xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đầu tư đúng tầm cho nông thôn

HỒ PHI

Quảng Ngãi sơ tán hàng ngàn hộ dân; Quảng Nam nước tràn Quốc lộ 1A, TP Tam Kỳ ngập nặng, giải cứu hàng chục người giữa dòng nước lũ; Bình Định mưa như trút… Tin dữ liên tục được phát đi chỉ sau một ngày mưa tầm tã ở miền Trung hôm 23-10.

Chỉ trong vòng 1 tháng, dải đất miền Trung liên tiếp hứng 3 cơn bão lớn. Bão đến là tai ương, ngập nặng, mất mùa, đói kém. Tai ương này không chỉ từ trời mà còn từ con người.

Không như đồng bằng sông Cửu Long, mùa lũ là mùa của trù phú, đất đai thêm màu mỡ, sản vật tràn về. Mùa lũ của miền Trung lắm lúc là bi kịch, là phập phồng nhìn từng giọt mưa, hốt hoảng nghe từng hơi gió. Xưa nhìn trời chạy lụt, còn nay phải ngóng cả thượng nguồn: khi nào thủy điện xả lũ, xả bao nhiêu để mà đối phó.

Như đợt mưa ngày 23-10 vừa qua ở vùng Duy Xuyên (Quảng Nam). Mới sáng mưa rỉ rả, nước từ từ đổ về. Giữa buổi gọi điện về đã nghe nước trắng đồng. Mưa xối xả qua trưa, nước tràn đường. Chiều nghe tin thủy điện và hồ thủy lợi xả lũ. Người dân dời hết gia sản lên gác mái. Y như rằng, chặp tối nước đã băng qua sân thốc vào nhà. Mà gia sản có nhiều nhặn gì, tivi, quạt điện… Xe máy thì cột dây sẵn, nước lên đến đâu thì rút dây dần lên xà nhà. Chỉ có mấy chum lúa thì đành chịu. Mưa bão thì theo trời, xả lũ thì theo quy trình, nên cái khốn khó của người dân mãi cũng thành quy luật.

Gần như là định kỳ, năm nào các tỉnh miền Trung cũng bị bão tàn phá. Đây mới là cơn bão số 8. Thời gian tới người dân nơi đây còn phải tiếp tục chống chọi với nhiều cơn bão nữa. Cũng như nhiều vùng khác, nông thôn luôn là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề nhất. Khổ cực, chịu thiệt thòi hơn cả nhưng cũng chính nông thôn là nơi sản xuất lương thực cho cả nước, bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông nghiệp Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, ổn định sinh kế cho hơn 60% dân số sinh sống ở nông thôn; đóng góp 14,8% GDP của quốc gia. Qua 9 tháng năm 2021, xuất khẩu nông sản được 35,5 tỉ USD.

Quả là con số ấn tượng, nhưng quan trọng hơn là lợi nhuận rất lớn từ xuất khẩu nông sản đã thực sự thay đổi được bộ mặt nông thôn, cải thiện lớn đến đời sống nông dân và ổn định sinh kế lâu dài cho khu vực sản xuất nông nghiệp? Sản xuất nông nghiệp nói chung và lương thực nói riêng, lợi nhuận không nhanh chóng và dễ thấy như những ngành khác.

Bởi vậy, không chỉ các địa phương mà ở các chính sách lớn của quốc gia cũng chưa tập trung đúng tầm cho nông nghiệp. Điều này cũng dễ nhận ra nếu chúng ta chịu khó so sánh danh mục ưu tiên đầu tư, nguồn lực và ngân sách chi ra cho từng ngành. Chúng ta chỉ mới giúp người sản xuất thoát nghèo chứ mục tiêu hiện đại hóa nông thôn, sống chung an toàn với tự nhiên… là viễn cảnh còn khá xa dù bộ chủ quản và các ban ngành liên quan đang rất nỗ lực.

Chúng ta đã no đủ nhưng đừng quên, khi bất trắc xảy ra thì chính từ nông thôn, những người làm ra hạt lúa là nguồn trợ lực lớn nhất, bền bỉ nhất cho phần còn lại của quốc gia. Những ngày chiến đấu với Covid-19 vừa qua càng cho thấy từng chút thực phẩm, cọng rau quý giá đến dường nào, nông thôn quan trọng đến dường nào.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo