xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Có nhiều kịch bản tăng trưởng và phương án hành động

Minh Chiến - Văn Duẩn

Thủ tướng cho biết nhiệm kỳ qua Chính phủ đã tập trung xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ nhân dân

Ngày 10-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp báo cáo, giải trình một số vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trả lời chất vấn của các đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH).

Tạo ra 1.200 tỉ USD GDP trong 5 năm

Sau 2 ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn của QH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các ĐB đã dành nhiều thời gian thảo luận, chất vấn về những vấn đề thời sự quan trọng được đồng bào, cử tri cả nước và dư luận xã hội quan tâm. Nhìn lại nhiệm kỳ 2016-2020, Thủ tướng cho biết dù đối mặt với các vấn đề về thiên tai, hạn hán, sự cố môi trường nhưng kết quả là đã tạo ra hơn 1.200 tỉ USD GDP trong gần 5 năm trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.

Thủ tướng dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% giai đoạn 2016-2019, nằm trong tốp 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, Việt Nam quyết liệt thực hiện mục tiêu kép, duy trì tăng trưởng dương ở mức khá và ngày càng có tiếng nói, trách nhiệm lớn hơn trong những vấn đề khu vực và toàn cầu. Lao động - việc làm cũng đạt được những kết quả khả quan khi hơn 4 năm qua đã tạo được hơn 8 triệu việc làm mới, năng suất lao động được cải thiện với mức tăng trung bình 5,8%/năm, cao hơn nhiều so với mức 4,3% giai đoạn trước đây. Tính chung trong nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gần 145%, tương đương gần 9.000 USD. Dù vậy, Thủ tướng nhắc lại bất cập trong vấn đề nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp mà ĐB đã nêu trước đó và khẳng định Chính phủ sẽ chỉ đạo ưu tiên nguồn lực, đất đai, cơ chế phù hợp cho vấn đề này. "Tôi cũng ghi nhận ý kiến của các ĐB về mức lương quá thấp của gần 1 triệu người về hưu trước năm 1993. Tôi giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính trình phương án để xem xét, xử lý và bảo đảm khả năng cân đối của ngân sách nhà nước" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Về việc xác định mục tiêu tăng trưởng năm 2021 khoảng 6%, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng các kịch bản tăng trưởng và phương án hành động khác nhau, để bất luận trong trường hợp nào vẫn giữ được sự chủ động chiến lược, hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội tốt nhất.

Cải cách giáo dục, cải thiện chất lượng y tế

Người đứng đầu Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, thách thức trong giai đoạn sắp tới. Theo Thủ tướng, bão lũ và sạt lở đất ở miền Trung gần đây hay vùng núi Tây Bắc, Tây Nguyên là do biến đổi khí hậu cực đoan, địa hình dốc đứng, sự tác động của con người, trong đó có thủy điện nhỏ, công trình hạ tầng.

"Điều này đã tạo ra nhiều tranh luận, dù nguyên nhân trực tiếp là gì thì vẫn phải tiếp tục bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên, một cách nghiêm ngặt" - Thủ tướng kiên quyết và khẳng định ngay từ đầu nhiệm kỳ đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên và cần tiếp tục nhất quán với quan điểm đó. "Cần tiếp tục trồng cây gây rừng, làm cho Tết trồng cây trở thành một hoạt động thực chất theo lời dạy của Bác Hồ. Tôi đề xuất trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có các khu đô thị" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Có nhiều kịch bản tăng trưởng và phương án hành động - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Ảnh: Nguyễn Nam

Nhìn nhận kết cấu cơ sở hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang tập trung đầu tư vào hạ tầng trọng yếu của quốc gia như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành, các đường cao tốc liên kết vùng, các tuyến đường sắt đô thị. Theo đó, đến năm 2030, cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đồng thời, tăng cường hạ tầng thủy lợi, bảo đảm an toàn các hồ chứa, ứng phó với biến đổi khí hậu ở các vùng, nhất là ĐBSCL; chống ngập, chống ùn tắc giao thông ở TP HCM, TP Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ cho rằng thách thức lớn nhất của chúng ta là thiếu ý chí vươn lên và nguy cơ lớn nhất là thiếu quyết tâm hành động.

Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ sẽ cải cách mạnh mẽ và toàn diện nền giáo dục, từ cơ sở vật chất cho đến phương tiện giảng dạy, từ sách giáo khoa đến phương pháp sư phạm, từ cơ chế tự chủ cho đến cơ chế tiền lương. Đồng thời, cần trao cơ hội cho tư nhân tham gia nhiều hơn vào hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục chất lượng cao hướng đến chuẩn mực quốc tế. Trong lĩnh vực y tế, Thủ tướng lưu ý cần kiểm soát tình trạng thương mại hóa quá mức về điều trị, chăm sóc sức khỏe y tế cho nhân dân; từng bước mở rộng độ bao phủ của BHYT toàn dân, mở rộng phạm vi thanh toán BHYT, nhất là đối tượng trẻ em, người già, người có hoàn cảnh khó khăn. "Chính phủ quyết tâm cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện, chất lượng dịch vụ y tế gắn với cơ chế tiền lương, viện phí. Chính phủ không chấp nhận tình trạng bệnh nhân mù mờ trước chi phí y tế; ngành y tế phải có trách nhiệm bảo đảm tính minh bạch về viện phí hơn nữa, kiểm soát tốt hơn chi phí dược phẩm, phác đồ và thuốc chữa bệnh, vật tư, thiết bị y tế" - người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Người có tài phải được sử dụng, đề bạt

Trước QH, Thủ tướng Chính phủ cho biết nhiệm kỳ qua đã tập trung xây dựng hệ thống hành chính nhà nước kiến tạo, liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ nhân dân. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách.

"Tuy nhiên, trong thực tế, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước có nơi còn chưa cao, tình trạng bố trí cán bộ bất hợp lý, hiện tượng nhũng nhiễu tiêu cực, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ còn chưa được giải quyết, xử lý triệt để như ý kiến ĐBQH đã nêu" - Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra và khẳng định sẽ chú trọng công tác xây dựng chính sách, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Về chất vấn của ĐB Ksor H’Bơ Khắp (Gia Lai) liên quan đến văn hóa từ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết việc từ chức đã được quy định tại Luật Cán bộ, công chức. Theo đó, cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý không đủ sức khỏe, không đủ năng lực, uy tín theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc vì lý do khác thì được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm. ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chất vấn Thủ tướng các giải pháp để lựa chọn được người có đức, có tài, có tầm. Về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng đề án vị trí việc làm, trong đó xác định tiêu chí, điều kiện cụ thể về phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn của từng vị trí làm cơ sở thực hiện tuyển dụng, đánh giá, sử dụng cán bộ, công chức. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ để quy định chi tiết chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng. Thủ tướng khẳng định người có tài phải được sử dụng, đề bạt.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết sau 2 ngày rưỡi, đã có 122 lượt ĐB chất vấn, có 6 ĐB chất vấn 2 lần, 41 lượt ĐB tranh luận. Theo Chủ tịch QH, các thành viên Chính phủ, các vị trưởng ngành cơ bản đã trả lời thẳng thắn về kết quả đạt được; những hạn chế, yếu kém; chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề trả lời chưa đáp ứng yêu cầu của ĐB, chưa làm rõ được trách nhiệm nên còn có ý kiến tranh luận, trao đổi lại. Tinh thần chung của phiên chất vấn là dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng.

Cùng ngày, trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) về việc xử lý dứt điểm tình trạng nhiều chủ đầu tư chiếm quỹ bảo trì chung cư, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết ông ủng hộ chuyển cơ quan điều tra các vụ việc chủ đầu tư cố tình chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư.

Hôm nay, Quốc hội biểu quyết về nhân sự

Hôm nay (11-11), QH sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Chu Ngọc Anh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng. Cùng ngày, QH thảo luận tại tổ về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam và Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo