xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cải cách để hưởng lợi từ CPTPP

Phương Nhung

Với 100% dòng thuế đối với tất cả hàng hóa sẽ về 0% trong 7-10 năm tới sau khi CPTPP có hiệu lực vào ngày 30-12, áp lực của doanh nghiệp nội địa với hàng hóa nhập khẩu sẽ còn lớn hơn lúc gia nhập WTO

Đã có đủ 6 nước chính thức thông qua phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để hiệp định chính thức có hiệu lực gồm: Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Úc. Sau phiên thảo luận của Quốc hội ngày 5-11 về việc thông qua CPTPP, Việt Nam có thể là quốc gia tiếp theo phê chuẩn hiệp định này.

Hỗ trợ doanh nghiệp hòa nhập

Với CPTPP, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết về cơ bản, 100% dòng thuế đối với tất cả hàng hóa sẽ về 0% theo lộ trình 7 năm. Riêng Việt Nam được kéo dài lộ trình từ 7-10 năm tùy hàng hóa. Tuy vậy, khoảng thời gian ngắn ngủi chục năm sẽ vẫn mang lại thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp (DN).

Theo Bộ Công Thương, các lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia… sẽ được hưởng lợi trực tiếp và mức độ hưởng lợi khá lớn khi Việt Nam đặt chân vào CPTPP.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Bộ Công Thương nhìn nhận các bộ, ngành liên quan đã tích cực phối hợp với Chính phủ có những bước chuẩn bị tốt nhất cho DN trong việc hòa nhập với hiệp định thương mại hiện đại nhất hiện nay - CPTPP. Cụ thể, Chính phủ sẽ ban hành Chương trình hành động chi tiết hướng dẫn về mặt pháp luật, đặc biệt là việc sửa luật cho phù hợp; phổ biến, tuyên truyền về nâng cao năng lực của DN… ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn hiệp định 15 ngày.

Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) làm Sổ tay và Poster (tờ rơi hướng dẫn) để giúp DN nhanh chóng tra cứu cụ thể hàng rào thuế quan của 10 thị trường thông qua rà soát mã HS.

"Cựu Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - ông Pascal Lamy - từng chia sẻ cả thế giới đánh giá Việt Nam là nước thành công nhất trong tận dụng cơ hội ở WTO. Xuất khẩu đứng thứ 27 thế giới, giá gạo xuất khẩu cao hơn Thái Lan, trở thành đối tác thương mại số 1 trong ASEAN của EU và Mỹ, đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình 10 năm qua cao nhất thế giới… là điều trước đây không ai tưởng tượng Việt Nam làm được" - đại diện Bộ Công Thương bày tỏ lạc quan về lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Ở góc nhìn khác, đại diện Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng tuy năng lực xuất khẩu của DN Việt Nam đã được chuẩn bị từ năm 2005 khi tham gia WTO, nhưng tiêu chuẩn trong thương mại quốc tế ngày càng cao hơn và khắt khe hơn. Do vậy, để có được lợi ích từ CPTPP hay không còn phụ thuộc rất lớn vào năng lực của DN.

Bộ Công Thương cũng thừa nhận nhiều ngành hàng của Việt Nam muốn hưởng được lợi ích của CPTPP thì cần sự hỗ trợ rất lớn từ điều kiện, môi trường trong nước cũng như việc tổ chức thực thi cam kết hội nhập, cải cách để hướng tới tăng trưởng bền vững. Còn về phía DN, việc chủ động trong tiếp cận thị trường bằng chính nhãn quan của mình mới là điểm mấu chốt, bảo đảm hội nhập thành công.

Cải cách để hưởng lợi từ CPTPP - Ảnh 1.

Chế biến cá tra xuất khẩu ở An GiangẢnh: NGỌC TRINH

Nông nghiệp chịu áp lực lớn

Tuy vậy, Bộ Công Thương cho rằng trong lộ trình mở cửa tuyệt đối thị trường, ngành nông nghiệp được cảnh báo là ngành dễ bị tổn thương, chịu áp lực lớn nhất bởi đây là ngành khó chuyển đổi. "Một DN có nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp khi gặp vấn đề không may, họ dễ dàng chuyển sang mặt hàng khác. Nhưng nông dân đang chăn nuôi loại gia súc này, bảo họ chuyển sang loại khác rất khó, chưa kể đất đai, thổ nhưỡng… chưa chắc phù hợp" - lãnh đạo Bộ Công Thương nói.

Theo Bộ Công Thương, đáng lo ngại nhất đối với nông nghiệp Việt Nam là 2 nước Úc, New Zealand. Tuy nhiên, do đây là hai nước có sản phẩm ôn đới là chủ lực nên tác động xấu đến Việt Nam sẽ giảm phần nào. Mặt khác, do đã có hiệp định thương mại giữa ASEAN với Úc và New Zealand nên Việt Nam đã được "làm quen" dần và mở cửa sẵn cho một số mặt hàng của họ, như sữa. Do vậy, biến động từ CPTPP sẽ không quá lớn.

Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhấn mạnh cải cách thể chế là một trong những động lực để thúc đẩy, bảo đảm phát triển, tăng trưởng bền vững. Do đó, việc hiệp định sớm được phê chuẩn có thể kỳ vọng tạo ra những đột phá cải cách thể chế sớm cho Việt Nam, đặc biệt là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường vốn còn nhiều khiếm khuyết.

Trong thu hút đầu tư nước ngoài, một số ý kiến cho rằng lợi ích với Việt Nam không còn lớn. Một ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đánh giá việc thu hút vốn FDI nhờ tác động từ CPTPP chưa thể hiện rõ. "Với TPP12 (tiền thân của CPTPP), thị trường Mỹ quá hấp dẫn, làm cho các nước ngoài khối đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam để tận dụng xuất khẩu sang Mỹ. Nhưng CPTPP không còn Mỹ, tức lợi thế từ xuất khẩu vào thị trường Mỹ không còn, kéo theo mức độ hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm đi" - vị ủy viên này phân tích. 

Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khuyến cáo các DN chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác trong và ngoài khối để thu hút đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và chuyển giao công nghệ. Đây là cơ hội tốt để DN nội tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Không ai cho không ai cái gì!

CPTPP có hiệu lực, nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản... được đánh giá sẽ có lợi thế lớn nhờ ưu đãi về thuế suất. Dù vậy, trong câu chuyện của DN, nỗi lo lớn không kém là thuế sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình ở từng ngành hàng, nhưng có tận dụng được hay không là chuyện khác.

Như với ngành dệt may, da giày, quy định về xuất xứ trong CPTPP là từ sợi (thay vì từ vải trong hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU) nên sẽ khó để hưởng ưu đãi hơn, nhất là trong bối cảnh ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, nguyên phụ liệu cho dệt may, da giày vẫn chủ yếu phải nhập khẩu từ Trung Quốc..., vốn không phải thành viên CPTPP.

Chủ tịch HĐQT một DN may xuất khẩu tại TP HCM cho rằng khi CPTPP có hiệu lực, đơn hàng xuất khẩu sẽ dồi dào hơn nhưng vấn đề là DN tận dụng thế nào? Như DN ông, hiện khoảng 50% vải nguyên liệu xuất xứ nội địa nhưng lại được cung cấp từ 100% DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Đài Loan, Hàn Quốc... Do vậy, sắp tới nếu có được hưởng ưu đãi thuế suất thì thực sự giá trị gia tăng đem lại cho nền kinh tế và DN trong nước cũng không nhiều, mà phần lớn thuộc về DN FDI. Bài toán lúc này phải có giải pháp về nguồn cung nguyên liệu nhưng không dễ trong một sớm một chiều.

Nhìn ở góc độ khác, TS Vũ Thành Tự Anh, Trường ĐH Fulbright Việt Nam, cho rằng thực tế những FTA vừa qua, chúng ta mở cửa với thị trường nào thì thâm hụt thương mại với nước đó như khu vực ASEAN, Hàn Quốc... Điều này cho thấy năng lực không được chuẩn bị đầy đủ. Hội nhập là tốt, nhưng hội nhập sao cho chúng ta vẫn duy trì được năng lực cạnh tranh và DN chuẩn bị tốt để tận dụng cơ hội. Một vấn đề cần lưu ý là phải cải cách khu vực DN tư nhân. 15 năm trước, khu vực DN tư nhân chiếm khoảng 9% GDP, nhưng 15 năm sau, tỉ lệ này cũng không thay đổi. Việt Nam hiện có hơn 600.000 DN tư nhân nhưng phải nhìn lại biện pháp phát triển DN tư nhân đã hợp lý chưa? Cần thay đổi đột phá ra sao để khu vực này phát triển trong xu hướng hội nhập?

Trong khi đó, một nỗi lo khác được nhiều DN xuất khẩu các ngành hàng kiến nghị cơ quan quản lý quan tâm để có giải pháp phù hợp ngăn chặn là tình trạng mượn xuất xứ của hàng Trung Quốc. Tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến nhiều DN Trung Quốc dịch chuyển dòng vốn đầu tư sang Việt Nam hoặc mượn Việt Nam như "điểm đến" để hoàn thiện các công đoạn gia công, lắp ráp sau cùng rồi gắn mác "made in Vietnam" để xuất trở lại Mỹ.

Theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động này có thể là nhập xuất đơn giản hay phức tạp hơn là chế biến giả tạo thông qua DN nội địa hoặc FDI ở Việt Nam. Hoạt động này nếu không được kiểm soát và ngăn chặn có thể trở thành cái cớ để Mỹ chuyển sang áp thuế với hàng xuất khẩu Việt Nam. Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong các nền kinh tế có thặng dư thương mại với Mỹ.

Mặt hàng thép vừa qua là một bài học. Thép Việt Nam nhưng thực chất có xuất xứ từ Trung Quốc đã bị Mỹ đánh thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng lên tới 450%. Dù vậy, TS Vũ Thành Tự Anh đánh giá thời gian qua, Việt Nam đã có sự cảnh giác rất lớn đối với tình trạng "mượn xuất xứ" này, tiêu biểu là câu chuyện của ngành thép. Các DN Trung Quốc cũng không thể chuyển hàng sang Việt Nam rồi gắn mác trong một sớm một chiều mà cần độ trễ và phụ thuộc vào việc chính sách của cơ quan quản lý có ưu tiên cho những ngành hàng nguy cơ cao biến thành hàng chuyển tải của DN Trung Quốc không?

Thái Phương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo