xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bàn nhiều quyết sách lớn, cấp bách

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV quyết định những vấn đề rất cấp bách liên quan đến quốc kế dân sinh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Hôm nay (4-1), thực hiện quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội (QH), kỳ họp bất thường lần thứ nhất QH khóa XV sẽ khai mạc tại thủ đô Hà Nội. QH họp trực tuyến cả kỳ qua cầu truyền hình đến 62 đoàn đại biểu (ĐB) QH các tỉnh, thành (riêng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội sẽ họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội).

Đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội

Kỳ họp bất thường được tổ chức nhằm có những quyết sách kịp thời về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết những vướng mắc pháp lý cho đầu tư phát triển, đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước gặp khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều địa phương trong cả nước.

Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường khẳng định với tính chất "bất thường" nên các nội dung được đưa ra bàn thảo, xem xét tại kỳ họp đều rất cần thiết và cấp bách để đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thực tiễn cho thấy tăng trưởng kinh tế so với chỉ tiêu đặt ra của năm còn phải phấn đấu rất xa mới đạt được. Vì vậy, cần xem xét giải quyết ngay "gói" các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. "Nếu như được thông qua trong những ngày đầu năm 2022, sẽ thúc đẩy cho tăng trưởng của chúng ta trong năm 2022 và năm 2023, dư âm sẽ kéo dài đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2026 này" - ông Cường nêu rõ.

Bàn nhiều quyết sách lớn, cấp bách - Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV

PGS-TS Lê Bộ Lĩnh - nguyên Phó Tổng Thư ký QH, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH - nhìn nhận việc tổ chức kỳ họp bất thường này xuất phát từ chính vai trò của QH, từ đòi hỏi của cuộc sống, của cử tri và của tình hình đất nước. Qua đó thể hiện một QH chủ động, linh hoạt và thích ứng với bối cảnh mới, bàn thảo và quyết định nhiều vấn đề quan trọng do đại dịch Covid-19 đặt ra.

Theo ông Lĩnh, dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là nội dung được các ĐBQH, cử tri đặc biệt quan tâm do tính chất cấp thiết để ứng phó và thích ứng với diễn biến và hậu quả của đại dịch Covid-19. Sự suy giảm tăng trưởng, tình trạng phá sản và ngưng hoạt động của hàng trăm ngàn doanh nghiệp (DN), sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, cùng với cuộc khủng hoảng y tế đang tác động đến việc duy trì các thành quả mà chúng ta phấn đấu đạt được trong nhiều năm; việc làm của người lao động, an sinh xã hội đều trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

"Trong bối cảnh đó, nếu không có các giải pháp mạnh, cấp bách, trước hết là các giải pháp liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ thì rất khó có thể phục hồi và phát triển kinh tế" - ông Lĩnh nói.

Lộ trình phục hồi kinh tế trong 2 năm

ĐBQH Cầm Hà Chung (Phú Thọ) nhìn nhận cả 4 nội dung QH cho ý kiến tại kỳ họp bất thường đều là vấn đề quan trọng. Ông Chung mong muốn QH ban hành các quyết sách "trúng", nhất là Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để tháo gỡ những ách tắc, khó khăn trong bối cảnh hiện nay.

Bà Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH, cho biết đối với dự thảo nghị quyết trên, việc xem xét, cho ý kiến bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, trong đó bảo đảm nhất quán, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Theo bà Yến, gói chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế có quy mô đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh lãng phí nguồn lực. Các chương trình và giải pháp được thiết kế và thực thi nhanh, kịp thời, nguồn lực đưa ra phải được hấp thụ tối đa. Thời hạn triển khai chủ yếu trong 2 năm 2022-2023 với lộ trình thích hợp để phục hồi và kích thích nền kinh tế. Khi thực hiện phải bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài gắn với Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bà Yến thông tin có 5 nhóm giải pháp chính. Một là, mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh. Hai là, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. Ba là, hỗ trợ phục hồi cho DN, hợp tác xã và các hộ kinh doanh. Bốn là, phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Năm là, cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chương trình này cơ bản đã bao quát toàn bộ các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Các giải pháp đều được chú trọng tính hiệu quả, lan tỏa và phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn nêu thực tiễn trong 2 năm qua, do tác động của đại dịch Covid-19, nền kinh tế tăng trưởng thấp. Trong đó, quý III/2021 tăng trưởng âm, tổng hợp cả năm 2021 tăng trưởng chỉ đạt 2,58%. "Trong bối cảnh đó, cần có chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế, vực dậy tăng trưởng cho giai đoạn tới. Tuy nhiên, đưa ra gói chính sách ở mức độ nào thì cần tính toán thận trọng để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô" - ông Toàn nói.

ĐBQH Cầm Hà Chung góp ý thêm: "Cần tính toán kỹ để khi ban hành chính sách, triển khai thực hiện thì nền kinh tế có thể "tiêu hóa" được nguồn lực trong 2 năm thực hiện". 

Thảo luận 4 nhóm nội dung quan trọng

Theo dự kiến chương trình kỳ họp, trong 5 ngày làm việc của kỳ họp bất thường này, QH tập trung xem xét, thảo luận và quyết định 4 nhóm nội dung quan trọng. Theo đó, QH sẽ xem xét, thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ; Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Ông NGUYỄN VĂN BÉ, Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TP HCM:

Doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ

Đến nay, đa phần DN trong các khu công nghiệp ở TP HCM đã khôi phục gần 100% năng lực sản xuất, có nhu cầu tuyển thêm lao động, bơm thêm vốn để tăng tốc, bù đắp lại những tổn thất do dịch Covid-19 gây ra trong năm 2021. Trong năm 2022, nhiều DN thể hiện rõ quyết tâm, ý thức, chủ động xoay trở, thích nghi để tìm cơ hội trong năm mới.

Dù vậy, DN rất cần được Chính phủ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện nhiều hơn. Cụ thể là hỗ trợ tăng tính thanh khoản như giãn, hoãn thời gian nộp thuế; miễn thuế, phí, các khoản phải nộp, giảm lãi suất cho vay... DN kỳ vọng các gói hỗ trợ chính sách tài chính, tiền tệ được xem xét, thông qua tại kỳ họp này.


ĐBQH TRẦN HOÀNG NGÂN (TP HCM):

Ưu tiên hàng đầu cho đầu tư hệ thống y tế

Trong 5 nhóm giải pháp chủ yếu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân. Do vậy, đầu tư vào hệ thống y tế, tập trung nguồn lực cho vắc-xin, thuốc đặc trị và mua sắm máy móc phải là ưu tiên hàng đầu. Ngân sách đã dự kiến dành 60.000 tỉ đồng cho mục tiêu này. Ngoài ra, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ đã thực hiện trong giai đoạn qua và cần tiếp tục làm trong giai đoạn tới.

Trong chương trình hồi phục kinh tế nêu trên, cũng cần tập trung vào việc thiết kế gói hỗ trợ DN, người dân một cách kịp thời, hiệu quả. Chúng ta đã có đủ bài học kinh nghiệm từ việc triển khai các gói hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong 2 năm 2020 và 2021; kinh nghiệm từ các gói cứu trợ của nhiều nền kinh tế trên thế giới và bài học của Việt Nam trong xử lý cuộc khủng hoảng năm 2009. Việc thiết kế gói hỗ trợ cho giai đoạn tiếp theo cũng tập trung kế thừa 2 nội dung đã thực hiện: miễn, giảm thuế, phí cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh và hỗ trợ lãi suất. Chính phủ đã đề xuất gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỉ đồng cho 2 năm tới với mức hỗ trợ 2%. Vấn đề còn lại là cần thảo luận xem nên hỗ trợ cho lĩnh vực, ngành nào cho phù hợp, từ đó tạo động lực, dẫn dắt nền kinh tế phát triển.

P.Nhung - T.Nhân ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo