xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Áp lực tăng giá điện cận kề

MINH PHONG - THÙY DƯƠNG

Về nguyên tắc, cần tính đúng, tính đủ chi phí vào giá thành sản xuất điện song phải cân nhắc kỹ lưỡng lộ trình, thời điểm bởi kinh tế năm 2023 sẽ đối mặt với không ít khó khăn

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa thông báo lỗ hơn 31.000 tỉ đồng trong năm 2022 do chi phí đầu vào sản xuất tăng vọt. Đáng chú ý, EVN cho hay tập đoàn này có thể lỗ tới 64.800 tỉ đồng nếu không tiết kiệm được hơn 33.000 tỉ đồng nhờ cắt giảm chi phí sửa chữa, chi thường xuyên, vận hành tối ưu hệ thống và tạm chi lương bằng 80% bình quân năm 2020.

Gánh nặng cần được sẻ chia

Áp lực chi phí tăng mạnh khiến "nhà đèn" đề xuất tăng giá điện. Dù chưa tiết lộ mức đề xuất cụ thể của EVN nhưng Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) đang xem xét đề xuất này. Việc xem xét sẽ căn cứ Quyết định 24/2017 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân khi đến ngưỡng chênh lệch giá thành và giá bán lẻ bình quân cho phép. "Chi phí đầu vào sản xuất điện trên thế giới, trong khu vực và ở Việt Nam đều tăng cao, ảnh hưởng tới giá thành sản xuất điện. Cần điều chỉnh giá bán lẻ nhưng tăng ở mức nào thì phải rà soát thực tế, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói thêm.

Giá bán lẻ điện bình quân hiện ở mức 1.864,44 đồng/KWh (chưa gồm thuế GTGT), duy trì từ tháng 3-2019 đến nay. Tính toán của EVN hồi giữa năm 2022 cho thấy để hòa vốn, giá bán lẻ điện bình quân phải đạt 1.915,59 đồng/KWh, cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng. "Ông lớn" ngành năng lượng thừa nhận còn rất nhiều khó khăn trong cân đối dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện, cân đối và huy động vốn để đầu tư các dự án điện...

Giá các mặt hàng nhiên liệu như than, dầu, khí được dự báo tiếp tục ở mức cao trong năm 2023 trong bối cảnh giá USD cũng liên tục tăng gây áp lực lên tỉ giá USD/VNĐ. Cộng với tỉ trọng nguồn điện có giá thành rẻ như thủy điện có xu hướng giảm và tỉ trọng nguồn điện giá cao sẽ tăng, EVN rất khó khăn trong việc tái đầu tư, sản xuất, bảo đảm cung ứng điện cho nhu cầu của nền kinh tế.

Dưới góc độ chuyên gia, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh - Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, cho rằng việc giữ giá bán lẻ điện thấp hơn giá thành sẽ khiến ngành điện bị giảm tín nhiệm về mặt tài chính, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn đầu tư quốc tế. Đồng thời, việc không cân đối được chi phí mua điện với doanh thu bán điện có nguy cơ dẫn tới tình trạng EVN không thể trả tiền mua điện đúng hạn cho nhà đầu tư, ảnh hưởng không tích cực đến môi trường đầu tư của Việt Nam.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, trong bối cảnh chi phí đầu vào ngành năng lượng tăng mạnh do ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine, việc xem xét điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là hợp lý song cần xem xét mức tăng hợp lý. PGS-TS Ngô Trí Long cũng cho rằng bình quân giá than trộn trong nước và nhập khẩu tăng mạnh trong thời gian qua là áp lực lớn buộc ngành điện phải xuất tính đúng, tính đủ chi phí vào giá thành.

Áp lực tăng giá điện cận kề - Ảnh 1.

Lộ trình, thời điểm tăng giá điện cần được tính toán, cân nhắc kỹ nhằm tránh tạo cú sốc cho người dân, doanh nghiệp Ảnh: HOÀI DƯƠNG

Cần lý do thuyết phục

Mặc dù về nguyên tắc, mọi mặt hàng đều cần tính đúng, tính đủ chi phí vào giá thành song điện là hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN nên không thể đặt vấn đề tăng giá tương ứng trong bối cảnh chưa phù hợp.

PGS-TS Ngô Trí Long nhấn mạnh khó có thể nhận được sự đồng thuận của khách hàng về đề xuất tăng giá điện, nhất là trong bối cảnh người dân, DN còn đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Để hài hòa lợi ích các bên, thực hiện đúng quy định tại Quyết định 24/2017 cũng như thuyết phục được người tiêu dùng, tạo sự đồng thuận xã hội, cần rà soát chính xác chi phí đầu vào và công khai, minh bạch.

Dù cho rằng cần điều chỉnh giá điện để tăng tín nhiệm tài chính nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo, song ông Hà Đăng Sơn nhấn mạnh "không thể tăng giá điện quá nhiều bởi sẽ tác động ngược tới nền kinh tế". Ở góc độ khác, rất nhiều ngành sản xuất hiện nay thâm dụng năng lượng, như dệt may, thép, bảo quản nông sản..., tạo gánh nặng lớn cho ngành điện trong việc điều độ, cung ứng điện cũng như thiếu công bằng với các nhóm khách hàng khác. Điều này đặt ra bài toán cân bằng lợi ích giữa các bên, đòi hỏi đánh giá sớm để đưa ra phương án tăng giá điện bảo đảm hài hòa nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội.

"Việc đánh giá tác động của tăng giá điện cần sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu chiến lược, ví dụ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), sự chỉ đạo của các cấp, ngành nhằm làm rõ những câu hỏi quan trọng: Vì sao phải tăng giá điện? Tăng giá điện có tác động nhiều chiều ra sao?... Đồng thời, phải có truyền thông phù hợp để người dân và DN hiểu được nỗ lực của Chính phủ trong ổn định kinh tế - xã hội ở giai đoạn khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay" - ông Hà Đăng Sơn góp ý.

Thời điểm nào phù hợp?

Về lộ trình tăng giá điện, TS Lê Đăng Doanh cho rằng cần dựa trên thực tiễn hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhu cầu điện của nền kinh tế, những khó khăn trong bối cảnh địa chính trị thế giới bất ổn kéo dài... để cân nhắc phù hợp, thận trọng. "Giá xăng dầu thời gian qua đã biến động mạnh. Nếu tăng giá điện sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phục hồi kinh tế - xã hội sau giai đoạn ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Nếu không có phương án, lộ trình tăng giá điện hợp lý sẽ có nguy cơ kéo hàng loạt hàng hóa, dịch vụ khác tăng giá theo. Bên cạnh tính toán thời điểm tăng giá, cũng cần xem xét nhóm đối tượng áp dụng điều chỉnh giá để tránh ảnh hưởng quá lớn đến bức tranh chung của kinh tế" - TS Lê Đăng Doanh góp ý.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, nhiều dự báo cho thấy kinh tế năm 2023 sẽ đối mặt với không ít khó khăn nên không thể thiếu cân nhắc khi quyết định điều chỉnh giá điện. Một yêu cầu quan trọng khác là cần thẩm định việc tăng chi phí đầu vào dẫn đến tăng giá thành sản xuất điện đến từ những yếu tố nào, hoàn toàn từ nguyên nhân khách quan hay do ngành điện còn lãng phí trong một số khâu, quy trình, từ đó đưa ra phương án hợp tình hợp lý.

Chỉ rõ một bộ phận người lao động bị cắt giảm việc làm từ trong dịch COVID-19, thu nhập giảm sút, không còn sức chống chọi với chi phí sinh hoạt tăng cao, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nhấn mạnh việc điều chỉnh giá điện cần hạn chế tạo ra cú sốc cho người dân. Tương tự, hàng loạt DN đang nỗ lực khôi phục sản xuất - kinh doanh cũng khó cầm cự nếu giá điện tăng làm đội chi phí, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa. "Khi kinh tế phục hồi, người lao động được bảo đảm về việc làm và mức thu nhập, lạm phát được khống chế ở mức an toàn thì tính đến điều chỉnh giá điện sẽ hợp lý hơn" - ông Lạng kiến nghị. 

Bài toán cân đối nguồn, cân bằng giá

Một chuyên gia kinh tế chỉ rõ ngành năng lượng Việt Nam đang lúng túng trong việc xác định cơ cấu nguồn điện để khai thác tối ưu nguồn phát cũng như có giá điện tốt nhất. Chuyên gia này phân tích: Nguồn điện tái tạo được đầu tư ồ ạt thời gian qua không hòa lưới được trong khi ngành điện phải phát những nguồn giá cao như điện chạy dầu, khí. Mặt khác, điện tái tạo có hạn chế là không ổn định, thời gian phát điện hạn chế, cần có nguồn điện cố định hỗ trợ trong thời gian không phát được điện tái tạo nên nguồn điện này không thể trở thành nguồn chủ chốt trong tổng cơ cấu nguồn. Chưa kể, cần đầu tư xây dựng lưới truyền tải tương ứng để bảo đảm cung ứng đủ điện cho các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội.

"Xác định cơ cấu nguồn điện là bài toán rất phức tạp. Phát triển điện mặt trời, điện gió đến mức nào để khai thác hiệu quả, tránh lãng phí, tránh gây áp lực trong việc phải đầu tư nguồn bổ sung song song trong thời điểm không có nắng, gió? Sử dụng nguồn điện truyền thống như điện than, điện chạy dầu ở mức độ nào là hợp lý, không ảnh hưởng môi trường và hỗ trợ tốt cho các nguồn năng lượng sạch? Việc cân đối nguồn còn nằm trong tổng thể bài toán về giá điện để làm sao có mức giá tốt nhất, cân bằng nhất?" - chuyên gia này đặt ra hàng loạt vấn đề.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nhận định tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam là rất lớn. Do đó, cần sớm tháo gỡ nút thắt về truyền tải để giải tỏa công suất nguồn năng lượng "trời cho" này. Chẳng hạn, có thể xây dựng cơ chế cho phép xã hội hóa truyền tải, đa dạng hóa nhà đầu tư...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo