xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

BẢO VỆ VÙNG BIÊN, VÌ BÌNH YÊN CỦA TỔ QUỐC (*): Ăn rừng nằm núi, sá gì hiểm nguy!

HOÀNG PHÚC - QUANG TÁM

Nơi rừng thiêng nước độc, địa hình hiểm trở, thiếu thốn trăm bề, bộ đội biên phòng vẫn ngày đêm bám chốt, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Cha Lo đóng tại xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Vụ sạt lở ngày 20-10-2020 đánh sập một dãy nhà ở của cán bộ, chiến sĩ và một phần nhà chỉ huy. Tuy vất vả khắc phục khó khăn do thiên tai gây ra nhưng tập thể cán bộ, chiến sĩ của đồn không một giây lơ là nhiệm vụ bảo vệ vùng biên.

BẢO VỆ VÙNG BIÊN, VÌ BÌNH YÊN CỦA TỔ QUỐC (*): Ăn rừng nằm núi, sá gì hiểm nguy! - Ảnh 1.

Trung úy Hồ Sỹ Đông, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, chuẩn bị bữa cơm chiều cho đồng đội tại chốt bản Cha Lo. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Cắm chốt ở Giăng Màn

CKQT Cha Lo là một trong những cửa ngõ tấp nập nhất tuyến biên giới 2 nước Việt - Lào của tỉnh Quảng Bình và cả miền Trung. Nơi đây, mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe nối đuôi nhau qua lại. Những ngày cận Tết Tân Sửu, lượng người đổ từ Thái Lan và Lào về tránh dịch mỗi lúc một đông.

Bên kia biên giới là Đồn Công an CKQT Nà Phàu (tỉnh Khăm Muộn - Lào). Nằm phía sau đồn là bản Lằng Khằng, nơi tập kết hàng của giới đầu nậu, thương lái và ẩn mình trong đó là những nhóm người chực chờ sơ hở để "cõng" hàng lậu, ma túy qua biên giới.

Đặc biệt, hai bên "cánh gà" CKQT Cha Lo là những đường mòn, lối mở để người dân địa phương đi hái măng rừng. Lợi dụng những đường mòn này, bọn tội phạm "cõng" hàng lậu, ma túy vào nước ta. Người Việt từ Thái Lan, Lào về nước đón Tết cũng di chuyển qua đây để né tránh cách ly. Đó là lý do các chốt của Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo được lập ra để kiểm soát mọi đường mòn, lối mở.

Chốt bản Cha Lo đóng ở cánh rừng của núi Giăng Màn, cách cửa khẩu chừng 2 km đường rừng. Muốn tới được nơi này phải lội qua 2 con suối và leo qua 1 con dốc dựng đứng. Trung tá Nguyễn Kỉnh, phụ trách chốt, cho biết chốt được lập từ hơn 7 tháng nay, biên chế 4 cán bộ - chiến sĩ, phụ trách từ cột mốc 526-527. Ban ngày phải bảo đảm luôn có 1 người canh chốt, 3 người còn lại đi tuần. Đến đêm thường có 2 người đi tuần, 2 người ở lại gác chốt. "Nhiều anh em khi tuần tra kiểm soát đường biên gặp phải trời mưa, đêm tối bị trượt ngã trầy xước cả chân tay. Chưa kể muỗi, rắn, còn vắt thì vô số. Gian khổ là vậy nhưng ai nấy đều động viên nhau thực hiện tốt nhiệm vụ được giao" - trung tá Kỉnh nói.

Một chiến sĩ khác cho biết thêm: "Chúng tôi luôn đối mặt vô vàn hiểm nguy. Có khi gặp phải bọn buôn lậu có mang súng, dao; lúc thì gặp rắn độc; lúc leo núi không cẩn thận, vấp ngã bị thương... Nhưng có nguy nan mấy cũng phải chấp nhận".

Theo thượng tá Phan Thanh Bổng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo, hiện nay đồn quản lý, bảo vệ đường biên dài 28,5 km, với 8 mốc quốc giới từ 522 - 528 và 1 xã biên giới là Dân Hóa. Cán bộ, chiến sĩ của đồn luôn vượt qua khó khăn, phát huy tinh thần chiến đấu, quyết tâm đấu tranh tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự xã hội, biên giới quốc gia. Mới đây, ngày 30-12-2020, Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo phối hợp với các lực lượng chức năng phá chuyên án ma túy vận chuyển 40 bánh heroin, bắt giữ Khuất Đình Diễn và Đặng Thị Thu Trang - 2 đối tượng trong đường dây ma túy xuyên quốc gia.

BẢO VỆ VÙNG BIÊN, VÌ BÌNH YÊN CỦA TỔ QUỐC (*): Ăn rừng nằm núi, sá gì hiểm nguy! - Ảnh 2.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm băng rừng lội suối làm nhiệm vụ tuần tra..Ảnh: QUANG TÁM

Canh giữ miền biên viễn

Tuyến tỉnh lộ từ trung tâm huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế vào Đồn Biên phòng Nhâm thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế (đóng ở xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới) dài tầm 20 km, hiện vẫn còn nhiều điểm sình lầy do sạt lở núi gây ra. Thượng tá Nguyễn Đức Hạnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhâm, tiếp chúng tôi. Ông chuẩn bị sẵn bếp lửa để mọi người sưởi ấm sau 2 giờ vượt núi đến đồn.

Thượng tá Hạnh nói trong năm 2020, lực lượng của đồn thực hiện thêm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, với 5 chốt phòng dịch sát đường biên và các đường mòn, lối mở. Bên cạnh đó, đồn bố trí 2 đội cơ động thực hiện tuần tra để phát hiện, ngăn chặn những người xâm nhập trái phép. "Đây là địa bàn rộng lớn, khí hậu khắc nghiệt, địa hình rừng núi nên anh em gặp không ít khó khăn để làm tốt nhiệm vụ" - thượng tá Hạnh nói.

Ngoài đóng vai trò chủ công phòng chống dịch, hiện tại, Đồn Biên phòng Nhâm quản lý, bảo vệ tuyến biên giới 33 km, giáp tỉnh Sê Kông - Lào, với 9 mốc biên giới từ 649 đến 657. Trong 9 mốc này có 4 mốc trung, 5 mốc tiểu, ở địa bàn 4 xã Hồng Thượng, Hồng Thái, Quảng Nhâm và Hồng Bắc của huyện A Lưới. Hằng tháng, lực lượng biên phòng của đồn lại cử các tổ công tác thay phiên vào tuần tra bảo vệ cột mốc quốc giới.

Cột mốc số 655 nằm xa nhất và có địa hình hiểm trở nhất. Để vào tới cột mốc này, lực lượng biên phòng đồn Nhâm lên xuồng ở dưới chân cầu sông A Sáp ở xã Hồng Thái (A Lưới) rồi ngược sông tầm 20 phút. Sau đó phải đi bộ hàng giờ men theo dòng suối A Lin, đạp đá nhọn băng dòng khe Ly, khe Pi Ây mới đến được chân đồi Pi Ây khi mặt trời đã lặn. Sau một đêm dựng trại ở lại dưới chân đồi, sáng sớm đoàn công tác tiếp tục băng rừng lội suối để tầm 15 giờ mới tới được cột mốc...

Cứ như thế, ngày qua ngày, những người lính áo xanh không quản gian lao, hiểm nguy với một một tấm lòng trung kiên, bền bỉ hy sinh thân mình để canh giữ bình yên nơi "phên dậu" Tổ quốc. 

Vận động người dân tham gia quản lý đường biên

Thượng tá Nguyễn Đức Hạnh cho biết thực hiện nhiệm vụ quản lý trên địa bàn, đến nay Đồn Biên phòng Nhâm đã vận động được 1.456 hộ gia đình tham gia 46 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới với phương châm "mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống". Trong 5 năm qua, đồn đã phối hợp với các xã trên địa bàn tổ chức 240 đợt tuần tra với gần 2.000 lượt người tham gia. "Việc phát huy sức mạnh toàn dân, nhân rộng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trong tình hình mới là chủ trương đúng đắn của Đảng, nhà nước" - thượng tá Hạnh khẳng định.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-1

Kỳ tới: Chốt là nhà, biên giới là quê hương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo