xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bảo hộ công dân Việt Nam: Điểm tựa ngày trở về

Dương Ngọc

Việc bảo hộ công dân Việt Nam tại tâm dịch nCoV - TP Vũ Hán được xem là vụ việc chưa từng có trong lịch sử công tác bảo hộ công dân của ngành ngoại giao Việt Nam. Những năm gần đây, Việt Nam đã giải quyết rất nhiều vụ việc cũng "lần đầu tiên trong lịch sử" như thế.

5 giờ 4 phút ngày 10-2, chuyến bay HVN68 của Vietnam Airlines hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), đưa 30 công dân Việt Nam, trong đó có 1 thai phụ 8 tháng và một số trẻ em, từ tâm điểm dịch bệnh do virus corona chủng mới (nCoV) ở TP Vũ Hán - Trung Quốc trở về trong tình trạng sức khỏe, tinh thần tốt.

Thật sự chuyên nghiệp

Các công dân bày tỏ cảm ơn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc (Đại sứ quán) đã quan tâm, thường xuyên liên lạc, động viên, hỗ trợ, ghi nhận nguyện vọng và tạo điều kiện cho công dân về nước.

Đang được cách ly theo quy định tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh, TP Hà Nội), một nữ công dân trở về trong chuyến bay nói trên chia sẻ sự xúc động khi kết thúc chuỗi ngày phập phồng lo lắng. Chị cho biết trong thời gian ở TP Vũ Hán, cán bộ Đại sứ quán "túc trực" 24/7, nhắn tin thăm hỏi, gợi chuyện, trao đổi liên tục. Tới 2 giờ sáng, Đại sứ quán vẫn còn nhắn tin động viên mọi người an lòng. Đêm trước khi về Việt Nam, cả Đại sứ quán thức cùng. Hành trình trở về, mỗi bước chân là phải khử trùng triệt để, từ lúc lên máy bay đến khi vô khu cách ly thay đồ bảo hộ liên tục, rửa tay, xịt hành lý.

"Cảm ơn sự chu đáo và nghiêm túc của các cơ quan chức năng từ khâu liên kết, bảo trợ, di tản, cách ly đều làm cho mọi người thật sự thấy sự chuyên nghiệp và không bị tủi thân. Chúng tôi tạm thời được cách ly 14 ngày để thực hiện trách nhiệm cộng đồng và giữ sức khỏe cho chính bản thân. Bệnh viện nơi cách ly sạch sẽ, thoáng mát, nắng tràn vô tận giường. Xin biết ơn về tất cả sự hỗ trợ từ Thủ tướng, Đại sứ quán, các cơ quan, ban ngành, Vietnam Airlines, bệnh viện cũng như người thân. Một lời không nói hết!" - chị chia sẻ.

Trước đó, ngay khi có thông tin về dịch bệnh, Bộ Ngoại giao đã chủ động yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là ở Trung Quốc, cung cấp thông tin và thường xuyên cập nhật diễn biến dịch, tình hình và nguyện vọng của công dân Việt Nam tại Trung Quốc, công bố đường dây nóng của các cơ quan đại diện Việt Nam, sẵn sàng tiến hành các biện pháp hỗ trợ và bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết. Biết nguyện vọng về nước của 30 công dân Việt Nam đang ở TP Vũ Hán (gồm sinh viên và người thân, khách du lịch), Đại sứ quán đã phối hợp các cơ quan chức năng trong nước và của Trung Quốc tích cực hỗ trợ các thủ tục cần thiết cho công dân ta và chuyến bay được thực hiện thuận lợi, an toàn.

Bảo hộ công dân Việt Nam: Điểm tựa ngày trở về - Ảnh 1.

Khu vực đón công dân Việt Nam từ TP Vũ Hán - Trung Quốc về tại sân bay quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) Ảnh: Minh Châu

Là cơ trưởng trong chuyến bay từ TP Vũ Hán về, phi công Phùng Thiên Quân chia sẻ: "Với tôi, vận chuyển những công dân ở trong vùng dịch trở về quê hương là nghĩa vụ thiêng liêng nhưng cũng rất thân thương và gần gũi, bởi đó là đồng bào của mình. Chuyến bay không dài nhưng chúng tôi thật sự rất mong qua nhanh để công dân được gặp mặt gia đình, vì chúng tôi hiểu được nỗi mong chờ của họ. Tôi rất vui và cảm động khi biết tất cả đều trong tình trạng sức khỏe tốt".

Tiếp viên trưởng Phạm Hải Bằng (cũng đang được cách ly theo quy định) nhớ lại những lần sơ tán người lao động ở Libya, thời điểm sóng thần tại Nhật Bản hay cuộc bạo loạn ở Campuchia… trước đây, khi phi hành đoàn hầu như không có ngày nghỉ và cho rằng "kỳ nghỉ" dài ngày này là một cơ hội để nạp năng lượng, sẵn sàng cho những thử thách mới trong tương lai.

Chưa từng có

Việc bảo hộ công dân Việt Nam tại tâm dịch nCoV được xem là vụ việc chưa từng có trong lịch sử công tác bảo hộ công dân của ngành ngoại giao Việt Nam. Những năm gần đây, Việt Nam đã giải quyết rất nhiều vụ việc cũng "lần đầu tiên trong lịch sử" như thế.

Đơn cử như chiến dịch sơ tán lao động tại Libya năm 2014, có 1.758 người Việt Nam đang lao động tại Libya được đưa về nước an toàn; xử lý vụ 152 người Việt Nam được cho là bỏ trốn khi nhập cảnh Đài Loan tháng 12-2018; vụ 39 công dân Việt Nam tử vong ở Anh cuối năm 2019; hỗ trợ pháp lý cho công dân Đoàn Thị Hương bị bắt và xét xử tại Malaysia…

Công tác bảo hộ công dân luôn là một trong những trọng tâm của Đảng và nhà nước ta. Do quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, người Việt Nam đi nước ngoài ngày càng nhiều. Năm 2019, số trường hợp bảo hộ công dân đã tăng hơn 10%; đã bảo hộ trên 13.000 trường hợp.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, việc bảo vệ quyền cũng như lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam là một chính sách được Đảng, nhà nước hết sức quan tâm. Khi công dân gặp khó khăn thì nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước.

"Chắc chắn, khi công dân Việt Nam ra nước ngoài, tin nhắn đầu tiên không phải của bố mẹ, vợ chồng mà là của Cục Lãnh sự, thông báo thông tin cho các bạn biết là khi gặp khó khăn sẽ liên lạc với số điện thoại nào, địa chỉ nào sẽ hỗ trợ cho công dân của Việt Nam ra nước ngoài" - ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Họp khẩn, thành lập ban chỉ đạo

Ngày 28-12-2018, ôtô chở đoàn du khách Việt (đi tour của Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist) gồm 14 khách và 1 hướng dẫn viên trên đường di chuyển trước khi ra sân bay từ Ai Cập về Việt Nam thì trúng bom khủng bố. Ban lãnh đạo Saigontourist họp khẩn, thành lập ban chỉ đạo xử lý; liên hệ đối tác và Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập cùng khách trong đoàn để triển khai hỗ trợ tối đa cho khách.

Saigontourist đã có công văn gửi Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Ai Cập tại Việt Nam, đề nghị tạo thuận lợi để người thân các du khách có thể nhanh chóng lên đường sang Ai Cập. Đoàn lãnh đạo ngành du lịch TP HCM và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Saigontourist... cũng trực tiếp sang Ai Cập. Các cơ quan quản lý, cơ quan liên quan và doanh nghiệp tổ chức tour đã phối hợp chặt chẽ với mục tiêu bảo đảm an toàn cho đoàn du khách; phối hợp chính quyền Ai Cập và Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập để đưa du khách về nước an toàn, nhanh chóng. Sáng 10-1-2019, 3 du khách cuối cùng trong số các khách của vụ nổ về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM). Đi cùng họ là các chuyên viên y tế.

Sau vụ này, Saigontourist cho biết đã nhận được sự phối hợp và hỗ trợ kịp thời từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, sự chỉ đạo sát sao của Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch TP HCM, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn và sự phối hợp của công ty đối tác bảo hiểm du lịch...

T.Phương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo