xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xuất chúng Nguyễn Thị Lê

Bài và ảnh: HÀM CHÂU

Chị là phụ nữ Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học tại Liên Xô (cũ), được tặng Giải thưởng Kovalevskaya, rồi Giải thưởng Hồ Chí Minh

Năm 1954, một mình Nguyễn Thị Lê từ quê nhà Tam Kỳ, Quảng Nam tập kết ra Bắc, đến năm 1960, Lê gặp lại cha mình tại Hà Nội khi ông bí mật ra Bắc dự Đại hội III của Đảng. Năm ấy, Nguyễn Thị Lê 20 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường ĐH Tổng hợp, được giữ lại trường làm trợ lý.

Nhà ký sinh trùng học nổi tiếng Đông Nam Á

Những năm ở trường, Lê thường cùng thầy Đào Văn Tiến và các anh trong Khoa Sinh học đi khắp các vùng cao để điều tra cơ bản. Thầy Tiến chú ý những loài thú nhỏ. Anh Đặng Ngọc Thanh quan tâm đến tôm cua, thân mềm. Anh Võ Quý sưu tầm các mẫu chim. Lê thì tìm các loài sán lá.

GS-TSKH Nguyễn Thị Lê
GS-TSKH Nguyễn Thị Lê

Chị thường xuyên đặt chân lên đỉnh đèo Phạ Đin mây mờ che phủ, ngắm cánh đồng Mường Thanh lúa chín rực vàng, nghỉ đêm trong nông trường Hồng Cúm. Phạ Đin trong tiếng Thái có nghĩa là trời liền đất. Phạ Đin có “cổng trời” nơi chóp đỉnh.

Rồi bước chân chị cùng đoàn qua “Lạng Sơn những đồi lộng gió”, đi dọc theo “sông Kỳ Cùng ào ào sóng đổ”, rồi vượt Na Sầm, Thất Khê, Đông Khê, ngược “Cao Bằng đèo lên cao vút”. Hôm đó, đoàn điều tra dừng bước bên hồ Ba Bể. Sáng, cả đoàn xách súng đi săn. Chiều, ngồi định loại các con thú, con chim bắn, bẫy được. Sau đó mới thật sự đến việc chị Lê làm: mổ thịt và nội quan con vật, tìm sán lá ký sinh. Soi kính lúp, thấy chúng lấm tấm như hạt gạo, thon, nhọn, mảnh như chiếc lá bé tí ti. Cái loài quái ác ấy thường sống bám vào ruột, thận, gan, ruột non, túi mật con vật chủ. Cũng có khi chúng náu dưới mí mắt, ở khớp xương, xoang mũi, cơ não... Nguy hại khôn lường! Nghiên cứu về chúng sẽ giúp nhiều cho việc phòng, chữa bệnh ở người và gia súc, gia cầm.

Nhiều đêm, khi cả đoàn yên giấc, trên ngôi nhà sàn người Tày, bên bếp lửa bập bùng rọi sáng, chị Lê ngồi mổ rã cả tay. Trong đoàn chỉ một mình chị là phụ nữ, nếu để đến sáng hôm sau thì xác chim, thú sẽ ươn.

“Chim trời, cá nước, cây rừng”, xưa chẳng ai biết chắc, nay hầu hết đã được đặt tên Latin, mô tả tỉ mỉ, rồi xếp thành ngành, lớp, bộ, họ, giống, loài, loài phụ. Giờ đây, tìm ra một loài mới được coi là “sự kiện”. Theo Bộ Luật Quốc tế về danh pháp động vật và thực vật thì ai khám phá ra loài mới ấy sẽ có quyền lấy họ mình đặt ngay sau cái tên “đứa con” mà mình “hiến dâng” cho khoa học. Một nhà sinh học đã cảm thấy tự hào khi cả đời tìm được chỉ một loài mới mà thôi!

Vậy cái khó ở đâu? Chính là ở chỗ: Phải biết chắc tất cả các giống, loài từng được phát hiện, mô tả, đặt tên và công bố trên khắp thế giới, khi đó mới vững tin để so sánh với mẫu vật mình vừa phát hiện và khẳng định nó có phải là mới thật hay không. Nếu vội vàng quả quyết cái mình tưởng là mới, ắt sẽ bị giới sinh học quốc tế thẳng thừng bác bỏ!

Cho nên bản luận án tiến sĩ khoa học của chị Nguyễn Thị Lê mới được đánh giá cao. “Một nhà ký sinh trùng học nổi tiếng Đông Nam Á”. Đó là lời đánh giá chính thức của Viện Nghiên cứu giun sán thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ) dành cho Nguyễn Thị Lê.

Mãi lưu danh trong văn liệu sinh học toàn cầu

Ta hãy cùng nhau đọc lướt qua bản luận án nói trên trong nguyên văn tiếng Nga (không có bản dịch tiếng Việt) và dừng lại ở những dòng tên Latin. Đầu tiên là dòng Dictyonograptus babeensis Nguyen, 1978: Rattus fulvescens. Chữ “Nguyen” (không dấu) ở đây là họ Nguyễn của chị Lê. Chị là người đầu tiên trên thế giới phát hiện và mô tả loài động vật ấy nên chị có quyền đặt tên cho nó; và họ Nguyễn của chị mãi gắn liền với cái tên Latin kia, mãi lưu danh trong văn liệu sinh học toàn cầu.

Và, trước từ “Nguyen”, tại sao lại có từ “babeensis”?

Hôm ấy, đoàn điều tra dừng lại bên hồ Ba Bể. Buổi tối, chị Lê mổ một con chuột rừng (tên khoa học là Rattus fulvescens) do chị bẫy được ở khu rừng xanh dưới chân núi Pi-a Bi-oóc. Trong gan chú chuột có một con sán lá hình thù hơi lạ. Ngâm vào cồn 80 độ, chị mang về Hà Nội, nhuộm, lên tiêu bản, soi kính hiển vi, để thấy rõ nội quan con vật và đo kích thước. Chị biết ngay con sán lá bé tí ti kia thuộc giống Dictyonograptus. Giống này trên thế giới chỉ mới tìm thấy 1 loài, được mô tả lần đầu ở Brazil nhưng sau đó chưa ai tìm thấy lại ở nơi nào khác. Loài chị Lê phát hiện là loài thứ 2. Để mãi ghi nhớ địa danh Ba Bể, nơi tìm thấy nó, chị đặt tên Latin là Dictyonograptus babeensis Nguyen, 1978: Rattus fulvescens. Từ “babeensis” là biến thể Latin của địa danh “Ba Bể”. Khám phá loài mới này từ 1968 nhưng phải 10 năm sau, khi đã sang Moscow, có trong tay đủ thông tin, chị mới dám công bố.

Chị cũng là người đầu tiên tìm thấy loài thứ ba của giống nói trên - ký sinh trên chuột cống - và đặt cho nó cái tên Latin: Dictyonograptus vietnamensis Nguyen, 1978: Rattus rattus. Từ “vietnamensis” là biến thể của “Việt Nam”. Chị còn tìm thấy một loài mới sống gửi trên gà lôi ở Lạng Sơn, trong những năm Mỹ đánh phá ác liệt, đặt cho nó cái tên: Platynotrema langsonensis Nguyen, 1968: Lophura nycthemera. Từ “langsonensis” là biến thể của “Lạng Sơn”. Để tưởng nhớ cố GS Đặng Văn Ngữ, nhà ký sinh trùng học Việt Nam đầu tiên, chị lấy họ Đặng của ông đặt tên cho một loài mới ký sinh trên khỉ, do chị và tiến sĩ người Nga Sudarikov phát hiện: Platynotrema dangy Nguyen et Sudarikov, 1977, Macaca rheus. Từ “dangy” là biến thể của họ Đặng.

Nếu đọc tiếp bảng tên Latin, ta sẽ còn nhiều lần bắt gặp những từ Nguyen, vietnamensis, vietnamense... Tất cả các giống, loài, loài phụ mới do chị tìm ra đều được cộng đồng sinh học quốc tế công nhận, sau khi đã đối chiếu, kiểm tra kỹ lưỡng.

Với những đóng góp xuất sắc cho khoa học, GS-TSKH Nguyễn Thị Lê - nguyên Chủ tịch Hội Ký sinh trùng học Việt Nam - đã được tặng Giải thưởng Kovalevskaya rồi Giải thưởng Hồ Chí Minh (cùng tập thể nghiên cứu).

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-1

 

Chị là người đầu tiên tìm thấy ở chim, thú Việt Nam 305 loài sán lá, trong đó có 106 loài mới đối với khu hệ sán lá Việt Nam, 91 loài tìm thấy ở vật chủ mới. Trên mẫu vật Việt Nam, chị phát hiện 1 giống mới (thuộc họ phụ mới), 17 loài mới, 3 loài phụ mới đối với khoa học.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo