xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG KHÔNG NGỪNG PHỤNG SỰ: Chạm đến trái tim mọi người

Ý LINH

Những chương trình của Báo Người Lao Động đã chạm đến trái tim của cộng đồng, được chính những người trong cuộc nhìn nhận như một hành trình của sự tử tế

Sáng 1-3, Báo Người Lao Động tổ chức tổng kết chương trình "Tình thương cho em" - một trong những chương trình của báo trong 2 năm đại dịch vừa qua, gồm: "ATM thực phẩm miễn phí" (từ tháng 4-2020), "Tết ấm cho người vô gia cư" (từ tháng 2-2021), "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" (từ tháng 5-2021), "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch" (từ tháng 6-2021), "Tình thương cho em" (từ tháng 9-2021) và "Tết sẻ chia" (tháng 1-2022).

Tham dự buổi lễ có ông Trương Hòa Bình - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.

BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG KHÔNG NGỪNG PHỤNG SỰ: Chạm đến trái tim mọi người - Ảnh 1.

Ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, trao hỗ trợ cho các em học sinh mồ côi có mặt tại lễ tổng kết chương trình “Tình thương cho em” Ảnh: TẤN THẠNH

Nhân rộng tinh thần tương thân tương ái

Tại buổi lễ tổng kết, chương trình "Tình thương cho em" tiếp tục trao 35 suất hỗ trợ cho trẻ có cha, mẹ mắc Covid-19 không may qua đời ở tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Nhà Bè, TP Thủ Đức (TP HCM). Như vậy, sau thời gian triển khai nhanh chóng và hiệu quả, chương trình đã kịp thời trao hơn 440 suất hỗ trợ cho trẻ em mồ côi do đại dịch ở TP HCM và nhiều tỉnh, thành tại miền Nam, miền Trung (mỗi suất 5 triệu đồng).

Từ rất sớm, các em học sinh mồ côi do Covid-19 tại huyện Nhà Bè, TP Thủ Đức, tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với đồng phục tươm tất đã có mặt tại trụ sở Báo Người Lao Động để tham dự buổi tổng kết chương trình. Có em đi cùng cha, có em đi cùng mẹ nhưng có em không còn cả cha lẫn mẹ. Những đôi mắt trong veo lại đượm buồn khiến NSND Kim Cương không kìm được xúc động. "Thương mấy đứa nhỏ quá!" - NSND Kim Cương đã không dưới một lần cảm thán trong thời gian diễn ra chương trình.

BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG KHÔNG NGỪNG PHỤNG SỰ: Chạm đến trái tim mọi người - Ảnh 2.

Báo Người Lao Động nhận khánh lưu niệm từ Ủy ban MTTQ TP HCM với sự chứng kiến của nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình Ảnh: TẤN THẠNH

Em Phạm Trần Hoài Thương (SN 2014, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) xúc động: "Nhà em có 5 chị em gái đều đang đi học. Sau khi ba bị Covid-19 qua đời, mẹ em trở thành trụ cột chính của gia đình. Mẹ làm nghề tự do, do dịch bệnh nên cũng thất nghiệp, cả gia đình rất khó khăn. Hôm nay, được chương trình trao hỗ trợ, em rất vui và thấy may mắn. Em cảm ơn chương trình nhiều lắm!".

Phát biểu tại buổi lễ, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, chia sẻ với mong muốn góp sức cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM nói riêng và cả nước nói chung trong công tác phòng chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội, suốt 2 năm đại dịch vừa qua, Báo Người Lao Động đã tổ chức nhiều chương trình như "Tổ quốc cần, cả nước chung tay", "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch", "Tình thương cho em", "Tết sẻ chia"... Những chương trình này đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, nhân rộng tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng.

Trong đó, thông qua 2 chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" và "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch", Báo Người Lao Động đã làm cầu nối giúp bạn đọc, doanh nghiệp thực hiện thăm và trao hỗ trợ cho 101 điểm phong tỏa, cách ly trên địa bàn TP HCM, trong đó có 31 bệnh viện, trung tâm y tế với tổng trị giá hơn 6,4 tỉ đồng. Với chương trình "Tết sẻ chia", Báo Người Lao Động đã trao 957 suất quà, trị giá hơn 478 triệu đồng tại TP HCM và một số tỉnh, thành lân cận...

Theo ông Tô Đình Tuân, trong các chương trình trên, "Tình thương cho em" đã để lại dấu ấn hết sức đặc biệt. Ông cho biết chương trình được phát động trong bối cảnh dịch bệnh đã gây ra những tổn thất nghiêm trọng lên mọi mặt đời sống xã hội tại TP HCM nói riêng và nhiều tỉnh, thành trên cả nước nói chung. Đau xót hơn, hơn 1.500 trẻ đang tuổi ăn, tuổi học phải chịu cảnh mất cha, mẹ vì dịch Covid-19.

Ngay trong sáng 16-9-2021, một ngày sau khi thông tin về số trẻ mồ côi được Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM công bố, Báo Người Lao Động đã tiên phong "bắc cầu nhân ái" kêu gọi, vận động cộng đồng, bạn đọc chung tay góp phần xoa dịu nỗi đau qua chương trình "Tình thương cho em".

Chương trình đã chạm được đến trái tim của nhiều người, thu hút sự quan tâm, đồng hành vô điều kiện từ đông đảo bạn đọc, doanh nghiệp và đơn vị nhiều nơi trên cả nước. Nhờ đó đã nhanh chóng huy động được một nguồn lực mạnh mẽ để chương trình "Tình thương cho em" sớm được triển khai và đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội cùng chính quyền.

"Phải nói rằng đây cũng là chương trình có kỷ lục về thời gian và số bạn đọc tham gia hưởng ứng. Chỉ sau gần 2 tháng, chương trình đã vận động được số tiền ủng hộ lên tới gần 2,2 tỉ đồng. Có những khoản tiền nhỏ chỉ vài chục ngàn, có khoản tiền hàng chục triệu đồng, có người để lại tên nhưng cũng có rất nhiều người vô danh. Dù ít hay nhiều, họ đều chung một tấm lòng chia sẻ cùng các hoàn cảnh khó khăn của trẻ em mồ côi do cha, mẹ mất trong đại dịch" - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động nhấn mạnh.

Chung tay viết tiếp chuyện tử tế

Theo ông Tô Đình Tuân, từ những ngày đầu được bạn đọc, doanh nghiệp gửi gắm lòng tin qua các khoản đóng góp, Ban Tổ chức chương trình "Tình thương cho em" phối hợp với Ủy ban MTTQ và LĐLĐ các địa phương tại TP HCM thực hiện những chuyến thăm, trao hỗ trợ cho các em nhỏ mồ côi do đại dịch trên địa bàn. Tiếp đó, chương trình đã mở rộng giúp đỡ trẻ mồ côi do đại dịch ở nhiều tỉnh, thành miền Nam và miền Trung.

Tổng Biên tập Báo Người Lao Động nhấn mạnh để những tấm lòng sẻ chia của bạn đọc đến đúng đối tượng, để chương trình được thành công, phải kể đến nỗ lực hỗ trợ, đóng góp của Ủy ban MTTQ, LĐLĐ tại TP HCM và đại diện chính quyền các địa phương. Các đơn vị đã phối hợp tìm kiếm, thẩm định từng trường hợp để lựa chọn đúng đối tượng trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hơn cả. Song song đó là hỗ trợ Ban Tổ chức chương trình đi đến từng nhà, trao tận tay các em và gia đình những suất hỗ trợ từ chương trình.

BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG KHÔNG NGỪNG PHỤNG SỰ: Chạm đến trái tim mọi người - Ảnh 3.

Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân trao thư cảm ơn các đơn vị, doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho chương trình Ảnh: TẤN THẠNH

Nhớ lại hành trình đầy vất vả nhưng nhiều ý nghĩa đã qua, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cho biết trong những ngày tháng khó khăn đó, toàn thể cán bộ, nhân viên, phóng viên, biên tập viên Báo Người Lao Động lao vào cuộc tích cực. Cũng có người mắc Covid-19 nhưng rồi người này choàng gánh cho người kia, xông pha với tinh thần vì cộng đồng.

Cũng trong hành trình thực hiện chương trình "Tình thương cho em", các đội công tác xã hội và phóng viên Báo Người Lao Động đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc trước hoàn cảnh từng trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19. Có những em chỉ mới vừa lọt lòng mẹ đã mồ côi; có những gia đình có đến 3-4 người thân ra đi trong đại dịch. Khi đoàn đến, nỗi đau như vẫn còn hằn nguyên trong lòng những người ở lại.

"Những món quà của chương trình tuy giá trị vật chất có thể không nhiều nhưng về tinh thần, đó là sự quan tâm sẻ chia, thể hiện tấm lòng của cả cộng đồng, qua cầu nối là các nhà báo, để bù đắp phần nào nỗi đau, giúp các em có thêm tình thương, thêm động lực vượt qua khó khăn, tiếp tục học tập vươn lên trong cuộc sống" - ông Tô Đình Tuân xúc động.

Thông báo khép lại hành trình nhân ái của chương trình "Tình thương cho em", Tổng Biên tập Báo Người Lao Động thông tin sắp tới, những hành trình tử tế khác sẽ được báo nối tiếp để phụng sự xã hội và bạn đọc. Bởi lẽ, đó là trách nhiệm của những người làm Báo Người Lao Động.

Cụ thể, ông Tô Đình Tuân cho biết sắp tới, Báo Người Lao Động sẽ tiếp nhận chuyển giao quỹ học bổng bảo trợ học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo do nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình sáng lập. Quỹ học bổng này là sự hỗ trợ thiết thực giúp học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn yên tâm học tập để có được nghề nghiệp ổn định và góp phần xây dựng xã hội tốt hơn. 

Chúng tôi đánh giá rất cao các chương trình của Báo Người Lao Động, đặc biệt là "Tình thương cho em", bởi nó mang tính nhân văn sâu sắc".

Ông LÊ MINH TẤN - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP HCM

Ông NGUYỄN HỮU HIỆP - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP HCM:

Khẳng định sức mạnh của sự đoàn kết

Chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" do Báo Người Lao Động thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều khu vực ở TP HCM bị phong tỏa, cách ly y tế... Hàng trăm, hàng ngàn y - bác sĩ, lực lượng vũ trang đã thầm lặng hy sinh hạnh phúc và lợi ích cá nhân, lăn xả vào cuộc chiến chống Covid-19 để bảo vệ bình yên và sức khỏe cho người dân.

Nói như vậy để thấy chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay" với mục đích hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 (trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm cho y - bác sĩ, bộ đội biên phòng, lực lượng tuyến đầu, người nhiễm và nghi nhiễm phải cách ly...) rất nhân văn, kịp thời và ý nghĩa. Càng trân trọng hơn nữa khi chương trình đã kêu gọi được mọi tầng lớp nhân dân, từ cá nhân đến các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đồng hành. Sự lan tỏa của chương trình góp phần khẳng định sức mạnh của tinh thần đoàn kết, của tình yêu thương - vốn là truyền thống của dân tộc Việt Nam. Sự đồng lòng đó tạo nên niềm tin vào việc chiến thắng dịch bệnh để sớm trở về cuộc sống bình yên.

Báo Người Lao Động đã và đang có nhiều chương trình xã hội với cách làm rất hay, sáng tạo, như: "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển", "ATM thực phẩm miễn phí", "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch"... ngày càng lan tỏa.

Ông NGUYỄN KẾ TOẠI, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:

Các bạn đã không chút nề hà

Chương trình "Tình thương cho em" nói riêng và các chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay", "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch", "Tết sẻ chia" của Báo Người Lao Động nói chung được phát động, tổ chức trong đợt dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề vừa qua hết sức ý nghĩa, mang giá trị sẻ chia, nhân văn rất lớn, quy tụ được sự đồng hành của đông đảo cá nhân, doanh nghiệp.

Thành công của các chương trình còn là sự nỗ lực góp công sức, sự xông pha không chút nề hà của tập thể Báo Người Lao Động. Đó là tinh thần rất đáng quý, góp phần tạo nên sức mạnh nội lực, từ đó tờ báo sẽ ngày càng thực hiện được nhiều chương trình vì cộng động mang nhiều giá trị nhân văn, ý nghĩa lớn lao hơn.

Ông PHẠM ANH TUẤN, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM:

Thấy rõ sự chủ động

Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Báo Người Lao Động đã có rất nhiều chương trình ý nghĩa, hỗ trợ cộng đồng như "Tổ quốc cần, cả nước chung tay", "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch", "Tình thương cho em", "Tết sẻ chia"...

Trong đó, các chương trình "Tổ quốc cần, cả nước chung tay", "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch" đã chung sức, hỗ trợ rất nhiều cho lực lượng tuyến đầu và người dân thành phố. Khi đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, Báo Người Lao Động lại tiếp tục phát động chương trình "Tình thương cho em". Đây là chương trình hết sức nhân văn. Báo Người Lao Động đã chủ động kết nối và có những phần quà sẻ chia gửi đến các em nhỏ mồ côi do đại dịch; động viên các em vượt qua mất mát, tiếp tục sống và trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Thời gian tới đây, rất mong các đơn vị, trong đó có Báo Người Lao Động, tiếp tục chung tay cùng Ủy ban MTTQ TP HCM kêu gọi sự đồng hành của các doanh nghiệp, các đơn vị, tấm lòng vàng cùng chăm lo thường xuyên hơn, tạo điều kiện để các em phát triển, trưởng thành.

Ông NGUYỄN HỒNG TÂY, Phó Trưởng Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

Nhân lên những điều tốt đẹp

Đợt dịch vừa qua, Báo Người Lao Động đã có nhiều chương trình từ thiện, xã hội chăm lo cho đồng bào, nhất là những người chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tôi rất cảm động và hoan nghênh.

Báo Người Lao Động đã đóng góp một phần rất quan trọng cho công cuộc phòng chống dịch. Thông qua đó, giúp cho xã hội thấy được còn rất nhiều điều tốt đẹp. Cũng qua đó, chúng tôi đánh giá được các chương trình đã có hiệu quả rất cao, nhanh chóng và kịp thời, chính xác. Rất mong Báo Người Lao Động sẽ tiếp tục chung tay cùng xã hội, cùng chính quyền các cấp, các địa phương để tiếp tục chăm lo cho các đối tượng gặp khó khăn, nhất là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh vừa qua.

Trần Thái - Trường Hoàng ghi

Tri ân và ghi nhận

Cũng tại buổi lễ tổng kết chương trình "Tình thương cho em", Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân đã gửi lời tri ân kèm thư cảm ơn đến các đơn vị, doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho chương trình: Quỹ Thiện Tâm Tập đoàn Vingroup, Công đoàn Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, Công ty Cổ phần Dịch vụ di động Trực Tuyến (ví điện tử MoMo), Công ty Cổ phần Zion (ví điện tử Zalo Pay), Công ty Cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân...

Đặc biệt, tại buổi lễ, Ủy ban MTTQ TP HCM đã trao tặng Ban Tổ chức chương trình "Tình thương cho em" bức khánh lưu niệm nhằm ghi nhận những đóng góp của chương trình trong công cuộc chung tay cùng thành phố khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra, góp phần chăm lo an sinh xã hội cho người dân.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-2

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo