xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ HUỲNH TẤN PHÁT (15.2.1913 - 15.2.2023): Nhà cách mạng tài năng, dũng cảm

TRỊNH MINH GIANG

Những lời ca ngợi đồng chí Huỳnh Tấn Phát rất nhiều, đó thực sự là những khẳng định về tầm vóc, tư cách và đóng góp của ông đối với sự nghiệp cách mạng nước nhà

Khi kể về những hoạt động rất sôi động, ý nghĩa nhưng không kém phần mạo hiểm của ông Huỳnh Tấn Phát và các đồng chí của mình, nhà cách mạng Huỳnh Văn Tiểng có lần nhận xét: "Anh Phát say mê tham gia nhiều công việc với trái tim đầy nhiệt huyết".

Được yêu mến, kính trọng

GS Trần Văn Giàu, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, từng khái quát: "Trong tổ chức Thanh niên Tiền phong, Huỳnh Tấn Phát là một người sáng lập, lãnh đạo có năng lực, có nhân cách. Ít nói nhưng khi nói thì được nhiều người nghe theo; ít trình diện trước đám đông mà khi ra mắt đồng bào thì lời lẽ sáng tỏ, hùng hồn, lôi cuốn. Con người Huỳnh Tấn Phát tự nhiên thu hút, gây cảm tình. Gương mặt, nụ cười, tướng đi, cử chỉ bình thường… vẽ lên một con người khiêm tốn, đoàn kết. Con người ấy là một con người chân thành cách mạng, hoạt động vì lý tưởng độc lập, xã hội chủ nghĩa mà không vướng bất kỳ quyền lợi cá nhân ích kỷ nào. Có năng lực, có nhân cách, được yêu mến và kính trọng bởi tài nghệ và hoạt động".

Một hoạt động cách mạng rất đặc sắc của ông Huỳnh Tấn Phát là làm báo. Nhận thấy vai trò thức tỉnh và cổ động quần chúng, sau nhiều lần trao đổi với những người cùng chí hướng, ông đóng cửa văn phòng kiến trúc sư, gom hết tiền dành dụm, mua lại manchette tờ báo công khai Thanh Niên (ra đời từ tháng 9-1941, đã qua 2 đời chủ nhiệm) năm 1943. Số đầu tiên của tuần báo Thanh Niên do ông đứng tên chủ nhiệm phát hành ngày 7-8-1943, lập tức tạo tiếng vang lớn trong giới trí thức.

Nhà nghiên cứu Bằng Giang, người từng tham gia hoạt động với tuần báo Thanh Niên, sau này đúc kết: "Từ tháng 9-1941 đến 9-1944, Thanh Niên đã trải qua 3 đời chủ nhiệm nhưng về sau, có nhắc đến nó thì người ta chỉ còn nhớ giai đoạn tờ báo ở trong tay người chủ nhiệm sau cùng Huỳnh Tấn Phát".

GS Trần Văn Giàu cũng từng nhận xét: "Tôi nhận thấy Huỳnh Tấn Phát là một trong những anh em có công nhất trong việc tổ chức các lớp huấn luyện ở Sài Gòn năm 1945. Đó là có đủ can đảm và khôn khéo để cho một bộ phận quan trọng của Tuyên huấn Đảng trước cách mạng được thành công trọn vẹn. Chủ nhà như Huỳnh Tấn Phát, trưởng lớp như Huỳnh Văn Tiểng, học viên mẫu mực như Nguyễn Việt Nam, Trương Công Cán, Vương Văn Lễ… và đằng sau họ là bao nhiêu nhà đại trí thức khác cỡ Phạm Ngọc Thạch, Lưu Văn Lang, Phạm Thiều… là những tay thợ trực tiếp và gián tiếp xây đài khởi nghĩa Tháng Tám ở Sài Gòn, Nam Bộ".

110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ HUỲNH TẤN PHÁT (15.2.1913 - 15.2.2023): Nhà cách mạng tài năng, dũng cảm - Ảnh 1.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát thăm phá Tam Giang (tỉnh Thừa Thiên - Huế) sau một trận bão lụt. Ảnh: TƯ LIỆU

Người trí thức - cộng sản kiên cường

Tài năng và những đóng góp của nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát gắn liền với tinh thần dũng cảm của ông.

Trong bài "Nhân vật Huỳnh Tấn Phát" trên tuần báo Văn Nghệ ngày 14-11-1946, nhà báo Dương Tử Giang đã viết: "Còn nhớ năm nọ, báo Ngày Nay tán dương cử chỉ một sinh viên Khoa Kiến trúc Hà Nội, vì can thiệp giùm một anh phu xe phải cẩm phạt mà bị viên cảnh sát trưởng giam ở bót. Cậu sinh viên ấy là Huỳnh Tấn Phát".

Theo nhà báo Dương Tử Giang, "Với đức hy sinh, lòng gan dạ ấy, ta có thể đoán cậu sinh viên Phát tất phải khác hơn các bạn ít nhiều. Thay vì đi học để mong sau làm quan làm giàu, cậu có thể rẽ bước vào đường chông gai, nhất là vì cậu và đồng bào đã sống - và còn đang sống - dưới chế độ chính trị không hợp với công lý và nhân đạo. Quả là người ta đoán không lầm".

Nếu không can đảm thì ông Huỳnh Tấn Phát có thể an phận với công việc kiến trúc sư, vốn đem lại danh vọng, tiền tài không nhỏ. Nhưng ông đã dấn thân vào con đường tranh đấu. Từ tuần báo Thanh Niên, ông tham gia tổ chức và xây dựng lực lượng Thanh niên Tiền phong, trực tiếp làm công tác vận động trí thức. Việc tổ chức các lớp huấn luyện ở Sài Gòn năm 1945 mà GS Trần Văn Giàu kể được thực hiện ngay tại ngôi nhà của ông có thể xem là một sự dũng cảm khi xung quanh mật thám luôn rình rập.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có lần kể: "Sau Hiệp định Genève, anh Phát đã tình nguyện ở lại miền Nam và xung phong trở về Sài Gòn mặc dù anh là một cán bộ có tên tuổi, từng bị tù đày, công an mật thám đã nhẵn mặt. Đã mấy lần tôi gặp anh đi trên đường Galliéni (nay là Trần Hưng Đạo) với chiếc xe Mobylette xanh cũ kỹ. Thật là mạo hiểm! Lập tức tôi nhắn gặp anh tại nhà kỹ sư Trần Lê Quang (sau này làm Bộ trưởng Giao thông Công chánh cho chính quyền Ngô Đình Diệm) bàn với anh giao cơ sở cho người khác phụ trách, còn anh phải kiên quyết rút ra vùng giải phóng để chỉ đạo vào nội thành. Vốn là một cán bộ có kỷ luật nhưng tình hình đang căng thẳng cần thêm nhiều cán bộ, nên anh vẫn đề nghị ở lại nội thành".

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát thực sự là một nhà cách mạng tài năng, dũng cảm. Những lời ca ngợi ông còn rất nhiều, đó thực sự là những khẳng định về tầm vóc, tư cách và đóng góp của ông đối với sự nghiệp cách mạng nước nhà, như: "Nhà trí thức cách mạng đáng kính phục" (Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh), "Trí thức tiêu biểu, đấu tranh kiên cường, khiêm tốn, bình dị" (Thượng tướng Trần Văn Trà), "Người trí thức - cộng sản kiên cường" (nhà cách mạng Trần Bạch Đằng)… 

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15-2-1913 tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Bến Tre); mất năm 1989. Năm 18 tuổi (1931), sau khi tốt nghiệp Trường Pétrus Ký (Sài Gòn), ông ra Hà Nội và thi đậu vào Trường Mỹ thuật Đông Dương (khóa 9). Năm 1936, ông tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc và trở thành kiến trúc sư.

Ông từng giữ các chức vụ: Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo