xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Bao đê chặt", nới lỏng giãn cách xã hội

VĂN DUẨN

Tiếp tục quản lý chặt chẽ người nhập cảnh và nới lỏng dần ở trong nước để thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội

Sáng 6-5, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) họp triển khai công tác phòng chống dịch trong tình hình mới, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Trạng thái bình thường mới

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo tập trung bàn thảo các nội dung: Tăng cường quản lý người nhập cảnh; ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài; giám sát chặt chẽ, sẵn sàng phát hiện, truy vết, khoanh vùng triệt để và dập dịch từ bên trong; tính toán xác suất rủi ro dịch bệnh, nới lỏng một số biện pháp phòng chống dịch, giãn cách xã hội…

Về xác suất rủi ro dịch bệnh trong nước, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khẳng định qua theo dõi trong cộng đồng và xét nghiệm cho thấy kết quả khả quan, không thấy nổi lên các ca bệnh mới, nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng rất thấp. Do đó, chúng ta có thể nới lỏng một số biện pháp can thiệp, hạ từ mức bắt buộc sang khuyến cáo.

GS-TS Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng điểm cốt tử để chúng ta thành công trong phòng chống Covid-19 là phải tiếp tục "quyết liệt ngăn chặn từ bên ngoài". Ở trong nước, chúng ta có thể nới lỏng dần dần nhưng vẫn bảo đảm các điều kiện phòng dịch, phải tôn trọng 3 nguyên tắc: Khẩu trang, khoảng cách và rửa tay.

Bao đê chặt, nới lỏng giãn cách xã hội - Ảnh 1.

Dịch vụ vận chuyển hành khách được trở lại bình thường kể từ 0 giờ ngày 7-5 Ảnh: NGÔ NHUNG

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định: Đến giờ phút này chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh, phải quay lại cuộc sống, sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt trong một trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, trước diễn biến dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp, căng thẳng, mỗi ngày xuất hiện hàng chục ngàn ca nhiễm mới, hàng ngàn người chết, chúng ta không được chủ quan. Có thể ví von Việt Nam như ở trong "cánh đồng trũng, ở bên ngoài nước thì nước cao, sóng lớn". Do đó, trước tiên chúng ta phải "bao đê cho chặt", "giữ đê cho chắc". Nghĩa là phải tiếp tục chính sách quản lý chặt chẽ người nhập cảnh để bảo đảm an toàn, mới có thể nới lỏng được ở bên trong để thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch bệnh vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, Ban Chỉ đạo cho rằng cần tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh vào Việt Nam qua các cửa khẩu; cách ly bắt buộc 14 ngày với các hình thức phù hợp đối với người nhập cảnh mang hộ chiếu ngoại giao, chuyên gia, thương gia, gắn với trách nhiệm cụ thể của địa phương… Ngoài ra, chưa cho nhập cảnh khách du lịch quốc tế, đồng thời quản lý chặt chẽ hoạt động đón người Việt Nam từ nước ngoài về.

Đối với trong nước, Ban Chỉ đạo yêu cầu toàn bộ cơ chế liên ngành (quân đội, công an, y tế, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ) không được lơi lỏng mà tiếp tục củng cố tất cả các cơ chế, các công cụ, nhất là các công cụ công nghệ thông tin, để luôn luôn trong trạng thái sẵn sàng, nếu có một ca nhiễm nào đó trong cộng đồng thì lập tức phát hiện được ngay, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.

Nới lỏng một cách khoa học

Ban Chỉ đạo cho rằng với hai điều kiện trên, chúng ta có thể tiến hành nới lỏng các biện pháp đã giới hạn từ trước đến nay một cách có khoa học. Nghĩa là việc nới lỏng phải dựa trên cơ chế lây lan của virus SARS-CoV-2 và dựa trên các tính toán về xác suất là mầm bệnh hiện nay trong cộng đồng. "Theo tính toán của các chuyên gia, đến giờ phút này chưa thể nói tuyệt đối trong cộng đồng không còn mầm bệnh, xác suất còn mầm bệnh là rất thấp" - Ban Chỉ đạo nhấn mạnh.

Về triển khai các biện pháp phòng chống dịch, Ban Chỉ đạo khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện biện pháp đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, nơi công cộng, bên ngoài các trường học, các trụ sở, công sở. Tại địa điểm công cộng, người dân tránh tiếp xúc trực tiếp vào cơ thể người khác, tránh tiếp xúc vào những bề mặt không chắc chắn là không có mầm bệnh và nếu có tiếp xúc thì phải rửa tay ngay. Các cơ quan, công sở, nhà máy, siêu thị, bệnh viện, chợ dân sinh, phương tiện giao thông công cộng, hàng quán… tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm các điều kiện vệ sinh dịch tễ, phòng chống dịch bệnh.

Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, Ban Chỉ đạo thống nhất đề xuất đến thời điểm này có thể cho phép các dịch vụ không thiết yếu được mở cửa trở lại bình thường (trừ vũ trường, quán karaoke) với điều kiện phải giữ khoảng cách tối thiểu 1 m; bỏ giới hạn về số chỗ trên các phương tiện giao thông công cộng (máy bay, xe buýt, tàu hỏa…) nhưng hành khách bắt buộc phải đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Một số hoạt động thể thao, sự kiện tập trung đông người… được tổ chức nhưng phải bảo đảm các điều kiện phòng chống dịch.

Đối với việc phòng chống dịch bên trong trường học, các chuyên gia, thành viên trong Ban Chỉ đạo đánh giá vừa qua, một số trường học có các biện pháp phòng chống dịch bệnh cứng nhắc, máy móc, thậm chí cực đoan như yêu cầu học sinh vừa đeo khẩu trang vừa đeo mặt nạ chống giọt bắn, lớp học không được bật máy điều hòa nhiệt độ... Những biện pháp này không những không cần thiết mà còn hại sức khỏe của các học sinh.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị không bắt buộc học sinh đeo khẩu trang trong lớp học, chỉ đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc gần khi ra chơi. Bên cạnh đó, phải giữ vệ sinh cá nhân, chịu khó rửa tay. Các phòng học có thể bật máy điều hòa nhưng định kỳ mở cửa sổ, cửa chính để thông thoáng khí. Phụ huynh cũng không nên cho con đi ra nơi công cộng khi không cần thiết.

20 ngày Việt Nam không có ca mắc mới

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết 20 ngày qua, tính đến chiều 6-5, Việt Nam không có ca mắc mới Covid-19 do lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Hiện đã có 232/271 bệnh nhân được điều trị khỏi.

Thông tin về các ca tái dương tính, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết sau khi nuôi cấy, theo dõi, tất cả các ca tái dương tính tại Việt Nam đều chưa thấy dấu hiệu lây cho người khác, không gây nguy hiểm cho cộng đồng. Tuy nhiên, Bộ Y tế đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ các trường hợp này.

V.Duẩn

Vận chuyển hành khách trở lại bình thường từ ngày 7-5

Chiều 6-5, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có công văn hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm phòng chống dịch Covid-19 trên các phương tiện vận tải hành khách trong tình hình mới. Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thông báo tới các đơn vị kinh doanh vận tải về việc thực hiện dỡ bỏ toàn bộ quy định về giãn cách hành khách trên các phương tiện vận tải hành khách, bao gồm xe buýt, taxi, xe chở khách, tàu hỏa, máy bay, tàu thủy... Thời gian áp dụng quy định này từ 0 giờ ngày 7-5.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm phòng chống dịch Covid-19: Đeo khẩu trang đúng cách tại các khu vực công cộng (nhà ga, bến tàu, bến xe...) và trên phương tiện vận tải hành khách trong suốt hành trình; thực hiện khai báo y tế; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn (có ít nhất 60% nồng độ cồn); kiểm tra thân nhiệt... Song song đó, cần hạn chế giao tiếp, ăn uống trên phương tiện vận tải hành khách; khử khuẩn các bề mặt trên phương tiện vận tải hành khách trước và ngay sau khi kết thúc chuyến đi.

Cũng trong chiều 6-5, Cục Hàng không Việt Nam đã thông báo tới các hãng hàng không về việc bãi bỏ quy định giới hạn về giãn cách ghế ngồi cũng như số khách chuyên chở 80% trên máy bay từ 0 giờ ngày 7-5. Việc hạn chế số lượng chuyến bay trên các đường bay Hà Nội/TP HCM/Đà Nẵng cũng sẽ được dỡ bỏ theo thời hạn trên. Các hãng hàng không cần gửi đơn đề nghị cấp phép bay để cục xem xét, cấp phép bay theo slot (giờ bay) lịch sử giai đoạn lịch bay mùa đông 2019-2020.

Trước quyết định trên, chiều tối cùng ngày, đại diện Vietnam Airlines cho biết Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VASCO) sẽ tiếp tục có kế hoạch tăng tần suất và khai thác trở lại các đường bay trong nước theo sự điều hành của Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam, tiến tới phục hồi toàn bộ mạng bay nội địa từ tháng 6-2020. Dự kiến đến tháng 6-2020, Vietnam Airlines sẽ phục hồi toàn bộ mạng bay nội địa sau khi khai thác trở lại 2 đường bay giữa Đà Nẵng và Vân Đồn, Cần Thơ. Hãng cũng đang nghiên cứu mở thêm các đường bay mới để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của hành khách và thúc đẩy hoạt động tăng trưởng trở lại sau dịch Covid-19.

D.Ngọc

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo