xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bao phủ vắc-xin Covid-19 cho toàn dân

THẾ DŨNG

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần "bao phủ vắc-xin cho người dân" nhưng phải có thứ tự ưu tiên và không vì có vắc-xin mà chủ quan với dịch Covid-19

Ngày 24-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Cơ bản kiểm soát dịch tốt tại 11/13 tỉnh, thành

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định tình hình dịch đã cơ bản kiểm soát tốt tại 11/13 tỉnh, thành, gần 2 tuần không ghi nhận ca mắc mới. Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch sử dụng vắc-xin và làm việc với các đối tác nhập khẩu để sớm đưa vắc-xin phòng bệnh Covid-19 về Việt Nam. Bên cạnh đó, bộ cũng chỉ đạo thúc đẩy mạnh mẽ việc nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước; xã hội hóa và huy động các nguồn lực phục vụ việc cung cấp vắc-xin phòng Covid-19 một cách nhanh nhất, rộng nhất.

Bộ Y tế đã cấp chứng nhận cho 3 kho lạnh âm sâu đến -86 độ C, 51 kho lạnh từ 2 - 8 độ C cùng hệ thống thiết bị vận chuyển vắc-xin chuyên dụng với khả năng lưu trữ khoảng 170 triệu liều vắc-xin.

Cũng tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu cho biết đến nay tình hình dịch Covid-19 ở địa phương chuyển biến tốt, số ca dương tính giảm. Tỉnh xác định xét nghiệm là rất quan trọng. Do dịch kéo dài, diện rộng, nên việc lấy mẫu xét nghiệm khá lớn, dự báo khi kết thúc giãn cách xã hội trên địa bàn, số lượng xét nghiệm có thể trên 500.000 mẫu. Vì vậy, tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, hỗ trợ kinh phí để Hải Dương triển khai công tác phòng chống dịch; các đoàn chuyên gia tăng cường của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tỉnh Hải Dương đến khi đẩy lùi dịch bệnh.

Bao phủ vắc-xin Covid-19 cho toàn dân - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế khi đưa gần 117.000 liều vắc-xin về đến Việt Nam để sớm tiêm chủng cho người dân Ảnh: QUANG HIẾU

Ngoài ra, ông Lương Văn Cầu cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh, thành hỗ trợ Hải Dương trong việc lưu thông hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, nhất là đường ra cảng Hải Phòng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh cho hay thời gian qua, tỉnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch với hơn 340 trường hợp, tổng số tiền phạt khoảng 1 tỉ đồng. Về tình hình sản xuất - kinh doanh, theo bà Hạnh, các ngành công nghiệp như than, điện không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, ngành du lịch, dịch vụ bị đình trệ, quý I/2021 chỉ đón 700.000 lượt khách so với mục tiêu đặt ra là 3,6 triệu lượt.

Trong ngày 24-2, Việt Nam có thêm 11 ca mắc Covid-19, đều ở Hải Dương. Hiện tổng số ca mắc Covid-19 ở nước ta là 2.412 trường hợp, trong đó 1.504 ca mắc do lây nhiễm trong nước.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết TP đã có biện pháp quyết liệt khi phát hiện 3 ca dương tính vào ngày 22-2 là nhân viên y tế tại Bệnh viện Giao thông Vận tải và bạn gái, em bạn gái. Tỉnh mở rộng truy vết, xét nghiệm các trường hợp F1, F2 và đều có kết quả âm tính. "Hải Phòng sẽ dùng ngân sách TP để mua vắc-xin và tiêm cho 2 triệu dân TP; mong muốn Chính phủ, Bộ Y tế quan tâm, tạo điều kiện" - ông Tùng đề xuất.

Phó Chủ tịch TP HCM Dương Anh Đức cho biết với các biện pháp chống dịch khẩn trương và quyết liệt, đến nay TP đã kiểm soát hoàn toàn ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất; giám sát chặt những người từ tỉnh, thành khác về TP, cho cách ly y tế và lấy mẫu xét nghiệm. TP HCM cũng đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đề xuất Chính phủ có cơ chế hỗ trợ các địa phương mua vắc-xin tiêm phòng cho người dân; có hướng dẫn chung với các địa phương về lưu thông hàng hóa; quy định rõ thời gian cách ly y tế với trường hợp F1.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, việc ách tắc hàng hóa thời gian ban đầu tại Hải Dương là kinh nghiệm cho các địa phương khác. Bộ Công Thương đã kết nối với các tập đoàn bán lẻ để tiêu thụ hàng hóa cho Hải Dương. Tuy nhiên, vướng không phải do nhu cầu không có, chuỗi siêu thị không nhiệt tình mà là do vấn đề vận tải. Mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn về vận tải hàng hóa an toàn nhưng có tình trạng các địa phương hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau. Đến nay, vấn đề cơ bản đã được xử lý. "Tháo gỡ để hàng hóa lưu thông là điều kiện căn bản để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ" - Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.

Chiến lược "vắc-xin + 5K"

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng biểu dương Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và các địa phương đã tích cực, quyết liệt trong phòng chống dịch; biểu dương các đoàn tiền phương, nhiều cá nhân xuất sắc lăn lộn trong vùng dịch. Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế khi thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ đưa gần 117.000 liều vắc-xin về Việt Nam để sớm tiêm chủng cho người dân.

Nhấn mạnh thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo một số biện pháp.

Về vấn đề vắc-xin, ngành y tế phải có những biện pháp kịp thời để tiêm cho các đối tượng sẽ được quy định rõ hơn tại một nghị quyết của Chính phủ. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế sớm trình dự thảo nghị quyết về vấn đề tiêm vắc-xin với những đối tượng được ưu tiên.

"Chiến lược của chúng ta là "vắc-xin + 5K". Không thể ngay một lúc tiêm vắc-xin được cho tất cả 100 triệu người nên phải có thứ tự ưu tiên. Không vì có vắc-xin mà chúng ta chủ quan" - Thủ tướng nêu rõ.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương đẩy mạnh việc học trực tuyến để bảo đảm việc học tập cho học sinh, sinh viên. Các bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế và UBND các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các khu vực cách ly, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch; thực hiện nghiêm quy định cách ly tập trung và tăng cường giám sát việc thực hiện cách ly y tế, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm trong cơ sở cách ly. Tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác kiểm soát đường biên giới, đường bộ, đường thủy; quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, không để xảy ra tình trạng vượt biên trái phép, nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Thủ tướng giao Bộ Y tế làm đầu mối để tiếp nhận các kênh có vắc-xin phù hợp điều kiện của Việt Nam với giá rẻ, minh bạch để có khối lượng cần thiết phục vụ nhân dân. 

Nguyên tắc ưu tiên khi tiêm vắc-xin

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trước mắt, vắc-xin ưu tiên cho nhân viên y tế, cơ sở điều trị, xét nghiệm, nhân viên lấy mẫu. Thứ hai là lực lượng biên phòng, công an tại khu cách ly. Thứ ba là lực lượng truy vết, khoanh vùng, dập dịch tại vùng có dịch, lực lượng phòng chống dịch tự nguyện và các đối tượng khác theo nghị quyết của Chính phủ.

Việc tiêm vắc-xin phải theo nguyên tắc: đối tượng có nguy cơ cao tiêm trước, nguy cơ thấp tiêm sau; vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch tiêm sau.

Cần ngay quy chế về lưu thông hàng hóa vùng có dịch

Nhấn mạnh không "ngăn sông cấm chợ" trong lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế ban hành ngay quy trình tiêu thụ nhanh các sản phẩm nông nghiệp trong vùng có dịch, vừa bảo đảm yêu cầu phòng dịch vừa không để ách tắc.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành nhất là các tỉnh, thành đang có dịch có biện pháp cụ thể để kiểm soát dịch, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế không can thiệp sâu vào những vấn đề cụ thể của địa phương, giao quyền cho địa phương ban hành các biện pháp cụ thể như phong tỏa, áp dụng các Chỉ thị 15, 16... và kịp thời giải tỏa khi tình hình đã ổn định.

Thủ tướng nhất trí cho rằng các địa phương, nhất là khu vực có cảng như Hải Phòng, phải bảo đảm lưu thông hàng hóa bình thường, chủ động phòng chống nhưng không "ngăn sông cấm chợ". Bộ Y tế, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Quốc phòng và các địa phương phải chuẩn bị một số khu vực như Singapore đã làm, đó là hình thành những khu vực giao dịch cần thiết, an toàn, không để ách tắc.

"Bảo vệ sức khỏe nhân dân rất quan trọng nhưng không thể vì chống dịch mà để ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người dân. Đây là những vấn đề quan trọng, nếu không giải quyết sớm thì sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng, phát triển" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo