xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

31 năm sự kiện Gạc Ma: "Đồng đội về giỗ nè con!"

Bài và ảnh: Hồng Ánh

Đám giỗ những liệt sĩ Gạc Ma rất lạ, không có khách mời, chỉ có gia đình và những cựu binh Trường Sa và những câu chuyện rôm rả trong đám giỗ ấy cũng chỉ xoay quanh sự kiện Gạc Ma và những người lính anh hùng

Mười lăm năm qua, không ai bảo ai, cứ đến 25 tháng giêng thì những cựu binh Trường Sa của 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa lại tề tựu về TP Tuy Hòa để tổ chức giỗ liệt sĩ Trương Văn Thịnh, rồi đến 27 tháng giêng lại lên xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên) xắn tay, lo giỗ liệt sĩ Phan Tấn Dư.

"Mỗi năm mẹ chờ nhất ngày này"

Năm nào cũng vậy, cứ sáng sớm 27 tháng giêng thì mẹ Lê Thị Niệm (mẹ của liệt sĩ Phan Tấn Dư) lại tháo bức di ảnh duy nhất còn lại của con trai mình xuống lau chùi sạch sẽ rồi ôm ra bậu cửa ngồi để chờ đón những đồng đội của con trở về trong ngày giỗ. Bà muốn cùng con trai ra tận ngõ để đón anh em của con bà về nhưng lưng còng, chân yếu, bà đi không nổi. Thấy có bóng người từ ngõ bước vào, đôi mắt của người mẹ già 91 tuổi như sáng lên. Mẹ Niệm đưa bàn tay chai sần vuốt vuốt di ảnh của con rồi run run: "Dư ơi, đồng đội về giỗ nè con!".

Bóng người từ ngoài ngõ ấy là anh Nguyễn Hồng Trung, ngụ xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa. Anh Trung, đại diện Ban Liên lạc Hội Cựu binh Trường Sa, mang trái cây lên trước để cúng nước, mời người đồng đội cũ về gặp anh em. Bước đến gần mẹ Niệm, anh Trung trách: "Má ngồi trong nhà, tụi con vào chứ ra chi cho nắng thế này?". Mẹ Niệm vừa cuống quýt vừa móm mém cười: "Má đưa thằng Dư ra đón anh em chớ".

Trong câu chuyện của anh Trung sau đó, vẫn chỉ là một má, hai má. Anh bảo rằng không chỉ anh mà còn hơn 300 cựu binh Trường Sa của 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa khi về đây cũng như về nhà mẹ Nguyễn Thị Đảo (mẹ liệt sĩ Trương Văn Thịnh) ai cũng gọi thế. Không ai còn nhớ mình gọi mẹ Niệm, mẹ Đảo bằng má khi nào, chỉ biết rằng đã đến nhà thì phải gọi như vậy. "Có lẽ anh em muốn má hiểu rằng đứa con trai của má không còn nhưng vẫn còn các con, sẽ luôn chăm lo cho má" - anh Trung giải thích.

31 năm sự kiện Gạc Ma: Đồng đội về giỗ nè con! - Ảnh 1.

Năm nào cũng vậy, đến ngày giỗ anh Dư, mẹ Niệm lại mang di ảnh con ra bậu cửa chờ đón đồng đội của con về

Chị Phan Thị Nhung (con gái đang ở chung nhà để chăm sóc mẹ Niệm) từ bếp bước lên bảo rằng mỗi năm, mẹ trông chờ nhất ngày này. "Mấy đêm liền mẹ trằn trọc không ngủ. Mẹ trông chờ nhất ngày này để gặp các anh. Các anh về đông đủ là mẹ mừng lắm. Vì vậy mà không có giỗ nào mẹ mời khách hay hàng xóm cả. Mẹ sợ làm loãng đi câu chuyện đời lính của các anh" - chị Nhung bộc bạch rồi bảo nhiều người đến đây và bất ngờ vì tóc mẹ nay bỗng đen trở lại. Có lẽ mẹ vui vì đồng đội thường xuyên lui tới và được bồi bổ nhiều.

Người thường xuyên lui tới nhất là thương binh Nguyễn Văn Dũng (ngụ TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) khi xuất ngũ đã bỏ hơn 5 năm tìm cho ra nhà mẹ Niệm để xin làm con nuôi. "Vì người hy sinh vào hôm 14-3-1988 ở Gạc Ma lẽ ra là tôi chứ không phải Dư. Dư đã xin đi thay tôi ra đảo vì thấy tôi bệnh" - anh Dũng kể rồi quay nhìn di ảnh anh Dư: "Tao biết là phải thay mày chăm sóc thật tốt cho má, nghen Dư!". Đâu đó trong đám đông dưới bàn thờ có tiếng sụt sùi.

Quên về giỗ là có lỗi

Anh Đào Thái Thi, nguyên Trưởng Ban Liên lạc Hội Cựu binh Trường Sa Phú Yên, bảo rằng chỉ một, hai giỗ đầu anh em còn hú hí nhau về giỗ đồng đội, còn lâu lắm rồi, không ai nhắc nhau nữa. "Anh em đều tự hiểu quên ngày giỗ của Dư và Thịnh là có lỗi. Vì vậy mà nhiều anh em làm thuê ở các tỉnh xa cũng lặn lội về đúng ngày giỗ" - anh Thi nói.

Có lẽ khó có mâm giỗ nào giống như mâm giỗ của 2 liệt sĩ Thịnh và Dư. Dường như thứ gì cũng có vì nó được góp lại từ những đồng đội cựu binh Trường Sa. Người buồng chuối, người túi trái cây, người con gà, người đòn bánh tét… Tất cả đều được chưng lên mâm giỗ như thể hiện tấm lòng của đồng đội dành cho những người lính anh hùng.

Và có lẽ cũng khó có đám giỗ nào như giỗ của 2 liệt sĩ này. Khách cũng chính là thợ nấu. Người làm bếp, người rửa rau, người lau chén, tất cả cựu binh đều tự xắn tay làm mà không ai bảo ai. Nhiều người chở theo vợ để cùng phụ làm mâm giỗ. Những người vợ của lính từ xa lạ vì đó mà bỗng trở nên quen thân trong ngày giỗ đồng đội.

Những câu chuyện rôm rả nhất trong ngày giỗ vẫn xoay quanh sự kiện Gạc Ma. Ai đó muốn phá đi bầu không khí tranh luận đang lên cao trào nên lỡ lời khi nhắc đến việc xét nghiệm ADN khi tìm thấy 8 bộ hài cốt của các liệt sĩ Gạc Ma vào năm 2008.

Khi đó, đoàn chức năng đến tận nhà người thân của 2 anh Thịnh và Dư để xin lấy mẫu nhằm kiểm tra ADN để xác định danh tính các liệt sĩ được tìm thấy trên xác tàu HQ 604 sau 20 năm. Thế nhưng… bỗng dưng mọi người đều đưa mắt nhìn mẹ Niệm như nhận ra mình đã lỡ lời khi chạm vào nỗi đau sâu kín của một người mẹ bao năm mong ngóng được tìm thấy con.

"Không sao đâu tụi con. Đúng là má mong và khi biết kết quả không có Dư trong đó má cũng buồn thiệt. Nhưng rồi má nghĩ lại, nếu đó là Dư thì sẽ có người mẹ khác biết đâu còn buồn hơn má vì không phải là con mình. Nên thôi. Má nghĩ chắc má thằng Thịnh cũng vậy" - mẹ Niệm chia sẻ.

Dâng hương lên Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

Hôm nay, 14-3, LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa có mặt tại Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) tổ chức lễ dâng hương hoa tưởng nhớ 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam ngã xuống tại đảo đá Gạc Ma, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa để bảo vệ biển đảo thiêng liêng Tổ quốc.

Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, cho biết buổi lễ dâng hương hoa sẽ có mặt cán bộ Công đoàn Khánh Hòa, đại diện Quỹ Tấm lòng vàng Tổng LĐLĐ Việt Nam. Buổi lễ nhằm tưởng nhớ 31 năm ngày 14-3-1988, thời điểm các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đang xây dựng đảo đá Gạc Ma thì bị địch tấn công khiến 64 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh khi quyết giữ đảo. Trong dịp kỷ niệm 31 năm, LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa đã bố trí một tổ công tác làm nhiệm vụ giới thiệu, hướng dẫn, thuyết minh cho người dân, học sinh tham quan Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

"Kể từ khi đi vào hoạt động (tháng 7-2017) đến nay, khu tưởng niệm đã đón hơn 1.520 đoàn với gần 80.000 lượt người đến tham quan, tìm hiểu sự kiện lịch sử này. Có đoàn tham quan rất đông, trên 1.000 người. Khu tưởng niệm hiện là địa chỉ đỏ được rất nhiều trường học, đơn vị, đoàn thể đã tổ chức tham quan, kết nạp hàng chục đảng viên mới, nhiều trường học tuyên dương học sinh trước tượng đài chiến sĩ Gạc Ma. Nhiều tour du lịch cũng tổ chức thành một điểm tham quan khi đến Khánh Hòa" - ông Hòa cho biết.

Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động xây dựng nhằm tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì biển đảo Tổ quốc. Khu tưởng niệm rộng 2,5 ha đã hoàn thành 2 phần chính: Cụm tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời" với "vòng tròn bất tử" cao trên 15 m, 9 hình tượng các chiến sĩ, thể hiện tinh thần hiên ngang bất khuất của những người lính sẵn sàng xả thân để bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. Phần 2 là khu trưng bày ngầm lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma; khu Quảng trường Hòa Bình, khu mộ gió của 64 liệt sĩ Gạc Ma với đầy đủ họ, tên, địa chỉ...

K.Nam

Giao lưu với nhân chứng sống

Sáng nay, 14-3, Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sa tổ chức lễ kỷ niệm 31 năm hải chiến Gạc Ma (14.3.1988 - 14.3.2019), tại Công ty Nguyên Tiến (số 126 Đặng Nhữ Lâm, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Dự kiến, buổi lễ có đầy đủ đại diện 11 gia đình liệt sĩ Gạc Ma và các đồng đội tham dự. Tại buổi lễ cũng sẽ trao quà cho thân nhân các liệt sĩ. Theo Ban Liên lạc Hội Cựu binh Trường Sa tỉnh Phú Yên, chiều cùng ngày, hơn 300 cựu binh Trường Sa của 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa sẽ tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 31 năm sự kiện Gạc Ma tại UBND phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Buổi gặp mặt sẽ mời những nhân chứng sống trong sự kiện Gạc Ma và thân nhân của các anh hùng trong sự kiện này về giao lưu. "Cũng có nhiều ý kiến góp ý nên tổ chức trước ngày ấy nhưng chúng tôi thấy rằng phải tổ chức đúng ngày xảy ra sự kiện Gạc Ma để nhắc nhở nhau không bao giờ quên ngày đồng đội đã ngã xuống" - anh Nguyễn Hồng Trung nói.

H.Dũng - H.Ánh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo