xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Đặc vụ thời Covid-19"

Bài và ảnh: ANH THƯ

Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 đầu tiên của Việt Nam được thành lập tại Củ Chi, bằng nỗ lực của lãnh đạo TP HCM và đội ngũ y - bác sĩ, nay vẫn là phòng tuyến vững chắc trong đại dịch

Ngày 3-2-2020, UBND TP HCM công bố kế hoạch thành lập một bệnh viện (BV) dã chiến chuyên về điều trị bệnh nhân Covid-19. Đó cũng là những ngày virus SARS-CoV-2 được gọi là "virus corona mới", đang gây khủng hoảng tại Vũ Hán (Trung Quốc).

Nhiệm vụ không thời hạn

PGS-TS Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, một trong những người thường xuyên giám sát, hỗ trợ BV Dã chiến Củ Chi - kể: "Những bức tường mới sơn mà mọi người thấy trong ngày thành lập BV cũng là do nhân viên y tế, nhân viên hành chính của các BV trong TP cùng nhau làm". Bấy giờ, ngành y tế TP chỉ có đúng 1 tuần để cho ra đời BV này theo tiêu chí "dã chiến nhưng phải chuyên nghiệp".

Bác sĩ (BS) và điều dưỡng công tác tại đây được điều từ các BV trên địa bàn TP, nòng cốt là BV Bệnh nhiệt đới TP HCM. Đa số họ sẽ nhận nhiệm vụ trong khoảng 5 tuần, trừ một số vị trí chủ chốt đã phục vụ ở đây suốt thời gian gần 1 năm 3 tháng hoạt động.

Đặc vụ thời Covid-19 - Ảnh 1.

Bệnh nhân người Cộng hòa Czech chụp ảnh kỷ niệm với nhân viên Bệnh viện Dã chiến Củ Chi khi được công bố khỏi bệnh

BS Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc BV Dã chiến Củ Chi kiêm Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, là một trong những người nhận nhiệm vụ không thời hạn đó. Ông kể về tuần đầu tiên tiếp quản: "Lúc đó, ngày làm, đêm thì lập kế hoạch xem mai cần làm gì để kịp tiến độ, để biến một khu nhà quân đội thành BV điều trị Covid-19 với 6 khối nhà và rất nhiều việc, như phải có hệ thống xử lý nước thải y tế chuẩn 300 m3/ngày đêm; phải có phòng áp lực âm, đơn vị cấp cứu hồi sức; trang thiết bị phù hợp với việc vừa điều trị vừa cách ly. Nhưng nếu lỡ có bệnh nhân đột nhiên đau ruột thừa thì sao? Vậy là phải có phòng mổ với đầy đủ thiết bị".

Chị Lê Thị Thu Hương, Phó trưởng Phòng Điều dưỡng của BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, được biệt phái lên đây làm trưởng Phòng Điều dưỡng, cho biết thử thách lớn chính là làm sao sắp xếp từ một cơ sở không phục vụ cho y tế trở thành một BV. Chị kể: "Giờ vẫn nhớ không khí rất khẩn trương đó. Các điều dưỡng ở BV tôi, rồi nhân viên các BV khác được Sở Y tế huy động lo phòng ốc, sắp xếp các trang thiết bị được chuyển gấp từ BV Bệnh nhiệt đới lên. Bộ đội thì lo dọn vườn bên ngoài".

Mối bận tâm khác nữa là nhân lực của BV dã chiến này bấy giờ không phải toàn bộ là những người đã quen làm trong môi trường truyền nhiễm, trong khi với căn bệnh được mô tả là "lây kinh khủng" này thì việc phòng chống lây nhiễm trong BV là tối quan trọng.

"Mối quan tâm lớn nhất là bảo đảm an toàn cho các chiến sĩ quân đội làm nhiệm vụ hộ lý. BS, điều dưỡng ở các BV điều phối tới dù chưa quen làm việc trong môi trường nhiễm thì cũng đã được trang bị kiến thức y khoa cơ bản, dễ dàng thực hành những kỹ năng mới được tập huấn, chứ các chiến sĩ thì chưa. Vì vậy, phải huấn luyện kỹ cho họ" - BS Nguyễn Thành Dũng cho biết.

"Hơn 1 năm trước, ngồi trên xe đi Củ Chi, tôi nhìn chiếc cầu đang xây dở và nghĩ liệu khi cầu này xây xong thì mình được về chưa. Vậy mà đến ngày cầu xây xong đã lâu, tôi vẫn còn đi. Đã có lần dịch lắng rất lâu, chúng tôi đã chuẩn bị bàn giao mọi thứ để về nhưng chỉ 1 ngày sau thì bùng phát một đợt mới" - chị Hương tâm sự.

Nếu không có bệnh viện dã chiến...

BV Dã chiến Củ Chi hoạt động khác biệt với hầu hết BV dã chiến điều trị Covid-19 trong và ngoài nước. Đấy là phải tiếp tục duy trì ngay cả khi dịch lắng và luôn là nơi ưu tiên tiếp nhận ca mới; chỉ vài ca nặng, có biến chứng, bệnh nền nguy cơ cao là chuyển về BV Bệnh nhiệt đới TP HCM.

"Ngành y tế đã lường trước đây là virus có khả năng lây nhiễm rất lớn. Nếu để người mắc bệnh nằm tại các BV hiện hữu thì nguy cơ cao là bệnh sẽ lây lan trong BV. Sau khi đợt bùng phát thứ nhất lắng xuống, Sở Y tế kiến nghị UBND TP tiếp tục duy trì BV dã chiến, vì tình hình thế giới chưa ổn thì có thể sẽ có những đợt bùng phát nữa" - BS Tăng Chí Thượng giải thích.

Đặc vụ thời Covid-19 - Ảnh 2.

Nhân viên y tế Bệnh viện Dã chiến Củ Chi tiễn người bệnh xuất viện

Đồng quan điểm, BS Nguyễn Thành Dũng cho rằng tuy đây là một nhiệm vụ vất vả nhưng đem lại rất nhiều lợi thế. Phòng chống lây nhiễm cũng như xử lý nếu có tình huống lây nhiễm trong BV ở một nơi cô lập chỉ có bệnh nhân Covid-19 sẽ dễ hơn nhiều so với trong một BV lớn, đông người. Ngoài ra, nếu không có BV dã chiến, có thể sẽ quá tải cho các BV hiện hữu khi có đợt bùng phát. Quá tải là một trong những nguyên nhân gây lây nhiễm hàng đầu do nhân lực làm việc quá sức dẫn đến dễ sai sót.

Những kỷ niệm khó quên

Nhiệm vụ kéo dài ngoài dự kiến này đem lại những kỷ niệm đặc biệt. "Lẽ ra mỗi người sau khi làm nhiệm vụ vài tuần sẽ về nhưng vì BV dã chiến tồn tại quá lâu nên có khi họ phải xoay tua trở lại. Từ nhiều đơn vị y tế trên khắp TP, khi vào đây, chúng tôi thành một tập thể đoàn kết, nhiều người trở lại vì tình nguyện. Tôi hay nói với các bạn gặp nhau trong hoàn cảnh đặc biệt, hãy xem BV dã chiến như một ngôi nhà nhỏ, hãy hết sức cẩn thận và chu đáo" - BS Dũng chia sẻ.

Chị Lê Thị Thu Hương nói vui: "Lần nào chia tay, các BS, điều dưỡng cũng bảo nhau mong không gặp lại ở đây, bởi ngày BV này đóng cửa sẽ là ngày đại dịch chấm dứt. Nhưng nếu phải gặp lại thì sẵn sàng với tinh thần cao nhất. Tôi rất cảm động mỗi khi ai đó tình nguyện quay lại. Chỉ mong người dân cả nước ủng hộ bằng cách tuân thủ "5K" là chúng tôi có động lực để cố gắng".

Theo chị Hương, chính sự kiên cường của nhiều bệnh nhân Covid-19 là nguồn động viên lớn cho chị và các đồng nghiệp.

"Một cô gái mới 25 tuổi, thời gian điều trị rất lâu, đến khi tất cả mọi người trong khu cách ly đó về hết rồi mà cô ấy vẫn còn ở. Nhiều đêm chúng tôi đi ngang mà cứ lo cô sợ hay buồn chán. Nhưng không, cô gái rất kiên cường" - chị Hương kể, rồi tiếp: "Một nam sinh viên từ Pháp về, đón sinh nhật ngay trong BV. Niềm vui của chàng trai khi đứng giữa các nhân viên y tế mặc trang phục phòng hộ đang hát chúc mừng sinh nhật là khoảnh khắc mà các nhân viên y tế ở đây khắc sâu".

Vấn đề lớn họ phải đối mặt là tâm lý bệnh nhân. "Nhiều người phản đối việc cách ly, nhất là thời gian đầu. Họ nói mình đâu phải tù nhân. Chúng tôi cố an ủi, dỗ dành. Sợ nhất là họ không ăn uống được, sẽ không đủ khỏe để vượt qua bệnh, nên chúng tôi làm đủ kiểu để chăm chút bữa ăn, đặt nấu riêng cho những người không hợp khẩu vị Việt Nam, người cần ăn khác đi vì lý do tôn giáo... Nhiều người chán nản khi biết mắc bệnh, tưởng khỏi rồi lại dương tính. Có người đòi tự tử. Ngay cả chúng tôi, khi nghe tin về ca tái dương tính đầu tiên đã cảm thấy vô cùng buồn, huống hồ người bệnh. Vì thế, phải luôn thông cảm với họ. Thấy họ ổn định tâm lý, chúng tôi hạnh phúc theo" - chị Hương nói. Chị nhắc về những món quà bất ngờ của người dân xung quanh khu vực BV dã chiến gửi đến. Đó thường là ít trái cây ở vườn nhà. "Họ đến cho mà không nói tên, chỉ cần mọi người khỏe là được. Những món quà ấy với chúng tôi quý giá lắm". 

Với BS Nguyễn Thành Dũng, niềm động viên lớn nhất của ông khi thực hiện nhiệm vụ dài ngày này chính là những tin nhắn, lá thư từ bệnh nhân. Có người cảm ơn, có người kể quá vui khi được trở lại với cuộc sống bình thường.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo