xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cần có làn đường ưu tiên cho xe đạp?

Bài và ảnh: THU HỒNG

Tổ chức làn đường ưu tiên sẽ khuyến khích người dân sử dụng xe đạp, hạn chế xe máy, giảm ô nhiễm môi trường, tăng tính kết nối giao thông...

Nhằm tạo thuận lợi cho người dân sử dụng xe đạp khi tham gia giao thông, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM vừa đề xuất Sở Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét tổ chức làn đường ưu tiên cho phương tiện này.

Nghe qua đã thấy hào hứng

Sáng sớm mỗi ngày, 2 con đường Hoàng Sa và Trường Sa chạy dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP HCM) đông đúc người dân sử dụng xe đạp để tập thể dục. Người đi đa dạng về lứa tuổi nhưng phần nhiều là trung niên và cao niên.

Gần 2 năm tham gia hội đạp xe, ông Nguyễn Tấn Phước (50 tuổi, ngụ quận Tân Bình) hào hứng cho biết sau dịch Covid-19, ông và nhóm bạn thân lưu tâm hơn đến vấn đề sức khỏe nên rủ nhau đạp xe mỗi sáng.

"Chúng tôi hẹn nhau 4 giờ 30 phút có mặt trên đường Hoàng Sa, bắt đầu đạp xe dọc 2 bờ kênh, khoảng 15 km. Do chạy vào sáng sớm nên đường phố thông thoáng, trời mát mẻ rất dễ chịu. Đạp xe đang được người TP HCM ưa chuộng, nếu thành phố mở làn ưu tiên trên các tuyến đường, chắc chắn sẽ khuyến khích người dân sử dụng không chỉ tập thể dục mà còn đi làm" - ông Phước nói.

Cần có làn đường ưu tiên cho xe đạp? - Ảnh 1.

Người dân, khách du lịch di chuyển bằng xe đạp xen lẫn các phương tiện khác trên đường Hoàng Sa

Chung suy nghĩ với ông Phước, chị Lê Thị Mỹ Quyên (quận 3) cho biết chị ủng hộ tổ chức làn đường ưu tiên cho xe đạp. Theo chị, cuối tuần, chị thường cùng 2 con gái đạp xe dạo mát hoặc tới chơi tại những điểm gần nhà. Tuy nhiên, mẹ con chị nhiều lần thót tim vì xe đạp phải chạy chung làn với xe máy, ôtô và thực tế 3 mẹ con đã từng bị phương tiện chạy ẩu va quệt. "Nếu có làn ưu tiên cho xe đạp, tôi sẽ cùng các con dùng phương tiện lưu thông này nhiều hơn" - chị Quyên cho hay.

Thông tin về phương án đề xuất mở làn đường ưu tiên cho xe đạp, ông Lê Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM - cho biết sau thời gian khảo sát, trung tâm và các phòng chuyên môn của Sở GTVT thống nhất chọn thí điểm làn ưu tiên cho xe đạp trên đường Pasteur - đoạn từ giao lộ Lý Tự Trọng đến Nguyễn Đình Chiểu. Sau thời gian thí điểm, các bên sẽ đánh giá kết quả và mở rộng ra một số khu vực phù hợp như tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, Trần Hưng Đạo…

Theo đề xuất, thành phố sẽ sử dụng một phần đường dân sinh bên phải và phần đường dân sinh bên trái rộng khoảng 1,25 m làm làn đường dành riêng cho xe đạp. Xe máy của người dân chỉ được sử dụng một phần đường còn lại để ra vào nhà. Khi triển khai làn đường ưu tiên, thành phố sẽ lắp đặt các biển báo, sơn làn, sơn hình…, kinh phí khoảng 1 tỉ đồng từ nguồn vốn duy tu đường bộ của ngân sách nhà nước.

Đồng tình

Nói về lý do đề xuất tổ chức làn đường ưu tiên, ông Lê Hoàn cho rằng đây là thời điểm hợp lý để triển khai vì thời gian qua việc thí điểm dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng tại TP HCM của Tập đoàn Trí Nam thu hút khá đông người dân sử dụng. Việc tổ chức làn đường ưu tiên không chỉ tạo thuận lợi cho người dân mà còn giúp giảm ô nhiễm môi trường, tăng tính kết nối để người dân tham gia các loại hình vận tải công cộng khác như xe buýt, metro…

Theo ông Hoàn, thống kê sơ bộ cho thấy người dân sử dụng xe đạp công cộng tại 3 tuyến đường như Pasteur, Nguyễn Văn Cừ, Trần Hưng Đạo khá cao với 167 lượt/ngày trên đường Pasteur, 90 lượt/ngày trên đường Trần Hưng Đạo và 12 lượt/ngày trên đường Nguyễn Văn Cừ. Ngoài ra, qua theo dõi từ thời điểm khai trương dịch vụ xe đạp công cộng trên địa bàn thành phố đến nay thì không có sự cố về an toàn giao thông liên quan.

Cần có làn đường ưu tiên cho xe đạp? - Ảnh 2.

Nhiều bạn trẻ hào hứng chụp hình cùng xe đạp tại một điểm dừng

"Không chỉ những tuyến đường này được lưu tâm khi tổ chức làn ưu tiên mà chúng tôi sẽ làm việc với các địa phương như quận 3, quận 7, nơi có những tuyến đường ven kênh, khu đô thị mới để khảo sát, thực hiện làn đường ưu tiên trong thời gian tới" - ông Hoàn cho biết thêm.

Tán thành việc tổ chức làn đường ưu tiên cho xe đạp, ông Đỗ Bá Quân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Vận tải số Trí Nam (Tập đoàn Trí Nam), chia sẻ từ ngày triển khai dịch vụ xe đạp công cộng (tháng 12-2021) đến nay đã có 211.292 khách hàng đăng ký sử dụng, 271.283 giờ đã thuê với 1,4 triệu km đã đi. Điều đó chứng tỏ người dân thành phố rất ủng hộ dịch vụ này.

"Đây là thời điểm chín muồi để tổ chức làn đường ưu tiên cho xe đạp nhằm tăng tính an toàn, khuyến khích người dân đạp xe ra đường, hạn chế sử dụng xe máy. Việc này nhiều nước trên thế giới đã thực hiện và mang lại hiệu quả cao" - ông Quân nói.

Chung quan điểm triển khai làn đường ưu tiên cho xe đạp là cần thiết, ông Lê Trung Tính, nguyên Trưởng Phòng quản lý Vận tải đường bộ (Sở GTVT TP HCM), cũng cho rằng thành phố nên thí điểm tại những tuyến đường trước đây từng tổ chức làn cho xe đạp hoạt động như Pasteur, Nguyễn Văn Cừ, Trần Hưng Đạo. Sau đó mở rộng trên các tuyến đường mới xây dựng, các khu đô thị có hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, thậm chí khảo sát các tuyến đường gần nhà ga, bến xe, sân bay...

"TP HCM đã tiên phong khi mở tuyến xe buýt điện, xe buýt CNG và dịch vụ xe đạp công cộng, đây là những mô hình giao thông xanh, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và được người dân ủng hộ" - ông Tính nói, đồng thời khẳng định xe đạp không chỉ giúp người dân nâng cao thể chất, mà nếu tổ chức tốt việc phân làn và khuyến khích dùng loại hình này sẽ mang tới nhiều lợi ích quan trọng khác cho thành phố.

Nhiệm vụ của 5 thành phố lớn

Tại Nghị quyết 48 ngày 5-4-2022, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng về giao thông. Trong đó, các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP HCM được giao nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới hạn chế hoặc có lộ trình dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn quận sau năm 2030.

Cùng với đó, "Triển khai rà soát, bố trí các vị trí đỗ xe tĩnh trong nội đô và trên địa bàn các quận; đầu tư xây dựng hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi tại các đô thị, các công trình bảo đảm an toàn giao thông cho những đối tượng tham gia giao thông dễ bị tổn thương; nghiên cứu thí điểm làn đường dành cho xe đạp" - Nghị quyết nêu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo