xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cuộc thi viết "Từ trong ký ức": Chuyến đi cuối cùng của nội

HOÀNG ANH LINH

Dù đã ngoài 90 tuổi nhưng ngoại tôi vẫn nhớ như in những ngày bà sui từ miền Bắc vượt hàng ngàn cây số vào chơi, thi thoảng lại chặc lưỡi: "Phải chi còn bà nội mày..."

"Bắc Kỳ con, bỏ vô lon, kêu chít chít...". Hồi tôi còn nhỏ hay bị người trong xóm trêu đùa câu ấy. Thật ra, mọi người chỉ bông đùa cho vui chứ không ác ý. Vì trong xóm nhỏ, có mỗi tôi là đứa có ba mẹ là người ở hai miền Nam - Bắc. Nhưng mỗi lần nghe câu đó, tôi lại giận dỗi bỏ đi một nước.

Tình Bắc duyên Nam

Năm 1980, cha tôi - một chàng trai xứ Bắc - theo con tàu Thống Nhất vào miền Nam học cao đẳng sư phạm. Tốt nghiệp, cơ duyên đưa đẩy khiến ông lưu lạc xuống Tiền Giang xa xôi rồi quyết định ở lại, làm thầy giáo trẻ trong một trường cấp II hẻo lánh ở ngoại ô TP Mỹ Tho.

Thuở ấy, nhà cửa còn thưa thớt, hoang vắng. Cha tôi dựng một chòi lá trước cổng trường để tiện cho việc đi dạy. Cha tôi vốn hiền lành nên người trong xóm thương, có việc gì cũng giúp một tay. Người cho ít gạo, người cho củ khoai, người lại tới hàn huyên. Bởi thế, cuộc sống của cha tôi tuy nghèo khó nhưng khá êm đềm như con sông nước chảy nhẹ nhàng bên mé lộ trước chòi.

Nhà ngoại tôi ở bên kia sông. Cậu Hai tôi ngày đó cũng là một giáo viên tiểu học, hai ngôi trường sát bên nhau nên chẳng mấy chốc, cha và cậu thân quen như anh em. Cha tôi nghiễm nhiên vừa trở thành khách quý vừa như người nhà của gia đình ngoại tôi. Cha tôi hay qua nhà phụ ngoại gánh nước, bẻ dừa, phơi lúa, thấy mẹ tôi hiền lành lại chăm chỉ hay làm nên để ý và hai người ưng nhau lúc nào không rõ.

Cuộc thi viết Từ trong ký ức: Chuyến đi cuối cùng của nội - Ảnh 1.

Ngoại đoán được ý của cha tôi, hỏi dò: "Mày muốn cưới con Lan không?". Cha tôi xấu hổ gật đầu. Mẹ hơn cha một tuổi, sự vất vả dầm dãi nắng mưa làm mẹ tôi già hơn tuổi, cha tôi lại như anh thư sinh trẻ măng trắng trẻo. Nhưng cha tôi thương thì chẳng có hề hấn gì. "Ừ, tao gả" - ngoại tôi nói chắc nịch. Thế là cha mẹ cưới nhau, dọn ra một căn nhà lá mà các cậu cùng làm cho trên mảnh ruộng của ngoại.

Con nước trôi lên trôi xuống, nhiều mùa cũng trôi qua. Khi sinh tôi được một thời gian, bà nội một mình ngoài Bắc đi tàu hỏa vào miền Nam. Trải qua hai ngày hai đêm lắc lư theo bánh con tàu, nội cũng đến ga Sài Gòn (TP HCM). Cha tôi ôm tôi đi đón nội, mừng mừng tủi tủi. Chiếc xích lô của ông già ốm nhom đội cái nón vải nhàu nhĩ đưa chúng tôi về Bến xe Miền Tây, đi tiếp một chặng xe đò 2 tiếng nữa mới về tới đường tỉnh gần nhà. Nhưng tới lúc cậu Hai và cậu Ba chạy hai chiếc xe đạp đòn ngang cà tàng ra đón mới là chặng đường cuối cùng.

Tết Đoan Ngọ đáng nhớ

Bà ngoại và bà nội thân nhau lắm. Hai bà cứ quấn quýt suốt ngày với nhau như chị em ruột, tới nỗi hàng xóm nhìn vô còn nói vui: "Đúng là hiếm có, Bắc - Nam sum họp một nhà".

Mẹ còn nói nội cưng tôi đến nỗi ôm ấp suốt ngày chẳng nỡ bỏ ra. Nội ở lâu thêm chút nữa chắc tôi sẽ chưa biết đi như mấy đứa con nít nhà người ta. Mỗi tối, ngoại tôi ngồi bên hiên nhà, vừa chải mớ tóc rối vừa tâm sự với bà nội nhiều lung lắm. Bà nội vừa ẵm tôi vừa phe phẩy cái quạt. "Khi xưa ông nhà tôi đi bộ đội, nhà 5 mẹ con ai cũng đói, ngày nào cũng ăn mỗi mớ lạc kho. Tôi cũng không thấy có vấn đề gì" - bà nội trấn an ngoại khi thấy ngoại buồn hiu hắt trước bữa cơm nhà nghèo. Những năm đó, đất nước còn nghèo lắm. Có được bữa cơm đầm ấm là đã tốt lắm rồi.

Tết Đoan Ngọ, cha tôi cắt 20 trái bưởi từ cây bưởi tơ sau nhà, đạp xe đem bán ở chợ huyện. Má tôi vẫn khom khom tưới nước cho đám dưa gang đang trổ bông rực rỡ ngoài đồng. Ngoại tôi rang ít cám heo cho dậy mùi thơm phức. Hai bà cụ theo nhau ra cái vó lớn ngoài sông trước nhà, hy vọng vó được ít cá tôm để tối làm cơm. "Bà cứ để tôi" - bà nội nói rồi rải cám xuống nước, nhìn con nước phù sa đang chảy, chờ mong. Cây mận bên sông rụng từng cánh hoa li ti. Ngoại tôi nhìn bóng lưng gầy gò của bà nội, ứa nước mắt thành dòng.

Có lẽ cũng là may mắn. Hai bà cụ vó được mớ tép mũi tươi rói, đầy cái rổ tre, nhảy tanh tách. Chiều xuống đỏ rực sau tán cây ô môi, cha tôi cũng chạy xe lạch cạch về, chưa bước vô nhà đã nghe tiếng sang sảng. Thì ra cha tôi ngồi một mình tại góc chợ mãi không thấy ai mua. May mà có ông chú đi ôtô thấy cha tôi thì thương, mua hết số bưởi. Cha tôi khoe mấy tờ tiền chẵn, còn mua thêm chục bánh ú với 1 kg thịt heo. Mắt mẹ tôi đỏ hoe, mừng quá!

Bà nội ra sau nhà, hái một rổ lá khế, vắt hết nước chua đi để nấu canh với tép bạc. Mẹ tôi lăng xăng ra ổ gà nhặt được chục quả trứng để ngoại kho với thịt. Cha tôi lau dọn bàn thờ, ra mé sông cắt ít cây phát tài xanh mướt. Ngọn đèn dầu leo lét mọi khi như sáng bừng lên trong đêm Tết Đoan Ngọ.

Cũng đêm đó, trời đổ mưa. Mái nhà lá đã lâu xơ xác, bị dột. Cả gia đình ngồi nép lại một góc để ăn cơm, tránh những giọt mưa đang xuyên qua mái lá nhỏ rỉ rả xuống nền đất đanh cứng. Tô canh chua tép mũi lá khế, dĩa thịt mỡ kho hột gà, cái bánh ú dẻo thơm ngọt lịm, đơn sơ quá mà ai nấy cũng ăn ngon vô cùng.

Thương nhớ bà sui

Nội tôi ở mãi hơn 6 tháng vẫn chưa muốn về. Tới nỗi cô tôi phải đánh thư vào giục mà bà vẫn bịn rịn không nỡ đi. Ngoại tôi len lén lau nước mắt, xúc động nói: "Thôi bà về đi. Khi nào có dịp lại vào chơi. Tôi đợi...". Ngày cha ẵm tôi đưa nội ra ga, bà nội ôm cha tôi khóc vùi. Bà nội nói không biết bao giờ mới có dịp vào Nam được nữa. Và chuyến đi năm ấy cũng là chuyến đi cuối cùng của nội.

Sau đó không lâu, nội tôi mất đột ngột ngày 28 Tết. Buổi sáng, cha tôi đi nghe điện báo, thất thểu về đến cây xoài cát đang trổ từng chùm dày đặc rồi đứng khóc. Ngay đêm hôm ấy, cha tôi một mình trên chuyến tàu chở mùa xuân ra Bắc, trong túi vỏn vẹn chỉ có 500.000 đồng. Ai cũng hồ hởi, chỉ có cha tôi ngồi đơn độc với túi hành lý xếp vội, nhớ thương bà. Cha về đến nhà đúng đêm 30 Tết, bà nội tôi nằm đó, ngủ yên như những cánh hoa khế rơi rụng ở góc sân nứt nẻ của ngày vui năm cũ xa xưa.

Nay cha tôi đã về hưu. Ngoài 60 tuổi, ông thỉnh thoảng vẫn nhắc lại chuyện xưa, bồi hồi thương nhớ. Tôi tưởng tượng mình là cha tôi năm đó, trên chuyến tàu cuối năm trở về quê hương tiễn bà nội đi vào lòng đất mẹ, rưng rưng. Ngoại tôi năm nay cũng hơn 90 tuổi. Vậy mà bà vẫn còn minh mẫn để nhắc nội hoài. Cuộc sống bây giờ đã khá giả hơn rất nhiều, cái gì cũng có. Ngoại cứ chặc lưỡi: "Phải chi có bà nội mày, để bà ấy ăn cho thỏa thích".

Ngoại hay nhìn lên bức ảnh thờ của nội rồi bảo tôi ra sau vườn bẻ mấy trái mãng cầu ta để đặt lên bàn thờ vì ngoại nhớ nội rất thích ăn trái mãng cầu.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Cuộc thi viết Từ trong ký ức: Chuyến đi cuối cùng của nội - Ảnh 2.
Cuộc thi viết Từ trong ký ức: Chuyến đi cuối cùng của nội - Ảnh 3.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo