xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ám ảnh chết chóc bên những trạm thu phí bỏ hoang

Bài và ảnh: NGUYỄN TUẤN

Ở Ðồng Nai có đến 3 trạm thu phí tạm dừng thu phí, nhà đầu tư dừng luôn cả việc bảo trì nên đã và đang trở thành những chiếc bẫy ngày đêm rình rập người đi đường

Một trong 3 trạm thu phí "bỏ hoang" gây bức xúc nhất ở Ðồng Nai phải kể đến trạm thu phí BOT cầu Ðồng Nai nằm trên Quốc lộ 1. Trạm thu phí này dừng thu từ cuối tháng 8-2020, theo văn bản yêu cầu của Tổng cục Ðường bộ Việt Nam. Và từ tháng 4-2021, nhà đầu tư (Tổng Công ty Xây dựng số 1) cũng dừng luôn việc cắt cử người coi sóc, bảo trì, duy tu trạm..., và tai nạn theo đó liên tiếp xảy đến.

Ðem con bỏ chợ

Nhắc đến vụ tai nạn thương tâm tối 22-4, anh Nguyễn Văn Thạch - ngụ phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa - không khỏi ám ảnh. Anh nói những người chứng kiến vụ tai nạn ám ảnh là vì chiếc xe máy do anh Rah Lan Ngoel (21 tuổi, quê Gia Lai) điều khiển đã tông vào phần mũi tàu bê-tông, văng mạnh về trước rồi tiếp tục va vào cabin thu phí dẫn đến tử vong tại chỗ. "Phải chi có đèn chớp hay phản quang cảnh báo thì tai nạn đâu xảy đến" - anh Thạch nói và chia sẻ rằng bởi "vô tình" chứng kiến vụ tai nạn thương tâm mà anh rất lo lắng mỗi khi lưu thông qua khu vực trạm thu phí bỏ hoang này, sợ chẳng may xe nào vấp bẫy lao thẳng vào mình.

Tương tự, sau 6 tháng dừng thu phí, dừng hoạt động bảo trì, trạm BOT trên Quốc lộ 1K (nhà đầu tư là Công ty 676) nối Ðồng Nai - Bình Dương và TP HCM đã xuống cấp nghiêm trọng, trở thành những chiếc bẫy nguy hiểm. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều vị trí mặt đường Quốc lộ 1K đã bị bong tróc, tạo thành những ổ gà, ổ voi lởm chởm; hệ thống cống rãnh hai bên đường đều bị đất vùi lấp và rác thải tồn đọng. Bà Nguyễn Thị Thành (ngụ phường Hóa An, TP Biên Hòa) bức xúc: "Từ khi trạm dừng thu phí, dừng luôn cả việc quét dọn vệ sinh, bảo trì mặt đường khiến xe cộ đua nhau sập hố, đất đá theo đó văng tứ tung, bắn hẳn vào nhà dân. Trời nắng thì bụi mịt mù, mưa lại tạo thành vũng nước gài bẫy xe cộ". Bà Thành cho rằng nhà đầu tư đem con bỏ chợ vậy là không được, bởi đã có vô số kể vụ xe máy trượt ngã vì mặt đường xuống cấp.

Ðúng như lời bà Thành nói, chỉ trong 20 phút, chúng tôi ghi nhận ít nhất 3 vụ người điều khiển xe máy loạng choạng tay lái vì mặt đường gập ghềnh, đầy đá dăm. "Nơi đây mỗi ngày có hàng ngàn chiếc xe ben, xe tải chở vật liệu xây dựng từ các mỏ đá, trạm trộn bê-tông lưu thông nên rất nguy hiểm cho người chạy xe máy khi mặt đường có quá nhiều ổ gà" - ông Yên, chồng bà Thành, nhận xét.

Tại trạm thu phí BOT Tân Phú nằm trên Quốc lộ 20 (thuộc địa bàn huyện Tân Phú), vừa gặp chúng tôi, anh Phạm Nguyễn Nhật Minh (39 tuổi, tài xế xe tải chở hàng tuyến TP HCM - Ðà Lạt) nói từ cuối tháng 10- 2020 đến nay, mặt đường bắt đầu xuống cấp khiến nguy cơ tai nạn tăng cao.

Riêng ban đêm nơi đây như chiếc bẫy rình rập người đi đường khi hệ thống đèn chập chờn. Vì vậy, không ít vụ tai nạn đã xảy ra. "Phải mạnh tay với nhà đầu tư coi thường an toàn giao thông kiểu này mới mong người dân, tài xế chúng tôi an tâm" - anh Minh đề nghị.

Ám ảnh chết chóc bên những trạm thu phí bỏ hoang - Ảnh 1.

Mặt đường quanh trạm thu phí Quốc lộ 1K xuống cấp nghiêm trọng, chực chờ gây họa

Ðịa phương và ngành chức năng cùng lên tiếng

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, cho biết trạm thu phí cầu Ðồng Nai và trạm thu phí trên Quốc lộ 1K dừng thu, chính quyền TP Biên Hòa đã nhiều lần kiến nghị lên UBND tỉnh về hàng loạt vấn đề như mất an toàn giao thông, đường xuống cấp, ô nhiễm môi trường và hệ thống đèn chiếu sáng không ổn định để yêu cầu nhà đầu tư khắc phục.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Ký, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú, cho rằng việc nhà đầu tư BOT Tân Phú "bỏ trống" việc bảo trì, duy tu trạm đã dẫn tới hệ quả là một số vị trí mặt đường khu vực trạm có dấu hiệu hư hỏng, đất đá rơi vãi trên đường chưa được dọn dẹp... "Tại khu vực trạm này đã ghi nhận 2 vụ tai nạn khiến 2 người đi xe máy bị thương liên quan những bất cập kể trên sau khi trạm dừng thu phí, dừng bảo trì. Huyện đã kiến nghị UBND tỉnh về các vấn đề đó" - ông Ký cho hay.

Ông Não Thiên Anh Minh, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Ðồng Nai, cho hay sau khi 3 trạm thu phí BOT nói trên tạm dừng hoạt động thì lưu lượng và mật độ phương tiện tăng cao khiến tình hình trật tự ATGT và tai nạn giao thông diễn biến phức tạp. Cụ thể, lưu lượng xe theo hướng Quốc lộ 51 đi cầu Ðồng Nai đã tăng 30%-40% so với trước đây, trong khi công tác bảo trì, duy tu mặt đường không được thực hiện. "Như vậy là không ổn" - ông Não Thiên Anh Minh nhấn mạnh.

Điều đáng nói, theo ông Minh, nguyên nhân dẫn đến 2 vụ tai nạn nghiêm trọng ở trạm thu phí cầu Ðồng Nai là do tại thời điểm xảy ra, hệ thống đèn cảnh báo tại trạm hoạt động không ổn định.

Từ những bất cập trên, cũng theo ông Minh, Ban ATGT tỉnh Ðồng Nai đã kiến nghị Tổng cục Đường bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tăng cường các biện pháp bảo đảm ATGT, tăng cường hệ thống chiếu sáng khu vực trạm vào ban đêm, thường xuyên duy tu, sửa chữa hư hỏng mặt đường, hệ thống biển báo, cảnh báo, vạch sơn... cũng như thực hiện đầy đủ công tác vệ sinh môi trường tại khu vực các trạm BOT đã tạm dừng khai thác nêu trên. "Ban ATGT tỉnh đã gửi Tổng cục Đường bộ nhưng chưa nhận được phản hồi. Sắp tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị gửi Bộ Giao thông Vận tải giải quyết, tháo gỡ các vấn đề trên" - ông Minh khẳng định. 

Nan giải

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Ðường bộ, các trạm thu phí nói trên nằm trong số 9 dự án BOT đang tạm dừng thu phí chờ xác lập quyền sở hữu toàn dân. Tổng cục Ðường bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ IV tiếp nhận bảo quản các dự án sau khi dừng thu phí do nhà đầu tư BOT đã không làm công tác quản lý bảo trì tuyến đường.

Nguyên nhân là do các dự án này đang gặp vướng mắc về cơ chế bảo trì những dự án BOT bị dừng thu phí. Trong đó, vướng mắc lớn nhất về thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân. Khi chưa xác lập được quyền sở hữu toàn dân và chuyển giao tài sản từ nhà đầu tư BOT về cho nhà nước quản lý thì không thể bố trí vốn ngân sách để làm công tác bảo trì. "Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn tháo gỡ vấn đề này" - ông Cường cho biết.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo