xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dẹp tệ nạn quanh lễ vía Bà Chúa Xứ núi Sam

Bài và ảnh: THỐT NỐT

Để lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được công nhận là di sản văn hóa thế giới, cần dẹp nạn chèo kéo, trộm cắp, cướp giật ở khu vực miếu Bà

UBND tỉnh An Giang đang phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện thủ tục đệ trình lên UNESCO công nhận lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam (TP Châu Đốc) là di sản văn hóa thế giới.

Đặc sắc lễ hội

Theo các nhà nghiên cứu, cách nay khoảng 200 năm, tượng Bà Chúa Xứ núi Sam được nhóm người nước ngoài phát hiện ở khu vực gần đỉnh núi Sam và định dời pho tượng đi nhưng không sao xê dịch nổi. Sau khi nhóm người này nản chí bỏ đi, dân làng với lòng tín ngưỡng đã huy động hàng trăm người lực lưỡng lên đưa tượng xuống núi phụng thờ. Miếu thờ Bà ban đầu chỉ được lên bằng tre lá đơn sơ, sau đó mới được xây bằng gạch hồ ô dước.

Ông Thái Công Nô, nguyên Phó trưởng Ban Quản trị miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, có hơn 35 năm gắn bó với ngôi miếu lớn nhất Việt Nam này nên rất am hiểu các nghi thức trong lễ hội vía Bà.

Ông Nô cho biết lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ ngày 23 đến 27-4 âm lịch với nhiều phần lễ và nghi thức truyền thống. Những người được chọn trong ban chánh tế phải ngoài 60 tuổi, có sức khỏe tốt, còn đủ vợ chồng, không tang chế, con cái đông đủ (đủ trai và gái) và hơn hết phải có đạo đức tốt để phục vụ cho chuỗi các chương trình lễ hội. Vào đêm 23 rạng sáng 24-4, lễ tắm Bà được tiến hành theo nghi thức trang trọng. Tượng Bà sẽ được lau bằng nước thơm, thay y phục mới; y phục cũ sẽ được cắt nhỏ và ban cho khách trẩy hội như "lộc Bà" để cầu an và may mắn.

Dẹp tệ nạn quanh lễ vía Bà Chúa Xứ núi Sam - Ảnh 1.

Lễ phục hiện cảnh rước Bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ

Đến đúng 15 giờ ngày 24-4, các bô lão trong làng và Ban Quản trị miếu Bà mặc lễ phục chỉnh tề sang lăng Thoại Ngọc Hầu làm lễ thỉnh sắc rước bài vị của Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại về miếu Bà để tưởng nhớ người có công lớn trong công cuộc khẩn hoang lập ấp, đào kênh đắp đường, xây dựng và bảo vệ vùng đất mới.

Từ đêm 25 đến rạng sáng 26-4, lễ Túc yết được tiến hành với phần nghi thức dâng hương, chúc tửu, hiến trà, đọc văn tế. Cuối cùng, văn tế được hóa cùng một ít giấy vàng mã.

Tiếp ngay sau lễ Túc yết là đến lễ Xây chầu - hát bội do một người sành nghi lễ và có uy tín trong ban tế tại miếu Bà thực hiện cùng đào kép hát bội cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Cuối cùng là lễ Chánh tế và Hồi sắc được diễn ra vào 4 giờ ngày 26-4. Chiều 27-4, sắc thần Thoại Ngọc Hầu sẽ được đưa về lại lăng.

"Trong các chuỗi chương trình lễ sẽ có phần hội diễn ra rất sôi nổi đan xen với các hoạt động văn hóa - nghệ thuật dân gian như múa lân, múa mâm thao, múa đĩa chén… Đây là những tiết mục thu hút rất đông khách thập phương. Lễ khai hội thường tổ chức vào trước đêm lễ tắm Bà, tức là phần trước lễ truyền thống. Chương trình khai hội khá đặc sắc, phong phú với các tiết mục được sân khấu hóa như biểu diễn lân sư rồng, diễu hành xe hoa hay ca múa nhạc dân tộc Khmer. Điểm nhấn của chuỗi các chương trình này vẫn là phần lễ phục hiện với ý nghĩa tái hiện cảnh 9 cô gái đồng trinh rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu theo đúng như truyền thuyết" - ông Nô cho biết thêm.

Đất lành

Là hộ dân đầu tiên đứng ra cất nhà trọ cho khách du lịch lưu trú ở gần khu miếu Bà vào năm 1972, bà Nguyễn Thị Huỳnh Hoa cho biết thời đó người dân đến vía Bà không mua nhang đèn, trái cây như bây giờ mà do mọi người mua sắm ở quê nhà nên không có tình trạng chèo kéo, "chặt chém" như hiện nay.

Theo bà Hoa, ngày trước, lễ vía Bà chỉ diễn ra trong vòng tuần lễ nhưng rất vui, khách đến đây thuê phòng có đến hàng chục người. Nước sinh hoạt cũng phải thuê người gánh từng đôi từ bờ kênh tại khu vực Bến Đá nên thiếu thốn. Khách trọ chỉ được tắm rửa mỗi người 2 thùng nước nhỏ nhưng không ai phàn nàn.

Việc miếu Bà Chúa Xứ núi Sam đang được đề nghị công nhận di sản văn hóa thế giới làm người dân Châu Đốc lấy làm hãnh diện. "Bản thân tôi được sinh ra và lớn lên trên vùng đất này nên luôn có ý thức làm thế nào để mỗi du khách đến đây đều được ứng xử có văn hóa và cảm thấy thân thiện. Tuy nhiên, những nơi nào thường có đông người sẽ phát sinh những thành phần bất hảo, từ trộm cắp đến cướp giật gây ảnh hưởng chung cho hình ảnh địa phương nên rất cần sự quyết liệt hơn của chính quyền đối với nhóm đối tượng này" - bà Hoa đề nghị.

Còn theo bà Lê Thị Thao (ở xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), trước đây cả gia đình bà với hơn chục người hàng xóm phải thuê ghe để đi vía Bà vào những ngày lễ chính. Do đường xa nên mọi người phải ở lại miếu Bà nghỉ ngơi vài ngày, sau đó tiếp tục đi tham quan một số khu di tích ở khu vực này như Lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An hay chùa Hang (Phước Điền tự)… Gia đình bà Thao thường chọn "giải pháp an toàn" nhất là tự mua mâm quả ở quê nhà để cúng Bà.

"Hồi xưa, chúng tôi đi vía Bà vui lắm vì khi trời vừa rạng sáng là mọi người trong xóm í ới nhau chuẩn bị xuống ghe chạy dọc theo sông Tiền rồi qua sông Hậu trước khi rẽ vào kênh Vĩnh Tế tại cầu Cống Đồn. Từ đây, mọi người trong đoàn thường chọn cách lội bộ thêm vài cây số nữa để tỏ lòng thành tâm đối với Bà chứ không thuê xe ôm chở đi. Bây giờ thì khác rồi, vì xe cộ chạy tới tận nhà đón rồi đưa tới tận nơi nên tiện lợi lắm" - bà Thao nói.

Quyết tâm dẹp tệ nạn

Ông Lâm Quang Thi - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Châu Đốc - thừa nhận trong những năm qua, tình trạng chèo kéo khách du lịch trên địa bàn TP Châu Đốc, đặc biệt là trong Khu Du lịch quốc gia Núi Sam, tuy được các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nhưng chưa thể dứt điểm. Tệ nạn xã hội này không những gây khó chịu, thiệt hại cho du khách mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của TP Châu Đốc, môi trường du lịch cũng như việc kêu gọi, thu hút đầu tư vào địa bàn.

Theo ông Lâm Quang Thi, thời gian tới, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, TP Châu Đốc kiên quyết áp dụng các biện pháp nhằm xử lý triệt để tình trạng chèo kéo du khách bằng việc tăng cường xử lý hành chính ở mức cao nhất các đối tượng vi phạm, thậm chí xử lý hình sự đối với những vi phạm nghiêm trọng.

"Chúng tôi kiên quyết trả về địa phương cư trú đối những đối tượng ngoài địa bàn đến đây có hành vi chèo kéo du khách và tăng cường công tác kiểm soát nhân khẩu, hộ khẩu. Không để xảy ra tình trạng các đối tượng sau khi bị xử lý vi phạm hành chính, rời khỏi địa phương một thời gian rồi sau đó quay lại hoạt động" - ông Thi quả quyết.

UBND TP Châu Đốc đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra và xử lý phải công tâm, công khai, không nể nang, thiên vị đối với bất cứ ai vi phạm. "Ngay cả những cán bộ thực thi công vụ nếu để xảy ra tình trạng nể nang, không khách quan trong giải quyết các vụ việc cũng sẽ bị xử lý theo mức độ vi phạm" - ông Thi khẳng định. 

Cần người dân đồng lòng

UBND TP Châu Đốc đã kiến nghị Công an tỉnh An Giang tăng cường bổ sung lực lượng cơ động làm nhiệm vụ trên địa bàn phường Núi Sam, bảo đảm 24/24 giờ đều có lực lượng chức năng tuần tra, kiểm tra và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, hỗ trợ du khách. Địa phương cũng trang bị thêm hệ thống camera thông minh trong Khu Du lịch quốc gia Núi Sam cũng như các tuyến đường chính trên địa bàn TP nhằm giám sát an ninh trật tự, nhận diện khuôn mặt các đối tượng chèo kéo, lừa gạt du khách. "UBND TP Châu Đốc cũng rất mong muốn sự đồng tình của người dân trong công tác này để góp phần xóa bỏ triệt để tình trạng chèo kéo, đeo bám du khách trên địa bàn để Châu Đốc thật sự xứng tầm là TP du lịch của tỉnh An Giang" - ông Lâm Quang Thi kêu gọi.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo