xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chủ tịch nước: Ý kiến cử tri chân thành, trách nhiệm!

Bài và ảnh: PHAN ANH

Cử tri nêu nhiều kiến nghị liên quan đến đấu tranh phòng chống tiêu cực cũng như đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động...

Ngày 22-11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng tổ đại biểu Quốc hội TP HCM đơn vị 4 đã tiếp xúc cử tri quận 10 sau kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026.

Đồng bộ chính sách để không ai muốn tham nhũng

Là cử tri phát biểu đầu tiên, ông Đinh Văn Huệ cho rằng Trung ương cần làm rõ nguyên nhân, tìm ra biện pháp khắc phục với quyết tâm cao nhất nhằm đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tham nhũng, tiêu cực. Cũng theo cử tri Đinh Văn Huệ, để không còn tham nhũng, tiêu cực thì công tác phòng nên được quan tâm hơn là chống. Những biện pháp về chính sách, quy chế, pháp luật cần đồng bộ để từng người không cần, không muốn và không dám có hành vi tham nhũng.

Đồng tình, cử tri Đinh Thị Ngọc nói thời gian qua công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được kết quả tích cực nhưng vẫn có hạn chế. Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có sự chuyển biến mạnh. Điều này dẫn đến tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn hiệu quả. Cử tri kiến nghị kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, xử lý nghiêm việc bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.

Chủ tịch nước: Ý kiến cử tri chân thành, trách nhiệm! - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với cử tri

Một vấn đề đáng quan tâm khác, cử tri Ngô Thị Thạnh nhận xét người dân thời gian qua rất phấn khởi trước thông tin tiền lương cơ sở tăng từ ngày 1-7-2023. Tuy nhiên, bà kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh sớm hơn do người dân đã chịu tác động bất lợi sau 2 năm đại dịch COVID-19, vật giá leo thang, nhiều người không còn tiền tích lũy.

"Trong những năm qua, lương cơ bản thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, đời sống công chức, viên chức dẫn đến nhiều trường hợp nghỉ việc, chuyển việc từ lĩnh vực công sang tư. Nhân lực ngành y tế, giáo dục là ví dụ sinh động cho thực trạng này" - bà Thạnh dẫn chứng. Theo bà Thạnh, TP HCM với đặc thù là nơi có mức sống cao, việc tính bậc lương theo khung chung của cả nước là vấn đề nên xem xét để có điều chỉnh hợp lý. Đây là điều mà những chính sách, cơ chế đặc thù mới dành cho TP HCM cần tính toán để nâng cao chất lượng đời sống người lao động, công chức, viên chức, ngăn chặn việc chảy máu chất xám và bồi dưỡng nhân tài.

Phát huy những mô hình tiêu biểu

Tiếp thu ý kiến cử tri, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đây là những phát biểu thẳng thắn, chân thành và trách nhiệm đối với địa phương, TP HCM và đất nước.

Đề cập vấn đề phòng chống tham nhũng, Chủ tịch nước cho biết muốn công tác này đạt kết quả cao phải đẩy mạnh công tác phòng ngừa trước khi chống. Cần có một thể chế, chính sách phù hợp, trong đó có việc nâng cao hơn nữa đời sống cán bộ, đảng viên. Đi liền với đó là công tác phòng chống lãng phí, nhất là chống lãng phí, thất thoát đất công, tài sản công.

Nói về đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Chủ tịch nước nhấn mạnh phải cải cách tiền lương để bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, công chức, viên chức, kể cả cán bộ hưu trí. Phải làm sao nâng lương mà giá cả không bị nâng.

Liên quan đến kiến nghị xây dựng, hoàn thiện pháp luật, nhất là Luật Đất đai, Chủ tịch nước thông tin hiện nay có ý kiến rằng giàu lên cũng vì đất, nghèo cũng vì đất mà ở tù cũng do đất. Vì thế, trong xây dựng, hoàn thiện Luật Đất đai phải "đánh" được những tiêu cực, mặt trái này để đất đai thực sự trở thành nguồn lực quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước, cũng như bảo vệ quyền lợi của người dân một cách tốt nhất.

Nhấn mạnh TP HCM là siêu đô thị, đông dân nên vẫn còn một bộ phận người dân chưa ổn định cuộc sống, Chủ tịch nước cho rằng trong quá trình chỉ đạo, điều hành, TP HCM cần quan tâm vấn đề này. Theo đó, TP HCM cần phát huy những mô hình tiêu biểu trong công tác chăm lo đời sống nhân dân.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng tổ đại biểu Quốc hội TP HCM đơn vị 7 tiếp xúc cử tri quận Gò Vấp. Buổi tiếp xúc có sự tham dự của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM, cùng các lãnh đạo sở, ngành trên địa bàn. Tại đây, ông Phan Văn Mãi đã có các giải đáp liên quan tới ý kiến của cử tri về các dự án lớn trong thành phố như tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, sự cố tại cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh…

Kết luận hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ những vấn đề cử tri nêu về ùn tắc giao thông, ngập úng, mất vệ sinh môi trường, dự án chậm, quy hoạch treo là thách thức, bất cập tồn tại nhiều năm chưa thể giải quyết. Đây là những điều các cấp lãnh đạo thành phố cần quyết tâm tìm hướng khắc phục. Chủ tịch nước nhấn mạnh TP HCM phải chủ động trong công tác quy hoạch nhằm chấm dứt tình trạng quy hoạch treo, dự án chậm đang ảnh hưởng đời sống người dân. Các dự án lớn như công trình chống ngập đang thực hiện hay những dự án mới, thành phố phải kiên quyết triển khai, không được để kéo dài.

Chủ tịch nước yêu cầu chính quyền TP HCM quan tâm giải quyết các vấn đề về tình hình xăng dầu. Trong đó, phối hợp với Bộ Công Thương để tìm nguyên nhân việc thiếu xăng cục bộ và xây dựng cơ chế phù hợp để ổn định thị trường.

Khẳng định sự sáng tạo, quyết liệt

Chủ tịch nước nhận xét năm 2022 TP HCM đạt nhiều thành công trong phục hồi và phát triển kinh tế sau ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Điều đó cho thấy sự năng động, sáng tạo, quyết liệt của TP HCM. Thời gian tới, thành phố cần khắc phục tỉ lệ giải ngân đầu tư công, gỡ điểm nghẽn về hấp thụ vốn; giải quyết vấn đề ngập, ùn tắc giao thông...

Một trong những phần việc TP HCM cần tập trung trong năm 2023 là tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp; ổn định tình hình thị trường tài chính, bất động sản bằng các biện pháp đột phá nhằm khôi phục niềm tin của thị trường. Đồng thời tập trung hoàn thiện dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 để Quốc hội sớm ban hành nghị quyết mới, tạo điều kiện cho TP HCM phát triển trong tình hình mới.

Cử tri TP Thủ Đức nêu nhiều ý kiến

Chiều 22-11, Ủy ban MTTQ TP Thủ Đức (TP HCM) tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8 HĐND TP HCM khóa X và trước kỳ họp thứ 5 HĐND TP Thủ Đức khóa I, nhiệm kỳ 2021-2026.

Cử tri Nguyễn Thị Mão đề cập tới dự án 87 ha tại phường An Phú quy hoạch cách đây hơn 20 năm. Tuy kéo dài là thế nhưng người dân không tiếp cận được kết luận thanh tra liên quan tới dự án cũng như tiến độ thực hiện dự án. Theo bà, người dân ủng hộ nhà nước làm quy hoạch nhưng cần biết để hiểu và cơ quan chức năng nên sớm có trả lời.

Cử tri Nguyễn Tiến Thịnh (phường Thạnh Mỹ Lợi) phản ánh con đường Lương Định Của dài hơn 2 km nhưng gần chục năm chưa hoàn thành, nhiều nơi ngập nước, kẹt xe... người dân qua lại rất khổ. Ông Thịnh nhận xét đây là tuyến đường kết nối với nhiều trục giao thông chính trong khu vực nhưng thực hiện rất chậm. Ông mong muốn đại biểu HĐND TP HCM và TP Thủ Đức giám sát quyết liệt để dự án sớm hoàn thành.

Q.Anh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo