xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Báo chí phải đột phá, nhanh nhạy hơn nữa

QUỐC ANH

Các cơ quan báo chí đã luôn bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ

Sáng 24-12, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với các điểm cầu tại các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương.

Tạo đồng thuận xã hội

Báo cáo tại hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nhấn mạnh năm 2021, về cơ bản, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; là diễn đàn tin cậy của nhân dân; báo chí đã chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội.

Báo chí phải đột phá, nhanh nhạy hơn nữa - Ảnh 1.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê cùng đại diện lãnh đạo cơ quan báo chí tham dự hội nghị tại điểm cầu TP HCM. (Ảnh Trung tâm Báo chí TP HCM cung cấp)

Cụ thể, báo chí đã tuyên truyền nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, hiệu quả về Đại hội XIII của Đảng và đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; các hoạt động đối ngoại cấp cao; các hội nghị toàn quốc về nội chính, xây dựng Đảng, đối ngoại, văn hóa; các ngày lễ, kỷ niệm… Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19 rất rõ nét, kịp thời, công bằng, phù hợp, có tính định hướng về diễn biến tình hình, các quan điểm, chỉ đạo, giải pháp chống dịch của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống Covid-19; chú trọng nhiều hơn đến tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình phòng chống dịch, phục hồi kinh tế hiệu quả, nhất là tinh thần vượt khó khăn, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm; quan tâm hơn đến nhu cầu thông tin, giải trí, đáp ứng phần nào nhu cầu văn hóa, tinh thần của người dân trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội.

Tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng báo chí vẫn còn những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục trong công tác quản lý, hoạt động. Từ đó, nhiệm vụ năm 2022, theo ông Trần Thanh Lâm là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí về mọi hoạt động của cơ quan trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn; có giải pháp quản lý chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên; hoạt động đúng quyền hạn, nhiệm vụ, đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí và quy định của Luật Báo chí.

Quy hoạch để phát triển

Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, do Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Anh Tuấn trình bày tại hội nghị nêu rõ việc thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 theo Quyết định số 362/QĐ-TTg (3-4-2019) của Thủ tướng Chính phủ cơ bản đúng tiến độ, đúng quy định, có kết quả bước đầu tích cực, tạo tiền đề cho giai đoạn 2. Theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, quá trình thực hiện Quy hoạch báo chí cũng có thể được coi như một đợt "tổng kiểm tra sức khỏe" đối với hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam từ nhiều góc độ: Cơ cấu tổ chức, hoạt động chuyên môn, kinh tế báo chí..., qua đó nắm bắt thêm những vấn đề tồn tại trong chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ chính trị theo tôn chỉ mục đích của từng cơ quan báo chí.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, quy hoạch báo chí là cả quá trình và mục đích là để báo chí phát triển. Điều quan trọng nhất thực hiện quy hoạch báo chí là phải thực chất, vấn đề nào không phù hợp thì kiến nghị bổ sung, điều chỉnh.

Ngoài ra, theo ông Vũ Đức Đam, muốn báo chí tự chủ được thì phải tăng cường giao nhiệm vụ, đặt hàng. Ông đề nghị Bộ TT-TT phải là đầu mối làm việc với các cơ quan phụ trách về tài chính, các bộ ngành để "đặt hàng" trước, trong và sau khi ban hành chính sách. Đó không nhất thiết phải là những cơ quan báo chí lớn, có uy tín mà quan trọng là phải có những nhóm độc giả mà chính sách cần tác động. Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng đề cập đến vấn đề chuyển đổi số trong báo chí và công tác xây hệ thống dữ liệu, năng lực xử lý dữ liệu của cơ quan báo chí. "Bộ TT-TT cần hỗ trợ các cơ quan báo chí trong vấn đề kết nối dữ liệu của các ngành chức năng. Nếu bộ và Hội Nhà báo xây dựng đề án về kết nối dữ liệu này thì Chính phủ ủng hộ" - Phó Thủ tướng nói.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao vai trò của báo chí trong năm 2021, đặc biệt là trong phòng chống dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế - xã hội, thông tin hoạt động đối ngoại… "Năm 2022 và thời gian tới, vai trò của báo chí là rất quan trọng. Báo chí là một bộ phận rất quan trọng của công tác tư tưởng, là vũ khí sắc bén trong công tác tư tưởng" - ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần tiếp tục phát huy tìm tòi, đổi mới sáng tạo trong việc truyền thông nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; tiếp tục đổi mới tạo sự đột phá, thông tin nhanh hơn, nhiều hơn, chủ động hơn… "Riêng trong phòng chống Covid-19, báo chí phải nói đúng, nói trúng, dễ hiểu, hướng dẫn người dân hành động. Và muốn làm được việc này thì phải có sự thống nhất của người phát ngôn. Vai trò chính thống của người cung cấp thông tin rất quan trọng, làm sao nói đơn giản, dễ hiểu" - ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị. 

Thực sự là lực lượng tuyến đầu

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá trong phòng chống dịch Covid-19, báo chí thực sự là lực lượng tuyến đầu. "Thời gian tới, báo chí tiếp tục định hướng, tuyên truyền người dân trong phòng chống dịch, khôi phục, phát triển kinh tế. Đặc biệt, bám sát để phản ánh đúng và động viên người dân chuẩn bị Tết Nguyên đán 2022 đầm ấm trong bối cảnh tình hình dịch bệnh khó dự đoán" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

"Tính đến ngày 30-11-2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí. Trong đó 114 báo, 116 tạp chí thực hiện hai loại hình, 557 báo và tạp chí in; 29 báo và tạp chí điện tử; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng”.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo