xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Động lực phát triển bền vững ĐBSCL (*): "Thuận thiên" là kim chỉ nam

VÂN DU - THỐT NỐT - CA LINH

Nghị quyết 120 từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động không chỉ của các bộ, ngành, lãnh đạo địa phương vùng ĐBSCL mà còn tác động tích cực đến người dân và doanh nghiệp trong vùng

Nghị quyết 120 (NQ 120) của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) thường được gọi với cái tên dân dã là "Nghị quyết thuận thiên". Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, NQ 120 từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động không chỉ của các bộ, ngành, lãnh đạo địa phương vùng ĐBSCL mà còn tác động tích cực đến người dân và doanh nghiệp trong vùng.

"Gã khùng" ghép thanh long trên cây mắm

Tại Cà Mau, căn cứ vào tình hình thực tế và hưởng ứng NQ 120 của Chính phủ, nhiều nông dân sáng kiến tạo ra những mô hình phát triển kinh tế với phương châm "phát triển thích ứng với BĐKH". Trong số đó, đáng chú ý là mô hình trồng thanh long gửi trên gốc cây mắm giữa vuông tôm của ông Mai Lam Phương (55 tuổi; ngụ thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước).

Chỉ tay về phía vườn thanh long đang gửi thân trên cây mắm giữa trưa nắng nóng như đổ lửa của những ngày đầu tháng 3, lão nông Mai Lam Phương cho biết vài năm gần đây, do nhận thấy giống thanh long có sức sống mãnh liệt và khả năng chịu mặn cao nên ông trồng hơn 400 gốc trên cây mắm mọc giữa vuông tôm.

Động lực phát triển bền vững ĐBSCL (*): Thuận thiên là kim chỉ nam - Ảnh 1.

“Gã khùng” Mai Lam Phương thành công với dây thanh long ghép trên thân cây mắm Ảnh: VÂN DU

Hay tin, nhiều người hàng xóm cho rằng ông "bị khùng" vì làm chuyện chẳng giống ai. Tuy nhiên, sau đó họ phải thán phục bởi thanh long trồng thử nghiệm của ông Phương không những phát triển tốt mà còn cho trái có vị ngọt thanh, mùi thơm nhẹ của nhãn… được thị trường ưa chuộng. Từ đây, ông trồng hơn 1.000 gốc thanh long trên cây mắm. Theo lý giải của ông Phương, cây mắm ngoài lớp vỏ thì trong thân còn có nhiều lớp vân, lõi. Vậy nên, khi rễ thanh long hút hết chất dinh dưỡng từ vỏ cây mắm thì các lớp vân, lõi bên trong vẫn có thể cung cấp dinh dưỡng để nuôi thanh long. Bên cạnh đó, ông còn tận dụng những nhánh mắm tỉa lúc chăm sóc thanh long để làm muỗng, dây thanh long thì tạo ống hút thân thiện với môi trường. Hướng đến phát triển du lịch, lão nông này còn thả nuôi thêm ốc, vọp trong vuông tôm để tạo sự đa dạng.

Năm 2019, dự án "Thanh long sinh thái trồng trên vùng ngập mặn" của ông Phương đã đoạt giải nhì cuộc thi khởi nghiệp quốc gia. Đồng thời, dự án trên còn lọt vào vòng 2 một cuộc thi diễn ra tại Canada.

Chia sẻ về dự án trên, ông Phương cho biết: "Hưởng ứng NQ 120, tôi mong muốn tạo ra việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân sinh sống ở vùng ngập mặn. Khi kinh tế người dân ổn định sẽ hạn chế được tình trạng đánh bắt thủy sản non, chặt phá rừng. Rừng được bảo vệ sẽ tăng khả năng dự trữ nguồn nước ngầm, hạn chế phần nào thiệt hại khi không may có thiên tai...".

Nông nghiệp "thuận thiên" đã khởi sắc

Nói về niềm vui sau hơn 3 năm thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng trong điều kiện BĐKH theo NQ 120, ông Huỳnh Phú Sỹ (ngụ xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) cho biết trước đây, gia đình ông luôn sống trong cảnh túng thiếu vì tập trung vào vụ lúa trong năm. Sau đợt hạn, mặn lịch sử năm 2016, gia đình ông Sỹ càng gặp khó khăn hơn vì gần như không còn vốn liếng để sản xuất. Đến đầu năm 2018, ông Sỹ mạnh dạn đầu tư cải tạo 4 ha đất để lên liếp cao rồi chọn giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương.

"Ban đầu, tôi chọn mua 3.000 gốc xoài Đài Loan về trồng. Trong thời gian chờ xoài cho trái, tôi trồng xen canh các loại cây ngắn ngày và hoa màu như chanh, ớt, đu đủ, mướp, đậu bắp, dưa leo... theo kiểu "lấy ngắn nuôi dài". Chính nhờ cách làm này mà đến nay gia đình tôi đã có thu nhập ổn định, không còn phải lo chống chọi với hạn, mặn nữa" - ông Sỹ phấn khởi nói.

Cách khu đất nhà ông Sỹ không xa, vườn rau, củ xanh mướt của gia đình ông Nguyễn Phước Hòa cũng đang vào mùa thu hoạch. "Nhận thấy thời tiết ngày càng diễn biến bất thường và khắc nghiệt hơn nên tôi chủ động bỏ ra 20 triệu đồng mua lưới làm nhà che và hệ thống tưới phun sương tự động cho diện tích trên 1.000 m2 rau màu để trồng theo kiểu xen canh. Mình trồng rau trong nhà lưới vừa tiết kiệm nước tưới vừa không phải tốn thuốc trừ sâu hại nên lợi nhuận cao hơn khoảng 30% so với cách làm thông thường bên ngoài. Tôi nghĩ cách làm "thuận thiên" của mình là rất phù hợp với tình hình hiện nay theo chủ trương chung của nhà nước về thích ứng với BĐKH" - ông Phước bộc bạch.

Ông Nguyễn Việt Trung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng, cho biết nhờ thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất nông nghiệp toàn huyện trong những năm qua đã có nhiều khởi sắc, thu nhập của bà con nông dân tăng lên rõ rệt. Từ đó, góp phần ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện nay, huyện đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thích ứng với BĐKH theo đúng tinh thần chỉ đạo của NQ 120. "Chúng tôi tiếp tục lựa chọn những giống mới phù hợp cho năng suất, giá trị kinh tế cao đưa vào triển khai thí điểm. Đồng thời, nâng cao vai trò của các HTX theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, sản phẩm an toàn và liên kết ký kết bao tiêu sản phẩm để nông dân nâng cao thu nhập" - ông Trung khẳng định.

Thay đổi tập quán sản xuất

Theo ông Nguyễn Ngọc Nhân, Giám đốc HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (tỉnh Vĩnh Long), NQ 120 đã làm thay đổi tập quán sản xuất của những nhà vườn trồng chôm chôm trong những mùa hạn, mặn vừa qua. Trước đây, nhà vườn hay xử lý cho chôm chôm ra hoa vào tháng 7, sau đó cho trái vào tháng 1, tháng 2 năm sau. Tuy nhiên, từ tháng1 đến tháng 2 thường là mùa khô hạn, thiếu nước lại thêm xâm nhập mặn dẫn đến cây héo lá, không ra hoa, năng suất chôm chôm giảm. Vì vậy, ngay từ năm nay, HTX này xử lý cho cây chôm chôm ra hoa từ tháng 4, bắt đầu đến tháng 6, tháng 7 đã có mưa thì không sợ mặn hay tình trạng thiếu nước ngọt, giá bán tăng cao.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-3

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo