xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cán bộ chức vụ càng cao trách nhiệm càng lớn

Thế Dũng - Minh Chiến thực hiện

Nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương 8 là cho ý kiến về quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên

Đó là ý kiến của ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương trong buổi phỏng vấn của Báo Người Lao Động về các vấn đề liên quan đến nhân sự và sự nêu gương đối với cán bộ cấp cao trước thềm Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Hội nghị Trung ương 8) khai mạc hôm nay, 2-10.

Phù hợp thực tiễn

Phóng viên: Hội nghị Trung ương 8 có nội dung về nhân sự trong khi đó đất nước vừa có sự mất mát lớn là Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, ông có suy nghĩ gì về điều này?


Cán bộ chức vụ càng cao trách nhiệm càng lớn - Ảnh 1.

- Ông Lê Quang Thưởng: Tôi cho rằng không nên để kéo dài tình trạng thiếu một vị trí chủ chốt ở cấp cao, mặc dù hiện tại Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đang thực hiện đầy đủ quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch nước. Rất có thể hội nghị lần này Trung ương sẽ bàn về nhân sự vị trí Chủ tịch nước. Tôi nghĩ có thể có một số phương án, như lựa chọn một nhân sự trong Bộ Chính trị để giới thiệu làm Chủ tịch nước hoặc giới thiệu Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước.

Ông ủng hộ phương án nào?

- Tôi ủng hộ phương án Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước và có thể định danh là "Tổng Bí thư, Chủ tịch nước". Từng nhiều năm làm việc về công tác cán bộ, tôi thấy rằng trong Hiến pháp và Điều lệ Đảng không có vướng mắc trong việc thực hiện Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước. Quy định liên quan chỉ quy định Tổng Bí thư nhiệm vụ ra sao, Chủ tịch nước nhiệm vụ như thế nào… Lâu nay, Tổng Bí thư là người đứng đầu Đảng, Chủ tịch nước là đại diện nhà nước nhưng đi ra bên ngoài họ đều hiểu người đứng đầu đất nước là Tổng Bí thư nên việc hợp nhất "Tổng Bí thư, Chủ tịch nước" là rất thực tiễn.

Tôi cũng thấy có nhiều ý kiến ủng hộ phương án này và kỳ vọng Hội nghị Trung ương 8 sẽ quyết định nhân sự Chủ tịch nước để giới thiệu ra Quốc hội bầu vào kỳ họp Quốc hội thứ 6, khai mạc vào ngày 22-10 tới đây.

Sai phạm không loại trừ ở vị trí nào

Hội nghị Trung ương 8 sẽ cho ý kiến dự thảo "Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương". Ông nhận xét như thế nào về quy định mới này?

- Quy định về nêu gương của cán bộ xây dựng trên nguyên lý "có xây, có chống và xây trước, chống sau" và điểm cốt lõi của dự thảo đề án là "cán bộ giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu".

Tuy nhiên, để quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên phát huy được hiệu quả đầu tiên phải chọn đúng người. Sau đó, thực hiện công tác quản lý chặt chẽ, không loại trừ ai hay ở bất kỳ vị trí nào. Tất cả cán bộ, dù ở vị trí lãnh đạo cao nhất cũng phải chịu sự quản lý của trung ương, sự giám sát của nhân dân.

Cán bộ chức vụ càng cao trách nhiệm càng lớn - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần làm việc với Ban Cán sự Đảng và cán bộ chủ chốt Bộ Công Thương Ảnh: TTXVN

Thời gian qua, có Ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý kỷ luật chứng tỏ sai phạm không loại trừ bất cứ vị trí nào, nơi nào ở khâu cán bộ cũng có thể xảy ra vấn đề từ cấp trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện. Dự thảo quy định mới đặc biệt nhấn mạnh vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng là để hoàn thiện công tác giám sát, đánh giá công tác cán bộ và nhất là chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIII. Từ quy định chặt chẽ sẽ lựa chọn những người xứng đáng, giới thiệu vào trung ương, trung ương lại bầu vào các vị trí của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Đảng ta đã có nhiều quy định về công tác cán bộ, vậy quy định nêu gương mới này có điểm gì mới, thưa ông?

- Trước đây quy định của Đảng chỉ nêu rõ trách nhiệm nêu gương của cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là cán bộ cấp cao nói chung. Còn đây là lần đầu tiên Đảng đưa quy định có nhấn mạnh chỉ rõ là cán bộ thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải nêu gương cụ thể ra sao. Tại sao phải có điểm mới, điểm cụ thể này? Vì đất nước đã bước sang thời kỳ mới. Cụ thể, lớp cán bộ hiện nay mà trưởng thành qua các cuộc kháng chiến còn rất ít, chủ yếu là lớp cán bộ trưởng thành sau năm 1954, 1975. Do vậy, lớp cán bộ hiện nay và tới đây rất khác về môi trường, điều kiện phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành so với lớp cán bộ thời kỳ trước. Họ phải được rèn luyện cao hơn; được quản lý, giám sát của nhân dân tốt hơn.

Quy định như vậy sẽ làm cho các cấp ủy đảng, đảng viên, cán bộ hiểu về những thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải cần những yêu cầu, điều kiện gì để họ xứng đáng với vị trí của mình.

Có ý kiến băn khoăn về chế tài đối với việc nêu gương của cán bộ, ông nhìn nhận về vấn đề này thế nào?

- Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ đã quy định cụ thể quyền, nhiệm vụ của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội. Còn Điều lệ Đảng cũng quy định rõ về quyền, nhiệm vụ của Tổng Bí thư. Bây giờ quy cụ thể hơn thì trung ương sẽ cho ý kiến và đây là quyền của trung ương để quy định mới về nêu gương của cán bộ phù hợp với tình hình hiện nay và phong phú hơn.

Quy định hiện nay cơ bản đầy đủ như Quy định 101/QĐ-TW của Ban Bí thư Trung ương (Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp) và Quy định 105/QĐ-TW năm 2017 (Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử). Việc ra quy định mới về nêu gương của cán bộ sẽ chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, điều quan trọng khác trong việc giám sát cán bộ chính là sự giám sát của nhân dân, của cấp ủy. Sinh hoạt Đảng duy trì thường xuyên, định kỳ và đặc biệt là khi cần phải có cả sinh hoạt đột xuất để quyết định những vấn đề mới. Kể cả họp trung ương, hiện 6 tháng họp 1 lần thì có thể họp đột xuất để cho ý kiến, quyết định những vấn đề lớn, hệ trọng như an ninh quốc phòng, nhân sự…

Một điều nữa là báo chí cũng phải góp phần tích cực vào công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ; lắng nghe và nói lên tiếng nói của người dân, các vị cán bộ lão thành…

Đưa thông tin về Đảng đến gần dân

Trước khi diễn ra Hội nghị Trung ương 8, ngày 28-9, Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng đã tổ chức họp báo giới thiệu nội dung và chương trình hội nghị. Đây là lần đầu tiên một Hội nghị Trung ương được cơ quan của Đảng tổ chức họp báo trước và sau kỳ họp. Ông Lê Quang Thưởng đánh giá đây là sự đổi mới tích cực.

"Việc đổi mới theo hướng ngày càng công khai, minh bạch và mở rộng đối tượng, đa dạng hình thức thông tin về hoạt động của Đảng là điều rất tốt. Tùy thuộc vào nội dung của Hội nghị Trung ương thì trung ương có thể mở rộng báo chí đưa tin để việc thông tin về Đảng đến với người dân được kịp thời, gần gũi hơn" - ông Thưởng đề nghị.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo