xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm

Bài và ảnh: THIÊN ĐĂNG

Nằm phía Tây Bắc của tỉnh An Giang, làng cổ Châu Phong thuộc thị xã Tân Châu không chỉ mang đậm nét đặc trưng văn hóa Chăm ở vùng biên giới mà còn là nơi lưu giữ nghề truyền thống dệt thổ cẩm

Thuở xưa, người Chăm đến vùng đất Tân Châu sinh sống, họ mang theo nghề dệt của dân tộc mình. Theo thời gian, nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu bắt đầu hình thành và phát triển.

Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm - Ảnh 1.

Công đoạn quay chỉ dệt thổ cẩm Chăm ở làng Châu Phong

Đậm bản sắc văn hóa Chăm

Qua lời kể của các cụ lớn tuổi, làng dệt thổ cẩm Chăm Châu Phong ra đời cách đây hơn 100 năm. Xưa kia, người Chăm nào cũng có ít nhất một khung dệt trong nhà, nghề dệt trở thành công việc mà người phụ nữ Chăm nào cũng phải biết.

Những người phụ nữ Chăm chủ yếu chỉ loanh quanh trong nhà với khung dệt, vải, tơ, sợi vì ảnh hưởng của tục cấm cung. Các bé gái từ 10 tuổi đã được người trong gia đình truyền lại các thao tác cơ bản của nghề dệt. Khi đến tuổi trưởng thành, các cô gái Chăm ở đây đều thành thạo, nhuần nhuyễn với nghề, trở thành những người thợ dệt chuyên nghiệp của làng. Trong số các thợ dệt ở Phũm Soài, có nhiều người chỉ trên 30 tuổi nhưng đã có đến 20 năm gắn bó với nghề, trở thành nghệ nhân ở độ tuổi còn rất trẻ.

Các sản phẩm dệt thổ cẩm của người Chăm thường gắn liền với đời sống hằng ngày của con người nơi đây như áo, váy, khăn đội đầu, xà rông, nón… với màu sắc, hoa văn, họa tiết khác nhau như con thoi, răng cưa, lòng đèn, ô vuông, kẻ sọc. Ngày nay, người Chăm nắm bắt nhu cầu thị hiếu của khách hàng về các sản phẩm, họ đã tạo ra những chiếc túi thơm, móc khóa, ba lô, ví…

Đồng thời, họ tiếp thu những kiểu hoa văn mới lạ, đẹp mắt từ nơi khác kết hợp với kiểu hoa văn truyền thống để sáng tạo ra các hoa văn mới, mặt lưới, sóng nước, vân mây, bông dâu… thêm phần sinh động nhưng vẫn giữ được bản sắc truyền thống.

Chính nhờ những sản phẩm dệt thổ cẩm của người dân Châu Phong mang đậm bản sắc văn hóa Chăm, vừa có sự mềm mại từ chất liệu, cuốn hút bởi dáng vẻ duyên dáng, vừa mang nét bí ẩn, kết hợp tinh xảo từ cách phối màu tơ, đến kỹ thuật dệt, bố cục tổng thể, tạo hình hoa văn, đã tạo nên một nét văn hóa độc đáo vùng đầu nguồn châu thổ Cửu Long.

Để tạo nên những tấm thổ cẩm độc đáo, cần có khung cửi được làm từ gỗ với các bộ phận như go, lược, trục lớn, kệ… cùng đôi bàn tay của những cô gái Chăm khéo léo, trải qua rất nhiều công đoạn, thời gian, quy trình sản xuất độc đáo. Người Chăm đem ống chỉ chia ra thành nhiều ống nhỏ trước khi kéo canh.

Người thợ mang sợi ngâm nước qua đêm, sau khi ngâm sợi, họ tiếp tục tẩy trắng. Kế đó là công đoạn nhuộm, họ dùng các chất liệu thiên nhiên lấy từ mủ cây klék, vỏ cây pahud, trái mặc nưa… để nhuộm tơ, vì thế mà các sản phẩm dệt đều bền, màu sắc không phai. Các sợi sẽ được phơi đến khi khô hoàn toàn thì người thợ dệt sẽ cho sợi vào ống chỉ để suốt. Tiếp đó, họ thực hiện việc mắc sợi dọc, cuối cùng sẽ là các công đoạn dệt, tạo hoa văn cho vải thổ cẩm.

Năm 1960-1965 được xem là thời kỳ hưng thịnh nhất khi cả làng có hơn 200 hộ cùng nhau làm nghề dệt thổ cẩm, trong làng dọc ven đường là các sạp hàng buôn bán sản phẩm dệt thổ cẩm. Các sản phẩm như khăn rằn, xà rông... được bán sang tận Campuchia, Malaysia. Năm 1975-1976, tổ hợp dệt làng Châu Phong ra đời, các hộ dân cùng nhau hợp tác dệt, sản phẩm làm theo đơn đặt hàng, chủ yếu là khăn rằn phục vụ cho bộ đội. Ngoài ra, sản phẩm còn bán ở các địa phương lân cận và TP HCM.

Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm - Ảnh 2.

Quy trình dệt và tạo hoa văn thổ cẩm Chăm ở làng Châu Phong

Quyết không để mai một

Ban đầu, nghề dệt khá thủ công, các sản phẩm làm lúc bấy giờ chủ yếu phục vụ cho nhu cầu ăn mặc của gia đình, cộng đồng dân tộc. Thế nhưng sau đó, sản phẩm dệt máy ra đời với công nghệ hiện đại cho năng suất cao, giá thành rẻ. Dệt thổ cẩm Chăm được làm bằng thủ công không còn được ưa chuộng nữa do chi phí sản xuất cao, giá sản phẩm cũng đắt hơn dệt công nghiệp. Nhiều nghệ nhân bắt đầu bỏ nghề đi tìm công việc khác, người làng dệt đi mua bán vải ở các vùng miệt vườn, sản phẩm dệt ra cũng bắt đầu giảm.

Những năm gần đây, UBND tỉnh An Giang cùng với UBND thị xã Tân Châu luôn có những kế hoạch để bảo tồn nghề dệt truyền thống thổ cẩm Chăm Châu Phong, các lớp tập huấn du lịch, hội thảo về du lịch đã được triển khai.

Bà Zaymah, hơn 40 năm sống với nghề dệt thổ cẩm Chăm, hy vọng UBND thị xã Tân Châu tạo nhiều điều kiện hơn nữa để nghề dệt duy trì và phát triển. Còn ông Mohamad, chủ cơ sở dệt thổ cẩm Mohamad, khao khát bảo tồn nghề dệt truyền thống của cha ông để lại. Ông thường xuyên học hỏi thông qua các hội thảo về du lịch, giao lưu các dân tộc với nhau và tìm tòi sáng tạo thêm các sản phẩm dệt bằng thổ cẩm được thêu thêm hoa văn phục vụ nhu cầu khách du lịch.

Hiện nay, làng dệt thổ cẩm Châu Phong chỉ còn 2 hộ duy trì nghề dệt, với 10 nghệ nhân tâm đắc với nghề mong muốn không để nghề truyền thống của cha ông bị mai một. "Cơ sở của tôi ra đời cách đây hơn 100 năm, được ông tôi truyền lại. Trải qua những lúc thăng trầm, tưởng chừng chúng tôi không giữ được nghề. Hiện nay, các nghệ nhân với hơn 40 tuổi nghề, họ và tôi đang cố gắng để nghề truyền thống của dân tộc không bị mai một" - ông Mohamad nói.

Nỗ lực duy trì

Ông Nguyễn Anh Phương, Phó trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng thị xã Tân Châu, cho biết nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở Tân Châu hiện không được phát triển như trước mà chỉ còn mang tính bảo tồn bằng cách là trong các chương trình khuyến công ở địa phương, phòng đã hỗ trợ máy móc, khung dệt, đưa đại diện đồng bào Chăm đi học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi. "Thực tế, phải thừa nhận rằng để phát triển làng nghề dệt thổ cẩm được như trước đây là rất khó. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cùng bà con đồng bào Chăm bảo tồn làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống này" - ông Phương nói.

Kỳ Đồng


ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH


Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm - Ảnh 4.
Bảo tồn nghề dệt thổ cẩm - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo