xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chủ tịch UBND TP HCM cam kết nhiều việc hệ trọng

PHAN ANH

Ngoài cam kết về các giải pháp giải quyết các vấn đề dân sinh, Chủ tịch UBND TP HCM còn khẳng định sẽ tập trung nguồn lực để phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp...

Sáng 8-12, kỳ họp thứ 23 HÐND TP HCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 tiếp tục diễn ra với phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong. Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch HÐND TP Nguyễn Thị Lệ cho biết trong nhiệm kỳ này, Chủ tịch UBND TP đã có 4 lần trả lời chất vấn. Lần này, qua ghi nhận ý kiến cử tri, nội dung chất vấn Chủ tịch UBND TP xoay quanh 4 nhóm vấn đề. Ðó là việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế; giải pháp thực hiện mô hình chính quyền đô thị; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; đấu tranh và trấn áp tội phạm.

Chủ tịch UBND TP HCM cam kết nhiều việc hệ trọng - Ảnh 1.
Chủ tịch UBND TP HCM cam kết nhiều việc hệ trọng - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Những câu hỏi sát sườn

Trước khi trực tiếp trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu (ĐB), Chủ tịch UBND TP đã điểm qua những kết quả đáng ghi nhận khi thực hiện nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội TP năm 2020, trong đó có nhấn mạnh đến công tác phòng chống dịch Covid-19, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động; kinh tế vẫn tăng trưởng dù trong bối cảnh khó khăn.

Là ÐB chất vấn đầu tiên, ông Phạm Quốc Bảo nói vừa qua cả nước nói chung và TP HCM nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Lãnh đạo TP sẽ có những quyết sách nào trong năm 2021 để thực hiện mục tiêu kép, nhất là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động?

Chất vấn Chủ tịch UBND TP, ÐB Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng việc cải thiện môi trường đầu tư của TP vẫn còn nhiều hạn chế như năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giảm, vậy TP có những giải pháp đột phá gì để đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư? Ðề cập việc vỉa hè bị lấn chiếm, ÐB Tố Trâm nhắc lại chính quyền đã hứa sẽ làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu nếu để vỉa hè bị lấn chiếm. "Vậy UBND TP đã xử lý trách nhiệm người đứng đầu ở địa phương, sở - ban - ngành nào chưa?" - ÐB Tố Trâm chất vấn; đồng thời nêu tình trạng chậm tiến độ những dự án giao thông trọng điểm, triển khai ì ạch gây bức xúc cho người dân như Thủ Thiêm 2… mà nguyên nhân chủ yếu là chậm giải phóng mặt bằng, vậy TP sẽ tận dụng Nghị quyết 27 về thí điểm rút ngắn quy trình đền bù, giải phóng mặt bằng như thế nào để giải quyết vấn đề trên?

Là ÐB thứ ba chất vấn Chủ tịch UBND TP, ÐB Thi Thị Tuyết Nhung chuyển lời cảm ơn của cử tri quận 7 - nơi ÐB ứng cử - đến lãnh đạo TP khi đã chăm lo cho người dân, nhất là trong tình hình bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ði vào phần chất vấn, ÐB Tuyết Nhung hỏi Chủ tịch UBND TP sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể, khả thi nào trong thời gian tới để giải quyết tình trạng ngập nước ở TP? Tình hình an ninh trật tự còn nhiều vấn đề, cử tri mong muốn có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa từ lãnh đạo TP, vậy giải pháp của Chủ tịch UBND TP về vấn đề này thế nào?

Thẳng thắn, không né tránh

Trả lời các câu hỏi của ÐB, Chủ tịch UBND TP đề cập đến các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Ðó là, từ nay đến năm 2021, TP vẫn xem phòng chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ hàng đầu. Ðể phục hồi kinh tế, ông Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ phát huy các hội đồng ngành (nhà nước, nhà trường - viện nghiên cứu, doanh nghiệp) để tháo gỡ khó khăn cụ thể cho từng ngành. Riêng về hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP cho biết thời gian qua đã thực hiện gói hỗ trợ lần 1. TP sẽ tiếp tục triển khai gói hỗ trợ thứ 2. TP dự kiến sẽ hỗ trợ tín dụng với mức lãi suất 0% cho các doanh nghiệp khó khăn tại các nhóm ngành dịch vụ; công nghiệp và doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm lớn với kinh phí hơn 4.000 tỉ đồng. Sẽ cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi, phí… Ngoài ra, TP sẽ tiếp tục rà soát, triển khai kịp thời những giải pháp hỗ trợ người lao động, nhất là nhóm người yếu thế, người khó khăn với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Về cải thiện môi trường đầu tư, Chủ tịch UBND TP nhìn nhận việc này còn hạn chế, đúng như ÐB Tố Trâm chất vấn. Do đó, TP đã chọn chủ đề năm 2021 là cải thiện môi trường đầu tư. "Ðây là một đòi hỏi rất bức xúc đối với TP. Làm gì, làm như thế nào để cải thiện môi trường đầu tư?" - ông Nguyễn Thành Phong nói và cho biết trước hết là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, nơi nào có doanh nghiệp phản ánh thì người đứng đầu chịu trách nhiệm. Cuối cùng cao nhất là Chủ tịch UBND TP chịu trách nhiệm trước UBND TP về việc này. Bên cạnh đó, TP đã thành lập tổ công tác để tháo gỡ vướng mắc đề xuất đầu tư của doanh nghiệp; xây dựng, triển khai ngay kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư.

Liên quan đến lấn chiếm vỉa hè, Chủ tịch UBND TP cho hay Thành ủy TP đã có Chỉ thị 11, sau đó UBND TP có Chỉ thị 22. Bước đầu có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc này phải là một cuộc vận động có thời gian chứ không thể một sớm một chiều. Phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị thì mới có thể đạt được kết quả cao. Còn về việc có kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để vỉa hè tái lấn chiếm hay không, Chủ tịch UBND TP cho biết TP đều có xem xét. Ðặc biệt, đối với các dự án chậm tiến độ vì vướng mặt bằng, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai theo tinh thần Nghị quyết 27. Trong thời gian sắp tới, TP sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, như đẩy nhanh các công trình có tiến độ dở dang; yêu cầu các chủ đầu tư, quận - huyện cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng; tổ chức, lựa chọn những nhà đầu tư đủ năng lực…

Về chống ngập, ông Nguyễn Thành Phong cho biết TP sẽ làm đồng bộ giữa giải pháp công trình và phi công trình. Ðặc biệt, về vấn đề an ninh trật tự, Chủ tịch UBND TP khẳng định không để tình trạng thiếu trách nhiệm, bao che, dung túng và tiếp tay cho tội phạm. Ông cho biết sẽ đẩy mạnh triệt phá đường dây vận chuyển, mua bán ma túy, không để hình thành tụ điểm phức tạp; đấu tranh hiệu quả tội phạm công nghệ cao; chuyển hóa địa bàn phức tạp, giáp ranh.

Sau phần chất vấn đợt 1, một số cử tri đã gửi đến Chủ tịch UBND TP các vấn đề về tinh giản biên chế, thu gom rác… Do đã hết thời gian nên Chủ tịch UBND TP đã tiếp thu những vấn đề trên. "Những câu hỏi của ÐB, vấn đề mà cử tri đề cập sẽ là những gợi ý cho công tác quản lý, điều hành của TP trong thời gian tới được tốt hơn" - Chủ tịch UBND TP nhìn nhận.

Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch HÐND TP Nguyễn Thị Lệ đánh giá ÐB hỏi đúng trọng tâm, ngắn gọn, súc tích. Chủ tịch UBND TP trả lời thẳng thắn, có cam kết, đưa ra những giải pháp trong thời gian tới. "HÐND TP ghi nhận sự nghiêm túc, trách nhiệm cao của UBND TP trong trả lời chất vấn" - bà Nguyễn Thị Lệ nói và đề nghị Chủ tịch UBND TP, UBND TP nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của ÐB, cử tri. 

ÐB HÐND TP HCM đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về quyết toán ngân sách năm 2019, ước thực hiện thu chi ngân sách 2020, dự toán ngân sách năm 2021; kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách hành chính và Nghị quyết số 54/2017 của Quốc hội.

UBND TP HCM có 2 tân phó chủ tịch

Chiều 8-12, các ĐB HÐND TP HCM đã bầu bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch HÐND TP và ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP, làm Phó Chủ tịch UBND TP nhiệm kỳ 2016-2021. Bà Phan Thị Thắng sẽ phụ trách lĩnh vực tài chính, thương mại, dịch vụ và du lịch. Ông Lê Hòa Bình sẽ phụ trách lĩnh vực đô thị. Tại kỳ họp, HÐND TP cũng đã bầu bổ sung bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP, làm Ủy viên UBND TP.

Trước đó, bà Phan Thị Thắng và ông Lê Hòa Bình đã cam kết nhiều kế hoạch để phát triển lĩnh vực mình phụ trách thông qua chương trình hành động. Ðây là nét mới trong công tác nhân sự tại TP HCM. Theo đó, bà Phan Thị Thắng cho biết sẽ tập trung thực hiện các giải pháp phát triển mạnh mẽ dịch vụ tài chính, ngân hàng bằng việc thực hiện các giải pháp để chuyển đổi nền kinh tế tiền mặt sang nền kinh tế không dùng tiền mặt; triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch TP đến năm 2030; định hình hình ảnh TP HCM; thúc đẩy phát triển nhanh các hình thức mua sắm hiện đại, thông minh, ứng dụng điện tử. Ông Lê Hòa Bình cũng cam kết tập trung triển khai thực hiện 13 chương trình, đề án thành phần của Chương trình đột phá phát triển hạ tầng, 6 nhóm mục tiêu thuộc khối đô thị mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ TP lần thứ XI đã đề ra.

. Sáng cùng ngày, tại kỳ họp HÐND tỉnh Ðồng Tháp, các ĐB đã bầu ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh; bầu ông Trần Trí Quang, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải và ông Huỳnh Minh Tuấn, Bí thư Thành ủy Hồng Ngự, giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Kỳ họp thứ 13 HÐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI, diễn ra sáng 8-12, cũng đã bầu ông Ðinh Văn Thiệu (Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HÐND huyện Diên Khánh) và ông Nguyễn Anh Tuấn (Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nha Trang) làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.

Chiều cùng ngày, HĐND tỉnh Quảng Bình cũng đã bầu bổ sung 3 phó chủ tịch UBND tỉnh.

N.Phan - N.Mân - K.Nam - H.Phúc

HÐND nhiều tỉnh, thành mổ xẻ các vấn đề dân sinh

Ngày 8-12, tại phiên thảo luận của kỳ họp HÐND TP Ðà Nẵng, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đã đề xuất HÐND TP sớm xem xét ban hành một nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý đất đai, xây dựng, đầu tư đối với các dự án trên địa bàn. Trong đó, có quan điểm cụ thể đối với các nhóm vấn đề tồn tại trước đây để làm cơ sở cho các đơn vị tham mưu, đề xuất tháo gỡ, đồng thời nêu rõ một số nguyên tắc để bảo vệ cán bộ trong quá trình tham mưu, đề xuất tháo gỡ vướng mắc có những sai sót, thiếu sót do khách quan đem lại.

Cùng ngày, tại phiên họp thứ 18 HÐND TP Hà Nội khóa XV, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết đối với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi lòng sông, UBND TP đã ban hành nhiều quyết định, trong đó có Quy hoạch sử dụng cát, sỏi trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy định quản lý, đấu giá hoạt động khai thác khoáng sản; phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 1. Hằng năm, TP đều có kế hoạch và thành lập các đoàn để kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn do cơ quan quản lý tại địa phương cũng như Công an TP còn thiếu về nhân lực, phương tiện, bến bãi thu giữ tang vật cũng như chế tài xử phạt. Thời gian tới, UBND TP kiên quyết quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác khoáng sản và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định; xây dựng phương án sử dụng hiệu quả nguồn khoáng sản trên địa bàn.

Tại kỳ họp thứ 20 HÐND tỉnh Quảng Nam khóa IX, sáng cùng ngày, trước câu hỏi việc trồng cây keo có phải là nguyên nhân chính gây ra tình trạng sạt lở núi cướp đi sinh mạng hàng chục người thời gian qua hay không, ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho rằng cần có nghiên cứu khoa học, không thể trả lời sớm ngay tức khắc được. Về tình trạng phá rừng, ông Tích dẫn ra nhiều nguyên nhân trong đó cho rằng một phần do lực lượng kiểm lâm vừa thiếu vừa yếu về sức khỏe, chuyên môn chưa đáp ứng nhu cầu...

B.Vân - H.Thanh - T.Thường

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo