xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết “Từ trong ký ức”: Chuyện chỉ có ở một thời...

NGỌC TẤN

Làng tôi thời đó nhà đêm không đóng cửa, hết đơn vị này đi lại đơn vị khác đến, bộ đội vẫn được coi như những người thân trong gia đình với niềm tin yêu tuyệt đối

Quê tôi - làng Minh Lệ, xã Quảng Minh (nay thuộc thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) là một trong những ngôi làng như thế thời đánh Mỹ. Đã có biết bao câu chuyện cảm động về tình quân dân trên mảnh đất này. Chỉ riêng căn nhà tranh bé nhỏ của mẹ con tôi thôi cũng đã ghi dấu những chuyện cảm động về tình quân dân có lẽ chỉ có một thời thôi.

Chú bộ đội Bé Con

Chỉ còn bốn hôm nữa là đến Tết Mậu Thân (năm 1968). Mưa rả rích, lê thê một nhịp điệu ướt át, buồn tẻ. Đang mơ màng trong hơi ấm ổ rơm, tôi chợt thức bởi ánh đèn pin quét loang loáng và tiếng ai nói khẽ: "Bé con, mắc võng vào cây cột chỗ anh đây này". Chỉ gián đoạn một thoáng rồi trở về giấc ngủ, lâu đã thành nếp nhưng đêm đó tôi nằm thao thức mãi. Cái tên "Bé Con" cứ khuấy động trong tôi nỗi tò mò, chỉ mong cho trời mau sáng để xem chú bộ đội lạ lùng ấy.

Nhưng mới tang tảng sáng, đang trong mơ màng đã nghe mẹ tôi nói chuyện với một chú tên là Sáng. Tôi dỏng tai nghe. Chú Sáng kể: "Bé Con đi theo đơn vị lúc ở Hà Tĩnh kia chị ạ. Đêm đó chúng em dừng chân nghỉ lại ở một ngôi làng thì phát hiện ra. Chỉ cho biết mình tên là Đẵng, 15 tuổi, đang học dở lớp 7, còn quê quán ở đâu chú ấy không chịu nói. Chẳng biết bao lần ngọt nhạt rồi xua đuổi, chú ấy vẫn cứ bám theo khóc lóc "các anh cho em đi đánh Mỹ với, em quyết không về đâu". Hết cách, chỉ huy đành cho chú ấy theo, bảo để vào các binh trạm phía trong rồi tính. Thương quá, đơn vị em đều gọi chú ấy là "Bé Con" thay tên".

Cuộc thi viết “Từ trong ký ức”: Chuyện chỉ có ở một thời... - Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mãi đến gần trưa, Bé Con mới thức dậy. Đánh một cái nháy mắt cho tôi thay lời chào, chú nhanh nhẹn gấp võng rồi ra giếng rửa mặt. Hôm đó mẹ con tôi đang hì hụi đánh đất dưới ao lên để đắp hầm tránh bom. Các chú cùng xúm vào hỗ trợ. Bé Con thấy vậy cũng cầm rổ nhảy xuống ao. Mẹ tôi chặn lại, giằng lấy chiếc rổ không cho làm nhưng chú vẫn kiên quyết không chịu. Chú Sáng bảo: "Tối nay 9 giờ mới đến lượt đơn vị mình sang sông. Cơm chiều xong, Bé Con mắc võng tranh thủ ngủ nghe chưa. Lúc nào lên đường thì anh gọi".

Ngày đông trời sập tối rất nhanh. Mưa như rây bột. Cái rét nghe đắng ngắt cả đầu chót lưỡi. Đang học bài, tôi giật mình vì tiếng còi lanh lảnh gọi đơn vị tập hợp. Chú Sáng vội vã đánh thức Bé Con: "Dậy đi cậu, tới giờ rồi!" nhưng đáp lại chỉ là một sự im lặng kéo dài rồi tiếng ú ớ cất lên vẻ bực bội. Chú Sáng đành ôm cổ Bé Con dựng dậy, giọng đầy vẻ đe dọa: "Không chịu dậy là lại đuổi về đấy nhé!". Như chạm phải hòn than lửa, Bé Con vùng dậy tháo võng cho vào balô.

Thẫn thờ nhìn theo bóng đoàn quân đang dần mất hút vào màn đêm mù mịt, mẹ tôi bỗng bật khóc: "Trời ơi, không biết rồi các chú ấy có được ăn Tết không. Mà cái chú bộ đội Bé Con, nghe chú ấy ú ớ thấy có khác nào đứa trẻ chưa rời lòng mẹ. Chẳng biết con cái nhà ai mà thương quá!".

Rồi chợt nhớ ra, mẹ tôi vội vã xuống bếp vớt trong nồi ra 2 đòn bánh tét. Có bốn chiếc tất cả. Khẩu phần ăn Tết hợp tác xã chia cho hai mẹ con chỉ 4 lạng thịt, 1 lít mật mía và gạo nếp chỉ đủ gói ngần ấy bánh. Khoác chiếc tơi lá vào người, mẹ tôi băng vào bóng tối theo hướng đoàn quân vừa khuất. "Bé Con ơi, Bé Con..." - tiếng mẹ tôi xa dần, ướt mèm trong đêm lạnh.

Bữa cơm độn "khoai bằm"...

Làng tôi ruộng ít, người đông, bấy giờ nước thủy lợi chưa có nên mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa cạn và một vụ khoai lang; lại còn đóng góp nghĩa vụ lương thực với nhà nước nên mỗi ngày công lao động chỉ được 300 g lúa. Cả làng trừ 3 ngày Tết, hầu như nhà ai cũng quanh năm cơm độn khoai.

Món khoai lang độn làng tôi lại rất đặc biệt, người ta không cắt lát mà đem băm nhỏ rồi cất vào chum hoặc bồ để ăn dần, gọi là "khoai bằm". Làm như vậy để khi hấp vào cơm thì nhanh chín lại dễ trộn đều, dễ ăn...

Khi giở nồi cơm thấy đen kịt một màu khoai, bộ đội lúc đầu không biết đó là món gì. Đến khi biết ra thì rất thương cảm, cứ đến bữa là các chú cứ đòi gộp lại ăn chung. Biết vậy, các gia đình thường bố trí bữa ăn lệch giờ. Nhà nào có trẻ nhỏ thì dặn thật kỹ: hễ thấy các chú ăn cơm là phải tránh đi... Thực ra gạo của bộ đội ăn lúc ấy do để lâu trong kho, nấu lên rời rạc, lại lừng mùi mốc, mùi bao bì nhưng với trẻ con vẫn là một sự quyến rũ đặc biệt. Dẫu sao cơm bộ đội cũng hơn cơm độn "khoai bằm" mà thậm chí không phải nhà nào cũng được ăn no...

Ba tôi bấy giờ đang ở chiến trường, nhà chỉ hai mẹ con nhưng quanh năm cũng phải xoay vần với nồi cơm khoai bằm kham khổ ấy. Để đỡ cách rách, mẹ tôi chỉ nấu một bữa trưa luôn cho cả tối... Hôm đó trời đã chập choạng, mẹ con tôi mới dọn cơm ra sân trên chiếc mẹt nhỏ. Thấy một chú bộ đội đi đến, mẹ tôi vội đậy nồi cơm lại. Tuy nhiên chú ấy đã ngồi xuống, thân tình giở nắp nồi: "Chị độn cơm với gì đấy ạ, em thấy là lạ?". "Khoai lang băm nhỏ đấy, quê chú chắc không có" - mẹ tôi trả lời. Chú "à" một tiếng rồi chọc mấy hạt nhai chậm rãi. "Ngọt chị nhỉ?" - chú nói rồi vỗ vai tôi, giọng nghèn nghẹn: "Cố ăn cho chóng lớn nhé, mai này còn đi bộ đội".

Cứ nghĩ đó chỉ là lời động viên suông của chú, nào ngờ bữa cơm chiều hôm sau vừa bê chiếc nồi đồng từ chạn xuống, tôi đã cảm giác một điều gì khang khác. Quả nhiên là giở nắp vung, một nồi cơm trắng hãy còn ấm với một chút thịt hộp xào rau đựng trong chiếc bát nhỏ.

Mẹ tôi ngơ ngác chưa kịp nói thì một chú bộ đội đã đi đến gãi tai ấp úng: "Vô phép chị là lúc chiều chúng em đã chia nhau ăn hết nồi cơm của mẹ con chị rồi. Giờ chị đổi món với chúng em cho vui nhé!". Mẹ tôi nắm tay chú lặng đi, bùi ngùi: "Nghe chị nói này, mẹ con chị ăn thế này đã quen rồi. Đường vào Nam đánh Mỹ còn dài, các chú phải ăn cho có sức để còn...". Nghe mẹ tôi nói vậy, họ cùng đồng thanh: "Chúng em thích mà. Cơm chị ngon lắm!".

Biết là chẳng thể ngăn được các chú bộ đội, sau hôm đó, cứ mỗi lần ăn xong là mẹ tôi lại mang giấu nồi cơm đi. Thế nhưng, đơn vị này đi, đơn vị khác đến vẫn cứ để cơm cho mẹ con tôi. Cũng đôi khi chỉ một chén nhỏ, chưa đủ no cho mình tôi nhưng bao giờ cũng có. Bây giờ hồi tưởng lại, tôi ngậm ngùi nhận ra rằng đang sức trai trẻ, có lẽ các chú ăn cũng chưa đủ no nhưng vẫn cố nhịn lại tí chút. Bởi các chú biết rằng chút cơm ấy đối với những đứa trẻ như tôi là hạnh phúc nhường nào. 

Tiếu lâm thời bom đạn

Thời chống Mỹ, Quảng Bình có lẽ là nơi có nhiều nhất những câu chuyện tiếu lâm "đặc sản". Cho đến bây giờ, chuyện "Quê hương hai bọ" kể lại vẫn khiến người ta cười bò. Những chuyện tiếu lâm ấy không chỉ do bộ đội sáng tác mà có lẽ cả chính dân Quảng Bình nghĩ ra để tự giễu mình. Nào là "các chú ngồi trong màn ăn lương khô không mời bọ, bọ biết rồi nhưng bọ cứ mần thinh...". Hay là "các chú uống sữa nhưng lại phỉnh bọ pha nước vôi viết khẩu hiệu"... Tôi nhớ trong một chương trình "Giai điệu tự hào" trên VTV1, khi nói về bài hát "Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng" của nhạc sĩ Trọng Loan, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã nhắc lại lời xuyên tạc bài hát một cách tiếu lâm thời đó: " Mẹ đón quân ta về nhà nghỉ lại/ nắm tay mẹ hỏi mì chính con đâu/ có áo Tô Châu cho bọ một bộ/ có giày cao cổ cho bố một đôi...". Và trong khi trường quay đang ngơ ngác thì ông đã nghiêm giọng: "Không! Không bao giờ dân Quảng Bình làm như thế cả. Chỉ vì họ thương chúng tôi quá nên chúng tôi đâm nhờn!".

Vâng, có lẽ chỉ những người lính từng hành quân qua đất Quảng Bình, được tắm mình trong tình quân dân một thuở như nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha thì mới rạch ròi đâu là chuyện thật, đâu là chuyện để cười giữa thời đạn bom - sống chết...

Cuộc thi viết “Từ trong ký ức”: Chuyện chỉ có ở một thời... - Ảnh 3.
Cuộc thi viết “Từ trong ký ức”: Chuyện chỉ có ở một thời... - Ảnh 4.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo