xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

BẢO TỒN BIỆT THỰ CŨ: CHƯA ỔN! (*): Cần hài hòa các mục tiêu

Bài và ảnh: Quốc Anh

Các chuyên gia cho rằng muốn bảo tồn biệt thự cũ, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có chính sách mang lợi ích kinh tế cho chủ sở hữu

Vấn đề khó khăn cho công tác bảo tồn biệt thự cũ tại TP HCM là giải quyết hài hòa ý chí bảo vệ công trình có giá trị kiến trúc với lợi ích kinh tế từ khai thác quỹ đất vốn là nhu cầu bức thiết của chủ sở hữu.

Nhà nước nên mua lại biệt thự nhóm 1

Ông Trương Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM, Chủ tịch Hội đồng phân loại biệt thự, cho rằng việc đánh giá, phân loại biệt thự cũ để bảo tồn mới chỉ là bước đầu. Vấn đề quan trọng sau đó là cần chính sách hợp lý vì đa số chủ sở hữu không đủ điều kiện để bảo vệ công trình lâu dài. Trong chương trình hành động bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị, thành phố giao cho các đơn vị nghiên cứu chính sách bảo vệ công trình đã phân loại nhằm bảo đảm công tác bảo tồn hài hòa với lợi ích kinh tế của chủ sở hữu.

BẢO TỒN BIỆT THỰ CŨ: CHƯA ỔN! (*): Cần hài hòa các mục tiêu - Ảnh 1.

Biệt thự 55 Tú Xương (quận 3, TP HCM) vẫn giữ được hiện trạng bên ngoài, là nhà hàng phong cách Sài Gòn xưa

Sở Quy hoạch - Kiến trúc từng kiến nghị HĐND thành phố, UBND thành phố xem xét hàng loạt vấn đề, như ban hành các cơ chế, chính sách cho công tác bảo tồn của thành phố kết hợp phát triển du lịch. Đối với các biệt thự được phân loại vào nhóm 1 có giá trị và số lượng không nhiều, sở kiến nghị cần có chủ trương thu hồi hoặc trưng mua (nếu của tư nhân) nhằm có điều kiện bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của các biệt thự này. Bên cạnh đó, thành phố bố trí vốn ngân sách cho việc nghiên cứu xây dựng các quy chế quản lý, xây dựng các đồ án thiết kế đô thị tại khu vực có di tích trọng điểm của thành phố.

Ông Trương Trung Kiên đánh giá những đề xuất trên đều hay, đa phần từ việc tham khảo một số nước nhưng tính khả thi hoàn toàn phụ thuộc quy định pháp luật.

"Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất để thành phố xem xét, nếu vấn đề thuộc thẩm quyền thì thành phố giải quyết; việc nào vướng quy định của pháp luật thì đề xuất, kiến nghị cấp cao hơn. Phải có chính sách thì công tác bảo tồn mới thực hiện được. Ngoài ra, để bảo tồn, khai thác kinh tế từ biệt thự cũ, phải có chương trình hành động, bao gồm nhiều cấu phần khác nhau, giao cho nhiều đơn vị… Đây là một chuỗi các công việc, ai cũng phải làm tốt vai trò trách nhiệm của mình" - ông Trương Trung Kiên nói.

Cần hiểu nhu cầu bức thiết của người dân

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Sử học TP HCM, cho rằng biệt thự cũ đối với thành phố là di sản quý vì nó thể hiện một giai đoạn kiến trúc rất đẹp. Hơn nữa, hiện nay biệt thự cũ không chỉ được nhìn nhận dưới góc độ nghệ thuật kiến trúc mà còn nên nhìn nhận dưới góc độ giá trị về kinh tế.

"Từ những năm 1990-2000, hàng loạt biệt thự cũ được bán hóa giá, đây cũng là bước tiến để có nguồn kinh phí có thể trùng tu, bảo tồn những biệt thự cũ mà nhà nước không có khả năng "ôm" hết. Việc bán hóa giá này mang lại khá nhiều diện mạo cho biệt thự, chủ yếu là chuyển đổi chức năng làm quán ăn, quán cà phê. Rõ ràng biệt thự có chức năng là nơi ở, sinh hoạt của một gia đình, biến đổi chức năng không phải là hay lắm nhưng trong trường hợp cụ thể này có thể chấp nhận được, đặc biệt là những thành phố phát triển du lịch như TP HCM" - tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nói.

BẢO TỒN BIỆT THỰ CŨ: CHƯA ỔN! (*): Cần hài hòa các mục tiêu - Ảnh 2.

Biệt thự 59 và 61 Tú Xương (quận 3, TP HCM) được cải tạo nửa vời, nhếch nhác

Chuyên gia này cho rằng trước đây có nhiều biệt thự bị phá đi hoặc xuống cấp, người dân không muốn bảo tồn do nhu cầu bức thiết của cuộc sống. Thành phố phải chấp nhận điều này vì đó là lý do chính đáng. Để quản lý tốt hơn, theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, những công sở, cơ quan chức năng nhà nước sử dụng các biệt thự phải có trách nhiệm bảo tồn đầu tiên.

"Ngoài ra, vì biệt thự nằm ở vị trí đắc địa luôn có khả năng thu lợi lớn, phải có chính sách để người dân cảm thấy vinh dự về bảo tồn văn hóa nhưng đồng thời cũng phải có quyền lợi kinh tế. Bởi vì biệt thự nằm ở vị trí đắc địa hoặc là kiếm ra tiền, là mối lợi thu về lớn… Còn nếu không có chính sách đi kèm thì việc xếp hạng bảo tồn và chỉ khuyến khích người dân về tinh thần thì thực sự đi vào ngõ cụt, không giải quyết được" - tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nhấn mạnh.

Nói về tính hữu dụng, tiến sĩ khoa học - kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn nhận định hướng bảo tồn biệt thự là tốt nhưng cách làm hiện nay còn nhiều bất cập, cảm tính và chưa khoa học: "Chưa khoa học là do vẫn theo xu hướng bảo tồn biệt thự như là bảo tồn di tích. Chúng ta không nhất thiết phải bảo tồn biệt thự cũ như di tích. Việc giữ nguyên trạng chỉ nên áp dụng với những công trình liên quan tới lịch sử, sự kiện lịch sử mang tầm quốc gia, quốc tế và nên chọn những công trình thuộc quản lý nhà nước".

Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng nhiều biệt thự rất rộng chỉ nên bảo tồn phía trước, phía sau vẫn cho chủ sở hữu xây cao với phong cách phù hợp để vừa bảo tồn được biệt thự vừa cân đối được hiệu quả sử dụng đất.

"Hiện rất nhiều biệt thự nhóm 1 chỉ cao 1 - 2 tầng, nằm lọt thỏm giữa những tòa nhà cao tầng nhìn phản cảm, không phù hợp. Vì vậy cần có sự chuyển tiếp về không gian, cho phép cải tạo và cho xây dựng cao ở phía sau, vì thường biệt thự rất rộng. Bắt chủ sở hữu không thay đổi, giữ nguyên hiện trạng là phi khoa học… Việc này vừa không hợp lý về sử dụng đất và tạo những chênh lệch giữa khu bảo tồn và khu xung quanh" - KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.

Cũng theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, việc bảo tồn biệt thự cũ nên thực hiện ở từng khu vực và quản lý theo nhóm, đi kèm với đó là quy hoạch chỉnh trang, cụ thể như khu biệt thự như thế nào, khu xung quanh như thế nào... Tuy nhiên, đây là điểm thành phố chưa làm được vì còn tình trạng "da beo".

"Khi chỉnh trang cần có hướng dẫn thiết kế đô thị về màu sắc, vật liệu... Không chỉ công trình bảo tồn mà khu xung quanh phải thực hiện theo, đặc biệt là khu trung tâm như đường Tú Xương, Phùng Khắc Khoan, Trương Định... Chúng ta làm hẳn một con đường thì hiệu quả hơn, chứ hiện nay cách làm mang tính đối phó, bảo tồn mang tính giấy tờ chứ không hiệu quả cho thành phố" - KTS Ngô Viết Nam Sơn thẳng thắn đánh giá.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-5

Chuyển quyền phát triển không gian

Để hài hòa lợi ích kinh tế, công bằng cho chủ sở hữu biệt thự, nhiều chuyên gia đề xuất sử dụng chính sách chuyển quyền phát triển không gian. Theo đó, chuyển quyền phát triển không gian được xem là một cơ chế hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ sở hữu cũng như mục tiêu bảo tồn biệt thự cũ. Chuyển quyền phát triển không gian là cơ chế cho phép việc chuyển quyền phát triển không gian giữa các địa điểm. Tức là khi quyền phát triển không gian của một địa điểm bị hạn chế sử dụng tại địa điểm đó, nó sẽ được chuyển đến địa điểm khác theo quy định (thông qua các hình thức: mua bán, trao đổi, cho - nhận...)

Trên thế giới, cơ chế chuyển quyền phát triển không gian được hình thành từ đầu thế kỷ XX tại Mỹ, sau đó được áp dụng rộng rãi tại Mỹ, châu Âu và các quốc gia khác trên thế giới từ nửa sau thế kỷ XX đến nay. Tại Việt Nam, chuyển quyền phát triển không gian là một khái niệm khá mới mẻ và chưa được định nghĩa tại bất kỳ văn bản pháp lý nào.

Biệt thự trăm năm tuổi bị đập bỏ

Nhiều biệt thự cũ có giá trị lớn, vào thời điểm chưa đầy đủ quy định và vì nhu cầu của chủ nhân nên bị phá dỡ làm giới nghiên cứu hết sức nuối tiếc. Như năm 2016, biệt thự 12 Lý Tự Trọng (quận 1) sau khi rao bán cho một Việt kiều đã bị đập bỏ chỉ trong 1 đêm, từ vị trí đó mọc lên tòa cao ốc.

Tại quận Bình Thạnh, căn biệt thự 237 Nơ Trang Long từng được nhà báo Phạm Công Luận gọi là "nhà cổ ven đường" trong tập sách "Sài Gòn - Chuyện đời của phố". Tuy nhiên, cũng năm 2016, chủ nhân căn biệt thự gần 100 tuổi này đã đập bỏ và rao bán cả gạch, cột gỗ khi chưa xin ý kiến của UBND TP HCM. Việc này tạo ra sự phản ứng của các nhà nghiên cứu và sau đó công trình bị đình chỉ 2 năm. Đến năm 2018, UBND quận Bình Thạnh và Sở Quy hoạch - Kiến trúc đánh giá biệt thự thuộc nhóm 3 (không cần bảo tồn) và chủ nhà tiếp tục thuê người tháo dỡ phần còn lại để dùng đất cho mục đích khác!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo