xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đầu tư mạnh cho Buôn Ma Thuột

Bài và ảnh: Cao Nguyên

Từ cơ chế đặc thù, các dự án hạ tầng kỹ thuật trọng điểm đang được đầu tư sẽ tạo động lực cho TP Buôn Ma Thuột phát triển, phát huy vai trò là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

Ngày 5-10, ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Thêm nguồn lực cho TP Buôn Ma Thuột

Theo đó, để tỉnh Đắk Lắk có điều kiện phát triển xứng tâm là trung tâm vùng Tây Nguyên, thay vì hỗ trợ từ ngân sách trung ương thì đề xuất cho phép nâng mức dư nợ vay của ngân sách tỉnh Đắk Lắk lên 40%, tạo điều kiện cho tỉnh huy động nguồn vốn. Đề xuất cho tỉnh Đắk Lắk được phân bổ thêm 45% theo định mức chi thường xuyên để bố trí cho TP Buôn Ma Thuột bảo đảm nguồn lực cần thiết thực hiện các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, tập trung đẩy mạnh cho chi phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao, thông tin, môi trường.

Về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, dự thảo Nghị quyết Quốc hội quy định dự án đầu tư một số lĩnh vực được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Để tạo sự chủ động cho thành phố và tỉnh Đắk Lắk, Chính phủ cũng đề xuất thí điểm phân cấp thẩm quyền cho UBND tỉnh Đắk Lắk điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng và đô thị Buôn Ma Thuột. Việc phân cấp sẽ rút ngắn thời gian điều chỉnh quy hoạch, thủ tục đầu tư nhanh hơn cho một đô thị trung tâm vùng, đẩy mạnh thu hút một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố.

Chính phủ cũng đề xuất cơ chế để thu hút chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại TP Buôn Ma Thuột. Hiện nay, số giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học đang công tác trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột chỉ khoảng 1.020 người.

Đầu tư mạnh cho Buôn Ma Thuột - Ảnh 1.

TP Buôn Ma Thuột có nhiều động lực để phát triển xứng tầm trung tâm vùng Tây Nguyên

Đầu tư nhiều dự án lớn

Theo Chính phủ, tình hình thu hút đầu tư vào địa bàn TP Buôn Ma Thuột trong thời gian qua là hết sức khó khăn, các chính sách ưu đãi sẽ góp phần tạo động lực mới cho TP Buôn Ma Thuột, nhất là trong bối cảnh Chính phủ sẽ tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông kết nối liên vùng như các tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa, cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2 sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa thúc đẩy liên kết vùng và phát triển TP Buôn Ma Thuột với vai trò là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, tỉnh dự kiến thực hiện vay lại nguồn vốn ODA trong giai đoạn 2021-2025 với tổng hơn 1.300 tỉ đồng để thực hiện 11 chương trình, dự án. Các dự án gồm: Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn, sửa chữa và nâng cao an toàn đập, hỗ trợ phát triển khu vực biên giới, đầu tư trang thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên...

Bên cạnh đó, thực hiện mục tiêu tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, dự kiến trong giai đoạn 2022-2025 sẽ đầu tư 2 dự án phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật từ nguồn vay lại ODA với tổng mức đầu tư khoảng 2.702 tỉ đồng. Hai dự án quan trọng này là cải tạo hạ tầng kỹ thuật hành lang suối Ea Nao - Ea Tam với tổng mức đầu tư dự kiến dự án 1 là 1.436 tỉ đồng và dự án 2 là 1.266 tỉ đồng.

Ông Vũ Văn Hưng cho biết sau khi Nghị quyết của Quốc hội được thông qua, tỉnh sẽ báo cáo các bộ, ngành trung ương đề xuất vay lại vốn thực hiện 2 dự án nói trên. Hai dự án này cùng với hồ Ea Tam (rộng hơn 31 ha mặt nước) nằm giữa trung tâm thành phố đang được đầu tư xây dựng sẽ làm thay đổi cảnh quan đô thị, tạo điểm nhấn cho TP Buôn Ma Thuột.

"Sau khi 2 dự án trên hoàn thành sẽ tạo được quỹ đất hơn 70 ha để tiếp tục thu hút đầu tư các dự án hạ tầng đô thị, sản xuất kinh doanh, khai thác quỹ đất… Từ đó sẽ góp phần tăng thu, giảm bội chi ngân sách của địa phương và đủ khả năng trả nợ gốc và lãi nguồn vốn vay theo đúng quy định" - ông Hưng cho biết thêm. 

Chủ tịch Quốc hội gợi mở thêm cơ chế chính sách

Nói về những cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột, ngày 24-9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ còn gợi ý Tây Nguyên là thủ phủ cà phê của cả nước, Buôn Ma Thuột là thủ phủ cà phê của Tây Nguyên. "Cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng, 2 năm có lễ hội cà phê một lần, nhưng chế biến sâu còn hạn chế, phần lớn xuất thô hoặc chế biến sơ bộ rồi xuất khẩu. Nên chăng thí điểm chính sách phát triển chuỗi cà phê ở TP Buôn Ma Thuột, từ chế biến sâu đến xây dựng thương hiệu, rồi tổ chức lễ hội để quảng bá" - Chủ tịch Quốc hội nói. Ông cũng đề cập về văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đặc sắc, là di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận. Phải đề xuất được chính sách ưu đãi để duy trì và phát triển mạnh di sản này.


ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH


Đầu tư mạnh cho Buôn Ma Thuột - Ảnh 3.
Đầu tư mạnh cho Buôn Ma Thuột - Ảnh 4.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo