xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cần cơ chế mở cho đường vành đai

Văn Duẩn thực hiện

Khi làm đường vành đai, nhất là Vành đai 3 TP HCM, rất cần cơ chế, chính sách đặc thù tương tự như Quốc hội đã cho phép thực hiện ở tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông để dự án triển khai nhanh, bảo đảm chất lượng

PGS-TS Trần Hoàng Ngân - đại biểu Quốc hội (ĐBQH), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - cho biết trong các kỳ tiếp xúc cử tri, rất nhiều cử tri mong muốn QH thông qua chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP HCM, đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội nói riêng và ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho Hà Nội và TP HCM nói chung.

. Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 3, QH sẽ xem xét, thảo luận, quyết định chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP HCM và Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội. Ông nhận định gì về tầm quan trọng của việc đầu tư 2 dự án này, nhất là Vành đai 3 TP HCM?

Cần cơ chế mở cho đường vành đai - Ảnh 1.

PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN

- PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN: Đầu tư hạ tầng giao thông là vấn đề quan trọng bậc nhất hiện nay của Việt Nam. Tại kỳ họp thứ 3 này, QH xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án lớn nhằm đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia, gồm: đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 3 TP HCM, đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Đường Vành đai 3 TP HCM thuộc vùng Đông Nam Bộ. Khi đầu tư tuyến đường này sẽ tạo thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistics. Cụ thể là kết nối các tuyến cao tốc của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long với Đông Nam Bộ, hình thành nên mạng lưới giao thông huyết mạch của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cụ thể là rút ngắn thời gian đi lại từ TP HCM đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An; các tỉnh Tây Nam Bộ đi ra khu vực phía Bắc... Khi khép kín tuyến đường này sẽ thúc đẩy giao thương giữa các tỉnh với nhau, thúc đẩy kinh tế toàn diện cho các vùng và là điểm sáng thu hút các nhà đầu tư tới những dự án liền kề Vành đai 3.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM còn giúp kết nối khu đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp tới vùng cốt lõi của khu vực Đông Nam Bộ; nâng cao năng lực cạnh tranh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tăng cường cơ hội và khả năng hợp tác đầu tư giữa các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Riêng với TP HCM, tuyến đường này có ý nghĩa quan trọng khi mở ra hướng phát triển các đô thị mới của TP HCM và các thành phố vệ tinh; giúp phân luồng giao thông quá cảnh qua TP HCM, tránh ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng môi trường...

Cần nhấn mạnh vùng Đông Nam Bộ đầu não kinh tế của cả nước khi chiếm tới 40% GDP và 40% tổng thu ngân sách nhà nước. Đường Vành đai 3 TP HCM nếu hình thành, với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao sẽ tạo động lực, sức lan tỏa để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Cần cơ chế mở cho đường vành đai - Ảnh 2.

Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thị sát vị trí nút giao đường Vành đai 3 với đường cao tốc TP HCM - Trung Lương vào ngày 19-5. Ảnh: THU HỒNG

. Được biết, tổng kinh phí đầu tư tuyến đường Vành đai 3 TP HCM rất lớn, khoảng 80.000 tỉ đồng. Cần những cơ chế, chính sách nào để dự án sớm hoàn thành, bảo đảm chất lượng, thưa ông?

- Dự án đường Vành đai 3 TP HCM dài khoảng 76,34 km, đi qua 4 địa phương: TP HCM (dài 47,51 km), Đồng Nai (11,26 km), Bình Dương (10,76 km) và Long An (6,81 km). Về tiến độ, dự kiến trong quý I/2023 giải phóng mặt bằng, khởi công vào quý II/2024, trong năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành phần cao tốc và hoàn thành toàn dự án vào năm 2026.

Để làm dự án này, ngân sách trung ương cấp 50%, phần còn lại là ngân sách địa phương. Vùng Đông Nam Bộ là vùng kinh tế phát triển, vì vậy vốn không phải là điều quá băn khoăn. Nhưng điều chúng ta ngại nhất là thể chế. Do đó, cần có những cơ chế, chính sách đặc thù tương tự như QH đã cho phép thực hiện ở tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông bằng Nghị quyết 43 để triển khai dự án nhanh, hiệu quả, bảo đảm quyền lợi của người dân; bảo đảm chất lượng, tiến độ dự án.

Tôi cũng cho rằng Chính phủ cần tăng cường công tác đôn đốc, giám sát để các tuyến đường bộ cao tốc đang triển khai đồng loạt sớm hoàn thành, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, dở dang gây lãng phí, ảnh hưởng tới sự phát triển chung của đất nước.

. TP HCM kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 3, TP HCM cần có một số cơ chế, chính sách đặc biệt. Quan điểm của ông về đề xuất này?

- TP HCM đã có những cơ chế về chính sách đặc thù giống như trong Nghị quyết 54/2017/QH2014 như HĐND được quyền quyết định những chủ trương đầu tư dự án nhóm A; được quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa... Như vậy, rõ ràng QH đã rất tin tưởng vào sự lãnh đạo, điều hành của lãnh đạo TP HCM. Vì vậy theo tôi, nên phân cấp, phân quyền rộng hơn cho TP HCM để địa phương thực hiện nhiều dự án một cách nhanh chóng, tránh các vướng mắc về cơ chế làm chậm tiến độ. Tất nhiên, lãnh đạo TP HCM phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước trung ương về quyết định thực thi, triển khai các dự án tại thành phố. 

Hôm nay, khai mạc kỳ họp thứ 3 QH khóa XV

Hôm nay, 23-5, khai mạc kỳ họp thứ 3 QH khóa XV. Theo chương trình, QH sẽ họp tập trung trong 19 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 16-6).

Trong ngày làm việc đầu tiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3.

Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020. Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020. Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Ngày 24-5, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); thảo luận ở tổ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Ngày 25-5, thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020...

Ngày 26-5, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát cơ động và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)...

Cử tri mong muốn Chính phủ phân quyền nhiều hơn cho TP HCM

Đoàn ĐBQH TP HCM cho biết trước kỳ họp thứ 3 QH khóa XV, Đoàn ĐBQH thành phố phối hợp với Ủy ban MTTQ các cấp và các cơ quan, đơn vị có liên quan đã tổ chức 18 cuộc tiếp xúc cử tri với sự tham dự của khoảng 2.500 cử tri.

Qua các cuộc tiếp xúc, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về biến động giá cả, nhất là giá xăng dầu tăng đột biến đã kéo theo sự tăng giá của lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, cử tri cho rằng tình trạng quy hoạch treo ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, nhất là tại những khu vực đang đô thị hóa. Do đó, cử tri kiến nghị QH và Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng quy hoạch treo, kiên quyết thu hồi hoặc xóa bỏ quy hoạch đối với những dự án không khả thi; có cơ chế, chính sách bảo đảm quyền lợi của người dân.

Cử tri cũng mong muốn Chính phủ quan tâm và có cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền một số lĩnh vực quản lý nhà nước cho TP HCM như: quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội; nhà đất và hạ tầng kỹ thuật - xã hội đô thị; ngân sách nhà nước; tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức theo hướng mở rộng tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Cử tri TP HCM cũng kiến nghị Chính phủ quan tâm, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông bằng chính sách đặc thù, qua đó giúp TP HCM phát huy lợi thế tiềm năng, tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho vùng và cả nước.

Riêng về Luật BHXH, cử tri TP HCM kiến nghị cần có lộ trình kéo dài thời gian quy định để được hưởng BHXH một lần, tăng quyền lợi hưởng chế độ hưu trí, giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm còn 15 năm, hướng tới chỉ còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp, tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. Bổ sung các chế độ cho người tham gia BHXH tự nguyện để tăng tính hấp dẫn của loại hình bảo hiểm này.

Phan Anh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo