xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Áp lực qua đi, niềm vui ở lại

Bài và ảnh: Ngọc Giang

Làm việc trong những khu điều trị F0 là vô cùng áp lực. Nhưng khi bản thân nhiễm bệnh và điều trị xong, họ vẫn sẵn sàng xin tiếp tục công việc để góp sức vào cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19

Chỉ còn ít ngày nữa, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Phương Trang sẽ kết thúc đợt cách ly, trở về với gia đình sau 2 tháng tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19. Chị là 1 trong 3 điều dưỡng, hộ lý của Bệnh viện (BV) Vũng Tàu mắc Covid-19 trong quá trình chăm sóc bệnh nhân F0 tại BV này.

Không để bệnh nhân đơn độc

Nói chuyện với phóng viên, giọng chị Trang run lên vì vui mừng bởi sắp được về với con sau 2 tháng gửi nhờ nhà ngoại chăm sóc.

Áp lực qua đi, niềm vui ở lại - Ảnh 1.

Chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện Vũng Tàu

Ngày đang ở trong khu điều trị và nhận tin trở thành F0, chị Trang kể bấy giờ nghĩ rất thương con và gia đình nhưng tâm lý cũng không quá sốc, do khi vào đây là đã xác định nguy cơ sẽ trở thành F0 bất kỳ lúc nào rồi. "Điều mà tôi lo sợ nhất chính là việc bệnh từ mình liệu có lây cho đồng nghiệp không, rồi mình còn có thể tiếp tục chăm sóc cho bệnh nhân F0 hay không" - chị Trang kể.

Theo quy định, chị Trang chỉ cần làm việc tại cơ sơ điều trị F0 trong 14 ngày, sau đó luân phiên, đến đầu tháng 8 là được về với gia đình nhưng thấy đồng nghiệp còn vất vả quá nên chị xin ở lại tiếp tục làm việc. "Mình nghĩ đơn giản là mình có ông bà hỗ trợ chăm sóc con rồi. Chồng cũng rất hiểu và thông cảm với công việc của mình. Nếu mình ở lại sẽ hỗ trợ được người khác vì nhiều người do hoàn cảnh mà không thể thu xếp được việc gia đình để vào khu điều trị này" - chị Trang bộc bạch.

Sau 14 ngày điều trị, ngày 14-9, chị Trang có kết quả xét nghiệm âm tính và được theo dõi, cách ly ngay tại BV. Đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, cộng với tinh thần lạc quan, siêng luyện tập thể dục, cố gắng ăn uống dưỡng sức nên chị đã vượt qua được những cơn sốt và đau nhức người.

"Khi kết thúc đợt cách ly, tôi được về với gia đình sau bao tháng ngày chỉ nhìn con qua màn hình điện thoại. Nhớ con lắm. Ngày nào các con cũng hỏi mẹ khỏe không. Nhất là đứa con gái 4 tuổi, mỗi lần nghe mẹ bảo con ngoan để mẹ đi chăm sóc các bác bị Covid là cháu ngoan ngoãn, không mè nheo đòi mẹ nữa. Mình sẽ xin nghỉ để thăm con ít ngày, nếu sau đó BV cần thì tiếp tục quay lại khu điều trị làm việc" - chị Trang vui vẻ nói.

Với nữ hộ lý Lê Thị Liên, những ngày làm việc ở phòng hồi sức chuyên điều trị các ca bệnh nặng, phải thở bằng máy tại BV Vũng Tàu là thời gian không thể quên được.

Trực tiếp lau rửa, dọn dẹp, chăm sóc cho các bệnh nhân nặng, chị Liên kể vất vả thì tất nhiên rồi nhưng đấy là những ngày mang lại nhiều cảm xúc, bởi bệnh nhân lúc bấy giờ đơn độc, không người thân bên cạnh mà bản thân phải chống chọi từng ngày với bệnh. Chứng kiến những bệnh nhân tử vong đơn độc, không có người thân trong những phút cuối cùng, chị nhiều lần bật khóc.

"Tôi cùng các nhân viên BV sẽ lau rửa, thay bỉm sạch sẽ cho người mất. Sau đó mới để họ vào các túi đựng thi thể. Khi một người mất, phải gói hết đồ đạc giúp họ. Lúc đó trong tôi là cảm giác hụt hẫng. Thật khó diễn tả. Nhưng rồi chúng tôi phải nén lòng mình để tiếp tục công việc, bởi vẫn còn rất nhiều bệnh nhân khác đang chờ để được đút cháo, thay bỉm, thay quần áo. Ở trong này, chúng tôi như thân nhân của họ, là nơi để họ trông cậy" - chị Liên nghẹn lời.

Áp lực qua đi, niềm vui ở lại - Ảnh 2.

Chị Liên cũng có con nhỏ. Cháu lớn 9 tuổi, cháu nhỏ 3 tuổi và đều gửi nhờ ông bà ngoại chăm để lao vào "cuộc chiến" cùng đồng nghiệp. Chị nói: "Với tôi, đây là cuộc chiến không súng không dao nhưng luôn cận kề với mất mát, hy sinh. Ngày xưa, các thế hệ cha anh xung phong đi đánh giặc. Ngày nay, các lực lượng tuyến đầu cần những người xung phong vào "cuộc chiến" với dịch bệnh. Đã chấp nhận vào đấy, đều phải hiểu khó tránh khỏi việc một số người phải ra đi, nên trách nhiệm của người ở lại là tiếp tục cứu chữa, chăm sóc để mọi người còn lại đều sớm có ngày được về với gia đình".

Công việc vô cùng áp lực

Nữ điều dưỡng Vũ Thị Thu (39 tuổi) cũng nhận tin dương tính khi đang chăm sóc cho bệnh nhân F0 tại BV Vũng Tàu. Trong 2 tuần làm việc tại BV này, tuần đầu chị chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân F0, tuần thứ 2 thì làm hồ sơ cho bệnh nhân. Chị nói trong môi trường nguy cơ lây nhiễm rất cao như khu điều trị F0 thì bất kỳ chỗ nào cũng có thể là nơi khởi phát bệnh.

Vui mừng thông báo kết quả xét nghiệm đã âm tính, chị Thu nói: "Mọi thứ đến rất bình thường. Kể cả khi nhận tin là F0 thì tôi cũng khá bình tĩnh. Tôi cũng không có triệu chứng gì rõ ràng cả. Trong những ngày đầu sau đó, tôi có chút lo lắng bởi sợ đã lây lan cho nhiều người. Tuy nhiên, nhờ phát hiện kịp thời nên viêc tôi là F0 đã không ảnh hưởng đến công tác điều trị của BV" - chị Thu thông tin.

Với công việc bận rộn trong khu điều trị F0 thì giây phút hạnh phúc nhất trong ngày của chị Thu cũng như các nhân viên y tế tại đây chính là được gọi điện về cho gia đình, cho những đứa con để nghe con gọi "mẹ ơi! con nhớ mẹ". Rồi những khoảng thời gian ít ỏi được gặp chồng qua điện thoại, trong những phút giây giải lao để hỏi thăm, động viên nhau và chờ ngày hết dịch để được đoàn tụ, quây quần bên mâm cơm gia đình.

Áp lực qua đi, niềm vui ở lại - Ảnh 3.

Công việc của các điều dưỡng bắt đầu từ sáng sớm và dường như không có thời điểm kết thúc. Họ luân phiên nhau túc trực. Mỗi người phải chăm sóc vài bệnh nhân, từ đem đồ ăn, đút cháo, đo mạch, đo nhiệt độ đến việc lau rửa, dọn vệ sinh cho những trường hợp nặng, thậm chí kiêm luôn cả việc thu dọn, vệ sinh thi thể cho những người tử vong. Công việc vô cùng áp lực.

"Khi mắc Covid-19, cảm giác của hầu hết bệnh nhân là hoang mang, bởi họ chỉ có một mình ở đây. Thậm chí, họ còn bị ám ảnh vì chưa đến BV thì bị chính người quen, hàng xóm, dư luận dị nghị cho dù chính họ không hề muốn điều đó xảy ra. Chúng tôi vừa có trách nhiệm chăm sóc nhưng cũng là người để họ gửi gắm tâm tư. Chúng tôi phải tích cực an ủi, động viên để họ lấy lại tinh thần. Chỉ khi tinh thần thoải mái thì mới nhanh đẩy lùi được dịch bệnh" - một nữ điều dưỡng tâm sự.

Xin được vào điểm nóng

Anh Lê Anh Hậu (45 tuổi) - nhân viên Trung tâm Y tế TP Vũng Tàu, là trường hợp mắc Covid-19 trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm và tiếp xúc với F0. Từ khi thành phố phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên, anh cùng các nhân viên khác đã xin được xông pha vào các điểm nóng để phòng dịch. Với anh Hậu, được góp sức vào công tác phòng chống dịch là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm của mình.

Nhận được kết quả là F0, anh Hậu kể lúc đầu cũng khá hoang mang, lo lắng vì công việc của anh phải tiếp xúc với khá nhiều người. Ngoài việc tự trấn an, anh cũng tích cực thông báo, động viên, tư vấn cho các F1, F2 của mình để họ bình tĩnh xử lý và thực hiện cách ly theo quy định, nhờ vậy đã không để lây lan ra những người khác.

Sau khi kết thúc điều trị, anh Hậu có nguyện vọng được vào các BV dã chiến để chăm sóc, hỗ trợ các F0. "Do lúc này địa phương đã cơ bản khống chế được dịch nên tôi chưa có cơ hội vào tham gia trong các khu điều trị. Tuy vâỵ, tôi cũng đang ngày đêm cùng đồng nghiệp cắm chốt tại chợ đầu mối, thực hiện xét nghiệm cho những tài xế vận chuyển hàng hóa, thực phẩm từ nơi khác về" - anh Hậu nói.

Bác sĩ Trương Đình Chính, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại tỉnh này, 33 nhân viên y tế đã trở thành F0 trong lúc tham gia phòng chống dịch, hàng trăm người khác thuộc diện F1.

Sau khi phát hiện có nhân viên y tế trở thành F0, Sở Y tế đã đưa họ đi cách ly và điều trị theo quy định. Đối với các F1, nhằm duy trì hoạt động theo Quyết định 1551 của Bộ Y tế là được phép sử dụng nhân viên y tế thuộc diện F1 để theo dõi, chăm sóc cho các đối tượng F1, nên những nhân viên này được bố trí làm việc trong các khu cách ly tập trung của tỉnh.

"Các bác sĩ và điều dưỡng của Bà Rịa - Vũng Tàu mắc Covid-19 nay sức khỏe đều ổn định, khỏi bệnh và đang tiếp tục công việc điều trị, xét nghiệm tại cơ sở y tế, điểm cách ly trên địa bàn" - bác sĩ Chính thông tin. 

Hỗ trợ thêm tiền ăn cho nhân viên y tế

Để chăm lo cho lực lượng y tế tham gia công tác phòng chống dịch, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hỗ trợ thêm 90.000 đồng/người/ngày làm việc đối với người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc, nghi mắc Covid-19 tại khu vực cách ly của cơ sở khám, chữa bệnh; người làm công việc lấy mẫu, gộp mẫu, phân tách mẫu, người trực tiếp làm xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cơ sở y tế; người làm công việc vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh tại khu điều trị người mắc Covid-19. Đồng thời, hỗ trợ thêm tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày cho nhân viên y tế và những người phục vụ tại cơ sở điều trị cách ly y tế để chăm sóc, điều trị người mắc, nghi mắc Covid-19.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có chính sách hỗ trợ nhân viên y tế đang mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 trong quá trình tham gia phòng chống dịch.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo