xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cô giáo "dạy thay"

Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ MAI TRÂM

Tôi luôn tâm niệm sẽ noi gương cô, ân cần, quan tâm đến học sinh như cô từng quan tâm đến tôi ngày trước. Trong ký ức tôi, ấn tượng về cô vẫn vẹn nguyên như những ngày đầu

Đã gần 30 năm trôi qua, tôi vẫn không quên được cô Nguyễn Thị Hồng Hà - cô giáo dạy thay môn văn hồi tôi học cấp II, sau này cô làm Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Chiếc xe bò và bài thơ Đường luật

Năm tôi học lớp 8, cô Hà dạy thay lớp tôi 2 tiết khi giáo viên môn văn của lớp đi công tác. Cô giảng bài rất hay và truyền cảm. Những câu hỏi cô đặt ra, tôi đều xung phong trả lời lưu loát, cô khen tôi kiến thức vững và có năng khiếu môn văn. Biết tôi say mê văn thơ nên thỉnh thoảng cô lại cho tôi mượn những tập thơ, truyện ngắn. Cô và tôi đều thích hoa sen nên vào những buổi chiều mát mẻ, hai cô trò tìm đến đầm sen cách nhà tôi chừng 1 km để ngắm. Tôi lại có dịp hỏi thêm cô về những kiến thức liên quan môn văn. Nhờ đó khả năng viết lách của tôi được nâng lên.

Đến lớp 9, thầy giáo dạy văn lớp tôi bị bệnh, cô lại dạy thay một tuần. Hôm đó tan học, tôi định quá giang bạn về như thường lệ nhưng ba tôi đi cày về tiện đường nên đón tôi bằng xe bò. Ngày ấy học sinh nữ trường tôi từ lớp 6 đến lớp 9 đều phải mặc áo dài đi học nên tôi ngại, không muốn đi "xe" của ba chút nào song cũng phải miễn cưỡng leo lên. Đám bạn nhìn tôi bằng ánh mắt hiếu kỳ, chúng chỉ trỏ, bàn tán. Tôi xấu hổ cúi gằm mặt xuống và kịp nhận ra cô Hà đang đạp xe chầm chậm phía sau.

Bữa sau, các bạn đang trêu chọc tôi thì trống vào lớp. Cô Hà bước vào, cô nhắc các bạn ổn định rồi gọi một số đứa to mồm trêu tôi lúc nãy, lần lượt lên trình bày bài thơ do mình sáng tác, theo thể thất ngôn bát cú Đường luật mà ở tiết thực hành trước cô đã giao về nhà. Không ai làm được một bài thơ trọn vẹn. Cô gọi đến tôi, tôi cầm viên phấn, chậm rãi ghi bài thơ có tựa đề "Vườn kiểng" lên bảng:

"Vườn kiểng nhà ông đẹp lạ lùng/ Cây cao, cây thấp mọc lung tung/ Đằng kia thiên tuế chèn thêm cúc/ Chỗ nọ bon-sai nhét kế tùng/ Có phải ông già ông lẩn thẩn/ Hay vì ông chán luật chơi chung".

Có tiếng xì xào bên dưới, tôi nghe rõ giọng của đứa trêu tôi lúc nãy, tự dưng trong đầu tôi chợt lóe lên 2 câu kết cho bài thơ của mình. Tôi viết tiếp:

"Thời nay lắm cái luôn điên đảo/ Nên nỗi nghệ nhân cũng hóa khùng".

Cả lớp cười rần rần trước 2 câu kết và cách gieo vần "quá đắt" của tôi. Cô chau mày nhìn bài thơ rồi yêu cầu cả lớp trật tự, cô bắt đầu phân tích vần, niêm, luật, đối, nội dung, ý nghĩa bài thơ.

Bài học sâu sắc về người và nghề

Cuối cùng, cô kết luận: "Đây là bài thơ Đường luật hoàn chỉnh nhất của lớp ta, nói về cách bố trí, sắp xếp vườn kiểng không giống ai của người nghệ nhân ở thời buổi "lắm cái luôn điên đảo". Hai câu kết có lẽ chất chứa một nỗi u hoài, một niềm bức xúc như vừa mới xảy ra ngay ở đây, đầu giờ học, tại lớp này. Nỗi bức xúc ấy bị đè nén đến cao độ nên nó bùng phát mạnh mẽ qua cách gieo vần ở câu cuối một cách đầy gắt gỏng, nặng nề".

Nghe cô phân tích đúng tâm trạng của mình, tôi òa khóc. Cả lớp im lặng. Cô nhìn cả lớp một lúc rồi tiếp: "Xã hội phân công mỗi người mỗi việc, ví như bác ngư dân vượt trùng khơi cho ta tôm cá; bác nông dân cày sâu cuốc bẫm cho ta hạt lúa, củ khoai. Có người làm việc nhàn hạ thì có người lao động vất vả. Nếu giả sử cả làng chài P. T này toàn chủ tàu, chủ ghe thì ai sẽ làm người kéo lưới, bắt cá? Muốn đưa được những con cá từ khơi xa về thì sử dụng tàu ghe; muốn vận chuyển rơm rạ, thóc lúa từ những cánh đồng về thì phải có xe bò, xe trâu. Có người đi thuyền, có người đi bộ, lại có người đi xe đạp. Không có nghề nghiệp nào, phương tiện đi lại nào như cô nói ở trên thuộc hàng thấp hèn cả, các em thấy có đúng không?".

Cả lớp im lặng, chỉ còn tiếng tôi thút thít. Đứa nào cũng hiểu rằng cô đang ám chỉ sự trêu đùa của chúng và sự phân biệt giàu nghèo. Các bạn đa phần là con chủ tàu, chủ ghe giàu có, số ít còn lại là con nông dân nghèo như tôi.

Rồi cô kể về miền quê nghèo của cô, nơi có những cánh đồng bát ngát với những chiếc xe bò chở đầy rơm rạ ngày mùa. "Cũng từ chiếc xe bò ấy đã nuôi sống cả gia đình cô bao đời nay, nuôi dưỡng cô thành tài. Ngày hai buổi, khi đồng xa, lúc đồng gần, bố mẹ cô lại đánh xe bò đi cày thuê, cấy mướn. Hôm nào tiện đường cô đi học thì chiếc xe bò ấy lại đưa cô đến trường" - giọng cô trầm lại.

Sau buổi học, các bạn đến chỗ tôi, đứa xin lỗi, đứa nắm tay tôi cười làm hòa, tôi nhận ra trong nụ cười của chúng không còn sự giễu cợt như trước. Giây phút ấy, tôi bỗng thấy những đứa bạn không còn xấu xa, không "khùng" như tôi từng nghĩ. Tôi thầm cảm ơn cô và bài học sâu sắc mà cô dành cho tôi và cả lớp.

Cô giáo dạy thay - Ảnh 1.
Cô giáo dạy thay - Ảnh 2.

Cô Nguyễn Thị Hồng Hà

Lời động viên quý giá của cô

Gần đến ngày thi tốt nghiệp lớp 9 thì gia đình tôi xảy ra biến cố lớn. Tôi buồn và nghỉ học mấy hôm.

Buổi chiều mùa hè năm đó, tôi đã mất hết mọi ý niệm về thời gian khi ngồi nhìn đầm sen trước mặt. Cô đến và ngồi cạnh tôi tự bao giờ. Cô nói:

- Cô đã đọc bài tản văn của em viết về đầm sen trên Báo Mực Tím sáng nay, em viết rất sống động và có hồn, cô rất thích giọng văn giàu cảm xúc của em.

Dừng một lúc, cô tiếp:

- Nghe cô chủ nhiệm nói em định nghỉ học luôn phải không?

Tôi cúi đầu "dạ" khẽ, tránh nhìn vào ánh mắt của cô. Do dự một lúc, tôi quyết định kể về lý do tôi nghỉ học. Cô lắng nghe rồi nói:

- Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Ai chiến thắng được nghịch cảnh thì người đó sẽ thành công. Em thấy những lá sen kia không, khi gặp gió, sẽ bị thổi lật hẳn về một phía. Khi cơn gió đi qua, lá sen sẽ lật trở lại. Em hãy suy nghĩ thật kỹ, không ai có thể quyết định tương lai thay cho em cả.

Buổi chiều hè bên đầm sen hôm đó và lời của cô đã động viên tôi vượt qua tất cả. Tôi đã hoàn thành xuất sắc kỳ thi tốt nghiệp và chuyển cấp để vào lớp 10 khối C. Sau này vì nhiều lý do, tôi không theo nghiệp văn chương mà rẽ vào sư phạm - ngành sử.

Ngày tôi về công tác tại trường cấp II nơi tôi học trước đây (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), tôi đã gặp lại cô. Hai cô trò nắm chặt tay nhau mừng mừng tủi tủi, bao kỷ niệm xưa cứ thế ùa về. Cũng trong năm học này, cô được bổ nhiệm làm hiệu phó của trường. Mười năm sau, cô được đề bạt làm hiệu trưởng. Cô vẫn hòa đồng, gần gũi với cấp dưới, tận tụy với học sinh. Tôi đã từng xúc động khi chứng kiến cô ngồi khâu lại chiếc quần sút chỉ cho em học sinh nam lớp 7, gợi cho tôi nhớ đến hình ảnh cô ngồi vá chiếc áo dài của tôi năm xưa, tỉ mẩn thêu lên cành hoa cúc cũng trong một buổi trưa êm đềm như thế. Bất giác nước mắt tôi rơi!

Bao năm đứng trên bục giảng, tôi luôn tâm niệm sẽ noi gương cô, ân cần, quan tâm đến học sinh như cô từng quan tâm đến tôi ngày trước. Thời gian cứ thế trôi nhanh, mặc dù cô đã chuyển về nơi công tác mới, song trong ký ức tôi, ấn tượng về cô vẫn còn vẹn nguyên như những ngày đầu. 

Chiếc áo vá tuyệt đẹp

Cũng trong tuần cô dạy thay, tôi vô ý để tà áo dài bay vướng vào hàng rào kẽm gai trước trường, rách một lỗ. Tôi ngồi bàn đầu nên cô nhanh chóng nhận ra điều này. Tan học, cô kêu tôi về khu tập thể ăn cơm với cô (đang ôn thi tốt nghiệp nên chúng tôi học 2 buổi, tôi ở lại trường buổi trưa không về vì nhà xa). Cô đưa chiếc áo ngắn cho tôi mặc tạm rồi lấy chiếc áo dài ra vá lại. Cô tỉ mẩn thêu đè lên chỗ vá cành hoa cúc với 2 cái bông màu vàng nổi bật trên nền vải trắng, một chiếc lá xanh nhỏ nhắn càng tạo thêm sự sống động cho cành hoa, chiếc áo dài bỗng đẹp hẳn lên và duyên dáng lạ thường! Tôi tự hào mỗi khi mặc nó, đó là tất cả tình cảm, sự quan tâm mà cô dành cho tôi. Chiếc áo ấy đã theo tôi suốt gần 2 năm cấp III, sau đó vì mặc không vừa nữa nên tôi cất vào tủ như một kỷ vật quý.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Cô giáo dạy thay - Ảnh 4.
Cô giáo dạy thay - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo