xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cấp thiết bảo vệ biển Hòn Mun

Bài và ảnh: KỲ NAM

Ban Quản lý vịnh Nha Trang đã thông báo chính thức tạm ngừng hoạt động bơi, lặn biển tại Hòn Mun từ ngày 27-6 cho đến khi có thông báo mới. Đây là việc cần thiết để có kế hoạch tổng thể bảo vệ Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang

Ngày 25-6, Ban Quản lý (BQL) vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) cho biết ngay sau khi dừng các hoạt động bơi, lặn biển, cán bộ của BQL sẽ phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga khảo sát hệ sinh thái khu vực Hòn Mun - vùng lõi Khu Bảo tồn biển (KBTB) vịnh Nha Trang để có những đánh giá khoa học.

Cần có đánh giá tổng thể

Thời gian qua, cùng với nhiều cơ quan báo chí, Báo Người Lao Động đã có loạt bài điều tra về tình trạng suy giảm rạn san hô nghiêm trọng tại Hòn Mun. Sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo cơ quan chức năng ở địa phương làm rõ.

BQL vịnh Nha Trang đã phối hợp với các nhà khoa học bước đầu đưa ra kết luận: Việc suy giảm phần lớn rạn san hô tại Hòn Mun là một quá trình chịu tác động tích lũy từ nhiều năm, gồm cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan dẫn đến việc suy giảm rạn san hô ở Hòn Mun là do tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của cơn bão Damrey năm 2017 và bão số 9 năm 2021; không có hiện tượng axít hóa đại dương.

Nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan, hoạt động của BQL vịnh Nha Trang còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sót. Nhiều hoạt động của con người tác động lên hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô tại KBTB Hòn Mun nói riêng vẫn chưa được xử lý kịp thời, như: khai thác thủy sản trái phép; nạo vét, xây dựng các công trình ven biển không đúng quy định; xả thải từ các hoạt động du lịch...

Vì vậy, trước mắt, UBND TP Nha Trang yêu cầu dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại rạn san hô trong vùng vịnh Nha Trang, đặc biệt là ở Hòn Mun. Đồng thời, khoanh vùng bảo vệ những khu vực nhạy cảm, đang có dấu hiệu phục hồi các hệ sinh thái (điển hình là rạn san hô và bãi giống, bãi đẻ) của vịnh Nha Trang. Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng yêu cầu xây dựng kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong tháng 7-2022.

Ông Đàm Hải Vân, Phó BQL vịnh Nha Trang, cho biết ban đã liên hệ với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga để lên kế hoạch khảo sát, đánh giá chi tiết, trước mắt ở khu vực Hòn Mun. "Chúng tôi sẽ đánh giá hệ sinh thái, xác định các khu vực dễ bị tổn thương, từ đó xây dựng kế hoạch hoạt động ở KBTB vịnh Nha Trang cho phù hợp trong thời gian tới. Sau khi khảo sát Hòn Mun, BQL tiếp tục đề nghị kinh phí để khảo sát toàn vịnh Nha Trang" - ông Vân nhấn mạnh.

Theo BQL vịnh Nha Trang, khi khảo sát sẽ sử dụng phương pháp kiểm tra rạn Reefcheck. Tại mỗi điểm khảo sát, 2 dây mặt cắt dài 100 m/dây được trải cho dải độ sâu 5-6 m. Sau khi dây mặt cắt được trải, người tham gia khảo sát bơi dọc theo dây, đếm sinh vật (cá, động vật đáy) và xác định hợp phần đáy ở 4 đoạn 20 m (mỗi đoạn cách nhau 5 m), giới hạn chiều rộng mỗi bên 2,5 m.

Ông Vân cho biết hệ sinh thái được khảo sát gồm: cá ở rạn san hô, động vật đáy cỡ lớn với 9 loài/nhóm (tôm bác sĩ, cầu gai đen, cầu gai bút chì, cầu gai sọ, hải sâm lựu, hải sâm đen, hải sâm hồng, sao biển gai, ốc tù và, tôm hùm, trai tai tượng) và hợp phần đáy. Hợp phần đáy gồm: san hô cứng, san hô mềm, san hô mới chết, rong chỉ thị dinh dưỡng, nhóm khác (hải miên, đá, san hô vỡ vụn, cát và bùn).

Cấp thiết bảo vệ biển Hòn Mun - Ảnh 1.

7 điểm ở khu vực Hòn Mun - vùng lõi Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang sẽ tạm ngừng việc lặn biển

Tour vịnh Nha Trang vẫn hoạt động bình thường

Đại diện một số đơn vị chuyên tour lặn biển ở Hòn Mun cho biết đã đầu tư hàng tỉ đồng cho khâu đào tạo thợ lặn, chi phí giữ chân nhân sự, đóng tàu chuyên dụng lặn ngắm san hô, mua sắm trang thiết bị… Việc tạm ngừng bơi, lặn biển ở Hòn Mun khiến những đơn vị này lo lắng.

Ông Ng.Th.L, một chuyên gia lặn biển, nhận xét: "Hơn ai hết, những hướng dẫn viên lặn biển hiểu rằng sự sống của rạn san hô chính là "bát cơm, manh áo" của mình. Chúng tôi luôn yêu cầu hướng dẫn viên thường xuyên nhắc nhở, nghiêm cấm việc làm tổn hại rạn san hô. Việc tạm ngừng tour lặn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống hàng trăm thợ lặn tại Nha Trang và các công ty du lịch".

Theo ông Đỗ Thanh Quân, đại diện một công ty du lịch lặn biển, sau khi có thông tin hệ sinh thái Hòn Mun bị suy thoái nghiêm trọng, lượng khách đặt tour giảm rõ rệt. Ba ngày gần đây, thậm chí không có khách đăng ký lặn. "Tôi cho rằng việc tạm dừng để khảo sát là cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần sớm có thông tin để người làm du lịch chuẩn bị kế hoạch, lộ trình giải quyết cho các lao động, chuẩn bị tâm lý, thậm chí là tìm việc thay thế" - ông Quân bày tỏ.

Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng BQL vịnh Nha Trang, cho biết việc tạm ngừng bơi, lặn biển chỉ áp dụng ở khu vực nhạy cảm tại Hòn Mun. Hoạt động du lịch vẫn diễn ra bình thường. Du khách vẫn được đến Hòn Mun theo chương trình tour tham quan vịnh Nha Trang.

"Việc tham quan vịnh Nha Trang, kể cả lên Hòn Mun, sẽ diễn ra bình thường chứ không hề cấm như một số thông tin trên mạng xã hội hiểu sai. Tất nhiên, một số công ty chuyên lặn biển cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Doanh nghiệp cũng cần chung tay để hỗ trợ chính quyền thực hiện tốt việc khảo sát, quản lý. Sau khi có kết quả đánh giá, chúng tôi sẽ thông báo để việc lặn biển trở lại bình thường" - ông Thái thông tin.

Hiện nay, khu vực Hòn Mun có 7 điểm tạm ngừng lặn biển để khảo sát. Ngoài Hòn Mun, du khách vẫn có thể trải nghiệm lặn biển ở các cụm san hô tại khu vực khác, như Đảo Khỉ - Suối Hoa Lan (đầm Nha Phu), một số điểm lặn giao cho doanh nghiệp quản lý ở Hòn Tre, Hòn Một, Hòn Tằm… 

"Trái tim" của vịnh Nha Trang

Bà Phạm Thị Phượng - cán bộ hưu trí ở phường Lộc Thọ, TP Nha Trang - cho rằng nhiều người dân địa phương và du khách từ lâu đã xem Hòn Mun là "trái tim" của vịnh Nha Trang.

"Bất cứ người dân Nha Trang nào cũng đều xót xa khi biết hệ sinh thái ở đây suy giảm. Nha Trang là thành phố du lịch biển. Nếu không bảo vệ môi trường biển thì Nha Trang sẽ không còn gì, tự mình "xóa tên" trên bản đồ du lịch thế giới" - bà Phượng nhìn nhận.

PGS-TS - đại tá Nguyễn Đăng Hội, Viện trưởng Viện Sinh thái Nhiệt đới thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga:

Đánh giá đầy đủ, đưa ra giải pháp phục hồi

Tôi rất buồn khi hệ sinh thái ở khu vực Hòn Mun bị suy giảm như hiện nay. Tuy nhiên, không chỉ riêng Nha Trang mà hiện nay, hệ sinh thái tại rất nhiều vùng biển ở Việt Nam cũng như thế giới đều0 đang suy giảm.

Do đó, điều cần làm là nhanh chóng bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái. Trước hết, để phục hồi hệ sinh thái thì phải đánh giá được chính xác suy thoái là do nguyên nhân gì. Các nhà khoa học nên vào cuộc ngay để điều tra, đánh giá một cách đầy đủ, chi tiết; sau đó mới đưa ra được biện pháp bảo tồn, phục hồi.

Ông Hoàng Hải Đăng, hướng dẫn viên lặn biển vịnh Nha Trang:

Sẵn sàng hợp tác để vịnh Nha Trang tốt hơn

Sau đợt dịch Covid-19 đầu tiên, nhiều việc trở nên khó khăn. Song, riêng anh em làm nghề lặn ở Hòn Mun thì lại có phần vui vì rạn san hộ phục hồi khá tốt, cá lại về nhiều. Mọi thứ diễn ra êm đẹp, mọi người lại phấn chấn đi lặn, lượm rác, diệt sao biển gai… Thế nhưng, sau đợt giãn cách xã hội mấy tháng, trở lại thăm Hòn Mun mà chúng tôi rơi nước mắt khi thấy "cần câu cơm" của mình bị tàn phá.

Làm công ăn lương như thợ lặn thì lên tiếng kiểu gì? Đã bao lâu rồi, BQL KBTB vịnh Nha Trang không họp mặt các câu lạc bộ lặn biển ở Nha Trang? Đây là việc chung, cần cộng đồng, doanh nghiệp chung tay xử lý. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác để bảo vệ vịnh Nha Trang tốt hơn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo