xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chung tay khắc phục hậu quả bão lũ

NHÓM PHÓNG VIÊN

Trực thăng của Bộ Quốc phòng thả 1,5 tấn hàng cứu trợ cho người dân trong khi hàng triệu trái tim trên cả nước đang hướng về miền Trung

Nước lũ vừa rút, sáng 22-10, phóng viên Báo Người Lao Động đã có mặt tại xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình để trao quà hỗ trợ cho các gia đình có người mất, các hộ bị thiệt hại nặng do mưa lũ.

Gượng dậy sau lũ

Sau nhiều ngày chìm trong biển nước, sáng 22-10, thôn 3 Thanh Tân (xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) lũ đã rút dần. Tuy nhiên, đường vào nhà anh Hoàng Văn Đức vẫn ngập sâu. Anh và vợ là chị Ngô Thị Thơm đành ở tạm nhà nội cách đó 700 m để lo tang lễ cho 2 con.

Di ảnh 2 cháu Hoàng Văn Quân (10 tuổi) và Hoàng Văn Quý (6 tuổi) nghi ngút khói hương. Chị Thơm khóc cạn nước mắt, nằm ngất lịm bên di ảnh. Anh Đức thất thần ngồi cạnh vợ. Ai đến chào hỏi, anh cũng chỉ đứng dậy rồi gật đầu, không nói thêm lời nào. Cả căn nhà chìm trong u uất, đau buồn.

Ông Thọ (bác của anh Đức) kể hôm 18-10, nước lũ dâng nhanh. Vì lo cho 2 con nên anh Đức đã nhờ em trai dùng thuyền nhôm chở các cháu sang nhà ông bà nội tránh lũ. Thuyền mới ra khỏi nhà chừng 200 m thì bị lật, 2 cháu rơi xuống nước. Dù người dân đã lặn ra cứu nhưng không kịp. Thi thể 2 cháu được đưa về nhà nội an táng. Đại diện Báo Người Lao Động cùng Công an xã Thanh Thủy đã đến viếng, thắp hương và trao 5 triệu đồng nhằm chia sẻ mất mát với gia đình anh Đức.

Cách đó không xa là hộ gia đình ông Võ Văn Dịu (83 tuổi) và bà Nguyễn Thị Soa (80 tuổi). Ông bị tai biến nằm liệt giường đã 2 năm nay. Tối 18-10, nước lũ đột ngột dâng cao khiến căn nhà cấp 4 xập xệ của ông bà bị ngập sâu 2 m, mọi tài sản trôi theo dòng nước. Tối đó, con trai ông phải chèo thuyền đến dìu cha mẹ chạy lũ mới giữ được tính mạng. Báo Người Lao Động đại diện cho các đơn vị hảo tâm đã đến thăm, động viên và trao 1 triệu đồng cùng phần quà cho gia đình ông Võ Văn Dịu.

"Mệ chừ trắng tay rồi! Đến cánh cửa nhà mà cũng bị nước cuốn đi thì còn chi trong nhà nữa mô. Mệ cảm ơn Báo Người Lao Động đã quan tâm tặng quà cho gia đình. Đợi nước rút hẳn rồi, mệ mua thêm chút thức ăn bồi bổ và ít thuốc để chữa bệnh cho ông" - bà Soa nói.

Thay mặt các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, Báo Người Lao Động cũng đến thăm hỏi và trao quà cho 5 hộ dân khác ở xã Thanh Thủy, mỗi hộ 1 triệu đồng. Ông Trần Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy, cho biết trận lũ vừa qua đã làm hơn 1.400 nhà dân tại 5 thôn bị ngập lụt. Nhiều người lâm cảnh trắng tay. "Chúng tôi cảm ơn Báo Người Lao Động và nhà hảo tâm đã quan tâm tới bà con vùng lũ. Những phần quà đến với bà con rất kịp thời sẽ là nguồn động viên cả vật chất và tinh thần, giúp họ gượng dậy sau lũ. Mong rằng sẽ có nhiều đơn vị, đoàn thể và cá nhân hướng về bà con vùng lũ giúp vượt qua khó khăn này" - ông Kiên bày tỏ.

Cùng ngày, Báo Người Lao Động đã dành phần quà 5 triệu đồng cùng nhu yếu phẩm cho hộ gia đình bà Lê Thị Thú (81 tuổi; ở thôn Bàu Sỏi, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa). Bà Lê Thị Thú là vợ liệt sĩ và là một trong 8 người gặp nạn tử vong do lũ hôm 20-10 ở Quảng Bình.

Chung tay khắc phục hậu quả bão lũ - Ảnh 1.

Phóng viên Báo Người Lao Động và Công an xã Thanh Thủy trao quà hỗ trợ người dân. Ảnh: TRẦN DÔN

Triệu trái tim hướng về miền Trung

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng hôm 22-10 đã đến thăm và tặng người dân bị thiệt hại do mưa lũ ở huyện Phong Điền và Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế), mỗi huyện 200 triệu đồng. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng tặng 20 suất quà (25 triệu đồng/suất) cho các hộ nghèo thuộc Dự án di dời dân cư khu vực I kinh thành Huế. Công đoàn Văn phòng Quốc hội cũng hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng do mưa lũ 50 triệu đồng.

Cùng ngày, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định phân bổ 1.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia và 4 tấn lương khô từ nguồn hỗ trợ của Quân khu 4 cho các địa phương để cứu đói cho người dân.

Tại vùng lũ ở Hà Tĩnh, hàng trăm chuyến xe tải cứu trợ chở hàng tiếp tế đến người dân gặp khó khăn trong ngày 22-10. Đến nay, Ban Vận động cứu trợ tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận khoảng 17 tỉ đồng của nhiều tập thể, cá nhân trên cả nước.

Ông Đặng Trọng Vân - Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - xác nhận chiều 22-10, trực thăng của Bộ Quốc phòng đã tiếp cận xã Hướng Việt và thả 1,5 tấn hàng cứu trợ cho người dân. 17 người gồm y - bác sĩ, cán bộ, chiến sĩ đã cắt rừng tìm vào xã Hướng Việt. Tổ công tác này gùi theo thuốc và các vật tư thiết yếu để phục vụ việc khám chữa bệnh, chống dịch bệnh sau mưa lũ.

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - cho hay ngày 23-10, trực thăng của Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục chở thêm 1 chuyến hàng cứu trợ cho xã Hướng Việt, đồng thời sẽ giúp chủ tịch UBND xã và phó bí thư Đảng ủy xã này - bị thương khi đi tìm kiếm, giải cứu người dân mất tích do mưa lũ.

Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh đã tiếp nhận ủng hộ từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc số tiền 11,5 tỉ đồng; Bộ Thông tin và Truyền thông 500 triệu đồng; Tập đoàn Kosy 660 triệu đồng.

Đại diện Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết đã hỗ trợ 59 tấn lương khô, 200 máy phát điện và 200 xuồng máy cho các tỉnh miền Trung. Sau 3 ngày phát động, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng các đơn vị thuộc tập đoàn đã ủng hộ đồng bào miền Trung hơn 21 tỉ đồng. 

Bão số 8 sẽ thành áp thấp nhiệt đới

Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết đến 17 giờ ngày 22-10, mưa lũ ở miền Trung, Tây Nguyên đã làm 117 người chết, 21 người mất tích.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, đến 16 giờ ngày 23-10, vị trí tâm bão số 8 ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14.

Đến 16 giờ ngày 24-10, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190 km về phía Tây Tây Bắc. Trong 48-72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20 km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 25-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, bão số 8 có khả năng suy yếu khi vào gần bờ sau khi đi qua quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, đây vẫn là cơn bão phức tạp. Dù bão số 8 không gây mưa lớn như các cơn bão vừa qua nhưng sẽ gây gió mạnh kèm giông, lốc trên các vùng biển rất nguy hiểm đối với tàu, thuyền, các hoạt động nuôi trồng thủy sản ven bờ. Không loại trừ khả năng mưa do hoàn lưu sau bão số 8 trong 3-4 ngày tới (từ ngày 24 đến 26-10) tại khu vực miền Trung.

Vì miền Trung ruột thịt

Chiều 22-10, đại diện Công ty CP Thủy đặc sản Seaspimex đã đến Báo Người Lao Động trao 50 triệu đồng cùng 50 thùng thực phẩm cứu trợ đồng bào vùng lũ miền Trung.

4-box-4

Đại diện Công ty CP Thủy đặc sản Seaspimex ủng hộ miền Trung. Ảnh: QUANG LIÊM

Theo ông Nguyễn Minh Thi, Phó Tổng Giám đốc Công ty Seaspimex, 50 phần quà là các sản phẩm ăn liền của Seaspimex gửi đồng bào miền Trung đang chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, cảm ơn Công ty Seaspimex và mong rằng sự đóng góp của công ty sẽ là lời kêu gọi để bạn đọc, các doanh nghiệp khác chung tay hỗ trợ miền Trung nhiều hơn. Đến chiều 22-10, tổng số tiền cứu trợ đồng bào miền Trung thông qua chương trình "Trái tim miền Trung" của Báo Người Lao Động là hơn 2,3 tỉ đồng. Trong đó, Công ty CP Nhựa Bình Minh đóng góp 2 tỉ đồng; Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng 100 triệu đồng...

Nhằm kết nối những tấm lòng hướng về miền Trung lũ lụt, Báo Người Lao Động phát động chương trình "Trái tim miền Trung". Mọi sự đóng góp, xin gửi về tài khoản: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh TP HCM; số tài khoản: 117000004884, Báo Người Lao Động. Nội dung: Hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt qua chương trình "Trái tim miền Trung". Bạn đọc và các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp cũng có thể trực tiếp gửi tại tòa soạn Báo Người Lao Động (123-127 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3, TP HCM) hoặc các văn phòng đại diện, văn phòng liên lạc của báo trên cả nước:

. Hà Nội: 16F Phùng Hưng, quận Hoàn Kiếm. Điện thoại (ĐT): (024) 39274484.

. Đà Nẵng: 152 Nguyễn Thị Minh Khai, quận Hải Châu. ĐT: (0236) 3837623.

. Tây Nguyên - Nam Trung Bộ: 6 Lê Thánh Tôn, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. ĐT: (0258) 3510889.

. TP Cần Thơ: 97 Trần Văn Hoài, quận Ninh Kiều. ĐT: (0292) 3814462.

. Đông Nam Bộ: 16 Nguyễn Du, phường Quang Vinh, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. ĐT: 0903343439.

. Phú Quốc: 58 Nguyễn Trung Trực, thị trấn Dương Đông. ĐT: 0909767779.

BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo