xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đô thị 4.0

PHẠM HỒNG PHƯỚC

Đô thị thông minh thế hệ mới bắt buộc phải dựa trên nền tảng dữ liệu lớn, hệ sinh thái IoT và công nghệ trí tuệ nhân tạo

Gọi là "đô thị thông minh 4.0" dễ bị ngộ nhận là ăn theo trào lưu "cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư" mà cả thế giới - trong đó Việt Nam cũng rất quyết liệt - đang tiến hành. Nhưng đô thị thông minh phiên bản mới nhất này lại không thể tách rời khỏi công nghệ 4.0 mà chuyển đổi số là một trong những nền tảng.

Hai chân trụ

Joshua New, một nhà phân tích chính sách cao cấp tại Trung tâm Sáng tạo dữ liệu (Center for Data Innovation) ở Mỹ, nhận định rằng các TP trên khắp thế giới đang có 2 sự chuyển đổi quan trọng. Một là chúng đang lớn ra, lần đầu tiên trong lịch sử có đa số dân trên thế giới tập trung sống tại các khu vực đô thị. Hai là chúng đang xây dựng thành những đô thị thông minh.

Nhưng đô thị thông minh là gì? Có thể nói ngắn gọn đó là đô thị vận hành dựa trên nền tảng công nghệ số và kết nối internet - đó chính là 2 chân trụ của nó - kết hợp với cái đầu trí tuệ thông minh (AI). Đô thị thông minh chỉ có thể thành công và bền vững khi đáp ứng được đồng thời 2 mục tiêu: vừa giúp chính quyền thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn nhiệm vụ quản lý địa phương vừa có thể đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của người dân, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Hai yêu cầu này không chỉ song hành mà còn phải hài hòa với nhau.

Đô thị 4.0 - Ảnh 1.

TP HCM đang đứng trước áp lực về dân số, giao thông… nên việc xây dựng một đô thị thông minh là xu thế tất yếu Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Có một nhận thức rằng việc xây dựng đô thị thông minh là trách nhiệm của từng chính quyền TP nhưng đô thị thông minh có vận hành đạt kết quả cao hay không tùy thuộc vào việc chính phủ quốc gia hỗ trợ nó để có thể kết nối các địa phương lại với nhau, với hệ sinh thái của chính phủ thông minh và thông qua đó mở rộng ra toàn cầu. Đô thị thông minh phải được xây dựng trên một thế giới phẳng, không biên giới.

Dữ liệu: Quyết định thành bại

Martin Jones, một nhà quản lý tiếp thị cao cấp của Công ty Truyền thông xã hội Cox Communications, từng đưa ra 10 điều mà các nhà lãnh đạo địa phương cần lưu ý khi xây dựng đô thị thông minh.

Trong đó, ông nhấn mạnh tới dữ liệu và coi đó là nền tảng của đô thị thông minh. Trong thế giới số, dữ liệu có tầm quan trọng mang tính quyết định. Dữ liệu bao gồm 2 yếu tố: thu thập dữ liệu và xử lý dữ liệu. Thật vậy, đô thị thông minh chỉ có thể vận hành hiệu quả dựa trên cơ sở dữ liệu mình có được và năng lực xử lý dữ liệu, ở đây là dữ liệu lớn và dữ liệu dùng chung. Người ta có thể đánh giá chất lượng của một đô thị thông minh dựa trên cơ sở dữ liệu của nó phong phú tới chừng nào và được xử lý nhuần nhuyễn ra sao. Kinh nghiệm tại TP HCM cho thấy đây chính là một trong những trở ngại của tiến trình xây dựng TP thông minh trước đây và đô thị thông minh hiện nay. Bên cạnh việc chủ động tăng cường thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu chung với cấp độ TP, chính quyền TP phải nghĩ ra cách nào đó để các cơ quan, tổ chức, đơn vị từ công tới tư vượt qua tâm lý không muốn chia sẻ các dữ liệu của mình. Hồi tháng 8-2019, trong chuyến thăm và làm việc tại Indonesia, các nhà lãnh đạo TP HCM đã đề nghị dịch vụ gọi xe công nghệ GoViet chia sẻ cho chính quyền TP một số dữ liệu phục vụ quản lý. Chẳng hạn, với dữ liệu về lộ trình đi lại của người dân sử dụng dịch vụ mà GoViet đang có, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM có thể tìm hiểu, đánh giá được quy luật đi lại của người dân, phục vụ cho công tác quy hoạch, quản lý. Một khi có được sự chia sẻ dữ liệu giữa CSGT và ngành giao thông vận tải, việc quản lý phương tiện vận chuyển, tài xế trở nên dễ dàng và chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, khi người dân xin cấp giấy phép lái xe, ngành giao thông vận tải có thể tham khảo dữ liệu của CSGT để biết người đó có bị thu giữ giấy phép lái xe nào hay không.

Trong khi đó, hệ thống mạng chính là bộ xương (cấu trúc) của đô thị thông minh. Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng, có một ưu thế vượt trội so với nhiều nước trên thế giới ở thực tiễn kết nối internet toàn dân. Nhưng hệ thống mạng của đô thị thông minh là mạng lõi có chức năng kết nối các thành phần trong hệ sinh thái với nhau. Hệ thống mạng này có rộng khắp, thông suốt, tốc độ nhanh thì mới có thể phát huy được thế mạnh từ khả năng kết nối của người dân.

Một đặc trưng của kết nối mạng hiện đại là phải có khả năng hỗ trợ hệ sinh thái kết nối internet cho vạn vật (IoT). Theo nhiều dự báo, vào năm 2025, thế giới sẽ có khoảng 21 tỉ thiết bị IoT. Chúng ta thực tế đang sống trong giai đoạn đầu của kỷ nguyên IoT. Ngày càng có thêm nhiều vật dụng, thiết bị chung quanh ta được kết nối internet chứ không còn chỉ là máy tính, điện thoại thông minh… Máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt… đều có thể kết nối internet. Trong đô thị thông minh, một bóng đèn đường cũng có khả năng kết nối mạng để có thể được quản lý và điều khiển từ xa. Nhân viên ghi chỉ số tiêu thụ điện nước giờ đây sử dụng thiết bị đọc chỉ số từ đồng hồ và có kết nối về trung tâm để tính toán ra ngay số tiền mà khách hàng cần thanh toán. Trong hệ thống khám bệnh từ xa, người bệnh có thể dùng những thiết bị có cảm biến chuyên dụng để kiểm tra thể trạng của mình rồi truyền tới các trung tâm y tế, tới bác sĩ. Vì thế, hệ thống mạng internet giờ đây phải có năng lực để đáp ứng nhu cầu kết nối ngày càng rộng lớn đó.

Chia thành nhiều gói để làm

Nhiều chuyên gia đề xuất rằng nền tảng đô thị thông minh cần được xây dựng với hình thức mô-đun (modular infrastructure). TP xây dựng cơ sở hạ tầng mở với nhiều cổng kết nối sẵn sàng để có thể đấu ghép thêm những thành phần mới. Giải pháp này vừa giúp tiết kiệm nhiều chi phí đầu tư vừa cho phép hệ thống luôn phát triển, mở rộng theo thời gian và nhu cầu.

Với một cơ sở hạ tầng dạng mô-đun như vậy, các dự án đô thị thông minh có thể được triển khai dần từng bước. Thay vì đầu tư cho một hệ thống trọn gói, quy mô lớn vừa tốn chi phí rất lớn vừa cần nhiều thời gian, các đô thị thông minh nên chia thành nhiều gói nhỏ để có thể triển khai nhanh, cũng như vừa với khả năng kiểm soát và vận hành của mình. Chẳng hạn, thay vì chờ xây dựng hoàn chỉnh cả hệ thống hành chính công thông minh, TP HCM sẽ tùy theo yêu cầu thực tế mà tập trung xây dựng từng dịch vụ công thông minh để có thể đưa ngay vào phục vụ. Tất nhiên, làm cái nào ra cái đó. Nhờ thế mà chất lượng sống của người dân có thể từng bước được cải thiện và nâng cao. Tháng này, người dân có thể thanh toán các chi phí trực tuyến; tháng sau, họ có thể làm các giấy tờ tùy thân trên mạng…

Đô thị thông minh thế hệ mới bắt buộc phải dựa trên nền tảng dữ liệu lớn, hệ sinh thái IoT và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Vì thế, nhận thức về đô thị thông minh hiện nay không còn có thể giống như về TP thông minh cách đây 5-10 năm. Đô thị thông minh không phải chỉ là số hóa các thành phần của nó và chạy trên internet mà còn phải có năng lực xử lý thông minh mọi hoạt động. 

TP HCM phải làm gì?

Theo TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn, trước áp lực về dân số và yêu cầu phát triển bền vững, các đô thị hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề và thách thức sống còn. Do đó, phát triển "thông minh hơn" là xu hướng được nhiều TP trên thế giới lựa chọn. Điều này không chỉ giúp giải quyết những vấn đề nội tại của đô thị mà còn thích ứng với sự bất định của phát triển. Và TP HCM cũng vậy. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra cho TP HCM là làm thế nào để xây dựng một đô thị thông minh thành công?

"Theo tôi, trọng tâm của đô thị thông minh là con người, sau đó mới đến quản lý và công nghệ. Mục tiêu của việc phát triển đô thị thông minh không phải chỉ đóng khung "ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất" mà là sử dụng công nghệ một cách thông minh nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Để được như vậy, cần chú ý nghiên cứu hiện trạng kinh tế - xã hội, nhu cầu sống và làm việc của người dân, để hình thành các cộng đồng sống và làm việc đa dạng, với sự hỗ trợ của nhiều cấp độ ứng dụng công nghệ thông minh. Bởi vì mỗi cộng đồng trong đô thị sẽ có nhu cầu sử dụng khác nhau về mặt công nghệ, thậm chí sẽ có những cộng đồng không mong muốn hoặc không cần đến nhiều ứng dụng công nghệ cao trong cuộc sống" - TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.

P.Anh ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo