bay và quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định lấy sân bay Long Thành làm trọng tâm nhằm tạo động lực phát triển cho tỉnh Đồng Nai cũng như cả vùng Đông Nam Bộ.

Cụ thể là tỉnh thúc đẩy hoàn chỉnh đầu tư hệ thống giao thông kết nối sân bay với các khu vực nội tỉnh và vùng kinh tế Đông Nam Bộ theo các hướng; hình thành khu đô thị xung quanh sân bay để phục vụ sân bay Long Thành và các hoạt động thông quan. Song song đó, phát huy các lợi thế chuẩn bị nguồn nhân lực chuyển đổi nghề nghiệp người dân trong vùng từ khu vực nông nghiệp, công nghiệp sang dịch vụ hiện đại; phát triển hạ tầng logistics, hạ tầng công nghiệp...

. Ông VÕ VĂN MINH, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương:

Cần có cơ chế đặc thù cho vùng

Qua quá trình thực hiện báo cáo tổng kết Nghị quyết 53-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Bình Dương đã nêu những điểm nghẽn cố hữu mà vùng Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên kết phát triển vùng đã và đang gặp phải. Trong đó, các địa phương trong vùng chưa có cơ chế đặc thù và chưa được đầu tư đúng mức; kết cấu hạ tầng chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng…

Từ thực tiễn trên, đề nghị trung ương sớm hoàn thành quy hoạch vùng làm cơ sở triển khai đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội vùng. Đồng thời, xem xét cơ chế thúc đẩy, phân bổ nguồn lực đầu tư phù hợp với điều kiện từng địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm. Cần có cơ chế đặc thù cho vùng trong điều tiết ngân sách, cũng như quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho các địa phương trong vùng nói chung và Bình Dương nói riêng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực...

Bình Dương cũng kiến nghị trung ương xem xét, phân bổ nguồn lực biên chế phù hợp, tương xứng với quy mô, tiềm năng phát triển của tỉnh để đáp ứng các nhu cầu phát triển hiện tại của địa phương.

N.Tuấn - T.Nguyễn ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo