xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyến về phép đáng nhớ

Bài và ảnh: PHẠM THU THỦY (*)

Niềm tin vào Đảng và Bác Hồ, vào chân lý sẽ thắng đã giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cuộc đời. Chúng tôi đã có một lễ cưới giản dị mà đầm ấm nghĩa tình tại quê nhà

Đã bước vào độ tuổi đại thọ, ông Huỳnh Thúc Cẩn và bà Nguyễn Thị Xuân Mai (ở phố Hồ Đắc Di, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, TP Hà Nội) vẫn hết mực quan tâm, chăm sóc cho nhau. Ông kể đời mình có nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhưng lần đi phép đã giúp ông bà nên duyên chồng vợ thì ông không thể nào quên. Ông Cẩn bồi hồi nhớ lại...

Về làng

Sau ngày ta tiếp quản thủ đô (10-1954), đơn vị tôi (Trung đoàn 9, Đại đoàn 304) tham gia công tác khắc phục hậu quả chiến tranh và tích cực huấn luyện chiến đấu. Đến khoảng đầu năm 1955, tôi được đơn vị cho phép về thăm nhà. Xa quê hương (làng Minh Lệ, xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã 9 năm, nay tôi mới có cơ hội trở về.

Đường từ Hà Nội vào Quảng Bình ngày đó phải qua bao vất vả tôi mới về đến quê nhà. Suốt quãng đường đi bộ từ thị trấn về nhà, bao cảm xúc bâng khuâng, hồi hộp cứ ùa về. Những năm qua, 5 anh em tôi đều nối gót nhau đăng ký tòng quân và có những bước trưởng thành vượt bậc. Tự hào vì những thành tích đã đạt được, lại nghĩ sắp được gặp lại người cha kính yêu sau mấy năm xa cách cùng bao người thân khác, lòng tôi bồi hồi, chộn rộn khó tả.

Về đến đầu làng, gặp mấy người họ hàng, tôi mới được biết quê tôi đang ở cao trào của cải cách ruộng đất. Cũng như nhiều vùng quê khác trên miền Bắc thời ấy, việc cải cách ruộng đất ở làng tôi có nhiều sai phạm mà gia đình tôi là một trong những nạn nhân của những sai phạm đó. Dù chỉ có gần 9 sào ruộng, gia sản không có gì đáng giá, bố tôi lại là nhà nho, sống thanh đạm, còn mẹ tham gia kháng chiến, đã mất sớm nhưng gia đình tôi vẫn bị quy là địa chủ.

Thăm mộ mẹ

Với bản lĩnh đã được rèn luyện trong quân ngũ, tôi lấy lại bình tĩnh, suy xét mọi việc. Tôi tìm vào nhà một cán bộ thôn, báo cáo việc mình được đơn vị cho về phép để tránh mọi dị nghị. Xong đâu đó, tôi tìm ra thăm mộ mẹ, cách nhà tôi chừng vài chục thước.

Lầm lũi trong chiều tà, tôi nán lại bên mộ mẹ, nhặt nhổ hết những cây cỏ đã mọc um tùm, vốc mấy nắm đất đắp bù những góc sụt lở. Không lường hết mọi chuyện nên tôi chẳng có lấy một nén hương để cắm lên mộ mẹ. Mẹ đã nuôi nấng, dạy dỗ tôi nên người, đã chịu bao vất vả, khổ cực của đời người mà đến lúc lâm chung chẳng có được sự chăm sóc của mấy anh em chúng tôi. Tôi lầm rầm khấn nguyện, chắc nơi chín suối, mẹ sẽ lượng thứ cho chúng tôi vì việc nước mà khuyết tình nhà!

Đứng bên mộ mẹ, tôi lén nhìn qua bờ rào tìm bóng dáng bố và em ở trong nhà. Im lìm, vắng lặng, tịnh không thấy ai. Tôi thất vọng định quay gót thì bất ngờ con chó mực từ trong nhà phóng ra chỗ tôi, vẫy đuôi rối rít, rồi chạy vào sân sủa ầm lên. Bố tôi từ trong nhà bước ra sân. Mặc dù mắt đã mờ, ông vẫn nhận ra tôi, biết tôi đã về. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, để giữ cho tôi, hai bố con chỉ biết đứng nhìn nhau rất lâu như vậy. Chỉ trong gang tấc thôi mà bố con tôi như biển trời cách mặt...

Chuyến về phép đáng nhớ - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Thúc Cẩn và bà Nguyễn Thị Xuân Mai xem lại những bức ảnh kỷ niệm của gia đình

Cuộc gặp ở bến xe

Sau một đêm nghỉ lại nhà vị cán bộ nọ, sáng hôm sau, tôi nhanh chóng trở lại đơn vị. Tôi cũng quyết định đưa cả em trai ra Hà Nội. Anh em tôi cuốc bộ ra thị trấn Ba Đồn để mua vé ôtô. Dù ra đi vội vã như trốn chạy nhưng trong thâm tâm tôi vẫn mang một niềm tin mãnh liệt, sẽ có ngày gia đình tôi được minh oan và tôi lại trở về.

Xuống đến Ba Đồn đúng vào phiên chợ. Người ở các xã kéo về chợ huyện khá đông, ồn ã, tấp nập. Nhưng lòng tôi đang ngổn ngang trăm mối nên cũng chẳng để ý đến xung quanh. Tôi ôm cậu em vào lòng, ngồi như vô hồn đợi mua vé xe. Chợt có tiếng gọi khiến tôi giật mình: "Anh Cẩn, anh Cẩn phải không?". Hai cô gái đang bước về phía tôi. Một người là cô em họ Tố Châu của tôi. Tố Châu giới thiệu cô bạn tên Xuân Mai, cùng học với em. Rồi như muốn san sẻ nỗi niềm với tôi, Tố Châu ghé tai tôi nói nhỏ, gia đình Xuân Mai cũng là nạn nhân của những sai lầm của địa phương trong cải cách ruộng đất. Vừa học xong, Xuân Mai đang làm việc ở cơ quan ngân hàng của huyện thì gia đình xảy ra chuyện. Chỉ nói vậy thôi rồi Tố Châu vội xuống thuyền về thăm mẹ, còn Xuân Mai cũng tạm biệt tôi.

Thật tình cờ, buổi chiều, khi anh em tôi đang ngồi trên ôtô, chờ xe rời bến thì Xuân Mai đi qua. Trông thấy em, tôi vội lên tiếng chào. Còn em, sau thoáng bối rối mới nhận ra tôi. Em chỉ kịp nói mấy tiếng: "Anh bây giờ mới đi à?" thì xe lăn bánh. Lúc đó, Mai chưa hề biết tên tôi. Xe chạy, nhớ lại bóng dáng, ánh mắt của em, tôi cảm thấy như tìm được điều gì đó đầy đồng cảm, sẻ chia...

Một thời là anh học trò xứ Huế mộng mơ, rồi những năm tháng trận mạc, đi qua nhiều vùng quê, cũng gặp biết bao thiếu nữ nhưng chưa một lần khái niệm yêu đương len lỏi trong tâm trí tôi. Thế mà, sau phút gặp gỡ rồi chia tay Xuân Mai, một tình cảm mới lạ cứ dâng đầy trong tim tôi. Phải chăng vì sự đồng cảm "cùng cảnh ngộ" mà tôi có cảm tình với em!

Ra đến Vinh (Nghệ An), xe dừng nghỉ. Sau khi kiếm tạm chút gì cho em trai lót dạ, vào nhà trọ, tôi ghi vội vài dòng gửi Xuân Mai. Không có địa chỉ cụ thể, tôi đánh liều viết ngoài bì thư tên cơ quan cũ của em mà Tố Châu đã giới thiệu: "Chị Mai, Ngân hàng Ba Đồn, Quảng Bình". Không ngờ, dòng tâm sự ấy đã đến được với em. Mấy hôm sau thì tôi nhận được thư em trả lời.

Được minh oan

Đúng như dự đoán của tôi, hơn một năm sau, tôi đã có thể đường hoàng trở lại quê nhà sau khi cải cách ruộng đất được "sửa sai". Gia đình Mai sau những thăng trầm cũng đã được phục hồi mọi quyền lợi như trước.

Nhưng cũng phải gần một năm rưỡi kể từ ngày gặp nhau ở Ba Đồn, chúng tôi mới chính thức "kết tóc xe tơ". Niềm tin vào Đảng và Bác Hồ, vào chân lý sẽ thắng đã giúp chúng tôi đứng vững, vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cuộc đời. Chúng tôi đã có một lễ cưới giản dị mà đầm ấm nghĩa tình tại quê nhà trong lời chúc phúc của đông đảo bà con lối xóm và bạn bè gần xa. Sau đó, vì yêu cầu công tác, gia đình tôi chuyển ra Hà Nội.

Những năm chiến tranh, tôi đi công tác liên miên, có dạo sang Lào làm nhiệm vụ gần 10 năm không một dòng tin tức. Nhưng bà ấy đã vì tôi mà hy sinh hết thảy, chịu thương chịu khó, vất vả chèo chống gia đình, nuôi nấng các con nên người. Cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn có bà ấy động viên, chăm sóc mỗi sớm chiều. Đó chính là niềm hạnh phúc tột bậc của đời người. 

(*) Ghi theo lời kể của ông Huỳnh Thúc Cẩn ở Đống Đa, TP Hà Nội.

Tới gần nhà, một người bà con nhận ra, ôm chầm lấy tôi khóc nức nở. Anh chỉ một đứa bé chừng 10 tuổi, đen đúa, gầy gò đi mót khoai về và bảo là em tôi. Tôi ôm chặt lấy em, nghẹn ngào không nói nên lời!

Tin tưởng vào tương lai

Tình cảm của chúng tôi cứ lớn dần qua những lá thư. Tôi biết chuyện mẹ con em vì bị quy thành phần gia đình "ông Nghị" (người ta vẫn gọi cha em là ông Nghị Các) mà buộc phải rời khỏi ngôi nhà đang ở. Vì nguyên tắc của tổ chức, tôi đã báo cáo đơn vị tình cảm giữa tôi và Mai cũng như hết thảy mọi oan trái của gia đình chúng tôi. Cũng có những tiếng xì xào kêu tôi không nên tiếp tục mối tình với Mai vì sợ ảnh hưởng đến con đường quân ngũ của tôi. Nhưng tôi luôn tin tưởng vào một ngày không xa, gia đình chúng tôi sẽ được minh oan. Tôi luôn động viên em hãy vững lòng chờ đợi!

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ, ĐỒNG HÀNH


Chuyến về phép đáng nhớ - Ảnh 4.
Chuyến về phép đáng nhớ - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo