xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dân Đắk Ri đã mê con chữ

Bài và ảnh: Thủy Vũ

Dân Đắk Ri có người nói thẳng không có cái bỏ vào bụng mới chết chứ không biết chữ thì chẳng chết ai bao giờ. Không nản lòng, Triệu Thị Mùi kiên trì đến từng nhà, rỉ rả từng chút, mưa dầm thấm lâu

Dân ở thôn Đắk Ri (xã Tân Thành, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đã quen với hình ảnh một cô gái nhỏ bé, luôn chỉnh tề trong trang phục truyền thống, "đi từng ngõ, gõ từng từng nhà" vận động đồng bào đến lớp xóa mù chữ.

Vừa vận động vừa dỗ dành

"Cô giáo ơi, cái tay tao quen cầm dao, cuốc thôi, không cầm bút được đâu. Khó lắm. Tao không học được đâu. Tao đi rẫy thôi". Nói chưa dứt câu, người phụ nữ đang tập viết, rời ghế, cầm cuốn vở trên bàn cuộn tròn lại trong tay.

Người phụ nữ này cũng không quên kéo theo cô gái ngồi kế bên cùng đứng lên, đi về. Một lớp học lổn nhổn, có cả thanh niên, trung niên, thậm chí cả cụ già lọ mọ chống gậy cậy nhờ con cháu đưa đón. Nhiều người tự giác đến lớp nhưng cũng có người là do cô giáo đến tận nhà vừa vận động vừa dỗ dành rát cả họng nhưng chỉ đến lớp được vài ba hôm rồi trốn ở nhà.

Thôn Đắk Ri nằm trọn trong thung lũng, bao quanh bởi dãy núi Nâm Nung. Đồng bào người Dao đỏ di cư từ miền núi phía Bắc vào lấy đó làm nơi an cư lập nghiệp.

Sáng mở mắt ra là nhìn thấy rừng. Dân sống dựa vào rừng nhờ lấy mật ong, măng le cùng các sản vật khác. Họ ăn cùng rừng, ở cùng rừng, chỉ biết con đường từ rừng về nhà và sống co cụm lại trong cộng đồng của mình. Cuộc sống cứ thế đều đều trôi qua. Chỉ lúc đi làm các thủ tục hành chính, giấy tờ thì mới ớ người ra vì khi được yêu cầu ký tên là lại phải ngượng ngùng xin... điểm chỉ. Chuyện này xảy ra như cơm bữa, vì hơn 70% dân số chưa đọc thông, viết thạo.

Đến lúc này, người Dao đỏ ở Đắk Ri mới nhận ra rằng họ rất cần con chữ. Nhìn cảnh tượng này, nữ Phó Bí thư Đoàn xã Tân Thành là Triệu Thị Mùi không khỏi ngậm ngùi. Cô nói: "Tình trạng này kéo dài thì người Dao đỏ sẽ lạc hậu, sống ngoài rìa xã hội và mãi mãi không bao giờ phát triển".

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Dao đỏ nghèo khó tại thôn Đắk Ri, Triệu Thị Mùi đã không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập và trở thành người được học hành bài bản, biết nhiều chữ nhất trong thôn Đắk Ri. Sau khi tốt nghiệp THPT, Mùi thi đỗ vào trường cao đẳng sư phạm với ước mơ được làm cô giáo để mang con chữ về dạy cho các em trên vùng đất khó của mình.

Triệu Thị Mùi nói cô hiểu được giá trị của tri thức đối với đời sống mỗi con người nên thuyết phục chính quyền từ thôn đến xã, huyện để mở lớp xóa mù chữ dạy vào buổi tối cho người dân thôn Đắk Ri. Chính quyền đồng ý cho cô mượn trường tiểu học ở đây để làm địa điểm mở lớp nhưng người dân thì lắc đầu, đến đâu cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Có người nói thẳng với Triệu Thị Mùi rằng không có cái bỏ vào bụng mới chết, chứ không biết chữ thì chẳng chết ai bao giờ. Không nản lòng, Mùi kiên trì đến từng nhà, rỉ rả từng chút, mưa dầm thấm lâu.

Dần dần, có một vài chị rủ nhau đến lớp. Rồi có trường hợp cả nhà cùng đến lớp xóa mù chữ. "Bàn tay quen cầm dao, cuốc, giờ cầm bút cứ rớt hoài, cáu luôn. Học viên toàn người lớn tuổi, hay tự ái nên cô giáo có dám nói nặng lời đâu. Phải vừa dạy chữ vừa động viên, thuyết phục. Dần dà rồi bà con cũng nghe ra. Bây giờ, mọi người đã đi học đều đặn rồi. Thỉnh thoảng mới có trường hợp dở chứng đứng dậy ra ngoài bỏ học giữa chừng như lúc nãy chị thấy" - Triệu Thị Mùi kể.

Từ khi có lớp học xóa mù chữ của cô giáo Triệu Thị Mùi, thôn Đắk Ri sôi động hẳn lên. Dù nắng hay mưa, cứ ăn cơm tối xong là hàng chục người trung niên trong thôn lại gọi nhau bấm đèn, mang sách bút đến lớp học. Cô giáo chỉnh tề trong trang phục truyền thống, tay thước, tay bút, vừa dạy đọc vừa gò tay học viên viết từng chữ. Tiếng ê a đọc bài vang lên rộn ràng, át cả tiếng gió mưa gào thét bên ngoài.

Dân Đắk Ri đã mê con chữ - Ảnh 1.

Lớp học xóa mù chữ của nữ Phó Bí thư Đoàn xã Tân Thành Triệu Thị Mùi

Sáng đèn đêm đêm

Chị Triệu Thị Súa, một học viên của lớp, cười nói: "Thực sự đây là một lớp học rất bổ ích. Chúng tôi không chỉ được học chữ, biết đọc, biết viết, biết tính toán mà còn được gặp nhau, chia sẻ vui buồn trong cuộc sống, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động. Dân Đắk Ri giờ đã mê con chữ".

Không giấu được vẻ ngượng ngùng khi được gọi là cô giáo, Triệu Thị Mùi tâm sự: "Người Dao đỏ ở thôn Đắk Ri còn nhiều hủ tục lạc hậu, tình trạng tảo hôn vẫn còn nhiều. Lớp học không chỉ là nơi dạy chữ mà còn là nơi tuyên truyền vận động bà con, nhất là phụ nữ và thanh niên trong thôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước".

Ngót 40 tuổi, tóc đã bắt đầu điểm bạc, chị Triệu Thị Lua vẫn là một trong những học viên cần mẫn nhất lớp. Chị cũng là thành viên cốt cán cùng Triệu Thị Mùi vận động chị em đến lớp. Chị Lua nói với chúng tôi: "Lần đầu sử dụng sách, bút, ngồi học cũng thấy khó khăn. Cầm bút viết cho đúng chữ đã không dễ dàng, để nhớ được cách phát âm hay nhận mặt chữ thì càng khó. Nhưng sống quá nửa đời người mà chữ viết vẫn không biết thì nói gì đến chuyện dạy bảo con cháu đến trường học hành. Thế nên, tôi quyết tâm theo học và bảo cả con dâu cùng đến lớp".

Dứt lời, chị Lua chỉ về phía cô gái chừng đôi mươi đang cặm cụi, bặm môi đưa từng nét bút, rồi bảo: "Con dâu tôi đó. Cháu tên là Phùng Thị Xuân, mới 20 tuổi. Cháu cũng thích học chữ lắm. Cháu đến lớp rất đầy đủ, không thiếu buổi nào cả".

Cứ thế, lớp học dưới chân núi Nâm Nung của cô giáo Triệu Thị Mùi rộn ràng sáng đèn đêm đêm.

Trong thời điểm dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát trong cộng đồng, lớp học phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Đặc biệt, trong tâm dịch bạch hầu vừa qua tại huyện Krông Nô, bà con đồng bào dân tộc còn lạc hậu nên sợ tiêm chủng.

Thấy vận động suông không xong, Triệu Thị Mùi đã xung phong tiêm mẫu để bà con thấy tiêm phòng là không chết. Mùi còn vào tận rừng sâu vận động những người trốn tiêm quay về; thậm chí phải nhờ cả lực lượng thanh niên vào rẫy cõng người già về trạm xá. Sau đó, dịch bạch hầu được dập tắt, nhận thức của đồng bào ở đây cũng được nâng cao.

Tấm gương tiên phong

Chị Triệu Thị Mí là một người mẹ lúc đầu cương quyết không cho con tiêm phòng bệnh bạch hầu vì sợ con đau, con chết. Sau khi thấy Triệu Thị Mùi tiêm phòng xong vẫn vui khỏe mới bằng lòng đưa con đi tiêm, chị nói: "Cô giáo có nhiều chữ, biết nhiều, làm gì cũng muốn tốt cho bà con nên mình làm theo thôi".

"Để thuyết phục thành công, vận động bà con đến lớp, tôi phải dự nhiều đợt tập huấn nghiệp vụ, đọc tài liệu, xem báo đài... cộng với kinh nghiệm nói chuyện. Phải bền chí, nhẫn nại đi thuyết phục nhiều lần. Lợi thế của tôi là cô giáo dạy học. Hơn nữa, những phụ nữ làm chủ gia đình đều là học viên nên tôi cũng dễ thuyết phục" - Triệu Thị Mùi chia sẻ bí quyết vận động.

Bằng nhiều hình thức khác nhau như tổ chức các buổi sinh hoạt, các hoạt động văn hóa - thể thao, tới nhà vận động trực tiếp... mà Triệu Thị Mùi đã vận động được nhiều thanh thiếu niên cá biệt trước đây chuyên ăn nhậu, gây gổ đánh nhau làm mất an ninh trật tự, nay thành con ngoan, biết phụ giúp cha mẹ. Tình trạng tảo hôn ở xã Xuân Thành này cũng đã giảm đáng kể. Nhiều cán bộ ở xã Tân Thành nhận xét ngoài chuyện tích cực giúp dân xóa mù chữ, Triệu Thị Mùi còn luôn tiên phong trong các hoạt động chính trị - xã hội của địa phương, tuyên truyền cho bà con chấp hành các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước.

Nói về Triệu Thị Mùi, chị H’Hương Niê, Bí thư Huyện Đoàn Krông Nô, nhận xét: "Triệu Thị Mùi là một cán bộ Đoàn năng động, dám nghĩ, dám làm, luôn vượt khó để vươn lên, luôn năng nổ tích cực trong các phong trào thi đua của địa phương. Tuy chỉ là phó bí thư Đoàn nhưng Mùi là tấm gương tiên phong trong các hoạt động phong trào của địa phương, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, một nhân tố tích cực góp phần đưa phong trào và hoạt động Đoàn tại địa phương ngày một phát triển". 

Thêm những hạt giống

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, nhận xét: "Triệu Thị Mùi rất khéo léo trong công tác vận động quần chúng; có uy tín để tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân tham gia các hoạt động chính trị, xã hội ở địa phương. Tôi thấy mô hình lớp học như thế này rất thiết thực, ý nghĩa. Chỉ cần 50% người học nắm được kiến thức nền tảng, cơ bản là có thêm những hạt giống bảo đảm sự tiếp nối. Đây là minh chứng rõ nhất ở địa phương chúng tôi về việc tuyên truyền, vận động quần chúng hiệu quả".

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo