img

Là một trong những sân bay được lựa chọn đón chuyến bay từ vùng dịch Covid-19 trở về, từ đầu tháng 2 đến nay, sân bay Vân Đồn đã đón 25 chuyến bay với tổng số 3.696 người từ 7 nước, gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesina, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp.

Quy trình đặc biệt, chưa bao giờ có

Tham gia tiếp đón tất cả các chuyến bay này, anh Trương Văn Hiếu, Phó Phòng An toàn Hàng không, chia sẻ lần công tác đặc biệt nhất chính là đón chuyến bay giải cứu đồng bào từ vùng dịch Vũ Hán trở về sáng 10-2. Đây là lần đầu tiên anh và các đồng nghiệp thực hiện những quy trình đặc biệt, chưa bao giờ có trước đây. Có thể đây cũng là quy trình mà chưa có bất cứ cảng hàng không nào tại Việt Nam thực hiện.

"Cũng từ chuyến bay giải cứu này, chúng tôi đã rút ra được những kinh nghiệm, những phương án để thực hiện những chuyến bay đặc biệt sau này theo đúng quy trình an toàn, thuận tiện và nhanh chóng. Chúng tôi có quy trình rõ ràng trong cả những chi tiết nhỏ nhất như phân luồng tuyến, bảng biển, bố trí nhân sự phù hợp"- anh Hiếu nói.

Điều chưa biết về những ngày trực chiến tại sân bay đón người về từ vùng dịch - Ảnh 1.

"Có nhiều hình ảnh xúc động cứ neo vào tâm trí tôi trong lần công tác này. Đồng bào của mình, trong ánh mắt và cử chỉ - vẫy tay chào toàn bộ tổ công tác như một lời cảm ơn, tôi vừa thấy nhẹ nhõm trong lòng vì giúp được phần nào trong tình huống khó khăn, thậm chí là nguy hiểm như vậy"- anh Trương Văn Hiếu chia sẻ.

Anh Nguyễn Hải Linh, Tổ trưởng Tổ bốc xếp hành lý, hàng hoá, chia sẻ đã phục vụ hàng chục chuyến bay đặc biệt nhưng không có bất cứ chuyến nào giống chuyến nào, với rất nhiều những tình huống phát sinh, trường hợp chưa gặp phải bao giờ, đòi hỏi phải có phản ứng linh hoạt và kịp thời.

Ví dụ, chuyến bay giải cứu từ Vũ Hán trễ mấy tiếng, trời mưa rét buốt. Hôm đó anh cùng đồng nghiệp có mặt tại sân bay từ 1 giờ sáng để đón chuyến bay dự kiến sẽ hạ cánh xuống Vân Đồn lúc 3 giờ 35 phút. Nhưng sau đó, lịch thay đổi, hơn 5 giờ chuyến bay mới hạ cánh. Hay có chuyến bay có tới gần 500 kiện hành lý.

Anh Ngô Thanh Tùng, nhân viên phục vụ hành khách, cho biết nhiều đồng nghiệp ở Sân bay Vân Đồn có hôm đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đã lên xe trở về nhà nhưng khi được báo có chuyến bay sắp hạ cánh họ lại lập tức trở lại sân bay, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ mới. Tuy nhiên, khi họ trở lại vị trí làm việc thì Cục Hàng không Việt Nam lại thông báo là chuyến bay hoãn. Có hôm các chị em từ Cẩm Phả hộc tốc đi về sân bay, về đến nơi ngồi chờ mòn mỏi thì lại nhận lịch hủy.

img
img
img
img
img
img

"Mọi sự thay đổi đó, chúng tôi đều biết là tình huống cấp bách, và chấp nhận nó như sự tất yếu. Trời mưa rét buốt, thức khuya chờ đợi máy bay hạ cánh rồi lịch bay thay đổi liên tục, hay những chuyến bay dồn đập đáp xuống... không phải là những khó khăn hay những thứ cản trở chúng tôi hoàn thành công việc. Chúng tôi muốn biết những khó khăn thành động lực, kể cả dịch bệnh Covid-19, để có thể làm tốt công việc của mình" – anh Tùng nói.

Đằng sau bộ đồ bảo hộ "kín như bưng"

Anh Tùng còn nhớ trên chuyến bay đưa công dân từ Hàn Quốc trở về, anh đã nhìn thấy những em bé sơ sinh trở về với người thân chứ không có cha mẹ bên cạnh do cha mẹ các em phải ở lại kiếm sống. "Tôi biết, bố mẹ của các em nhỏ đã rất lo lắng và tin tưởng em bé sẽ an toàn về Việt Nam và không bị lây nhiễm bệnh. Khi nhìn những ánh mắt trẻ thơ như vậy chúng tôi lại càng cố gắng hơn để thực hiện công việc nhanh chóng và an toàn để các cháu bé có thể sớm đến khu cách ly an toàn và được chăm sóc tốt hơn".

Anh Nguyễn Hải Linh chia sẻ: "Chúng tôi là những người đầu tiên mà đồng bào mình gặp, sao mình không thể hiện sự thân tình, ấm áp đó, cho dù là công việc và cho dù tất cả chúng tôi đều mặc đồ bảo hộ kín mít hết".

Video clip quy trình đón khách từ vùng dịch tại sân bay Vân Đồn. Điểm đặc biệt là cả quy trình khép kín này được tiến hành bên ngoài nhà ga

Anh Nguyễn Hoàng Mỹ, Trưởng phòng An ninh hàng không, cho biết đã làm việc trong ngành hàng không 13 năm nhưng đây là lần đầu tiên bắt gặp những hình ảnh thực sự xúc động. Ví dụ như một nữ nhân viên vừa vệ sinh khử khuẩn sau khi thực hiện đón tiếp một đoàn bay, đang ăn dở ổ bánh mỳ thì nghe tin có một em bé sơ sinh đi cùng người thân lớn tuổi mà không có bố mẹ về cùng cần chăm sóc. Cô ấy liền mặc đồ bảo hộ, thay khẩu trang và găng tay mới và nhanh chóng đến hiện trường để chăm sóc và cho em bé uống sữa. "Dù cô ấy thấy nó rất bình thường và không suy nghĩ gì sâu xa, nhưng cô ấy không hiểu rằng anh em nam giới chúng tôi xem đấy là một hình ảnh khó quên trong đợt dịch này. Cái ấm áp của nghĩa tình đồng bào, của bản năng người mẹ muốn chăm sóc.

img
img
img
img

Hay trong chuyến bay từ Vũ Hán trở về có một cặp vợ chồng du học sinh, người vợ đang mang bầu, phía sân bay đã phải có quy trình đón tiếp và phục vụ đặc biệt hơn nữa để hai mẹ con được cách ly an toàn nhất có thể. Khi đã lên xe, anh có nhìn thấy hình ảnh thai phụ rơm rớm nước mắt. "Trước đó tôi có hỏi thăm sức khoẻ và chị đã trả lời rất thành thực: Hạnh phúc lắm. Về được đến đây, mẹ con tôi được sống rồi. Về sân bay Vân Đồn được mọi người đón tiếp rất chu đáo, cảm thấy biết ơn vì điều đó. Sau đó tôi theo dõi thông tin thấy rằng chị đã sinh bé an toàn, tôi rất vui"- anh chia sẻ.

Cũng có hôm, các cán bộ nhân viên phải đón những chuyến bay trong đêm, họ liên tục làm trong vòng nhiều tiếng đồng hồ (từ 10 giờ đêm hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau) để đảm bảo mọi công tác đón hoàn chỉnh, an toàn.

Chuyến bay nhiều... rác nhất

Chị Giản Thị Hồng Hạnh, Đội trưởng Đội vệ sinh tàu bay, lại cho biết chuyến bay từ Vũ Hán trở về là chuyến bay đầu tiên từ tâm dịch nên mọi người chịu nhiều áp lực nhất, cũng là chuyến bay… nhiều rác nhất. Trong chuyến bay đó, hành khách mặc đồ bảo hộ ngay trên tàu bay. Sau đó lúc xuống máy bay, họ để lại ngay tại ghế ngồi tất cả từ khẩu trang, bỉm vì người lớn cũng không được đi vệ sinh trên tàu, rác cứ để liểng xiểng, lung tung vương vãi khắp mọi nơi như thế. "Đội của tôi có 6 chị em phụ nữ ấy vậy mà đó là chuyến bay đầu tiên chúng tôi phải vật lộn với gần 45 túi rác to vật vã gấp 3 lần người bình thường. Về sau chúng tôi bảo nhau là chuyến đầu tiên kinh khủng như thế mình còn làm được thì những chuyến sau này không có gì là không làm được cả. Việc thu dọn vệ sinh sau đó cũng được đội ngũ tiếp viên hỗ trợ"- chị chia sẻ.

img
img
img
img
img
img

Chị bảo đây cũng là một dịp may mắn, và có những lúc như thế này mới thấy đồng nghiệp hết mình làm việc cùng nhau, sống cùng nhau bằng cái tâm, sự nhiệt tình. Khi chuẩn bị vào làm, mọi người hỗ trợ nhau mặc trang phục bảo hộ, người đằng sau hỗ trợ mặc, buộc dây cho người đằng trước. Hay găng tay hơi ngắn thì mọi người lấy băng dính hỗ trợ cuốn cho nhau… Công việc của các chị là vệ sinh tàu bay, nhưng trong trường hợp các anh em bộ phận bốc xếp hành lý làm quá tải thì chị em vào hỗ trợ luôn, dù là 9 tấn hay 20 tấn thì chị em cũng không ngại… vừa làm vừa trêu đùa, nói chuyện vui với nhau để động viên nhau, quên đi vất vả, giúp nhau có thêm động lực.

"Được giao nhiệm vụ đón tiếp những chuyến bay đầu tiên, chúng tôi cũng có tâm lý hoang mang, sợ dịch bệnh Covid-19 nhưng khi đã hình thành được một quy trình chuyên nghiệp, an toàn và khép kín, chúng tôi tự tin ứng phó với các tình huống bất ngờ.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nhắc nhau rằng yếu tố an toàn và cẩn trọng được đặt lên hàng đầu để không có một sai sót nào gây ra các hậu quả nghiêm trọng cho bất kỳ ai. Đối với riêng phòng An toàn Hàng không của tôi lại càng phải an toàn và cẩn trọng hơn nữa. Từ việc mặc hay thay đồ bảo hộ trước và sau mỗi chuyến bay cũng được thực hiện một cách an toàn nhất"- anh Trương Văn Hiếu, Phó Phòng An toàn Hàng không, chia sẻ.

Quy trình hàng không đặc biệt đón công dân từ vùng dịch về sân bay với quy trình đón khách tốc lực, an toàn, hoàn thành trong 1 đến 2 ,5 giờ đồng hồ với các tàu bay B787, A350. Cách ly an toàn, khử khuẩn triệt để, đảm bảo không lây nhiễm chéo, an toàn cho cả hành khách và người phục vụ.

Mặc dù nhà gần sân bay, nhưng trong chiến dịch đón các chuyến bay từ vùng dịch về, chị vào ở trong khu nhà ở cho nhân viên từ đầu tháng 2 tới nay, chấp nhận xa con mới 7 tuổi để tiện xử lý việc đột xuất và cũng do chị nghĩ để đảm bảo an toàn cho gia đình, người thân, cộng đồng.

"Từ bé đến lớn chưa khi nào con xa mẹ nổi vài ngày. Xa con lâu ngày thế này rất nhớ con, nhưng vì sức khỏe của gia đình nên mình phải tạm cách ly. Rất may mà có bố mẹ mình chăm sóc con giúp mình"- chị chia sẻ.

"Tôi cũng hiểu được cảm giác của đồng bào từ nước ngoài về, hạnh phúc lắm khi được về quê hương tránh dịch. Nếu chẳng may có vấn đề gì thì cũng ở trong vòng tay quê hương, gia đình. Do đó, tôi hiểu rằng đón được đồng bào của mình về nước là điều rất may mắn".

Bữa cơm muộn và những đêm không ngủ

Chị Nguyễn Thị Hà My, nhân viên phục vụ hành khách tại phòng khai thác mặt đất, cho biết mỗi khi phục vụ xong những chuyến bay này chị không dám ăn cơm cùng gia đình, cả nhà ăn xong thì chị mới ngồi vào ăn. Chị giữ sinh hoạt riêng, hạn chế tối đa việc nói chuyện giao tiếp với gia đình hay bạn bè ngoài đồng nghiệp. "Sự thật là từ lâu lắm, em không còn đi chơi với bạn bè gì nữa rồi. Buồn thì buồn thật đấy, dù có thể không ai bắt mình phải hạn chế tiếp xúc, nhưng mà mình phải có trách nhiệm với gia đình với cộng đồng, nên có tinh thần cao như vậy để phòng mọi nguy cơ xảy đến"- cô gái trẻ tâm sự.

Giờ giấc sinh hoạt thì vô cùng thất thường. Có khi vừa hết giờ làm đi về đến nhà xong thì lãnh đạo gọi lên cơ quan làm hoặc đêm hôm có chuyến bay đột xuất, mình lại phi xuống sân bay. Đêm ngủ cứ nơm nớp, vì có hôm 11 giờ lãnh đạo gọi tới báo chuẩn bị sáng sớm mai có chuyến về, sắp xếp xong với các bạn thì lãnh đạo lại báo hủy. "Những đêm đó em không ngủ, cứ nằm canh điện thoại lo nhỡ có chuyến về phải đi ngay mà mình ngủ quên. Nói chung, hơn tháng nay chúng em ở tình trạng trực chiến. Tuy nhiên, em cảm thấy tự hào vì được sát cánh cùng đồng đội ở vị trí đón đồng bào mình về nước. Em thấy không ở đâu mình học được nhiều như trong chiến dịch này. Thông điệp của chúng em ở đây là: "Chúng tôi đã ở đây đón các bạn thì các bạn yên tâm trở về nước và đi cách ly an toàn để giữ an toàn cho cộng đồng nhé!"- chị My chia sẻ.

Sân bay quốc tế Vân Đồn (xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) có tổng vốn đầu tư 7.463 tỉ đồng. Đây là sân bay quốc tế đầu tiên do Sun Group - một tập đoàn tư nhân đầu tư tại Việt Nam và hoàn thành chỉ sau 2 năm thi công xây dựng.

Sân bay quốc tế Vân Đồn là cảng hàng không cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế - ICAO), có thể đón tất cả các loại máy bay hiện đại bậc nhất trên thế giới như Boeing 787, với 7 vị trí đỗ, trong đó 3 bãi đỗ xa và 4 bãi đỗ gần. Năm 2019, sân bay Vân Đồn đã được nhận danh hiệu: Sân bay mới hàng đầu châu Á và Sân bay mới hàng đầu thế giới do Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) trao tặng.

Lên đầu Top

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên