xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dự án thủy điện Luang Prabang gây lo ngại lớn

Bài và ảnh: THU HỒNG

Đa số các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học thể hiện sự quan ngại về dự án thủy điện Luang Prabang của Lào trên sông Mê Kông dự kiến khởi công vào ngày 1-7-2020

Ngày 4-11, tại TP HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam (UBSMKVN) tổ chức hội thảo tham vấn quốc gia dự án thủy điện Luang Prabang của Lào, với sự góp mặt của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các tỉnh của ĐBSCL. Phó Chủ tịch Thường trực UBSMKVN, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Công Thành, chủ trì hội thảo.

Tài liệu của Lào gửi chưa đánh giá toàn diện

Theo bà Nguyễn Hồng Phượng, Phó chánh Văn phòng UBSMKVN, ngày 31-7-2019, Ủy ban sông Mê Kông quốc gia Lào đã gửi đến Ban Thư ký Hội sông Mê Kông quốc tế thông báo về kế hoạch triển khai dự án thủy điện Luang Prabang trên dòng chính sông Mê Kông. Theo Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông (năm 1995), Ủy hội sông Mê Kông quốc tế đã triển khai thực hiện quá trình tham vấn cho dự án này từ tháng 10-2019. Tại Việt Nam, việc tham vấn nhằm đưa ra các đề xuất nhằm hạn chế thấp nhất các tác động ảnh hưởng đến hạ lưu trong quá trình xây dựng thủy điện của Lào.

Về vị trí, thủy điện Luang Prabang dự kiến xây dựng tại Km2.036 cách biên giới Việt Nam 1.785 km, tổng dung tích hồ chứa 1.256 triệu m3, công suất thiết kế 1.460 MW và sản lượng điện hằng năm 6.633 GWh, dự kiến bán sang Thái Lan hoặc Việt Nam. Công trình dự kiến khởi công từ ngày 1-7-2020 và hoàn thành quý III/2027. Ngoài thủy điện Luang Prabang đang lấy ý kiến, trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông, các nước Campuchia, Lào và Thái Lan đang có kế hoạch xây dựng 11 công trình thủy điện.

Đánh giá về tác động của thủy điện này đối với vùng hạ lưu là Việt Nam, UBSMKVN cho rằng tác động của tổ hợp các công trình bậc thang thủy điện vùng hạ lưu sông Mê Kông rất nghiêm trọng và tác động này đã thấy rõ khi 11 công trình thủy điện của Trung Quốc nằm ở thượng lưu đã vận hành, lưu giữ lại đến hơn 50% tổng lượng phù sa, bùn cát hằng năm đổ về hạ lưu là ĐBSCL.

"Hiện tại, các tài liệu phía Lào gửi chưa đánh giá toàn diện. Cụ thể, chưa tính toán dòng chảy sau công trình; chưa rõ quy trình vận hành hồ thủy điện cũng như hệ thống giám sát, dự báo; chưa đưa ra biến động dòng chảy hạ lưu và ngập lụt lòng hồ tác động hệ sinh thái ra sao, bảo tồn các loại cá… Do đó, trong quá trình tham vấn, rà soát đánh giá tài liệu, mọi tác động xuyên biên giới của công trình đối với hạ lưu, đặc biệt là ĐBSCL sẽ được xem xét kỹ lưỡng. Việt Nam sẽ kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế dự án, hoàn thiện các biện pháp giảm thiểu tác động, xây dựng các chương trình theo dõi, giám sát tác động bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế trước khi xây dựng công trình" - đại diện UBSMKVN thông tin.

Dự án thủy điện Luang Prabang gây lo ngại lớn - Ảnh 1.

TS Lê Anh Tuấn không đồng tình với việc xây dựng thủy điện Luang Prabang bởi các tác động tiêu cực của chuỗi đập trên sông Mê Kông thời gian qua đã quá rõ

Những khuyến cáo gay gắt

Nói về dự án này, TS Tô Văn Trường, chuyên gia thủy lợi, cho rằng chúng ta nên lấy thủy điện Xayaburi làm bài học kinh nghiệm bởi tuy khoảng cách xa Việt Nam nhưng việc xây dựng thủy điện Luang Prabang phải tính cả hệ thống và tầm ảnh hưởng xuyên biên giới. Do đó, đề xuất phía Lào phải bổ sung số liệu cập nhật các tài liệu về thủy văn, phù sa, bồi cát, bổ sung đánh giá tác động xuyên biên giới; cơ chế giám sát toàn diện quá trình xây dựng cũng như vận hành...

Vẫn giữ quan điểm phản đối việc xây dựng thủy điện Luang Prabang của Lào, TS Lê Anh Tuấn, Trường ĐH Cần Thơ, phân tích: Tác động tiêu cực của chuỗi đập trên sông Mê Kông thời gian qua đã quá rõ thông qua các báo cáo dòng chảy, phù sa, thủy sản, nguồn sống của cộng đồng dân cư ở ĐBSCL. Đặc biệt, báo cáo của Chính phủ cho thấy mỗi năm ĐBSCL mất khoảng 550 ha đất khiến hàng ngàn hộ dân mất sinh kế, mất nhà cửa. Hiệu ứng của đập thủy điện giống như domino, nhiều công trình cộng dồn sẽ tạo tác động lớn, nặng nề và không thể khắc phục.

Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam Lưu Hồng Trường đề nghị cần yêu cầu phía Lào bổ sung thêm thông tin vì báo cáo còn sơ sài, chủ yếu đánh giá quanh khu vực đập mà chưa phản ánh phía hạ lưu, quá trình khảo sát ít, chưa phản ánh được hiện trạng khu vực bị tác động, hệ sinh thái, tác động đến cộng đồng địa phương, các loài thủy sản...

Đáng lưu ý nhất là đại diện các tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp đều đưa ra những con số đáng lo ngại khi trong 10 năm (2008-2018), tổng lượng phù sa của ĐBSCL giảm 37,9%. "Việc xây đập sẽ gây thiếu nước, xâm nhập mặn tăng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và hệ sinh thái. Đơn cử như tỉnh Bến Tre, ngân sách phải bỏ ra một khoản không nhỏ để xây dựng các công trình trữ nước ngọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hỗ trợ người dân bị sạt lở…" - đại diện tỉnh Bến Tre dẫn chứng.

Ghi nhận ý kiến các nhà khoa học, các địa phương, Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định sắp tới, Chính phủ Việt Nam sẽ đánh giá nhiều hơn các công trình thủy điện ở Lào và Campuchia, tiếp tục tham vấn để lắng nghe ý kiến. Mối quan tâm của Việt Nam không chỉ tập trung vào tác động tại chỗ của một công trình riêng lẻ mà là tác động tổng thể có tính xuyên biên giới của toàn bộ bậc thang thủy điện dòng chính và cả những dòng nhánh. "Việc tham vấn nhằm có thêm luận cứ vững chắc trong quá trình ra quyết định đối với các hoạt động phát triển trong lưu vực sông Mê Kông nói chung và phát triển thủy điện dòng chính nói riêng" - Phó Chủ tịch Thường trực UBSMKVN nhấn mạnh. 

Tiếp tục tổ chức tham vấn đến tháng 4-2020

Theo UBSMKVN, sau hội thảo tham vấn này, Bộ TN-MT và UBSMKVN sẽ tiếp tục chủ trì tổ chức các hoạt động tham vấn của Việt Nam đến tháng 4-2020.

Các nội dung tham vấn gồm đánh giá tác động sơ bộ của dự án thủy điện Luang Prabang, đặc biệt là tác động xuyên biên giới có thể ảnh hưởng đến Việt Nam trên cơ sở tài liệu kỹ thuật về dự án do Chính phủ Lào nộp và Báo cáo kỹ thuật do Ban Thư ký ủy hội và các chuyên gia quốc tế chuẩn bị. Chuẩn bị ý kiến của Việt Nam tham gia tham vấn vùng và phiên họp Ủy ban Liên hợp của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế.

Ngoài các bộ, ngành, địa phương của ĐBSCL, các tổ chức liên hiệp hội khoa học, các tổ chức phi chính phủ còn có các nhà khoa học và cộng đồng tham gia vào hoạt động tham vấn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo