xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Độc đáo chợ bán cây nêu ngày Tết

Quang Nhật

(NLĐO) Tết sắp qua nhưng hoài niệm về chợ bán cây nêu ngày Tết ở Quảng Bình ta mới cảm nhận được cái độc đáo, thú vị và ý nghĩa của văn hóa miền quê ngày Tết.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, đi trên con đường Quốc lộ 1 qua các xã Đức Trạch, Đồng Trạch, Hải Trạch, Thanh Trạch... thuộc huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đâu đâu cũng thấy cờ hoa rợp trời. Ven đường, những ngôi làng với nhà san sát cũng đã vào hội Xuân, tràn ngập không khí Tết. Điều đặc biệt là dân làng ở đây, dù nhà nghèo hay giàu đều có một cây nêu dựng ngày Tết.

Độc đáo chợ bán cây nêu ngày Tết - Ảnh 1.

Cây nêu suôn thẳng được bày bán tại chợ

Khu vực dân cư này nằm ven biển, nhà cửa san sát nên những cây nêu đều được mua tại các ngôi chợ bán tập trung dọc đường lộ. Giáp Tết, ghé chợ bán cây nêu nằm cạnh cầu Lý Hòa thuộc xã Đức Trạch tập trung hàng chục người bán và tấp nập người mua. Gọi là chợ nhưng thực ra đây chỉ là bãi đất trống và sân bóng đá được các chủ nậu thuê để làm chỗ tập kết bán cây nêu.

Độc đáo chợ bán cây nêu ngày Tết - Ảnh 2.

Mua nêu về dựng

Tại đây, từ khoảng 25, 26 tháng Chạp, hàng ngàn cây nêu bằng tre được chủ nậu tập kết về thành từng bãi. Cây nêu được xếp thành từng đống hoặc trải rộng giữa nền đất để cho người mua thoải mái lựa chọn theo ý của mình.

Độc đáo chợ bán cây nêu ngày Tết - Ảnh 3.

Cây nêu bằng tre phải thẳng, các đốt phải đẹp

Chị Đặng Thị Thúy, một chủ nậu bán cây nêu tại đây, nói rằng đã hơn 5 năm làm nghề này. Quê tận xã Sơn Trạch (Bố Trạch), cách chừng 30 km, nói rằng khoảng từ đầu tháng Chạp, gia đình chị phải đến nhiều vùng nông thôn để tìm mua tre. "Cây nêu phải bằng tre, suôn thẳng, còn ngọn và lá. Các mắt ở đốt tre phải đẹp, khi đó mới bán được giá" - chị Thúy nói.

Vì vậy, việc săn lùng cây tre về bán làm nêu phải khá công phu. "Gia đình chúng tôi phải lặn lội nhiều vùng quê, đặc biệt ở các khu vực có sông lớn bởi tre được trồng ở đây khá nhiều, lâu năm nên suôn thằng" - chị Thúy cho biết thêm.

Độc đáo chợ bán cây nêu ngày Tết - Ảnh 4.

Các cây nêu bày bán tại chợ khá suôn thẳng

Theo các tiểu thương tại đây, việc mua tre cũng khá khó khăn bởi phải mua cả một khóm và được "cáp" chung giá. "Mình mua phải có nghề, ước lượng được độ đẹp chứ không thì lỗ vốn bởi tre nằm cả khóm biết cây nào đẹp, cây nào xấu. Chặt xong thì thuê xe tải hạng lớn chở về tập kết ở bãi" - chị Thúy giải thích thêm.

Tại chợ cây nêu ở đây mỗi hộ ít thì bán chừng 500-700 cây, nhiều lên đến hàng ngàn cây. Nêu bằng tre dài chừng 10-13 m, róc sạch thân nhưng phải chừa lại lá trên đọt. Giá bán mỗi cây nêu tùy mức độ đẹp - xấu, dao động từ 100.000 - 200.000 đồng/cây. Ngoài ra, tại đây còn bán những cây nêu nhỏ, cao chừng 2-3 m để cho những gia chủ cắm trên nóc nhà vì không có khuôn viên, mỗi cây có giá vài chục ngàn đồng.

Độc đáo chợ bán cây nêu ngày Tết - Ảnh 5.

Ngoài cây dài còn bán nêu nhỏ cho gia đình không có sân vườn

Đã hơn 15 năm theo nghề, cứ những ngày Tết, bà Nguyễn Thị Đào (một tiểu thương bán nêu tại đây) lại ăn ngủ tại "chợ". Tại đây họ dựng một cái lán tạm, đủ để 1-2 người nằm ngủ trong những ngày họp chợ bán nêu. Bà Đào nói rằng chợ cây nêu chỉ có tập trung ở huyện Bố Trạch, nằm ở các xã ven biển như Đức Trạch, Thanh Khê, Nhân Trạch.

Độc đáo chợ bán cây nêu ngày Tết - Ảnh 6.

Người dân Quảng Bình vác nêu về dựng

Bà Đào cho biết năm nay bà bán đến 1.200 cây nêu, bắt đầu từ ngày 25 Tết đã họp chợ và kết thúc vào ngày 29-30 Tết. "Vùng quê này chủ yếu theo nghiệp biển. Trước đây, khi chưa có ai bán nêu thì dân làng thường đến mua hoặc xin tre ở các vùng nông thôn khác. Rồi khi tre ít trồng, thấy được nhu cầu người dân nên chúng tôi đi tìm nguồn tre, cận Tết chở về bán" - bà Đào kể.

Độc đáo chợ bán cây nêu ngày Tết - Ảnh 7.

Một góc chợ bán cây nêu

Cận Tết, ông Trần Văn Lợi, một người dân ở làng Lý Hòa, xã Hải Trạch, nằm đối diện bên kia sông cùng đứa cháu nội chạy xe máy đến chợ nêu để mua cho mình một cây về dựng. Sau một thời gian chọn lựa, cuối cùng ông Lợi cũng kiếm cho mình được một cây nêu dài hơn 10 m, suôn thẳng. Ông nói rằng nêu được dựng vào bữa cơm cúng tất niên mà dân làng ở đây thường gọi là cúng lên nêu. Trên các cây nêu có lá cờ Tổ quốc bay phất phới.

Độc đáo chợ bán cây nêu ngày Tết - Ảnh 8.

Những người bán nêu tại chợ

Hỏi về ý nghĩa dựng nêu ngày Tết, ông Lợi nói rằng truyền thuyết xưa kia thì đó là một cây đuổi quỷ, xua ma trong 3 ngày Tết và câu chuyện này đã đi vào văn học, từ thuở vỡ lòng ai cũng biết. Vì vậy, đối với người dân miệt biển quê ông, từ xa xưa ông cha đều dựng một cây nêu trước nhà với ý nghĩa như vậy. "Chợ bán tập trung cây nêu có chừng 10-15 năm nay, trước đó chúng tôi phải đi tìm mua ở những khu vực rất xa và rất vất vả"- ông Lợi nói vội rồi nhanh chóng cùng đứa cháu vác cây nêu về nhà để kịp cho bữa cơm tất niên.

Đứng trên cầu Lý Hòa, phóng tầm mắt xung quanh, những ngôi làng đã tràn ngập cờ Tổ quốc treo trên cây nêu mua từ chợ vừa mới dựng lên, tung bay giữa gió. Không khí Tết đã tràn ngập khắp các xóm làng yên vui.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo